March 28, 2024, 7:37 pm

Chương trình mới, sách mới và nỗi lo “mê hồn trận” sách giáo khoa

 

Trong thời gian qua, vấn đề sách giáo khoa đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm, từ việc quy định một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đến việc độc quyền in ấn, xuất bản, phát hành, tăng giá sách giáo khoa… đã và đang tạo tâm lý hoang mang  về một “mê hồn trận” sách giáo khoa cho những phụ huynh có con em  bước vào những lớp đầu cấp, đối tượng Chương trình sách giáo khoa mới hướng tới mà còn cho chính những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các bậc học này. Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất về đợt thẩm định sách giáo khoa lớp 1 đầu tiên diễn ra hồi đầu tháng 9, và sẽ được công bố kết quả vào đầu tháng 10 cho thấy, những lo lắng nói trên là hoàn toàn có cơ sở.

*Theo khảo sát, hiện nay có nơi thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày đạt 80% nhưng có nơi mới chỉ thực hiện được 20%. Do đó, việc tiến tới dạy học 2 buổi/ ngày cho chương trình mới nhiều nơi còn gặp khó khăn.

*Luật giáo dục năm 2019 yêu cầu giáo viên phải có trình độ tốt nghiệp đại học, nhưng hiện nay, mới chỉ có trên 60% giáo viên đáp ứng được yêu cầu này. Gần 35% số giáo viên chưa đạt chuẩn cần được tăng cường đào tạo còn một tỷ lệ nhỏ giáo viên trình độ trung cấp, cao đẳng sắp về hưu. Hiện các địa phương đã rà soát để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo đáp ứng thực hiện chương trình mới.

Điều 32 của Luật mới quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách, việc xuất bản sách thực hiện theo quy định của pháp luật. Ảnh Internet

Từ chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ sách”

Gs Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình sách giáo khoa mới, từng khẳng định, việc thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế nhiều nước tiến bộ. Nhiều người vẫn hiểu nhầm sách giáo khoa là chương trình nên lo ngại. Nhưng chương trình giáo dục phổ thông là văn bản quy phạm pháp luật, được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, sách giáo khoa chỉ là tài liệu để thầy trò thực hiện yêu cầu của chương trình. Các tổ chức cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa đều phải bám sát chương trình và được thẩm định, cho phép mới phát hành.

Như vậy, có thể hiểu, một chương trình "Thống nhất"  nghĩa là thống nhất về mục tiêu, về chuẩn kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra. Do đó, bất kỳ một bộ sách giáo khoa nào được tổ chức, nhóm tác giả biên soạn đều phải bám sát quy tắc bất di bất dịch này.  Tuy nhiên với việc thẩm định sách giáo khoa theo yêu cầu “bám sát chương trình " như lâu này vẫn áp dụng đã khiến nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng, việc thẩm định như hiện hành là một quy định cứng nhắc, cơ học. Cụ thể,  với từng môn học, hội đồng thẩm định sẽ thực hiện theo một  bộ khung có sẵn bao gồm: Quy định chi tiết nội dung, trình bày, độ dài ngữ liệu… việc làm này vô hình chung hạn chế  sự sáng tạo của người viết sách, giống như việc nhiều người cùng gói bánh chưng với nguyên liệu như nhau, cùng dùng duy nhất một cái khuôn có sẵn, sẽ cho ra hàng loạt bánh chưng giống nhau, cả về hình dáng lẫn lượng và chất. Sách giáo khoa cũng vậy thực chất sản phẩm của quá trình thẩm định cũng chỉ là hướng đến "một bộ sách giáo khoa". Những bất cập trong viết sách giáo khoa, sử dụng sách giáo khoa, nên hay không nên dùng bộ sách chỉ trong một năm học đã trở thành đề tài gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Và đỉnh điểm là những ngày đầu tiên của tháng 9, khi bộ sách Công nghệ giáo dục do Gs Hồ Ngọc Đại chủ biên, một bộ sách nếu không so sánh về mặt chất lượng với sách giáo khoa do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ biên, Nxb Giáo dục  ấn hành thì cũng đã có thâm niên  hơn 40 năm, độ phủ sóng trên 40 tỉnh thành trong cả nước, đã không vượt qua vòng thẩm định đầu tiên của Hội đồng thẩm định Quốc gia.

