April 20, 2024, 1:33 am

Chùm tạp văn của Trần Nhã Thụy

Ba nhà văn

 

Có ba nhà văn được mời đến gặp một người đang đau đớn sắp chết để trải nghiệm “thực tế sáng tác”.

Họ đến cùng một lúc.

Người bệnh tiều tụy chỉ còn da bọc xương, hơi thở khó nhọc, hai bàn chân bị hoại tử lúc nhúc giòi.

Nhà văn thứ nhất ngồi xuống nắm lấy tay người bệnh, không cầm được nước mắt. Sau đó, nhà văn cẩn thận gắp từng con giòi ra một chiếc khăn mùi xoa để chụp hình. Xin gọi nhà văn thứ nhất là Nhà văn giòi.

Nhà văn thứ hai, dĩ nhiên cũng thấy cảnh ấy, tỏ ra đau xót, nhưng cố kiềm nước mắt, lấy từ trong túi một chai rượu quốc lủi, uống từng ngụm lớn. Xin được gọi là Nhà văn uống rượu.

Nhà văn thứ ba, cũng như hai nhà văn kia, thấy toàn bộ cảnh đó, cũng nắm tay người bệnh hỏi han vài ba câu. Nhưng rồi ông bỏ đi ngay sau đó.

Chuyến đi thực tế sáng tác chỉ còn lại hai nhà văn. Nhà văn giòi và Nhà văn uống rượu. Ngày nào họ cũng tới chỗ người bệnh sắp chết để lấy tư liệu. Nhà văn giòi mỗi ngày gắp vài con giòi, bóp tay bóp chân bệnh nhân, lắng nghe tiếng thở khó nhọc, ghi âm tiếng thì thào kể lể… Cứ như thế, ông chăm chú viết đều đặn mỗi ngày.

Nhà văn uống rượu cũng đến nhìn, lắng nghe. Nhưng ông nói gì, cũng không viết gì, chỉ lặng lẽ uống rượu, ngày càng uống nhiều hơn. Có bữa uống say gục luôn tại chỗ. Rồi một ngày kia, ông mời bệnh nhân một ly rượu. Cũng có người nói ông bóp miệng đổ rượu vào miệng bệnh nhân. Sau khi uống ly rượu của nhà văn thì người bệnh tắt thở, qua đời. Chấm dứt mọi đau đớn. 

*

Mãi về sau.

Người đời sau, thỉnh thoảng vẫn kể về Nhà văn uống rượu. Coi đó như một nhà văn gộc, một cá thể cá tính. Thấy người bệnh đau đớn không chịu được, ông đã mời một chén rượu giải thoát.

 

Tuy nhà văn uống rượu được kính trọng hơn, nhưng sách của Nhà văn giòi lại được bán chạy hơn. Có thể nói là bán chạy chưa từng có. Mỗi năm đều tái bản hằng trăm ngàn cuốn. Độc giả vẫn bị những trang văn thương cảm mê hoặc. Mỗi khi lật giở trang sách sột soạt lại như nghe tiếng rên xiết đau đớn. Và, thỉnh thoảng lại giật mình nổi gai ốc như vừa đụng phải một con giòi.

*

Không còn ai nhớ gì về nhà văn thứ ba. Người đến và đi ngay sau khi gặp bệnh nhân.

Sự thật là sau khi gặp bệnh nhân, nhà văn thứ ba biết đây là bệnh hiểm nghèo, chữa được bệnh này chỉ có một bậc danh y ẩn tu trên núi cao. Thế là nhà văn quay về khăn gói đi tìm gặp sư phụ.

Đường xa xôi hiểm trở. Mới đi giữa đường, nhà văn đã bị rắn độc cắn chết. Khi người dân địa phương tìm được dấu vết thì chỗ ấy đã mọc lên một cây dại. Không biết là cây gì. Nhìn không đẹp. Lại không trái không hoa. Người dân cứ đinh ninh lá cây sẽ trị được bệnh gì đó, nhưng hái về dùng thử thì không. Cho nên người ta gọi nó bằng cái tên CÂY KHÔNG LÀ GÌ.

Dù vậy, mỗi khi đi qua chỗ ấy, họ lại dừng chân đứng nhìn. Cái cây nom như một người đứng bên đường. 

