March 29, 2024, 1:10 pm

Chúc mừng các tác giả đoạt giải Cuộc thi Thơ (2019 -2020) trên báo Văn nghệ

 

Cuộc thi Thơ do Báo Văn nghệ tổ chức kéo dài trong 2 năm ( 2019 - 2020) đã thu hút trên 3.500 tác giả với hàng vạn tác phẩm tham dự. Qua hai vòng chấm hết sức công tâm, Ban tổ chức đã quyết định trao 12 giải thưởng ( không có giải A) cho 12 tác giả có tác phẩm đạt chất lượng.  Kết quả của cuộc thi cho thấy, những tác phẩm thực sự nổi trội  có lẽ vẫn nằm trong sự kỳ vọng của mỗi người. Văn nghệ xin trân trọng cảm ơn và chúc mừng  các tác giả đoạt giải, những tác giả đã gửi tác phẩm tham dự cuộc thi.  Bằng tác phẩm của mình đã góp phần làm nên sự thành công của cuộc thi và  sự đầy đặn cho cuộc sống, cho thơ ca...

 

DANH SÁCH CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI

CUỘC THI THƠ BÁO VĂN NGHỆ (2019-2020)

 

 

Giải AKhông có

 

Giải B:

 

TÒNG VĂN HÂN (ĐIỆN BIÊN)

  • Làm rể
  • Mẹ tôi chửi kẻ trộm
  • Nhà dưới nhà trên

 

NGUYỄN VĂN SONG (HƯNG YÊN)

  • Từ ngày lên phố
  • Gọng vó đầu làng
  • Từ ngày cha mất

 

Giải C:

 

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG (HÀ NỘI)

  • Mùa thu Sơn Tây
  • Làng đồi
  • Biên giới
  • Dần sáng

 

CHÂU HOÀI THANH (VŨNG TÀU)

  • Triết lý về thời gian
  • Hương tóc mẹ

 

KHUẤT BÌNH NGUYÊN (HÀ NỘI)

  • Xa hơn cả thời xưa
  • Ước nguyện ca trù

 

ĐẶNG CƯƠNG LĂNG (HÀ NỘI)

  • Lắng nghe
  • Trở về

 

Giải Khuyến khích:

 

ĐỖ VĂN DINH (LÀO CAI)

  • Những đứa con vùng cao
  • Em đi học từ phía cổng trời

 

MAI THÌN (BÌNH ĐỊNH)

  • Tạ lỗi với mây xanh
  • Ngược sông Lô
  • Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn

 

ĐINH HẠ (NGHỆ AN)

  • Mẹ tôi
  • Xin cho anh được tục huyền

 

TRẦN ĐỨC TÍN (Tp. HỒ CHÍ MINH)

  • Mình ơi bão qua rồi
  • Con có ổn không

 

HÀ HƯƠNG SƠN (QUẢNG NGÃI)

  • Cậu bé
  • Trong căn hộ chung cư
  • Con không biết

 

HUỲNH THÚY KIỀU (CÀ MAU)

  • Gió đã sang mùa
  • Trở lại Miền Tây
  • Hà Nội của anh

 

Thơ ca và sự nhân hậu đang tồn tại trong tất cả chúng ta

 

 

Thực hiện mục tiêu củng cố, kiện toàn và đổi mới nội dung báo Văn nghệ, nối tiếp thành công cuộc thi truyện ngắn 2017-2018, từ quý II năm 2019, Ban Biên tập báo Văn nghệ sau khi cân nhắc, và được sự ủng hộ của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, đã quyết định mở Cuộc thi Thơ 2019-2020 trên báo Văn nghệ với mục đích góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới; đồng thời cuộc thi cũng là cơ hội để tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn học trẻ. Theo dự kiến ban đầu, cuộc thi bắt đầu nhận bài từ giữa tháng 6/2019, và sẽ kết thúc vào giữa tháng 6/2020.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, tình hình thực tế đã có những biến đổi ngoài dự kiến. Đại dịch Covid-19 xuất hiện vào những ngày đầu năm 2020 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội, mà văn chương cũng không là ngoại lệ. Nhiều sự kiện quan trọng trong đời sống xã hội nói chung, đời sống văn học nói riêng, cũng bị ảnh hưởng, trong đó phải kể đến Đại hội lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam đã phải lui lại đến cuối năm 2020… Đây là những lý do khách quan, song lại là bất khả kháng, tác động trực tiếp đến cuộc thi cả về số lượng cũng như chất lượng…

