April 20, 2024, 1:15 am

Chúng ta đang Toán hoá môn Văn

 

Trong hệ thống các môn học thuộc chương trình Trung học phổ thông, Ngữ văn là một môn học quan trọng, chiếm thời lượng lớn hơn những môn học khác (cùng với môn Toán và môn tiếng Anh), bởi lẽ Ngữ văn cung cấp kiến thức về văn học và ngôn ngữ, giáo dục tư tưởng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi học sinh.

Ngày nay, vấn đề dạy và học môn Ngữ văn nhìn chung còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc ra đề bài kiểm tra kiến thức môn Ngữ văn vẫn còn những mặt hạn chế mà ngành giáo dục cần thiết nhìn nhận lại một lần nữa để quá trình đánh giá năng lực học sinh chính xác hơn. Bằng những trải nghiệm, am hiểu về văn chương cũng như thông qua quá trình nghiên cứu phương pháp dạy và học môn Ngữ văn trong chương trình Trung học phổ thông, tôi mạnh mẽ phản đối việc sử dụng hình thức trắc nghiệm cho bài kiểm tra kiến thức môn Ngữ văn trong hiện tại và trong tương lai.

Trắc nghiệm Ngữ văn - tư duy của học sinh giảm xuống. Nguồn ảnh Internet

Xưa nay, trắc nghiệm (khoanh tròn vào một trong ba hoặc bốn đáp án đưa ra) vốn là hình thức phổ biến trong rất nhiều môn học. Ở một số môn học như Lịch sử, Địa Lý, Toán học, Sinh học… đã sử dụng hình thức này trong bài kiểm tra, thi cử. Ngày trước, trắc nghiệm chỉ chiếm 3 trên 10 điểm trong bài thi. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra phương án thi trắc nghiệm toàn bộ các môn học (trừ môn Ngữ văn vẫn thi theo tự luận truyền thống) với những ưu điểm đáng kể: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, kết quả thi được đảm bảo, điểm thi chia đều cho các câu, đồng thời mức độ câu hỏi tăng dần độ khó kích thích sự nhanh nhạy của thí sinh.

Nhận ra những ưu điểm của hình thức kiểm tra trắc nghiệm, nhiều giáo viên, trường học đã không ngần ngại áp dụng hình thức này trong bài kiểm tra môn Ngữ văn (một phần hoặc toàn bộ bài kiểm tra). Dựa trên đặc trưng vốn có của môn Ngữ văn - một môn học đầy tính nhân văn, tôi nghiêm túc phản đối hình thức thi trắc nghiệm, kiểm tra nhanh kiến thức.

 

1. Ngữ văn - môn học cần phải diễn đạt

Đặc tính của môn Ngữ văn là không thể nhanh gọn, gấp rút được. Bởi lẽ học văn là học về cái hay của tác phẩm văn học, vẻ đẹp của tiếng Việt - linh hồn của dân tộc Việt Nam. Từ đó góp phần làm phong phú vốn ngôn từ của học sinh. Qua quá trình học môn Ngữ văn, học sinh sẽ phát huy được khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn từ sao cho đúng và hay, đặt câu sao cho đúng ngữ pháp. Đồng thời vận dụng được những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, biện pháp tu từ từ vựng tiếng Việt… vào trong bài viết của mình, góp phần làm tăng sức gợi hình, nồng nàn xúc cảm cho sự diễn đạt của mình. Không thể chấp nhận được việc sử dụng hình thức trắc nghiệm vào bài thi môn Ngữ văn, để khi làm bài học sinh chỉ có thể khoanh tròn, tô vào đáp án đúng nhất mà không có cơ hội để diễn đạt những suy nghĩ của riêng mình, cứng nhắc theo khuôn mẫu chứ không thể bày tỏ được quan điểm của bản thân. Để đánh giá đúng trình độ, khả năng của người học Ngữ văn, thông qua bài kiểm tra giáo viên phải đặt ra yêu cầu về chuẩn mực sử dụng từ (sử dụng từ đúng âm, đúng chính tả; sử dụng từ đúng nghĩa; sử dụng từ đúng tính chất ngữ pháp của từ; sử dụng từ đúng sắc thái biểu cảm, hợp phong cách; không lạm dụng từ địa phương, từ Hán Việt…), cách hành văn (câu văn phải đúng ngữ pháp tiếng Việt; đặt dấu câu rõ ràng chính xác; mỗi câu văn diễn đạt trọn vẹn một ý nghĩa…). Giáo viên phải thấy được quan điểm, tư tưởng, ý kiến của cá nhân người làm bài chứ không phải chỉ khoanh tròn vào những đáp án (đôi khi khiên cưỡng). Muốn đáp ứng được những yêu cầu đó, không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng hình thức tự luận truyền thống trong bài kiểm tra định kì, bài thi môn Ngữ văn để học sinh thỏa sức “vùng vẫy” bằng ngôn từ mà các em tích lũy được qua quá trình mài giũa.

