April 16, 2024, 11:55 pm

Chúng tôi học “Khóa B.52”

Tháng 10/1972, tôi đang dạy học tại trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn thì nhận được giấy báo về Hà Nội học lớp bồi dưỡng sáng tác văn học, tổ chức tại Quảng Bá.

Sau này, lớp học của chúng tôi được gọi là “Khóa B52”. Lớp có khoảng sáu chục học viên, trừ một số ngoại trú, số còn lại được bố trí ăn ở ngay tại trường. Tôi trước đó đã từng về nhận giải thưởng cuộc thi thơ năm 1969, nên đã có dịp thấy một số văn nhân nổi tiếng nước nhà, nhưng với phần lớn học viên, đây là dịp đầu tiên được thấy, được nghe, được trò chuyện với những người mình hằng ngưỡng mộ như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Yến Lan, Nguyễn Quang Sáng… Ngày đó miền Bắc chưa có truyền hình, đài bán dẫn cả lớp cũng không ai có, nên cơm chiều xong chỉ có thể dạo mát, đọc sách, hoặc túm tụm trò chuyện. Tối 18/12, chúng tôi đang ngồi quanh bàn trà thì bỗng nghe tiếng gì giống tiếng đá lăn, tiếng sấm khan… hơn là tiếng nổ. Tất cả yên lặng, cảnh giác. Cảnh Trà nói: “Rất giống tiếng bom B52”. Tôi vừa tin lời Cảnh Trà, bởi anh từng chứng kiến nhiều đợt B52 ở khu vực Vĩnh Linh, nhưng vẫn nghi ngờ vì sao những âm thanh ùng ục kia chẳng giống tiếng bom gì cả? Sáng hôm sau chúng tôi được biết đêm qua Mỹ ném bom Hà Nội. Mấy người đạp xe đến đê Yên Phụ thì thấy bà con thôn An Dương khênh thi thể những người bị nạn lên mặt đê! Rồi đài đưa tin số máy bay Mỹ bị ta bắn rơi. Hai đêm 19 và 20/12, còi báo động liên tục, một đêm không biết mấy lần phải chạy xuống hầm trú ẩn. Nhà thơ Hoàng Cát, thương binh cụt chân ở Quảng Nam từ Tết Mậu Thân, anh dùng chân giả, mỗi khi đi ngủ phải tháo chân giả ra. Loại chân giả thời đó tháo lắp rất lâu, nên khi báo động, anh vùng dậy loay hoay lắp chân, có lúc ra đến cửa hầm thì đã nghe còi báo yên! Chúng tôi bèn tìm rơm lót xuống đáy hầm để Hoàng Cát ngủ luôn dưới đó. Nhưng không chỉ Hoàng Cát, mà cả chúng tôi, hai tối 19 và 20/12 có ngủ được gì đâu, một phần vì báo động liên tục, phần khác quan trọng hơn là bận xem và cổ vũ cho tên lửa của ta đuổi theo máy bay B52. Khởi đầu là khi chúng tôi đang ngồi trong hầm, bỗng thấy sáng rực lên thứ ánh sáng pha màu hồng, rồi nghe những tiếng reo: “Cháy rồi! B52 cháy rồi”! Tất cả chạy ra khỏi hầm, nhìn ngược lên trời, nơi chiếc B52 đang trở thành bó đuốc sáng hồng, vừa rơi vừa quay trong tiếng reo hò vang dội. Từ đó, chúng tôi không xuống hầm nữa, mà mải nhìn lên trời, mong được chứng kiến những cảnh tương tự. Khi vào không phận Hà Nội, B52 bay rất cao, nên ban đêm mắt thường nhìn lên không thể thấy được, mà chúng tôi dõi theo đường bay của quả tên lửa để biết phía B52 đang bay. Quả tên lửa phóng lên, quỹ đạo khá linh hoạt, mắt người nhìn rất rõ. Tên lửa bay trên không trong nhiều giây, bỗng nổ bùng lên. Và cách nơi quả tên lửa nổ không xa là một vụ nổ khác với ánh sáng hồng pha vàng: B52 nổ đấy! Vì B52 bay rất cao, nên bó đuốc ấy vừa quay vừa rơi lâu đến hàng phút, tỏa ánh sáng không chỉ trong không gian Hà Nội mà vào tận từng góc hầm trú ẩn.

