April 24, 2024, 10:50 am

Chúng ta đều có lỗi?

 

Thông tin 39 người thiệt mạng trong thùng sắt lạnh nơi đất khách quê người. Rồi tin xác minh họ đều là người Việt. Điển hình là cô gái trẻ, thanh xuân phơi phới, lúc đau đớn sắp chết, viết tin nhắn gửi về cho mẹ… Tất cả những điều ấy làm thế giới lương tri rung chấn.

Là người từng dầm chân trong băng giá để mưu sinh, tôi rùng mình khi hình dung hàng chục con người khi phải đối diện với cái lạnh âm 25 độ, rồi chết từ từ, đau đớn ra sao… Ba mươi chín sinh linh máu đỏ da vàng xa lìa cuộc sống một cách đau đớn, ngột ngạt, và có ai để ý rằng trong tin nhắn của cô gái trẻ kia có dòng tin ghi rõ ràng địa chỉ quê quán...

Là người từng sống qua 35 năm ở Đức, tôi không chỉ nếm trải cảm giác buốt lạnh và cô quạnh khi phải chống chọi lại cái giá lạnh của mùa đông, cùng vô vàn những khó khăn nghiệt ngã mà cuộc mưu sinh xô đẩy, mà tất cả những điều đó sau này đã trở thành những chi tiết đầy ám ảnh được viết lại trong tiểu thuyết Quyên, cuốn sách mô tả cuộc trôi dạt bi thương của người đàn bà xinh đẹp tên Quyên và những thân phận trong trại tị nạn. Tôi đã gặp, đã trò chuyện với rất nhiều nhân chứng. Thực tế đã quá lâu, đến 30 năm nay, bao nhiêu người đã dấn thân bất chấp hậu quả bi thương như Quyên hay cô gái trẻ hôm nay. Quyên trong câu chuyện của tôi về sau còn tìm được người yêu thương che chở cho mình, dẫu nhân phẩm đã bị chà đạp, gia đình đã tan vỡ… Nhưng còn cô gái đang tuổi thanh xuân kia thì đã không bao giờ về với cha mẹ và gia đình. Dòng tin nhắn kia là thông tin đầu tiên xác lập trước khi vĩnh viễn từ giã cõi đời, rằng cô là người Việt, ở nhà ấy, xóm ấy… còn thân phận cô, trong cái quan tài sắt ấy, giấy tờ bị đốt bỏ hay thu giữ, để rồi cuối cùng trước tận cùng im lặng của kiếp người, cả hệ thống luật pháp của hai Nhà nước đã phải hoạt động hết công suất mới có thể xác định cô và bạn bè cô là ai, đến từ phương trời nào, để họ cuối cùng không bị xem là những con người Vô tăm tích, cả khi sống và khi đã chết!

Đấy là một bi kịch lớn của từng con người, từng số phận và cả cộng đồng. Nó làm một nhà văn như tôi thấy hết sức đau lòng, nhất là khi mình đã từng viết về những thân phận như họ, như một sự cảnh báo về tình trạng di dân mạo hiểm từ cách đây hơn 10 năm trong tiểu thuyết của mình...

Nhưng gì tiếp theo của câu chuyện, cho đến hôm nay cho thấy, rõ ràng có một bộ phận dân chúng không thấm tháp điều tôi đã nói, và để thực hiện khát vọng thoát nghèo, làm giầu thật nhanh, họ đã mạo hiểm bất chấp tất cả mọi nguy cơ để có một kết cục khủng khiếp, mà câu chuyện 39 người chết cóng đau đớn trong chiếc quan tài sắt vô tính kia chỉ là một phần sự thật vừa được phơi bày một cách bi thương.

Chúng ta có lỗi gì, liên quan thế nào với những cái chết đã được báo trước này?