 

Về sự đối xứng

  Trên đời này, những điều gần như hiển nhiên thì thường ít được chú ý tới hay luận bàn. Chẳng hạn như là... sự đối xứng.  Như đôi mắt nằm đối xứng trên trụ dọc của sống mũi. Cái miệng thì chia thành hai bờ môi trên dưới. Cặp vú nằm kiêu hãnh đối xứng nhau trên nền ngực. Hai tay và hai chân. Vân vân…

Cánh bướm là biểu hiện rõ rệt của ngôn ngữ đối xứng. Nhưng cắt một trái chanh ra chúng ta cũng thấy những hạt của nó cũng phân bố như là đối xứng nhau. Đoá hồng chồng xếp nhiều lớp cánh, nhưng tách từng cánh một thì thấy thật là xếp đối xứng. Lá kép là một ví dụ kinh điển về đối xứng. Những tia nắng rọi qua song cửa ngả xuống nền nhà cũng nằm đối xứng. Đàn chim di trú trên bầu trời bày bố đội hình mũi tên (hay chữ V ngược) cũng là một dàn xếp đối xứng. Cánh diều bay lên trời là thêm một ví dụ.

Khi ngồi với nhau, người ta cũng thường ngồi đối diện, tức đối xứng. Kể cả khi không có bóng người, những chiếc ghế ở bàn ăn, ở phòng họp cũng xếp đối xứng từng hàng.

Bia mộ trong nghĩa trang. Hàng cây hai bên đường. Những vạch kẻ giữa đường. Thậm chí là những vòi nước trong công viên cũng được bố trí đối xứng. Và không cần bố trí hay can thiệp thì tia nước khi vọt lên quá cao cũng ngã tách ra nhau theo những phần đối xứng.

Rõ ràng, không phải là tất cả, nhưng đối xứng chính là ngôn ngữ của cái đẹp, sự cân đối và bền vững.

Nếu không như vậy thì có nhiều lí do để cặp vú phải nằm... dưới nách ở những nơi khí hậu băng giá. Đôi mắt có thể phân bố cái trước mặt cái sau đầu cho thuận tiện quan sát. Nhất là đối với những chính trị gia, những người lắm kẻ thù, chực chờ thọc dao sau lưng.

Không như vậy. Rõ ràng đối xứng là một thuật toán của Chúa Trời, vô cùng thú vị.

Thuật toán này áp dụng khắp các nơi, một cách ý thức cũng như vô thức. Như một bé gái chưa biết gì về đối xứng, nhưng lại kết bím tóc thành hai lọn đều nhau, rất đẹp. Nhảy chân sáo là sự đối xứng dịch chuyển tuyệt vời, đối xứng hồn nhiên.

Buổi sáng ở quán cà phê, y thường ngồi một mình với chiếc ghế trống đối diện, đối xứng qua chiếc bàn. Trên chiếc ly gốm sơn đen có khắc chữ COFFEE màu trắng, y nhận thấy chữ cũng đối xứng nhau.  Y cũng thường hỏi rốt cuộc mình đối xứng với ai? Tư tưởng này đối xứng với tư tưởng nào? Quốc gia này đối xứng với quốc gia nào?

Và y thường hút hai hay bốn điếu thuốc xong nhìn sự tàn rụi đối xứng rồi đứng lên... phủi đít ra về.

“Thì thôi cũng sáng cà phê

Chích dăm điếu thuốc rồi về… nấu cơm”.

Lục bát là một tổ hợp các câu 6-8, cũng là một kiểu đối xứng tinh hoa của nước Việt vậy.

 

Về kẻ bị hiểu lầm nhiều nhất

  Cuộc đời ngoài kia nhìn bề bề mê mê vậy, nhưng tựu trung cũng gần giống như… một buổi họp lớp mà thôi.

Kẻ háo hức tới sớm. Người canh giờ G mới xuất diện cho thêm phần long trọng. Kẻ có sao tới vậy. Người chuẩn bị công phu, có khi là từ hàng tháng trời trước đó. Kẻ đơn giản chỉ là book một chiếc grab bike. Người phải kêu tài xế riêng hoặc tự mình lái xe tới và gửi trước vài hình ảnh hành trình vào nhóm trước khi xuất hiện.

Có người tới chỉ chăm chú phần hình ảnh.

Có người tới chỉ quan tâm việc ăn uống.

Có người xuất hiện chỉ với nhu cầu duy nhất là được phát biểu. Có một diễn văn được soạn sẵn nhét trong túi áo hay đã rì rầm như kinh kệ trong đầu. “E hèm…, xin cho tôi được phép nói mấy lời”.

Có người tới chỉ để thỏa mãn cơn say. Họ liên tục giục phục vụ khui bia, kiểm soát nhịp độ trận uống, hò hét những kẻ lề mề, sẵn sàng rút thẻ phạt cho những ai tìm cách câu giờ…

Có người tới, đơn thuần là để tán tỉnh một ai đó. Sẽ có ai đó là con mồi ái tình đêm nay.

Có người tới, đơn thuần chỉ là để khoe mình đẹp hoặc giàu. Chừng nào còn ít người biết về điều đó thì cuộc gặp chưa thể gọi là thành công.

Có người tới, đơn thuần chỉ là để gây hấn. Bằng lời nói, hắn tấn công tất cả, xỏ lá xỏ xiên, dèm pha và thách đố. Hắn cũng muốn đánh nhau với bất kỳ ai đó mà không vì bất kỳ lí do gì. Kết quả có thể là một cú tự ngã sóng soài máu me từa lưa trong toilet. Nhưng thế cũng là thành công.

Có người tới, đơn thuần chỉ là để hát một bài. Họ ngồi đó không thiết gì ăn uống hay chụp hình, chỉ chăm chăm nhìn vào cái micro, chờ tới lượt mình. Hát, ít ra phải hát một bài rồi mới về.

Và, có người tới chỉ với một mục đích cao thượng là thuyết pháp về một đạo giáo nào đó, sẽ là đại diện và thay thế cho tất cả. Cứu rỗi tất cả. Họ nói về luân hồi kiếp sau rành rọt như mới hôm qua vừa đi dạo trong siêu thị về. Họ nhìn tất thảy mọi người bằng ánh mắt độ lượng và xót thương. 

Lại có kẻ làm như mình là công an chìm/ mật thám, toàn nói vu vơ những điều cơ mật, dọa nạt lưng chừng, lọ mọ tới lui, tỏ ra nguy hiểm, rồi bất ngờ biến đâu mất.

Đại loại vậy.

Chuyện tưởng dễ, ai cũng có thể toại nguyện, nhưng không phải vậy. Người muốn hát thì bị kẻ muốn phát biểu cướp micro. Kẻ gây hấn muốn đánh lộn thì bị phe thích chụp hình phớt lờ. Kẻ muốn khoe giàu thì bị bọn ham nhậu bỏ qua. Trong ồn ào đám nhậu, lời ve vãn của tên Sở Khanh cũng bị khỏa lấp. Lời phát biểu hùng hồn, đầy đầu tư trí tuệ bị ngắt quãng vì một ai đó rú lên đề xuất trò chơi team building hấp dẫn.

Vân vân và vân vân.

Cứ như thế, một đám đông nhỏ hỗn loạn.

Có người lặng lẽ rời cuộc vui sớm. Có người chẳng có dấu hiệu dừng lại. Có ai đó đang cười rất to. Và, có ai đó đang khóc thút thít. Chẳng biết là đã xảy ra chuyện gì. Nhưng có khóc lẫn cười.

Và, buổi họp lớp ấy, chẳng may có một tên nhà văn ngồi đó. Hắn sẽ làm gì? Cũng có thể là hắn đang cướp micro phát biểu. Hoặc hắn nốc bí tỉ. Hoặc hắn ra sức tán tỉnh một quý bà. Hoặc hắn đang gây hấn với một tay nào đó.

Tên nhà văn đó. Hắn có thể là tất cả trong bọn họ. Hắn là một kẻ đa nhân cách. Nhưng, có thể hắn không làm gì cả. Hắn ngồi im như bị cắt mất lưỡi và lặng lẽ quan sát. Không phát biểu. Không tranh luận. Không hát hò. Không đạo pháp. Hắn có thể rời đi sớm nhất. Cũng có thể hắn là kẻ ngồi lại cuối cùng, khi trong phòng chỉ còn là những chiếc ghế. Hắn có thể viết một cái gì đó, về nhiều năm sau này. Nhưng cũng có thể hắn không viết gì cả. Hoặc là hắn chẳng còn nhớ gì. Chẳng chút mảy may.

Một buổi họp lớp, thật chẳng may nếu có một tên nhà văn, hay nói đúng hơn là chẳng hay ho gì. Cuộc đời ngoài kia cũng vậy. Nhà văn là kẻ bị hiểu lầm nhiều nhất. Có khi còn nhiều hơn cả những án oan. Nhưng điều ấy cũng là bình thường. Vì chính hắn còn không thể hiểu nổi mình.