Trận địa tên lửa ở Đông Anh - Hà Nội

Sáng 21/12, nhà trường quyết định nghỉ học, học viên sơ tán khỏi trường và đi thực tế. Ở các khóa bồi dưỡng trước, thời gian đi thực tế nằm ở cuối khóa, nhưng ở khóa đặc biệt này, lại nằm giữa khóa, như sau này có người làm thơ “B52 chia đôi khóa học”! Tôi nhớ hôm đó, thầy giáo Nguyễn Xuân Sanh chúc anh em thu thập được nhiều thực tế, viết được nhiều bài, trước mắt đăng báo phục vụ cuộc chiến đấu, sau làm tác phẩm tốt nghiệp. Bỗng giọng thầy Sanh hơi buồn khi nói về nhà thơ Đào Ngọc Vĩnh: “Sức khỏe anh Vĩnh không được tốt lắm, lại không có xe đạp, anh nào có thể lai được thì cho anh Vĩnh đi cùng?”. Tôi với nhà văn Phù Ninh, quê Tuyên Quang đã lập nhóm với nhau rồi, nhưng nghe thầy Sanh nói thế, tôi chủ động nhận thêm Đào Ngọc Vĩnh, vì tôi có chiếc xe đạp Phượng Hoàng rất mới! Thế là với chiếc ba lô, tôi lai Đào Ngọc Vĩnh, đạp xe cùng Phù Ninh lên thị Trấn Phùng. Khi đi qua cửa hàng bánh tôm Hồ Tây, thấy số bàn ghế để bán hàng đã được xếp thành từng đống, vắng ngắt…

Về Đan Phượng, chúng tôi được huyện bố trí cho nơi ăn ở. Ba chúng tôi ở cơ quan huyện vài ngày, tìm đến trận địa gần đó trò chuyện cùng anh em các khẩu đội cao xạ. Ngày thứ ba Đào Ngọc Vĩnh kêu mệt, “các ông đi đâu thì đi chứ tôi chỉ ở đây”. Tôi và Phù Ninh đạp xe về xã Liên Hà vì nghe nói xã này có một đơn vị dân quân có mấy khẩu đội trực chiến trên Bãi Nổi. Cuối tháng 12 trời rét. Gần tối, gió sông Hồng thổi mạnh. Chúng tôi theo khẩu đôi 12 ly 7 ra Bãi Nổi trực đêm. Chúng ta thường nói cuộc chiến đấu này là “cuộc chiến mười hai ngày đêm”, nhưng thực tế máy bay Mỹ chỉ đánh phá vào ban đêm mà không hề đánh ngày. Bên cạnh các khẩu đội, dân quân dựng nhiều lều cỏ, sát miệng hầm, để thay nhau chợp mắt khi yên tĩnh. Những khẩu cao xạ này để bắn các máy bay tầm thấp, chứ còn B52, thì chỉ có… nhìn! Ở Quảng Bá, mắt thường chúng ta chỉ thấy được B52 khi nó đã bị tên lửa bắn cháy, còn ở Bãi Nổi này, tôi đã thấy B52 nguyên vẹn.

Cũng ở xã Liên Hà này, Phù Ninh và tôi trải qua một sự kiện khó quên. Khoảng một giờ sáng, chúng tôi đang ngủ say trong nhà dân bỗng nghe một tiếng nổ kinh khủng và lửa rực sáng cả căn nhà. Thứ ánh sáng này cũng màu vàng đỏ, rất giống thứ ánh sáng khi B52 cháy sinh ra. Chúng tôi chạy ra khỏi nhà thì thấy ngôi nhà dân sát nhà chúng tôi trọ, lửa đang bốc cháy ngùn ngụt. Dân quân kéo đến chữa cháy bằng dụng cụ thủ công nên không hiệu quả. Nhiều người tưởng B52 rơi, nhưng tôi khẳng dịnh không phải, vì B52 rất to, nếu nó rơi xuống đây thì nát cả khu, chứ đâu chỉ cháy một ngôi nhà. Về sau mới biết chính xác là đuôi quả tên lửa của ta đã rơi xuống đấy.

