April 24, 2024, 10:31 pm

Chúng ta đang hành xử với thầy cô của con chúng ta như thế nào?

Mấy ngày vừa qua, trên báo chí và mạng xã hội rộ lên câu chuyện về một em học sinh tại một trường tiểu học ở Hải Phòng phải đứng ngoài cổng trường dưới trời nắng nóng vì lý do… đi học sớm 15 phút… Câu đầu tiên của nhiều người khi nhìn thấy hình ảnh và những chia sẻ của người mẹ trong câu chuyện trên là như thế nào? Là chửi rủa, là quy kết cô giáo vô lương tâm, là phê phán nhà trường không có tình người, là chửi cả hệ thống giáo dục nước nhà thối nát… Tôi chỉ muốn hỏi bạn, người mẹ đã nói rõ ràng là mình đem con đến trường sớm hơn 15 phút so với quy định, tức là người mẹ biết quy định nhưng vẫn đem con đến sớm hơn vì lý do cá nhân. Người mẹ đã báo với cô giáo, báo với nhà trường việc này hay chưa? Để rồi khi sự việc đi quá xa, người mẹ vẫn ngang nhiên nói tôi không sai. Không sai làm sao được khi bất cứ trường tiểu học có cho học sinh ăn nghỉ bán trú đều có quy định giờ giấc đưa đón con nếu không ăn nghỉ bán trú để khỏi ảnh hưởng đến các bạn khác, và chắc chắn các phụ huynh đồng ý không cho con ăn bán trú đã gật đầu đồng ý. Ở đây, cái cảm tính đã át đi cái lý, “trăm cái lý không bằng tí cái tình” là có thật, và trong một cơn thương cảm đầy lòng đạo đức, đầy sự thất vọng về ngành giáo dục, mọi người đã trút thẳng lên đầu giáo viên chủ nhiệm của bé bằng đủ ngôn từ chợ búa đến lỗ mãng và chẳng còn một chút sự tôn trọng nào. Đạo lý “Tôn sư trọng đạo” thật sự đã biến mất hoàn toàn trong những commen của chính những vị nhân danh phụ huynh bảo vệ con cái mình, mà đâu biết rằng để bảo vệ con mình họ đã sẵn sàng làm sai rồi lấp liếm rồi đổ lỗi cho cho cô giáo, cho nhà trường…

“Trăm dâu đổ đầu tằm”. Chắc chắn từ khi sự việc đi quá xa, cô giáo chủ nhiệm chắc đã được hiệu trưởng triệu lên, đã phải xin lỗi, đã phải điều trần, đã chịu những cơn mưa đầy “lời hay ý đẹp” mang danh bảo vệ em bé chĩa về phía mình. Trên đe dưới búa, giáo viên sẽ là gì trong cái tâm trạng đó khi nhận ra cái lỗi sai của mình ở việc thiếu tế nhị khi để hình ảnh các cháu từng vi phạm quy định về đi học sớm lên trang chung của lớp, để đến bây giờ tất cả mọi ý kiến đều quy cho cô việc không cho cháu vào lớp là thiếu tình người... Những người có ý kiến như vậy đưa ra quan điểm rằng, các cháu bé sao đỏ chưa đến mười tuổi thì biết gì đến việc đuổi bạn, chắc là sai khiến này nọ… Chẳng lẽ các bạn chưa từng trải qua tuổi đi học, chưa từng biết đến việc làm của đội sao đỏ khi đứng ở cổng trường kiểm tra, các em còn nắm rõ quy định hơn cả các phụ huynh đang cố tình “lách luật” kia cơ. Mà tôi cùng dám chắc với các bạn đọc, em bé học sinh lớp 1 này cũng nắm vững các quy định ở lớp hơn hẳn cha mẹ… Học sinh ở trường tôi đã từng khóc khi bố đến đón mà không mang mũ bảo hiểm, em nhất định không lên xe vì sợ sao đỏ trừ điểm, vì sợ bị cô giáo nhắc nhở, vì sợ bị phê bình vi phạm an toàn giao thông… Ông bố đã không thể giữ được bình tĩnh chỉ vì việc quên mũ mà không đón được con về, nên đã lớn tiếng nạt nộ, bắt con lên, bé vẫn nhất quyết đòi đi bộ về mặc cho bố lấy roi dọa đánh. Cuối cùng, vì tiếc công phải lộn về lấy mũ nên ông bố quyết định lấy mũ của mình ra để đội cho con, còn mình đầu trần để chạy về? Ở đây ai đúng, ai sai, ai cứng nhắc?...