Trong tiểu thuyết Quyên, tôi đã tiết chế rất nhiều những hiện thực từng xảy ra với đồng bào tôi để tồn tại trong một cuộc sống không mấy dễ dàng nơi đất khách. Những gì thể hiện trong văn học thực ra chỉ bằng 60% thực tế. Chỉ dám làm như vậy bởi khi viết, bản thân tôi sợ sa vào tự nhiên chủ nghĩa, nên đã che bớt đi những chi tiết mang thông điệp tố cáo những hành vi có tính bản năng, ác độc của chính những người từng là đồng bào của tôi, khi họ với tư cách là những kẻ đưa đường... Giờ đây ngẫm lại, không hiểu giải pháp ấy của nhà văn có làm hiệu ứng cảnh báo giảm đi chăng?

Thời gian gần đấy, khi tham gia vào một chương trình nói về các thế hệ cha anh chống Pháp và thế hệ chống Mỹ, sau khi nghe tôi kể lại những suy tư thực và sự hy sinh của chúng ta để bảo vệ tình yêu Hà Nội, một cháu tham gia chương trình buồn rầu nói với tôi: “Trời ơi. Thế hệ các chú, các anh cuộc sống có lý tưởng quá. Còn chúng cháu giờ đây chỉ mong sao cho thật nhiều tiền…”

Vâng, rõ ràng hôm nay đời sống tinh thần của con người ta dường như hoàn toàn bị coi nhẹ. Ngày ngày trên truyền thông, chúng ta tha hồ quảng cáo cho những giai tầng sang trọng, biết chơi hàng hiệu, ôtô đời mới, nhà cửa lộng lẫy. Chúng ta vô tư nói về các MC, về các ca sỹ và người mẫu với thu nhập hàng tỉ tỉ. Nói về những đời sống ăm ắp vật chất y như là mục tiêu sống của con người ta chỉ là thế. Phim ảnh, quảng cáo, tin tức dường như hướng người ta tới hai từ Vật chất như mục tiêu cuối cùng của đời sống mà quên đi vấn đề quan trọng nhất là con đường để đạt tới nó như thế nào?

Rõ ràng là dù với mục đích gì đi nữa, thì những người đã và đang nuôi ý định ra đi kia, ít nhiều người ta cũng nhận ra sự nguy hiểm khi vượt biên bất hợp pháp. Nhưng họ vẫn chấp nhận bước vào cuộc phiêu lưu ấy, thì ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn để triết lý sống của một bộ phận xã hội đã trở nên lệch lạc đến mức độ nguy hiểm, mà cái chết đau lòng của 39 người vừa cất lên như một hồi chuông ai oán…

Chúng ta, và bất cứ ai có lương tri, đều ngả mũ dành một phút tưởng niệm tới 39 linh hồn xấu số. Đó là một hành vi nhân đạo và nhân hậu. Nhưng còn bao nhiêu cái chết trước đó, và cả sau này nữa, nếu tự mỗi người không nhìn rõ tất cả nguyên nhân sâu xa để từ đó thức tỉnh công chúng?... Mặt khác, Nhà nước, các cơ quan hữu trách, cũng cần phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn, quét sạch các tổ chức đang âm thầm làm cái việc bất nhân là đưa người bất hợp pháp ra nước ngoài. Cho dù với bất cứ lý do gì, thì đó cũng là hành vi bất hợp pháp, hành vi làm tiền trên xương máu, trên cả nhân phẩm của con người.

Với tâm tư của người từng 35 năm tha hương vì miếng cơm manh áo, tôi khẳng định tha hương là buồn thảm vô cùng, dầu vật chất có no đủ ra sao; song tha hương trong thân phận chui lủi, thậm chí không quốc tịch, không bản quán, trở thành Con người vô tăm tích, để lại một dòng tin nhắn cuối cùng cho gia đình như cô gái kia, đấy là bi kịch lớn nhất của con người…


Nguồn Văn nghệ số 45/2019
 

 


Có thể bạn quan tâm