Ngay từ khi mới phát động, cuộc thi Thơ trên báo Văn nghệ đã trở thành một sự kiện được chú ý trong đời sống văn học, được đông đảo bạn đọc, bạn viết trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng. Tính đến tháng 6 năm 2019, sau đúng 1 năm thực hiện, cũng là thời điểm kết thúc cuộc thi theo kế hoạch ban đầu; mặc dù có những biến động như đã nói ở trên; Ban Tổ chức vẫn đã nhận được hơn 7.500 tác phẩm của hơn 1.000 lượt tác giả tham dự (qua hộp thư điện tử và đường bưu điện), và đã lựa chọn và giới thiệu được trên 400 tác phẩm của gần 200 tác giả trên 50 số báo Văn nghệ xuất bản trong thời gian này. Có nhiều bài thơ, chùm thơ được bạn đọc và Ban Tổ chức đánh giá là có chất lượng tốt, nhiều tác giả mới xuất hiện… Không những thế, càng về cuối, cuộc thi càng có những dấu hiệu khởi sắc, nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, nhiều tác giả mới, có ấn tượng cũng đã xuất hiện vào giai đoạn này. Trước tình hình đó, một phần từ những lý do khách quan, một phần với mong muốn cuộc thi đạt được kết quả tốt nhất, thu hút được nhiều hơn nữa sự đóng góp của bạn đọc và bạn viết, không bỏ sót những tác giả có tiềm năng và tác phẩm có chất lượng, Ban Tổ chức đã quyết định kéo dài thời gian tổ chức Cuộc thi Thơ 2019-2020 trên báo Văn nghệ đến hết tháng 12 năm 2020. Quyết định này đã được đông đảo bạn đọc, bạn viết ủng hộ bằng những hành động, những tác phẩm thiết thực. Đến thời điểm kết thúc, cuộc thi đã có hàng vạn tác phẩm của 3.541 tác giả trên khắp mọi miền đất nước và hải ngoại gửi bài tham dự. Mặt bằng cuộc thi, từ những biểu hiện của số lượng và chất lượng, đã thể hiện được sự vững chãi, bề thế. Về lực lượng, cuộc thi đã thu hút được nhiều thế hệ cầm bút tham dự. Về nội dung, các tác phẩm đã phản ánh được nhiều góc độ đa chiều trong cuộc sống. Về nghệ thuật, với phương châm khuyến khích mọi sự tìm tòi và cách tân trong hình thức biểu đạt, cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ đã xuất hiện nhiều giọng thơ có cá tính; nhiều tác giả mới mẻ mà sáng tác của họ phần nào thể hiện sự tìm tòi tích cực, có trí tuệ, có khao khát. Đó là những dấu hiệu đáng mừng của một cuộc thi

Trong bối cảnh đời sống xã hội không có những đề tài trở thành điểm nhấn trung tâm như trước đây. Văn học nói chung và thơ ca nói riêng, vì thế, phát triển tuy phong phú, nhưng không tránh khỏi tình trạng tản mạn, nhạt nhòa. Bắt đầu từ cuộc sống lặng lẽ, để rồi cứ thế lặng lẽ đi vào cuộc sống bình thường… Tuy nhiên vượt lên trên cái lặng lẽ bình thường đó, Cuộc thi Thơ 2019-2020 trên báo Văn nghệ đã đem đến một đóng góp về tính phát hiện, cảnh báo. Đề tài trung tâm không có; nhưng Vấn đề trung tâm thì lại có. Thơ ca đã chỉ ra Vấn đề trung tâm hiện nay là tâm trạng xã hội, vừa bình thường, vừa bất thường. Hình như trong cuộc sống hòa bình, nhưng đâu đó trong sâu thẳm, con người ta vẫn chưa thực sự an tâm… Nhiều bài thơ đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội, đào xới những khuất lấp trong cảm xúc của con người và đã cho thấy sự không an tâm về đời sống hiện nay đã không chỉ còn là sự phảng phất, mà đang dần rõ nét… Chính vì thế có thể nói cuộc thi này bắt được một sự chuyển dịch âm thầm. Đó là sự đang được và đang mất; đang có mà để không, đang lên mà để xuống, đang mới mà để cũ… Như bài thơ Từ ngày lên phố chẳng hạn. Chúng ta lên được mặt này, có thể xem là tiến bộ, nhưng chúng ta cũng lại mất đi khá nhiều những giá trị truyền thống, những giá trị mang bản sắc văn hóa… Đó thực sự là những thử thách về nhân cách, về đạo đức mà con người hôm nay đang phải đối mặt. Không ồn ào khốc liệt, nhưng nghiệt ngã âm thầm thì không thiếu…

Sau thời gian đọc bài và chọn đăng, sau công việc ở vòng loại hết sức kỹ lưỡng và nghiêm túc, Ban Sơ khảo đã lựa chọn được 17 tác giả đưa lên chung khảo. Ở vòng sơ khảo này, mỗi tác phẩm được lựa chọn đều có những dấu ấn của sự tìm tòi, độc đáo. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, nói chung về nội dung, cuộc thi có xu hướng trở về cái dân tộc trong quỹ đạo vận động âm hưởng truyền thống là chính. Không có những đổi mới cực đoan, quá khích. Trách nhiệm xã hội của nhà thơ cũng được thể hiện rõ. Ấy là sự băn khoăn, lo lắng khi tiếp cận những vấn đề của đời thường bằng trách nhiệm và tinh thần xây dựng, không góc độ này thì góc độ khác. Tình cảm, chân thành, tiến bộ, phản ánh cái đa dạng, đa thanh của đời sống hiện đại; bắt được nhịp của đời sống; đó là sự lo âu đối với vấn đề đạo đức; như bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm của tác giả Tòng Văn Hân, có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng qua đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được. Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý. Nguồn gốc của bài thơ bắt đầu là sự đói kém, nhưng nhân văn, cao thượng vô cùng. Gốc của nó không phải đánh kẻ trộm, hay hình sự hóa vấn đề, mà là phải xóa tận gốc đói nghèo. Phải trả cho đời sống sự lương thiện… Tứ thơ và tư duy đó dễ gây thiện cảm cho người đọc... Hay như tác giả Đỗ Văn Dinh với bài Em đi học từ phía cổng trời, cũng có những câu thơ rất đẹp… Tác giả Khuất Bình Nguyên viết về chiếc cổng làng qua bài Xa hơn cái thời xưa, những tưởng là một đề tài cũ kỹ, song lại cũng hết sức mới mẻ, thể hiện được sự chiêm nghiệm, tìm tòi…

Với những kết quả đã đạt được cả về số lượng cũng như chất lượng, ngay sau khi kết thúc chặng đầu, Ban Tổ chức đã từng hy vọng vào một kết thúc khả quan của cuộc thi. Tuy nhiên số lượng cùng với sự đa dạng chưa phải là tất cả. Cho đến cuối cuộc thi, những đỉnh cao, những đột phá chứa đựng tầm vóc của trí tuệ cũng như sự bứt phá của thăng hoa, thể hiện qua những tác phẩm thực sự nổi trội thì vẫn nằm trong sự kỳ vọng của mỗi người. Nhìn chung về mặt nghệ thuật, cuộc thi lần này chưa xuất hiện những đột biến tìm tòi; chưa khẳng định được một giọng lĩnh xướng nào tiêu biểu cho một hướng phát triển mới của thơ. Nhưng cũng chính vì vậy có thể nói Cuộc thi Thơ 2019-2020 trên báo Văn nghệ đã phần nào phản ánh đúng được tình hình sáng tác thơ hiện nay…

Sau thời gian thảo luận về các tác giả và tác phẩm, Ban Chung khảo đã thống nhất cuộc thi không có giải A; và quyết định trao Hai giải B; Bốn giải C và Sáu giải Khuyến khích. Cơ cấu giải thưởng một lần nữa khẳng định những đánh giá của Ban Tổ chức cũng như của Ban Giám khảo, không phải chỉ với riêng một cuộc thi, mà còn với đời sống nói chung của thơ ca hiện nay

*

Mặc dù kết quả chưa được như mong muốn của cả Ban Tổ chức cũng như của những người tham dự, bởi không tìm được một “Trạng nguyên” để tôm vinh; song cuộc thi đã thể hiện sự cố gắng và quyết tâm rất cao của Ban Biên tập báo Văn nghệ, cũng như kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Được tổ chức trong khoảng thời gian không mấy thuận lợi, Cuộc thi Thơ 2019-2020 trên báo Văn nghệ thực sự trở thành một cuộc vượt lên trên những khó khăn do điều kiện khách quan đem lại; và ở một mặt khác, từ phía những người tham gia, cuộc thi cũng phản ánh một thực tiễn trong đời sống của thơ ca nói riêng và văn học nói chung trong mối liên quan đến xã hội, đến đất nước và dân tộc… Nếu như ở giai đoạn đầu, chất lượng cuộc thi còn khá khiên tốn, thì càng về cuối, sự bứt phá càng mạnh mẽ, quyết liệt, vượt xa sự dè dặt của nửa chặng đầu…

Kết quả của một cuộc thi không phải chỉ là những gì đang có của hôm nay, mà vốn dĩ nó đã là trầm tích của cuộc sống, được gom góp, vun vén, lắng lại trong lịch duyệt của mỗi tác giả, và cũng bởi thế mà nó sẽ trở thành một lời hứa, một dự cảm của tương lai. Cũng như cuộc sống, văn chương luôn có sự tiếp biến, kế thừa và chọn lọc. Vậy nên không chỉ những bài thơ, những tác giả có mặt hôm nay ở đây, mà còn nhiều hơn nữa là những bài thơ, những tác giả không có mặt, nhưng đã âm thầm làm nên sự đầy đặn cho cuộc sống, cho thơ ca và cho sự nhân hậu đang tồn tại trong tất cả chúng ta; hết thảy đều xứng đáng được nâng niu, trân trọng, hết thảy đều xứng đáng được nhắc đến và được tôn vinh, bởi tất cả đều mang một tên gọi chung, mong manh mà bền bỉ là Thơ…

Văn nghệ

 

 

 

 

Có thể bạn quan tâm