April 26, 2024, 4:57 am

Chương trình giáo dục phổ thông Ngữ văn mới: Không nên quy định cứng 6 tác phẩm bắt buộc

 

Không nên quy định cứng 6 tác phẩm bắt buộc trong chương trình giáo dục môn Ngữ Văn mới, là nội dung đã được Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương rút ra tại cuộc tọa đàm Góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, với sự tham gia của Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới và nhiều chuyên gia, nhà khoa học diễn ra  tại Hà Nội.  Nhiều vấn đề mang tính cốt lõi của chương trình mới môn Ngữ văn đã được đưa ra góp ý, thảo luận.

Thực tế những năm gần đây, do sự bất cập của chương trình nói chung và môn Ngữ văn nói riêng đã xuất hiện tình trạng học sinh chán học Văn, quay lưng lại với môn Văn. Do đó đặt lên vai những người biên soạn chương trình, sách giáo khoa những trách nhiệm nặng nề: Làm thế nào để đổi mới môn Văn trong nhà trường để bắt kịp với những tiến bộ về văn chương, vừa đảm bảo được khả năng định hướng về mặt thẩm mỹ, tư tưởng, văn hóa cho những công dân tương lai của đất nước, làm thế nào để “kéo” học sinh lại với môn Ngữ văn, để môn Ngữ văn thực sự là một môn học bố ích và được học sinh yêu quý, say mê.

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới được biên soạn công phu gồm 124 trang, bao gồm 8 mục (đặc điểm môn học, quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình, đánh giá kết quả giáo dục, giải thích hướng dẫn thực hiện chương trình) kèm theo tài liệu tham khảo và phần phụ lục gồm danh mục các ngữ liệu bắt buộc và gợi ý lựa chọn kèm theo chương trình.

Một trong những thay đổi quan trọng của chương trình giáo dục mới là chuyển từ định hướng kiến thức sang định hướng năng lực, nghĩa là thay vì truyền đạt kiến thức chuyên môn khoa học, tiến trình giáo dục sẽ hướng đến việc kiến tạo nên cho học sinh những năng lực phân chia theo những lĩnh vực cụ thể để người học đủ sức giải quyết các vấn đề gặp trong tình huống thực tiễn của đời sống.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học băn khoăn về độ mở của chương trình khi chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là do những người biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, người dạy có quyền tự chọn theo cách hiểu và sự yêu thích, mục đích của mình.

Theo PGS.TS Phạm Quang Long (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), trong 6 tác phẩm được chọn chỉ có riêng Truyện Kiều thuộc thể loại truyện thơ Nôm, 5 tác phẩm còn lại là loại khác. Về nội dung, những tác phẩm đó phù hợp nhưng lại đơn điệu về thể loại. Phần còn lại được Chương trình giới thiệu như những gợi ý mà không bắt buộc. Đối với những tác phẩm dài cũng không gợi ý nên trích đoạn nào, dạy những nội dung gì.

Băn khoăn về việc học gì sẽ thi đó, GS.TS Đinh Xuân Dũng (Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương) cho rằng: Nếu chỉ dừng lại 6 tác phẩm bắt buộc, phần còn lại chỉ là gợi ý, tự chọn tác phẩm tương tự thì khi tốt nghiệp, chắc chắn rằng năm nào cũng chỉ thi trong 6 tác phẩm bắt buộc đó, vì sẽ khó có văn bản nào khác ngoài 6 tác phẩm được tất cả các bộ sách giáo khoa lựa chọn.

“Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nêu quan điểm và đề nghị từ lớp 1 đến lớp 8-9 có thể lựa chọn văn bản hay, xuất sắc phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, không cần theo tiến trình văn học dân tộc. Song từ lớp 9 hoặc lớp 10 chương trình cần sắp xếp theo tiến trình lịch sử văn học. Qua việc lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu, các em có thể hiểu sự phát triển của tư duy, tâm hồn con người Việt Nam và hiểu được lịch sử dân tộc qua văn học.

GS Trần Việt Chung (ĐH Thái Nguyên) cho rằng không nên bó gọn trong 6 tác phẩm là có sự trùng lặp nội dung, mất cân đối giữa văn học trung đại và văn học cận đại, mà nên mở rộng, có tiêu chí rõ ràng giữa mục đích tư tưởng chính trị và các giá trị thẩm mỹ. Mặt khác, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số cần được bổ sung vào chương trình.

Trước đó, Hội nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến các nhà văn, nhà phê bình văn học về nội dung và chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới. Đa số các ý kiến tại hội thảo cũng đã chỉ ra rằng, sự lựa chọn  6 tác phẩm văn học tiêu biểu,  đại diện cho cả một nền văn học Việt Nam  hơn 10 thế kỷ hiện nay là chưa thỏa đáng, chưa bao quát được tiến trình phát triển của văn học nước nhà...

VN


Có thể bạn quan tâm