March 29, 2024, 5:21 pm

Chúng ta viết để làm gì?

“Vì sao chúng ta viết?” thật sự là một vấn đề vừa mang tính cá nhân, song cũng hết sức phổ quát. Bởi mỗi người chúng ta, đến với con chữ bằng những con đường khác nhau. Con đường ấy, thôi thúc ta viết và góp phần tạo nên dấu ấn, hay chính là “tiếng nói riêng” mà mỗi người cầm bút, vẫn luôn hướng tới. Tuy nhiên, con người sống giữa kiếp vô thường, lại thật khó thoát những tình cảm, cảm xúc gắn với thất tình, lục dục. Cho nên, “Vì sao chúng ta viết?” trở thành câu hỏi chung, để mỗi người viết, có thể bày tỏ quan điểm cá nhân. Và tôi, một người viết trẻ, cũng muốn chia sẻ góc nhìn cá nhân, rằng “Vì sao chúng ta viết?”, “Chúng ta viết để làm gì?” và “Chúng ta viết để được gì?”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “viết và nói phải có mục đích”; vì thế, cần xác định “viết cho ai”, sau đó mới đến “viết để làm gì.” Bởi vậy, có thể nói, câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” có mối quan hệ gắn bó với câu hỏi rằng: “Chúng ta viết cho ai?”

Tôi luôn nghĩ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta viết trước hết là để cho chính bản thân chúng ta, cho “cái tôi” của mỗi người cầm bút, cho thứ xúc cảm tựa như bản năng trào lên trong lòng khi đứng trước một sự vật, sự việc, hiện tượng, con người… gợi chứa nhiều khía cạnh thôi thúc người ta tìm tỏi, cảm nhận, thấu hiểu và thể hiện chúng qua thứ nghệ thuật ngôn từ đã được gọt giũa trên lăng kính người viết.

Đó có thể là cái đẹp, gợi người ta niềm say mê, thảng thốt và muốn dùng câu chữ, thay cho đường nét, màu sắc mà khắc họa lên hình ảnh. Mà cái đẹp, thì tồn tại muôn hình vạn trạng trong đời sống. Từ vẻ đẹp dung dị như một tia nắng ban mai đọng trên giọt sương buổi sớm, nụ cười em lấp ló dưới chiều hoàng hôn đổ bóng; đến nét đẹp tráng lệ, hùng vĩ của những kì quan thiên nhiên hay các tạo tác thể hiện vẻ đẹp lao động, trí tuệ, khối óc vĩ đại của nhân loại…

Nhưng đó cũng có thể là cái xấu xa, hủ bại mà mỗi tác giả, khi đặt bút viết lại muốn phơi bày, phê phán đồng thời thể hiện niềm cảm thông, đồng cảm với vẻ đẹp bị khuất lấp ngay trong những gì tưởng chừng xấu xa nhất. Cũng như cái đẹp tồn tại muôn hình vạn trạng thì cái xấu cũng luôn lẩn khuất trong mọi ngóc ngách, từ sâu thẳm tâm hồn con người tới những hủ tục, định kiến của cả một cộng đồng.

Và đó cũng có thể là cái bi, cái hài, điều gắn bó hoặc cả những gì lớn lao… chỉ cần là điều người cầm bút quan tâm, người ta sẽ viết; bởi người ta viết, đầu tiên vì bản thân, vì “cái tôi” muốn được nói, muốn được đối thoại và thể hiện. Đối thoại với chính mình, đối thoại với những ai đồng cảm, đối thoại với cuộc sống, với thế giới muôn màu.

Cũng bởi, là tiếng nói “cá nhân”, nên người ta viết, còn như muốn tìm một vị trí giữa mảnh đất văn học rộng lớn. Có những vấn đề, đã như mang tính truyền đời, từ ngàn xưa để lại. Cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái trác tuyệt… vẫn luôn là đề tài trở đi trở lại trong tâm thức, sự thể hiện của người viết. Nhưng không vì vậy người ta ngừng viết hay tiếp tục đào sâu tìm tòi. Bởi ở những điều tưởng chừng xưa cũ ấy, vẫn chứa đựng bao điều mới mẻ. Và ta chính là người, đã phát hiện đồng thời tái hiện những điều mới mẻ ấy qua cách thể nghiệm mới lạ ở dụng từ, đặt câu, triển khai ý hay qua nội dung mới ở một đề tài đã cũ. Như cùng viết về kẻ sĩ, người trí thức nhưng các tác giả ở mỗi thời đại lại có sự thể hiện khác nhau: Cao Bá Quát khác Nam Cao và khác Tô Hải Vân.

Và ngay cả những con người cùng thời, ngay cả trong thời điểm người ta đề cao “cái ta” hơn cái “cái tôi” thì khi viết, người dụng chữ cũng luôn ý thức hướng tới sự “không trùng lặp.” Cũng vì “cái tôi” mà có lẽ, người cầm bút nào cũng mong gìn giữ, đồng thời khẳng định cái cá nhân riêng biệt nhất qua từng con chữ viết ra.

