March 30, 2024, 2:12 pm

Chùm thơ của Julian Kornhauser (Ba Lan)

Julian Kornhauser sinh năm 1946 tại Gliwice, Ba Lan. Năm 1970, ông tốt nghiệp trường đại học Jagielonski nổi tiếng ở cố đô Krakow. Năm 1996, ông được phong giáo sư khoa học xã hội và giảng dạy nhiều năm tại trường đại học danh tiếng này.

Julian Kornhauser là một nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học và cũng là một dịch giả. Ông bắt đầu in những sáng tác của mình tại tạp chí Thơ vào năm 1967 và sau này được coi là một trong những đại diện nổi bật của “Làn sóng mới” vào những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi tại Ba lan. Ông là một cây viết rất sung sức. Ngoài mười sáu tập thơ, ông đã in ba tập truyện và tiểu thuyết, hai tập sách viết cho thiếu nhi, hơn mười tập tiểu luận, phê bình văn học, sáu tác phẩm văn học dịch và nhận được nhiều giải thưởng ở trong và ngoài nước. Thơ của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có Anh, Đức, Séc bi, Hungari, Bungari...

Nét nổi bật trong thơ Julian Kornhauser theo các nhà phê bình văn học Ba lan đó là thơ ông mang đậm chất âm thanh và hình ảnh. Ông được cho là một biên tập viên tuyệt vời, biết gắn kết các bức ảnh mình chụp được với nhau một cách tự nhiên để tạo nên những câu chuyện bằng hình ảnh. Ông có tính cách của một nhà làm phim. Ông không viết mà ông quay, xử lý các khung hình, dựng và đưa chúng lên màn ảnh. Năng lượng của những hình ảnh, sự di chuyển của ống kính, những lát cắt sắc lẹm giữa các trường đoạn tạo nên cảm giác rằng đọc các bài thơ của ông người ta không chỉ có cảm giác được xem những bức ảnh mà còn là những tuyệt phẩm phim. Trong thơ ông, người ta thấy đủ các kiểu nhân vật từ nhà thơ, nhà phê bình văn học, trẻ em, những ông già, những người ăn xin, những công nhân, những bà mẹ, con chim nhỏ, con mèo, con rùa cho tới các đồ vật đủ dạng to nhỏ có liên quan tới sự sống của con người như cây bút chì, cái cúc, đồ ăn thức uống, sách, máy chữ, giá cả... tất cả đều hiện lên rõ như trong gương vậy. Ống kính của ông quan tâm tới hầu như từng chi tiết của thực tế cuộc sống.

Điểm nổi bật thứ hai trong thơ Julian Kornhauser đó là âm thanh. Ông như một người có máy ghi âm đặc biệt có thể ghi lại đủ loại âm thanh của cuộc sống... tất cả vang lên cho ta thấy thơ không chỉ còn là tập hợp của ngôn từ mà còn là tập hợp của âm thanh, tiếng động.

Áp dụng những thủ pháp nghệ thuật rất đặc biệt, nên khi đọc thơ Julian Kornhauser, chúng ta đọc đồng thời thấy như được nghe, được nhìn và ở một khía cạnh nào đó chúng ta đã được vượt qua ranh giới của văn học.

Cũng nhờ cách chọn đề tài và thi pháp thi ca độc đáo như vậy nên thơ của Julian Kornhauser thật sự khác biệt, rất gần gũi, tưởng chừng giản đơn song cũng vô cùng sâu sắc, gợi mở và được nhiều người yêu thích. Thơ ông mỗi người có thể đọc theo một cách, song chắc chắn đều để lại trong chúng ta nhiều suy tư, chạm vào trái tim và làm ta xúc động.

