March 29, 2024, 9:02 pm

Chùm thơ Hussein Habasch

Hussein Habasch (sinh năm 1970) là một nhà thơ sinh ra ở Afrin, Kurdistan và hiện đang sống ở Tp.Bonn, Đức. Thơ ông đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Trung, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Albania, Uzbek, Nga và Rumani. Ông đã viết nhiều cuốn sách, và thơ của ông được xuất bản trong nhiều tuyển tập thơ quốc tế. Ông đã tham gia các lễ hội thơ quốc tế tại: Colombia, Nicaragua, Pháp, Puerto Rico, Mexico, Đức, Romani, Litva, Morocco, Ecuador, El Salvador, Kosovo, Macedonia, Costa Rica, Slovenia, Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những bài thơ mới của nhà thơ Hussein Habasch.

 

Bài ca về mẹ

 

1. Bài ca về cái nhìn

 

Sáng nay ở nhà, mẹ tôi ngồi một mình.

Sửa chiếc quần cho anh trai Mahmoud

Nó rách nát bởi hôm qua anh nghịch

Cây kim đâm vào ngón tay mẹ và dòng máu ấm chảy trên sợi chỉ

Chiếc quần bị vấy bẩn và những suy nghĩ của mẹ cũng dính dấp theo

Mẹ đã thề với cha tôi và hàng xóm

rằng mẹ đã nhìn thấy tôi hoặc cái bóng của tôi

Hay là tôi mà không có bóng

lướt qua mặt mẹ sáng nay

Và khi mẹ thấy tôi

háo hức, bối rối, mẹ muốn ôm tôi

Nhưng cây kim phản bội

đâm vào ngón tay mẹ

Có thực tôi ở đó

hay đó là trái tim của mẹ tôi?

 

2. Bài ca khao khát

 

Mẹ,

Ba mươi năm qua mà con vẫn chạy đi tìm với một trái tim chân chất

Mỗi khi con thấy một người phụ nữ trong tấm áo dài phơ phất

Hoặc choàng tấm khăn trắng trên vai

Con lao về cô ấy, thốt gọi: Mẹ, mẹ ơi

 

Mẹ!

Ba mươi năm và sáu ngàn dặm

Bị truất khỏi thế giới của hoa hồng, bình minh buổi

sáng, khuôn mặt các thiên thần, và gương mặt mẹ.

Ba mươi năm

Bất cứ khi nào con viết về một người phụ nữ

Bất cứ khi nào con vẽ chân dung người phụ nữ

Con thấy mình viết mải mê về mẹ

Vẽ cô ấy trong màu sắc áo quần của mẹ thương yêu

Ba mươi tấm vải liệm, ba mươi ngôi mộ, ba mươi. . .

Con vẫn không nguôi hy vọng

Bất cứ khi nào con nằm xuống

Đầu con lại gối lên ngực mẹ an yên.

 

3. Bài ca đam mê

 

Chữ khắc trên vách đất

Sơn màu vàng trên cửa

Bức tranh gia đình treo cạnh ảnh Imam Ali*

Dấu một hình xăm trên khuôn bánh nướng

Bậc đá yên lặng bên cánh cửa

Luôn sẵn sàng đón khách

Kệ chật kín báo cũ.

Ngọn đèn triết lý bằng cái lưỡi lửa dài

Thảm treo luôn sẵn sàng cầu nguyện

Tiếng cười thiêng liêng vẳng bên tai

mang tất cả niềm đam mê này

và sự mệt mỏi này

tiếng cười của mẹ tôi.

 

*Nhà lãnh đạo tín hữu đạo Hồi

 

Nguyện cầu của cha

 

Ống quần cha chảy thõng

đượm mùi đất áo sơ mi cha

cánh đồng lúa mì vầng trán cha rộng lắm

Mắt cha đăm đắm

Nhìn hàng ô liu xanh

 

Bằng nhớ thương canh cánh

bằng ước ao ngọt ngào,

cha đo khoảng cách giữa Shaykh al-Hadid và Bonn

cha biết bằng cả trái tim mình vì con cha ở đó

 

Vẫn trào dâng trong cha sức sống

như dòng sông Afrin

Mạnh mẽ, cứng cỏi, ào ạt và niềm tin

Cha chỉ sợ có Chúa

và sợ sự chia xa

với con trai của cha

 

Những lời thỉnh cầu cha lặp lại

Bằng tiếng Ả Rập khô vỡ

Lần chuỗi hạt nguyện cầu

năm lần mỗi ngày

Cầu Chúa ngàn lần

Dập đầu cha cầu xin

cho con mình không bị hại

 

Cha vẫn còn đó

Cúi đầu chào khách

Rồi người cầu nguyện,

cho cây cối trong vườn nhỏ của cha

cũng không còn gì cả

 

Cha vẫn ngồi

trên ghế gỗ

trong sân

Nói chuyện với khách với niềm tự hào

Lắng nghe với niềm tự hào

Im lặng với niềm tự hào

Cười với niềm tự hào

Bắt tay người ở xa,

rất xa, tận chân trời,

với niềm tự hào

 

Cha vẫn đang so sánh.

Bướm và người

Cây cối và con người

Tình yêu và con người

Mặt trời và con người

Trái đất và con người

 

Và cha vẫn đang nghe

tin hàng ngày qua chiếc đài cũ rích

chiếc đài không bao giờ rời xa cha

bao nếp nhăn hằn lên mặt cha qua những thập kỷ đau buồn

xâm chiếm tính cách cha

vậy mà cha vẫn lẩm bẩm:

Dẫu gì, con người thật đẹp!

 

Kiều Mai Dịch từ bản tiếng Anh

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm