April 19, 2024, 8:20 am

Chưa hết âu lo

 

Ngày 24/6 vừa qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức họp báo công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp PTTH toàn quốc. Ghi nhận chung dưới góc nhìn của Bộ là một kỳ thi nghiêm túc, đề thi bám sát chương trình lớp 12, vừa sức, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Mặc dù có những sai sót ở môn Vật lý, song đã kịp thời chấn chỉnh và không gây ra những hậu quả đáng tiếc… Cũng thông tin từ Bộ cho biết 74% thí sinh trong tổng số trên 86 nghìn thí sinh dự thi đã đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tỷ lệ này cao hơn năm 2016 khoảng gần 5%. Đây là con số được cho là rất đáng khích lệ, cho thấy chất lượng giáo dục đang lên và thí sinh đã tự tin hơn với con đường lập nghiệp của mình.

 

Xét ở góc độ quản lý thì rõ ràng đây là kết quả đáng mừng của giáo dục ở bậc phổ thông, nhưng nếu nhìn toàn cục thì sự vui mừng này e rằng hơi vội. Vội ở chỗ thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; đặc biệt có 514.084 (59,32%)  thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Đây là việc chưa có trong tiền lệ thi cử lâu nay (từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử). Tỷ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt trên 99% (môn Ngữ văn: 99,53%; Toán 99,43%; Vật lý: 99,49%; Hóa học: 99,47%; Sinh học: 99,63%; Ngoại ngữ: 99,6%; Lịch sử: 99,34%; Địa lý: 99,4%; GDCD: 99,62… Những con số này đọc lên hẳn sẽ không khỏi khiến người ta nghĩ ngợi, đã đành Toán, Vật lý, hay hóa học có tỷ lệ thí sinh tăng cao, dự thi gần như tuyệt đối là bởi lý do bản thân nó là những môn khoa học cơ bản có thể cho phép chúng ta hòa nhập với thế giới cho dù có bất đồng về ngôn ngữ, nhưng  khoa học xã hội tăng cao vô hình chung sẽ dẫn đến việc khủng hoảng thừa nhân lực, vốn là thực tế không chỉ khiến Bộ Giáo dục & Đào tạo đau đầu, mà Chính phủ cũng đang tìm giải pháp tháo gỡ.

 

Cũng trong buổi họp báo, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết phương án thi năm 2017 sẽ được giữ ổn định cho những năm tới, trừ một số thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật, đồng thời khẳng định từ năm 2018 điểm sàn tuyển sinh sẽ do các trường tự quyết định dựa trên những quy định chung của Bộ. Ngay sau khi thông tin này được truyền thông đăng tải, dư luận xã hội đã nóng lên với nhiều quan điểm trái chiều.

 

Thứ nhất, kỳ tuyển sinh 2017 là năm thứ 3 Bộ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia gộp nhiều cái chung để giảm chi phí xã hội, giảm áp lực cho thí sinh. Song các chuyên gia vẫn cho rằng phương án đổi mới thi Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tiến hành hiện nay không nằm trong bất kỳ một chiến lược giáo dục cụ thể, hay một dự thảo tuyển sinh khoa học, nếu như không muốn nói là thiếu một tầm nhìn xa, dẫn đến năm thứ 3 nhưng vẫn  phải vận hành nhiều quy trình khác xa với hai năm trước...

 

Thứ hai, việc để xảy ra sai sót trong phát hành đề thi, hay trước đó là lúng túng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, giới hạn nguyện vọng của thí sinh dẫn đến tâm lý bất an, ảnh hưởng đến chất lượng thi là điều không nên có ở bất kỳ một kỳ thi nào chứ chưa nói đến đây lại là kỳ thì quyết định quá trình 12 năm đèn sách… Dù rằng trước đó, năm 2016 Bộ cũng khẳng định phương án thi sẽ vẫn giữ nguyên, tuy nhiên sự không nhất quán trong xác đinh hình thức bài thi sẽ là tổ hợp hay chuyển sang tích hợp, liên môn thì vẫn được Bộ gói gọn trong cụm từ “thay đổi mang tính kỹ thuật” mà không hề có thông báo trước vài năm để thí sinh kịp chuẩn bị như từng cam kết trước đó. Việc không quyết thời gian rõ ràng cũng như không xác định cái nào có lợi cho thí sinh và nhà trường để áp dụng đã khiến hệ thống giáo dục bậc phổ thông rơi vào thế bị động. Và khi đã ở vào thế đó, cực chẳng đã tâm lý lo lắng, bất an là điều không tránh khỏi.

 

Được biết, trong báo cáo Bộ Giáo dục & Đào tạo gửi Quốc hội kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tiễn, đồng bộ với quá trình đổi mới giáo dục phổ thông. Vậy là đã rõ, sẽ không có thay đổi gì quá lớn ở các kỳ thi sau, có chăng chỉ là “những điều chỉnh hợp lý”. Song ai có thể biết chắc trong hai năm tới những điều chỉnh nhỏ ấy là gì, và khi đã quyết, Bộ cần sớm công khai, đừng đẩy học sinh vào thế bị động. Chưa kể, sau lộ trình đổi mới kỳ thi quốc gia, và chiến lược đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông theo chương trình sách giáo khoa mới, diện mạo của thi cử từ năm 2020 ra sao hiện vẫn là một câu hỏi lớn mà lời giải hẳn sẽ không thể có được trong một sớm một chiều...

 


Có thể bạn quan tâm