Nguyên nhân được chỉ ra là có tới 300 điểm không phù hợp với chuẩn khung chương trình đã được “thống nhất” trước đó. Và Hội đồng thẩm định yêu cầu Gs Hồ Ngọc Đại chỉnh sửa, bám sát theo thông tư 33/2017/TT-GDĐT, quy định tiêu chuẩn sách giáo khoa, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa cũng được các cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị sẵn sàng. Thông tư 33 được xem là bước chuẩn bị đầu tiên của Bộ chủ quản trước khi Luật Giáo dục được thông qua vào ngày 14/6/2019 và chính thức có hiệu lực vào 1/1/2020. Trong đó, Điều 32 của Luật mới quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách, việc xuất bản sách thực hiện theo quy định của pháp luật.

UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Theo quy định 32, thì sách Công nghệ giáo dục cần phải được tổ chức đánh giá lại, dựa theo những kết quả thực tiễn của việc giảng dạy bộ sách này tại trên 40 tỉnh thành trong cản nước. Việc học sinh không tái mù, tiếp nhận được kiến thức trong sách giao khoa hàng chục năm qua đủ cho thấy không có độ vênh trong kiến thức đối với sách giáo khoa công nghệ giáo dục.

Một bộ sách theo chuẩn khung “thống nhất” là một chủ trương đúng, nhưng yếu tố vùng miền, trình độ dân trí hiện chưa đồng đều, thì việc áp dụng chuẩn có phần cứng nhắc sẽ khiến cho việc dạy và tiếp thu kiến thức của học sinh trở nên thụ động. Chưa kể, còn là nguyên nhân của tình trạng loạn kiến thức trong việc ra đề thi cuối cấp và kỳ thi cấp quốc gia hai trong một xảy ra khá phổ biến hiện nay.

 

Đến nỗi lo của những người làm thầy

Nhiều người đã đổ cho tình trạng này, là do Việt Nam chưa có triết lý giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình giải thích: “Trong bản giải trình của Thường vụ Quốc hội ghi rất rõ là triết lý giáo dục của chúng ta luôn luôn thể hiện bốn tính chất đó là nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Bốn tính chất này xuyên suốt, khống chế toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta”.

Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các địa phương xác định một trong những vấn đề cốt lõi để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là đội ngũ giáo viên. Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới quy định cấp tiểu học 2 buổi/ ngày với yêu cầu 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, hiện nay, toàn ngành có gần 400.000 giáo viên, trung bình 1,4 giáo viên/lớp. Vì thế, Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu các địa phương chưa bố trí đủ giáo viên triển khai đề án tuyển dụng, cơ cấu đủ giáo viên cho các môn học, đặc biệt là các môn bắt buộc theo chương trình mới như: Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Cụ thể, thời gian qua, Bộ đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học, đó được xem là những cơ sở quan trọng cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới tới đây. Song, đứng ở góc độ giảng dạy, chương trình mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành mà các thầy cô đang dạy. Một số môn học mới được hình thành, một số môn học hiện hành đã được gộp chung lại thành những môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở, việc triển khai giảng dạy vì thế sẽ nảy sinh không ít bất cập. Thứ nhất, bất cập về yếu tố con người, một số vùng trung tâm như Đồng bằng Bắc bộ, một số tỉnh biên chế còn nhưng khó tuyển giáo viên đặc biệt là các môn như Tiếng Anh, Tin học. Nguyên nhân không phải nguồn tuyển thiếu, mà do mức lương thiếu cạnh tranh với các lĩnh vực khác. Thứ hai là do trình độ gáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa còn bất cập. Chưa kể, gần đây, trong chương trình Bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới do trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, thì Gs, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông, Chủ biên chương trình môn Toán đã chia sẻ nhiều điều về chương trình mới “Cần phải giúp giáo viên hiểu được, dù ở bất cứ cấp học nào, nếu hiểu được ý tưởng của chương trình sẽ tạo cho họ niềm tin Nhưng, điều cốt lõi bây giờ là có nhiều giáo viên chưa đọc qua chương trình môn học mà mình sẽ dạy trong các năm tới đây. Được biết, mỗi chương trình một môn học có hàng trăm trang giấy A4, đọc được hết chương trình, nắm được nội dung cốt lõi của nó sẽ mất nhiều thời gian mà thực sự nó mới chỉ nằm trên wesite của Bộ và các trang báo cài sẵn địa chỉ trong một số ngày nhất định, giáo viên muốn đọc thì tải về. Song để việc tải, đọc chương trình mới quả thực hông phải ai cũng có thể làm được. Đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa hẳn không dễ dàng. Chỉ còn 1 năm học nữa thôi là sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, nếu Bộ không có những định hướng cụ thể để đưa nội dung chương trình mới đến với giáo viên e rằng sẽ chậm và việc đổi mới cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Nguồn Văn nghệ số 39/2109

 

 


Có thể bạn quan tâm