April 20, 2024, 4:13 pm

Chút tình sông nước

Sinh ra và lớn lên nơi miền quê kênh ngòi chằng chịt, vậy mà mỗi lần được trở về bên sông nước, những xúc cảm trong tôi cứ dào dạt chảy trôi như thuở nào.

Sớm nay, trước dòng Hậu Giang lặng lờ, đâu đó trong tôi lại vang lên lời hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà, con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi…”. Muôn đời sông vẫn thế, lặng lẽ và dịu dàng. Mấy ai được chôn nhau cắt rốn nơi này lại không đong đầy kỷ niệm với những bến sông…

Ngồi trên chiếc xuồng ba lá, tiếng mái chèo tách nước nhịp nhàng, khe khẽ của ông lái đò đã ngoài sáu mươi khiến lòng tôi an nhiên lạ kỳ. Trời đất vẫn đắm chìm trong hơi sương đùng đục, khói sóng tỏa mênh mang khắp dòng tựa hồ mơ ảo. Chợ nổi họp từ khi ấy, trước cả ánh bình minh chậm chạp ló lên từ phía xa cây cầu bắc ngang dòng.

Chợ nổi nhộn nhịp hơn cả sự tưởng tượng của tôi. Tiếng máy nổ xuôi ngược, tiếng rao hàng í ới, tiếng trao đổi, ngã giá, mặc cả… cứ thế làm rộn rạo cả dòng nước. Sóng vỗ mạnh, dập dờn mỗi khi có chiếc ghe lớn chạy qua, đủ để những vị khách lần đầu đến chợ nổi hồi hộp, thích thú. Tôi khẽ nghiêng người với tay xuống mặt nước gợn lăn tăn, hứng đầy hai bàn tay nước hất lên mặt. Tôi rời quê lên phố nhiều năm. Nỗi nhớ về sông nước cứ đằm thắm dịu dàng như nhớ về một người con gái quê trong chiếc áo bà ba, nón lá đội đầu, chốc chốc lại ngả nón xuống, bàn tay cầm hờ vành nón hất nhẹ làm quạt mát, khẽ làm bay bay vài sợi tóc mai mới vừa rồi còn dính bệt mồ hôi bên đôi má hồng hồng, mặn mòi hương phù sa.

Cùng ngắm bình minh trên sông, cùng khỏa nước, chụp vài bức ảnh. Nhiều cặp tình nhân tìm đến nơi này bởi sự thơ mộng và mộc mạc của sông nước. Nhìn họ tôi lại mơ. Ngỡ rằng, trên chiếc xuồng ba lá hôm nay, tôi cũng không hề đơn độc. Người bạn thuở thiếu thời như đang ngồi bên cạnh, bạn sẽ vọc nước, sẽ té hất vào mặt tôi như thuở nào. Những tưởng tượng mông lung cứ thế chiếm lấy tôi. Và kia, những ghe hàng đầy ăm ắp trái cây đang dập dìu nối đuôi trên mặt nước. Chúng tôi sẽ chèo đến những hoa trái đang dập dờn, lơ lửng, nổi chìm trên sông và vớt lên xuồng. Tôi tưởng được ánh mắt háo hức và mừng quýnh của bạn như một đứa trẻ vớ được quà ngon. Chúng tôi sẽ gọi chiếc xuồng có cô lái đò với đôi cánh tay khỏe khoắn đang đứng xô mái chèo nhịp nhàng, sẽ mua hai tô bún nước lèo thơm mùi mắm bốc khói nghi ngút để hít hà, sẽ chèo tới bà cụ hàng nước chân giữ nhịp chèo, tay khéo léo pha nước… để cùng nhau nhâm nhi ly cà phê quyện hương theo gió sộc vào mũi, rồi cùng nhau…

Mái chèo cứ nhè nhẹ tách nước, lòng tôi gợn lên bao suy nghĩ mông lung. Và tiếng rao hàng khiến mắt tôi rươm rướm. Tôi thấy nhớ mẹ nao lòng. Bóng mẹ trong dáng lưng cong cong, trong chiếc khăn rằn quấn trên đầu loang loáng dưới mặt nước. Những tinh sương thế này của nhiều năm về trước, mẹ cũng chèo chiếc xuồng ra ngôi chợ ngay mô cầu ngã ba sông để bán cá. Mẹ rao cá dài theo đoạn đường để tranh thủ bán cho mau hết. Những thau cá của mẹ và cả những khoang hàng của các mẹ ở trên bến sông này đã nuôi bao đứa con bước vào giảng đường. Tôi thấy ngậm ngùi, mắt cay xè nhớ đến những câu thơ của Tú Xương: “Quanh năm buôn bán ở mom sông” và “Eo sèo mặt nước buổi đò đông”. Bà Tú còn may mắn lắm vì bà đang mưu sinh trên đất liền và buổi đò có đông, có chẳng may bị chìm, thì bà tệ lắm cũng chỉ không bán được hàng. Còn những người phụ nữ bán buôn lênh đênh trên sông nước như mẹ tôi, như bao người phụ nữ đang sải tay khua mái chèo nơi đây còn gặp biết bao rủi ro nguy hiểm hơn. Sông thì rộng và sâu, đò thì nhiều và chở đầy. Nhưng dường như bản lĩnh sông nước đã từ lâu trở thành một vẻ đẹp và một phần phẩm chất của người phụ nữ Nam bộ.

Cứ thế, trong lòng sông dài rộng, tôi mải miết với vùng quê vừa quen vừa lạ. Chợt nghĩ, từ thuở hồng hoang cha ông mang gươm đi mở cõi, mảnh đất phương Nam đã níu chân người ở lại bởi cảnh tình sông nước mênh mang. Trải qua bao nếp đời, dần dà hình thành nên nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đó có những cái chợ nổi như thế này.

Nếu ai chưa một lần đi trên những chiếc xuồng ba lá chòng chành trên sóng thì chưa phải người con của xứ miệt vườn.

Nghĩ vậy, lòng dâng lên niềm tự hào, xúc động…

 

Nguồn Văn nghệ số 51/2016


Có thể bạn quan tâm