Mọi người lên tiếng bênh em bé và phê phán hết lời nền giáo dục thối nát. Nhưng ngay sau vụ việc nói trên, hôm sau, vụ một cô giáo lớp Một ở Long An bị phụ huynh cầm mũ đánh vào đầu thì những người vừa đanh thép về tình người, về trách nhiệm kia ở đâu? Có trong nghề mới biết giáo viên thật ra là người chịu vô số những sức ép đến từ nhà trường, từ phụ huynh và cả từ học sinh mà không hề có cơ hội được cất tiếng. Tại sao lại như vậy? Tại người ta luôn đòi hỏi người giáo viên phải trung thực, phải có kiến thức, có nhân cách, có lòng mến trẻ… vậy mà nhiều khi lại không cho họ một sự nhìn nhận công bằng. Trước những sự kiện cần nhìn nhận một cách bình tĩnh, thấu đáo như câu chuyện vừa rồi, trên mạng xã hội, tiếng nói của họ trở nên lẻ loi, cô độc. Có ai lên tiếng cho họ một lời không?... Lâu nay trong đời sống có tình trạng phụ huynh thay vì đặt lòng tin vào giáo viên, thì đã dạy con câu đầu tiên là “Cô mà làm gì thì con cứ mách mẹ để mẹ xử cho…”. Tôi vẫn nhớ câu của một thầy hiệu trưởng một trường phổ thông, nói: “phụ huynh ở trường thị trấn lạ thật, thấy thầy hiệu trưởng của con mà cũng không chào, không gật, mà học sinh thì cũng chỉ chào mỗi cô giáo dạy mình chứ giáo viên của lớp khác là mặc kệ luôn là sao? Học sinh ở vùng sâu vùng xa thì cứ thấy thầy cô là chào, bất kể có dạy mình hay không. Phụ huynh đến đón con cũng vậy. Đáng ra phú quý phải sinh lễ nghĩa chứ đây nghèo nàn mà người ta lại biết giữ lễ nghĩa hơn là sao?”.

Câu trả lời có lẽ dành cho các vị phụ huynh. Bên cạnh những người biết đồng cảm, chia sẻ với nghề giáo, những người “nghèo nàn mà biết giữ lễ nghĩa” thì đâu đó vẫn còn có những người miệng hùng hồn tuyên bố “các cô mà làm gì con tôi thì biết tay tôi”, nhưng đến cuối năm học lại là những người đầu tiên cự nự “sao con tôi không được thành tích này, không được giấy khen kia...”.

Câu chuyện về em học sinh đứng ở cổng trường ở Hải Phòng đã được các cơ quan chức năng vào cuộc, và đã xuất hiện nhiều tình tiết mới phản ánh đầy đủ và đa chiều hơn về bản chất của sự việc. Chắc chắn những người có hành vi sai phạm sẽ được xử lý thỏa đáng. Song cũng từ câu chuyện trên, một câu hỏi được đặt ra cho những người làm cha làm mẹ, rằng: Chúng ta đang hành xử với thầy cô của con chúng ta như thế nào?...

Lê Thị Kim Sơn

Hội VHNT Gia Lai - 30 Nguyễn Du - Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai

Nguồn Văn nghệ số 22/2020


Có thể bạn quan tâm