Ở Liên Hà được mấy hôm, nghe tin Hội Nhà văn sơ tán về làng dừa Yên Sở nên tôi rủ Phù Ninh đến chơi. Làng dừa này tôi rất quen, vì thời ở Cục Quân báo, đã hai năm tôi đóng quân ở đó. Đường làng lát gạch, bóng dừa ôm ấp không để ánh nắng lọt xuống đầu người.Tôi nhớ, bữa trưa chúng tôi đang ngồi xổm, ăn cơm bên đường gạch thì thấy nhà văn Nguyễn Đình Thi xuất hiện. Ông mặc bộ quân phục hè, vải Tô Châu, rất mới, nai nịt gọn gàng. Ông vừa đạp xe ở trận địa cao xạ về, chúng tôi mời ông ăn cơm, ổng bảo “thì thêm bát đũa vào thôi”, rồi ngồi xuống cùng ăn. Đến bây giờ tôi vẫn không biết được mâm cơm ấy ai dọn ra, và tại sao tôi lại được ngồi ăn ở đó. Trong chiến tranh, mọi thứ đơn giản hơn nhiều!

Đầu tháng 1/1973, nghe tin Mỹ đã dừng ném bom Hà Nội, tôi đạp xe về ngay. Hà Nội vắng lặng, không có hàng quán, chợ búa, nhưng vẫn có một số người đạp xe vội vã và gánh nước về nhà. Qua phố Phùng Hưng, thấy một ngôi nhà cửa gỗ dày, đóng kín, trên cánh cửa có nét viết nguệch ngoạc bằng than, tôi dừng lại đọc: “Con hq qua nhà. Chào mẹ, con đi”! 26/12/72. Tân”. Chắc có người lính tên Tân, hành quân qua nhà, mẹ đã đi sơ tán nên dùng than nhắn lại những lời này. Tôi dừng lại con số 26/12: đêm đó máy bay B52 ném bom khu phố Khâm Thiên và tôi đã nhận được tin một thầy giáo dạy tôi thời phổ thông đã mất ở đó. Chỉ mong cho đơn vị người lính này đêm đó không hành quân về phía Khâm Thiên…

Gần trưa, tôi về đến lớp học ở Quảng Bá, thì gặp khá đông học viên trở về từ các trận địa. Họ thay nhau kể chuyện thực tế nơi mình đến. Ấn tượng đọng lại trong tôi sâu đậm nhất là những chuyện bom Mỹ giết hại đồng bào thôn Uy Nỗ, huyện Đông Anh. Vài hôm sau, biết xác B52 đã được đưa về Bách Thảo, chúng tôi ai cũng háo hức đi xem. Bách Thảo ngày ấy là Sở thú của Hà Nội, giờ đây xuất hiện thêm “loài thú” mới. Ở khoảng đất rộng gần cổng ra vào, các bộ phận chiếc B52 được chất thành một đống “kinh khủng”! Vẫn biết trước, B52 to nổi tiếng, vẫn không ngờ nó đồ sộ đến thế! Cánh máy bay dù đã gãy ra mấy phần vẫn còn dài kinh ngạc. Trên thân máy bay méo mó, đập vào mắt người xem, là hình ảnh bàn tay nắm tia sét nóng bỏng đầy oai phong được khắc đậm bằng nhiều màu sơn, trông rất khôi hài. Có nhà báo nước ngoài đang phỏng vấn một đồng chí tự vệ Hà Nội mặc quần áo màu xanh, đội mũ sao vuông, vai vẫn mang súng CKC. Tôi khoái nhất là khi nhà báo hỏi anh có biết B52 dài bao nhiêu thước không, thì anh trả lời rằng chúng tôi không thể đo được vì những chiếc B52 chúng tôi thấy đều đã tan nát như thế này cả rồi! Câu trả lời của anh đã gợi cho tôi tứ thơ “Chúng tôi hiểu B52”, đăng báo Nhân Dân dịp đó và được thầy Nguyễn Xuân Sanh biểu dương.

Sau ba tháng nữa, “Khóa B52” của chúng tôi kết thúc, nhưng đề tài 12 ngày đêm năm ấy còn dai dẳng bám theo chúng tôi trong tiểu thuyết, trường ca và thơ... Với tôi, phần quan trọng trong trường ca Hà Nội của tôi là đề tài này. Tác phẩm đã được Giải thưởng Bộ Quốc phòng về VHNT 5 năm 2004-2009.

Vương Trọng

Nguồn Văn nghệ số 53/2022


Có thể bạn quan tâm