April 20, 2024, 3:05 pm

“Chưa đủ sức răn đe” hay một cách nhìn nhận dễ dãi?

Gần đây, như là câu nói cửa miệng: “mức phạt chưa đủ sức răn đe”, truyền hình mỗi buổi thường đưa hình ảnh người tham gia giao thông vi phạm nghiêm trọng quy định luật giao thông từ các camera hành trình cung cấp. Đây là một việc làm cần thiết, cảnh báo, nhắc nhở đến mọi người. Bên cạnh đó, cũng thường không quên buông một câu: “có lẽ mức phạt (hay hình phạt) chưa đủ sức răn đe”. Một cán bộ có chức trách chuyên ngành khi nghe báo cáo, bàn giải pháp cũng không quên nói câu này với khẩu khí như là yếu tố chính của giải pháp. Thiết nghĩ, có thể đây là một trong số các nguyên nhân mà người tham gia giao thông chủ quan, thiếu ý thức về an toàn giao thông. Nhưng nếu chúng ta cứ nhấn vào điểm này thì sẽ tác động không ít đến cái nhìn tổng thể, nhất là đối với những người có trách nhiệm.

Các mức phạt tiền hay phạt tiền kèm theo các hình phạt khác đối với người có hành vi vi phạm luật lệ giao thông đã được pháp luật quy định phù hợp với các điều kiện, đặc điểm, hoàn cảnh… trên cơ sở áp dụng chung đối với mọi công dân có mức thu nhập khác nhau. Quy định còn thường xuyên được xem xét, sửa đổi, bố xung, và thường thì giải pháp gia tăng mức phạt tiền thường được sử dụng nhất. Gần đây nhất, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP), thì bình quân mức phạt đối với 19 lỗi thông thường của lái ôtô và 25 lỗi thông thường của lái xe máy đã gần tương đương với mức lương cơ bản của cán bộ công nhân viên chức, nhiều lỗi nặng còn cao hơn rất nhiều lần, chưa kể còn bị thu giữ bằng lái. Tuy nhiên, số vụ vi phạm hầu như vẫn không giảm và có tháng lại vẫn tăng. Phải chăng là vẫn “chưa đủ sức răn đe”? Vậy còn phải tăng đến bao nhiêu cho đủ? Người đua xe chẳng hạn, họ vẫn biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, là sẽ bị bị truy bắt, bị xử lý, và việc hỏng, mất chiếc xe trị giá đến vài chục triệu đồng là điều có thể xảy ra. Hay người điều khiển phương tiện giao thông vẫn biết trên đường nghe điện thoại là sai, là nguy hiểm, là sẽ bị xử phạt, nhưng hầu như không mấy ai tránh được điều này…

Loại trừ những trường hợp những người thiếu ý thức, cố tình vi phạm những quy định về an toàn giao thông, thì vẫn còn rất nhiều những yếu tố liên quan như: người lao động về thành phố ngày càng đông, bất cập trong quy hoạch đô thị, xây dựng, kết cấu và hiện trạng đường xá, biển báo, kể cả ở nông thôn… đều là những nguyên nhân đẩy người tham gia giao thông vào tình trạng “vi phạm thụ động” và góp phần làm gia tăng tai nạn giao thông. Chính vì vậy cần phải xem việc khắc phục đồng bộ các yếu tố liên đới, kết hợp với hướng dẫn, giáo dục ý thức pháp luật, văn hóa cho người tham gia giao thông mới là điều cơ bản, còn như việc cấm hay phạt thêm nữa thì chỉ là cách đẩy hết trách nhiệm sang người tham gia giao thông mà thôi, cần gì phải bàn luận.

Tôi đã chứng kiến một người tay bế con nhỏ chạy hỏi vay bạn tiền để đi nộp phạt, xin xe máy ra để mai còn đi làm, rồi lại nghe đâu đó trên loa truyền thanh, một câu quen miệng: “có lẽ chưa đủ sức răn đe”. Hình ảnh ấy thật đáng phải suy nghĩ.

Ấy là mới nói riêng ở lĩnh vực xử lý các vi phạm giao thông. Còn bao nhiêu việc khác, ở các lĩnh vực khác nữa. Xem ra quan điểm cũng như mức độ xử lý của chúng ta khi có người mắc sai phạm, có lẽ vẫn ở trong tình trạng “chưa đủ sức răn đe”?...

Nguồn Văn nghệ số 25/2020


Có thể bạn quan tâm