 

Hiệp ước thơ

 

Tôi có thể bỏ ra rất nhiều

để bài thơ này hoá thành bao diêm

thành chiếc đèn con trên bàn không chụp

thành tờ hoá đơn gửi từ tiệm giặt

chính ước mơ này biến tôi thành nhà thơ

 

Trẻ em

 

Trẻ em thông minh hơn chúng ta

chúng biết về tất cả

chẳng khó gì thậm chí màu hạt giẻ

trẻ em nhìn thấy những ngọn núi nơi ta

                                                        không nhìn thấy

nghe sóng vỗ rì rào khi chúng ta không nghe

qua những chiếc răng khấp khểnh

chúng nói những lời chưa ai từng nghe

sau những móng tay cáu bẩn

là nỗi sợ ẩn náu

và cuộc phưu lưu không thể tỏ bày

trẻ em khi chạy

những đôi giày quá khổ bật kêu

tóc dính vào với gió

khi trẻ em lặng im

trong mắt chúng nỗi nhớ nhung của người lớn

                                                                           ứ đầy

trẻ em hay kiễng chân

để chạm tới những gì còn chưa được phép

chúng thử những vật cấm

để có thể phân biệt nỗi sợ và trò đùa

đôi khi trẻ em nằm trên sàn nhà

nói những lời nguyền kỳ lạ

và khi đó chiếc cốc rơi khỏi bàn

cửa sổ tự mở toang

và chiếc bút chì màu lăn trên tường giấy trắng.

 

Hòn sỏi

 

Em còn nhớ khi đôi ta còn nhỏ

bão đã liếm lên môi ta

bằng cái lưỡi ấm mềm

 

trong chiếc váy mỏng khúc khích cười

em đã chạy chân trần trên cát

 

trước mắt chúng ta

những con đường mở ra

như những hạt óc chó vỡ vỏ

 

chỉ còn hai bước nữa

là thiên đường

anh đã đá chân vào hòn sỏi

 

nó đã bay một vòng cung rộng

cao

và lâu

 

nó biến khỏi tầm mắt

chúng ta chỉ còn nghe

tiếng trẻ khóc gào

 

và cũng có thể

chỉ là tiếng cỏ lao xao

 

giờ đây sau bao năm

hòn sỏi rơi ngay dưới chân ta

nằm trơ như tảng đá

đầy rêu

 

chúng ta đã không thể

nhấc nó lên

hay đọc được nó nữa.

 

Chảy và cháy

 

Những con sóng và những hòn đảo xa

chảy và cháy

những nụ hôn, những cuộc rút chạy

những tiếc nuối

chảy và cháy

 

những nỗ lực, những tiếng thét gào

những sự lật đổ

những thất bại lớn

những bản án nhỏ kinh tởm

chảy và cháy

 

những dòng sông và những ngọn lửa

luôn hướng về nhau

cuộc sống của chúng phong phú

và hấp dẫn hơn rất nhiều thứ khác

 

trên cây cầu gỗ nhỏ

sự chờ đợi mơ màng

chờ cất cánh về nguồn

vì một sự tồn tại vững bền hơn

 

trên dòng sông

những khao khát của chúng ta

chảy và cháy

những khao khát của chúng ta

chạy theo những mơ hồ đến sái cổ

chạy theo mà không hề biết

đâu là nơi kết

nơi kết của những gì đang chảy

nơi kết của những gì đang cháy.

 

Cái cúc

 

Vâng, chẳng có gì hay ho

để nói về cái cúc

cái cúc bị đứt chỉ

sợi chỉ đã gắn nó cùng hiện thực

 

nó đã từng rất chắc

được cài chặt

và ưỡn ngực đi một cách tự hào

 

còn giờ nhìn mà xót xa

cái cúc bị vứt đi

lọt vào một góc

cái cúc đang thử huýt lên một điệu nhạc

song qua những lỗ nhỏ của mình

phát ra chỉ là tiếng kêu rất khẽ

nghe như lời cầu nguyện

của một chiếc nơ.

 

Những cửa sổ đỏ

 

Không có ai chìa bàn tay ra

không một tiếng người dù là rất nhỏ

không đàn ông, không đàn bà

chỉ có chiếc kim khâu của em

chiếc bút chì của em

làn da em

chỉ có giấc mơ xanh

gió và cánh nhỏ của đêm

 

những cửa sổ đỏ nổ tung

và chúng ta bay, bay mãi.

 

Tạ Minh Châu Dịch và giới thiệu và dịch từ tiếng Ba lan

Nguồn Văn nghệ số 48/2021


Có thể bạn quan tâm