 

2. Trắc nghiệm Ngữ văn - tư duy của học sinh giảm xuống, thành tố may rủi chi phối

Hạn chế lớn nhất của hình thức trắc nghiệm đối với môn Ngữ văn nói riêng và các môn học khác nói chung là việc người làm bài chỉ lăm lăm nhìn vào những sự lựa chọn có sẵn trong bài thi. Học sinh không cần tìm hướng giải quyết vấn đề, không phát huy được khả năng sáng tạo, dẫn dắt người chấm bài theo một hướng độc đáo khác. Từ đó, giáo viên cũng không nhìn thấy được tư duy của học sinh. Biết bài kiểm tra môn Ngữ văn sẽ được ra theo hình thức trắc nghiệm, học sinh không phải nỗ lực học bài, tìm tòi, nghiên cứu một cách công phu, kĩ càng mà đôi khi chỉ học “mẹo” khoanh tròn đáp án sao cho trúng để đạt điểm tối đa. Nhiều học sinh có suy nghĩ tiêu cực: không năm được bài thì khoanh bừa, không phải bỏ giấy trắng như bài thi tự luận. Việc “đánh lụi” may đúng, rủi sai, mà lỡ có đúng, có được điểm trọn vẹn đi chăng nữa thì tôi nghĩ cũng chẳng vẻ vang gì. Ngược lại, lỗ hổng kiến thức văn học và ngôn ngữ trong đầu học sinh ngày một to hơn. Mai sau ra đời, các em khó mà diễn đạt trôi chảy, đầy đủ, chính xác quan điểm của mình về một vấn đề nào đó mà người khác đặt ra. Áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Ngữ văn, vô tình các thầy cô đã biến tư duy học sinh thành những “cỗ máy” thiếu linh hoạt, trơ lì cảm xúc.

 

3. Những câu hỏi trắc nghiệm kém phong phú, đôi khi sáo rỗng, nhạt nhẽo

Lướt qua một vài đề thi trắc nghiệm môn Ngữ văn, câu hỏi và đáp án trong đề thi thường ngắn gọn, đơn điệu. Trắc nghiệm phần văn học thường xoay quanh những câu hỏi khi thì dễ như trở bàn tay, chẳng hạn: Ai là tác giả của bài thơ “Vội vàng”? (A. Huy Cận, B. Xuân Diệu, C. Chế Lan Viên, D. Phan Bội Châu); khi thì “trên trời rơi xuống”, sách giáo khoa không đưa ra thông tin, giáo viên sơ suất quên cung cấp hoặc không đủ kiến thức để cung cấp khiến học sinh hoang mang cực độ, chẳng hạn: Nhân vật trữ tình trong thơ ca của tác giả này là kẻ lữ thứ cô đơn. Tác giả được nhắc đến là ai? (A. Nguyễn Khuyến, B. Nguyễn Bính, C. Huy Cận, D. Hàn Mặc Tử). Các câu hỏi trắc nghiệm thường không đi sâu vào nội dung tác phẩm văn học mà chỉ hỏi những dạng như: Tác giả của tác phẩm này là ai? Sinh năm bao nhiêu, ở đâu, tên thật là gì? Tác phẩm được sáng tác năm bao nhiêu, in trong tập thơ/ truyện tên gì? Nhân vật nào là nhân vật chính? Nhân vật nào không xuất hiện trong tác phẩm A của tác giả Y?… Thoạt nhìn, đây giống như bài kiểm tra môn Tiếng Việt của một học sinh tiểu học.

Đề thi minh họa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông (môn Ngữ văn) năm học 2019-2020 của tỉnh Vĩnh Phúc. Ở phần I - Trắc nghiệm (2.0 điểm), đề đưa ra một đoạn trích trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Ai học qua chương trình Ngữ văn 9 chỉ cần đọc đến câu “Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài trên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ” cũng xác định được tên tác giả, tác phẩm. Vậy mà câu 1 vẫn “ngô nghê” hỏi: Đoạn trích trên trích trong tác phẩm nào? (A. Làng, B. Lặng lẽ Sa Pa, C. Chiếc lược ngà, D. Cố hương). Vẫn biết có nhiều học sinh yếu kém sẽ trả lời sai, nhưng hỏi câu hỏi dạng như thế trong bài thi tuyển sinh THPT thì thật uổn phí cho một câu hỏi, trong khi có nhiều điều đáng hỏi hơn rất nhiều.

 

4. “Lòng nhân”, “đức hạnh” của học sinh phần nào toát lên qua bài kiểm tra tự luận môn Ngữ văn

Rút từ “đức hạnh” từ trong câu: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” của M. Xi xê rông. “Đức hạnh” ở đây không phải nói đến phẩm chất của riêng người phụ nữ, mà rộng ra là đạo đức, hạnh kiểm của mỗi người, kết hợp với “lòng nhân”, nó tạo thành những bài học về đạo đức, nhân văn mà văn học dạy cho học sinh mỗi ngày. Giáo viên chỉ có thể thấy được những tình cảm cao quý, những rung động từ trong sâu thẳm tâm hồn người học trò thông qua những trang viết từ tâm, bằng cả nỗ lực, trí tuệ… chứ không phải bằng những vòng tròn khoanh vào đáp án hời hợt, gọn ghẽ. Chỉ thi tự luận học sinh mới bật ra được những suy nghĩ của riêng mình, trình bày sâu sắc, giàu cảm xúc một vấn đề nào đó. Thể hiện được tình yêu tiếng Việt - “một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay” (Đặng Thai Mai). Đồng thời, kiểm tra năng lực môn Ngữ văn không phải chỉ là kiểm tra nội dung mà còn nhìn vào hình thức trình bày để đánh giá khách quan, chính xác. Một bài luận có hình thức tròn trịa, nội dung sâu sắc, mới mẻ, đầy cảm xúc và sáng tạo mới là một bài luận hoàn hảo.

Tóm lại, hình thức thi trắc nghiệm môn Ngữ văn có những ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đối với môn Ngữ văn, tôi nghĩ, thi trắc nghiệm hạn chế sẽ nhiều hơn ưu điểm. Tôi nhận ra thành công của kì thi môn Ngữ văn chỉ có hình thức tự luận mới phản ánh được. Hình thức trắc nghiệm chắc chắn sẽ làm hài lòng những học sinh xem nhẹ môn Ngữ văn, bên cạnh đó sẽ tạo ra trạng thái hụt hẫng, khó chịu vì không diễn đạt được ý nghĩ cá nhân của những học sinh yêu và trân trọng môn Ngữ văn. Thi tự luận cũng là một cách để duy trì được tình yêu văn chương, khẳng định vị thế của môn học đặc thù này với những môn học khác.

Nguồn Văn nghệ số 47/2019

*Tên bài viết do Vannghe Online đặt


Có thể bạn quan tâm