 

Về tình dục

 

Tôi đọc một số bài báo phê phán kịch liệt cái gọi là trò chơi team building mang tính gợi dục. Một số nhà tâm lý nhưng giọng điệu thì như nhà đạo đức cũng được mời để nói về điều này. Những trò chơi mô phỏng các tư thế tình dục, được cho là thô bỉ, thô tục; nếu được “kích hoạt” sẽ có nguy cơ “lây lan” và làm “băng họa đạo đức xã hội”.

Tôi thì nghĩ tình dục chưa bao giờ làm băng họa đạo đức xã hội. Chỉ có sự dối trá mới làm hỏng các nền tảng đạo đức. Nói một đằng làm một nẻo mới chính là sự băng hoại.

Tôi thích câu nói này của diễn viên điện ảnh người Mỹ Marilyn Monroe: “Tình dục là một phần của tự nhiên. Tôi thuộc về tự nhiên”. Vậy thì việc nở rộ các trò chơi team building mang tính gợi dục, phải chăng cũng là một nhu cầu tự nhiên của con người, đặc biệt là nam thanh nữ tú chốn công sở?

Tình dục là nhu cầu có thật, là chủ đề không thể phớt lờ. Đặc biệt ở lứa tuổi trung niên, con người ta không còn ngại ngùng khi nói về tình dục; những cuộc gặp gỡ hay họp mặt bạn bè, đề tài tình dục “tiếu lâm mặn” cũng được bày mâm rôm rả. Tình dục còn được lôi lên cả sóng truyền hình, đến mức một đạo diễn nổi tiếng không ngại ngần phát biểu “Để chồng không ngoại tình thì các bà vợ phải như gái làng chơi”.

Tôi thì nghĩ tình dục luôn có hai mặt.

Tình dục xoa dịu con người nhưng cũng làm con người bị tổn thương.

Tình dục giúp ta hoan lạc, nhưng cũng nhấn chìm ta tận đáy cô đơn.

Tình dục làm cho đời sống này ý nghĩa nhưng chính nó cũng là sự vô nghĩa.

Tình dục là món quà nhưng chính nó cũng là tội ác.

Tình dục mang tới sự tự do nhưng nhiều khi nó cũng là nô lệ.

Tôi nhớ hồi nhỏ ở nông thôn, tôi từng rạo rực phát điên khi đọc tiểu thuyết Pháp có đoạn mô tả “cái háng rộng mênh mông của nàng”. Tôi từng thấy mình hư đốn. Lúc đó, thằng con của bà dì tôi bị khắp xóm bêu rếu vì tội “bóp vú bà già”. Một hôm nào đó, thằng nhỏ bỏ học, đi chơi một mình trên đường làng vắng, rồi tình cờ thấy một phụ nữ đứng tuổi, nó nhảy vô… bóp vú. Tôi cũng thấy ê chề ghê gớm. Nhục mặt. Nhưng giờ ở tuổi này, nhớ lại, thấy chỉ như chuyện cười.

Tình dục khiến cho mình bị khinh bỉ, nhưng nó cũng làm cho mình được tôn trọng. Và, ngược lại.

Có những người rất thành công trên thương trường nhưng thất bại ê chề trong tình trường.

Một người đàn ông có thể bị coi là thảm bại nếu như không thể chinh phục được một người phụ nữ, ở khía cạnh tình dục.

Tình dục là trải nghiệm giúp con người ta dần trưởng thành về thể chất, trí tuệ và cả cảm xúc.

Tình dục con người khác tình dục loài vật, dĩ nhiên.

Loài vật làm tình, chủ yếu để duy trì nòi giống.

Con người làm tình, chủ yếu vì ham muốn, thậm chí ham muốn nhiều hơn ở những đối tượng mà mình không có nhu cầu duy trì nòi giống.

Tình dục là một thứ phúc lạc mà con người luôn muốn duy trì, cho nên thiên hạ ai cũng muốn “kéo dài”, lại muốn “lên đỉnh”. Toàn những ham muốn tầm thường. Nhưng cũng vì sự tầm thường này mà nhân loại đẻ ra đủ thứ trò, đủ thứ lang băm. Thậm chí có cả công nghệ tình dục. Thực ra thì tình dục cũng là một môn thể thao có thể tự rèn luyện. Có một vài mẹo vặt. Đời này, ở đâu, lãnh vực nào cũng có mẹo vặt. Từ tình dục tới chính trị.

Nhưng, rốt lại, tình dục mãi là điều bí ẩn để chúng ta mãi không ngừng khám phá.

Tình dục là phúc lạc khi chúng ta im lặng, chỉ có thân thể và cảm xúc lên tiếng.

Nguồn Văn nghệ số 40/2022


Có thể bạn quan tâm