Viết cho bản thân, viết vì “cái tôi”, ngỡ rằng ích kỷ đấy nhưng đây lại là điều mà cả trong vô thức lẫn khi ý thức, người viết vẫn hướng về. Vì rằng, vậy mới chứng tỏ, họ là chính mình, toàn vẹn, không phải bản sao của bất cứ ai. Mỗi người viết, có thể gặp nhau ở tình cảm chung khi cùng hướng tới một vấn đề; song nhận thức, cá tính mà tạo nên các cách thể hiện khác biệt. “Cái tôi” là nguyên nhân thôi thúc người ta viết và “cái tôi” lại là điểm kết, mà người dụng chữ muốn khẳng định.

Nhưng nếu nói, người viết chỉ viết cho bản thân, viết vì cảm xúc cá nhân thì thật chưa đủ. Bởi người ta viết, còn cho những kiếp đời xung quanh, chính là “lấy hồn ta để hiểu hồn người” (chữ dùng của Hoài Thanh) vậy.

Những kiếp đời bé mọn, ở dưới cùng xã hội mà vì lòng thương cảm, người ta viết.

Những con người đã sống không hoài phí một cuộc đời mà vì lòng ngưỡng vọng, người ta dùng câu từ khắc họa chân dung, cuộc đời người ấy.

Những kẻ cường hào ác bá mà vì lòng phẫn nộ, người ta cũng viết để giễu nhại, phê phán.

Hay vì sự đồng cảm với những số phận trên trang sách, mà nhà phê bình dùng con chữ để thể hiện ý kiến, nhận định cá nhân về nơi, người ta như đã tìm thấy một phần tâm hồn mình ở mỗi kiếp đời xa lạ…

Văn, tức là đời. Người viết có thể “cái tôi” mãnh liệt đến đâu hay tưởng tượng tới một thế giới song song, hư ảo thế nào; nhưng tới tận cùng cũng không thể thoát được cội gốc của văn chương ở sự sống. Vì thế, người ta đâu thể mãi viết cho bản thân mà tự thỏa mãn về chính mình? Viết cho cuộc đời, viết vì người khác, viết để sẻ chia; cũng là cách để “cái tôi” tìm thấy chỗ đứng giữa cuộc đời.

Mỗi người viết là một cá nhân độc lập, đến với con chữ bằng muôn nẻo con đường. Người ta vì đâu mà viết? Lí do có thể giản đơn lắm nhưng những ai đã muốn tiến xa hơn trên con đường văn chương thì sự thôi thúc họ cầm bút còn nằm trong khao khát đi đến tận cùng hành trình kiếm tìm và tái hiện vẻ đẹp, sức mạnh ngôn từ. Cho nên sáng tác thơ hay truyện ngắn, viết kịch hay phân tích, lý luận, phê bình; trên bất cứ địa hạt nào của văn học, bằng bản năng và cũng bằng cả kinh nghiệm, tri thức được tích lũy qua quá trình học hỏi, cầm bút, chúng ta viết, vì ta muốn bản thân ngày một thêm trưởng thành.

Cuộc sống hiện đại với bộn bề lo toan, khi viết văn cũng trở thành một “nghề nghiệp” thì lý do người ta cầm bút, còn xuất phát từ chính những ràng buộc, níu kéo về cơm áo, gạo tiền. Nhưng “Thói đời cơ cực đương giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” (thơ Xuân Diệu) thì viết văn để kiếm sống cũng trở thành công việc đầy khó khăn và dễ làm nản lòng người cầm bút. Bởi vậy, “viết” để “sống” trong thời đại mới không chỉ gói gọi ở khía cạnh viết văn, viết báo mà mở rộng sang địa hạt viết content, viết seo hay viết review, đánh giá…

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải ai khi cầm bút lên, cũng có thái độ, nhận thức đúng đắn, vì cảm xúc trong sáng, chân thật. Vì cái tôi kiêu ngạo, ti tiện, người ta có thể viết để định hướng dư luận, chỉ trích, hạ bệ, hằn học, bôi nhọ, kích động hằn thù lẫn nhau nhằm thỏa mãn lòng vụ lợi, ích kỷ. Ai cũng có thể viết, nhưng viết sao để bản thân không phải hối hận trong tương lai, thì thật không dễ dàng. Mà có lẽ, chỉ có mở lòng, học hỏi, lắng nghe nhiều hơn nữa, mới thực sự khiến câu từ được viết lên, đúng với giá trị được xuất phát từ cái tâm một con người viết hoa. 

Vì bản thân và cuộc đời, mà chúng ta đặt ngòi bút lên trang giấy, viết lên những con chữ cho chính chúng ta, cho sự đồng cảm, sẻ chia giữa những tâm hồn đồng điệu. Viết, như một cách thể hiện quan điểm, giải tỏa cảm xúc, cũng là cách thức, để ta khẳng định bản thân.

Nhưng con chữ vô tình song tình cảm cá nhân lại luôn hữu ý mà vô hình trung, những gì chúng ta viết ra có thể gây thương tổn cho những người xung quanh. Cho nên, có trách nhiệm với những gì ta viết, chính là sơ tâm của người cầm bút trên chặng đường, viết vì bản thân và viết vì cuộc đời.

Nguồn Văn nghệ số 27/2022


Có thể bạn quan tâm