April 20, 2024, 10:45 am

Chữa chạy tinh thần

Mọi sự bắt đầu từ một chuyện dường như không liên quan, vậy mà cứ gây cho tôi nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ấy là khi tôi đọc báo mạng và biết tin ca sĩ Phi Nhung đã mất vì mắc Covid-19. Tôi chỉ biết nữ ca sĩ này qua những clip ca nhạc xem đây đó trên mạng, thi thoảng là một tiết mục hát dân ca nào đó phát trên TV…

Ấy vậy mà khi nghe tin chị mất vì Covid, tôi cứ bần thần, bải hoải cả người. Nguyên nhân có thể là mặc dù tôi không quen biết nữ ca sĩ ngoài đời nhưng vì chị là người của công chúng, có vô số những câu chuyện xung quanh chị, tốt có, thị phi cũng có mà khi chị mất đi, có cảm giác như tôi đã mất đi một người thân thuộc.

Tôi bắt đầu quan tâm đến những tình tiết xung quanh cuộc đời chị, chuyện chị nhận nuôi 23 đứa trẻ, rồi chậm tiêm mũi vaccine lần 1 để nhường xuất tiêm đó cho người khác vì biết là sắp sang Mỹ, đằng nào cũng sẽ được tiêm…Khi nữ ca sĩ mất, tôi có cảm giác đau như một người thân của mình vừa khuất bóng.

Đấy mới chỉ là cái chết của một người tôi không quen biết ngoài đời. Trong suốt gần hai năm qua, có những người mà tôi biết, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, đã không được sống trọn tuổi trời bởi con virus Corona quái ác.

Bạn tôi sống ở Sài Gòn, trong vùng tâm dịch. Một ngày kia, tôi nghe tin bạn tôi bị cách ly vì nhà có người nhiễm virus Covid. Gọi điện hỏi biết gia đình bạn tôi 6 người thì 4 người F0, trong đó có cả bố mẹ bạn. Điều duy nhất mà tôi có thể làm là cầu nguyện mỗi ngày cho bố mẹ bạn, cho người thân của bạn mau tai qua nạn khỏi. Sợ không dám gọi điện thoại cho bạn nữa. Rồi một ngày, vào trang facebook của bạn, thấy bạn thay avatar một màu đen kịt. Mẹ của bạn đã ra đi vì không chống chọi nổi với Covid. May là ba người còn lại vượt ách Covid thành công... Nhưng nỗi đau mất đi người mẹ từ bạn truyền sang, đọng lại trong tôi, mãi không nguôi ngoai…

Một nhà văn tôi quen biết suốt mấy chục năm qua, từ ngày anh ở chiến trường Campuchia về Hà Nội hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Anh quê miền Trung, có gương mặt khắc khổ như tạc ra từ đất, giọng nói nặng khó nghe đối với người miền ngoài như tôi. Khi anh chuyển vùng vào sống và làm việc trong Sài Gòn, chúng tôi ít giao tiếp nhưng vẫn biết về nhau qua những người quen trong giới văn chương, chữ nghĩa. Rồi một ngày, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thông báo cho tôi biết anh bị nhiễm Covid-19. Choáng váng nhưng tôi vẫn hy vọng rằng nhà văn tôi quen có thể qua khỏi bởi biết anh đã tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid. Nhưng rồi niềm hy vọng của tôi - cũng như nhiều bạn bè anh – đã biến thành nỗi buồn đau khôn xiết khi anh bỏ chúng tôi mà đi…

Qua nhà văn Lưu Sơn Minh, tôi quen một nhà sư nữ trụ trì ngôi chùa ven con hồ ở Hà Nội nhân một dịp nhờ bà bốc bát hương. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà ngồi hiền hậu, bỏm bẻm nhai trầu bên chiếc bàn gỗ đơn sơ trong ngôi chùa cổ. Dịch bệnh tràn đến, tất cả phải ngồi im trong nhà mình. Tôi vẫn hẹn với lòng là ngày tan dịch giã sẽ lên chùa thăm bà. Rồi một hôm, nhà văn Lưu Sơn Minh gọi điện cho tôi, nghẹn ngào thông báo rằng bà đã mất vì Covid-19. Tôi ứa nước mắt vì thương bà. Đám tang của bà tổ chức ở chùa, bảo vệ vòng trong vòng ngoài, chúng tôi không thể đến để tiễn bà lần cuối, chỉ biết đau đớn hẹn ngày tan dịch, lên chùa thắp viếng bà một nén hương…

Những câu chuyện tôi kể ở đây có thể xảy ra với bất kỳ một người nào khác trong cơn đại dịch đã và đang tràn ngập khắp mọi miền đất nước. Hơn 21.000 người đã mất vì bệnh dịch và con số này chắc chắn còn chưa dừng lại.

Không hiếm trường hợp tử vong trong những ngày dịch giã vừa qua là người quen, người thân, là bạn bè, họ hàng hay thậm chí là một người của công chúng mà chúng ta biết. Nỗi đau mà những người chúng ta quen biết, bất chợt ra đi, lớn hơn rất nhiều, gây ra vết cắt đau đớn hơn rất nhiều trong tâm can, bởi vì những kỷ niệm, hồi ức riêng tư luôn còn mãi, nhắc nhở chúng ta rằng họ vẫn ở đâu đó trong ký ức chúng ta.

Những nỗi đau ấy để lại những chấn thương tâm lý khó hàn gắn.

                  *

                 *        *

Những cái chết mới chỉ là một phần trong cuộc sống những ngày đại dịch.

Khi cả đất nước sống trong tình trạng phong tỏa ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, khi hàng triệu người trải qua những tháng ngày tự cách ly trong ngôi nhà mình, điều không tránh khỏi là nó sẽ tạo nên một dịch bệnh khác, “dịch bệnh tâm lý”, đè nặng lên cuộc sống của hàng triệu con người.

Ngày này qua ngày khác, trong các khu đô thị lớn, chúng ta đi từ phòng ngủ ra phòng khách, nếu nhà may mắn có ban công hay sân thượng thì ra đó, quay lại, lật giở vài cuốn sách, cố gắng vùi đầu vào những hàng chữ với niềm tin giả trá rằng chúng sẽ giải phóng chúng ta khỏi cái vòng kim cô đang siết chặt vì đại dịch.

Trong những ngày phong tỏa ngặt nghèo, chúng ta chỉ có thể tin vào cái tủ lạnh, trong khi mệt mỏi vì cái T.V chỉ toàn những “diễn biến phức tạp” với “quy định mới về giấy đi đường”…

Thay cho những cái ôm siết, những cái bắt tay ấm nóng là vẻ sợ hãi khi có một ai đó đi ngang qua ta ở ngoài hành lang, mỗi hơi thở đều có thể mang lại chết chóc, mỗi người đứng cách ta một bước chân đều có thể là nguồn lây dịch bệnh cho ta hoặc chính ta là nguồn lây cho họ.

Thay cho việc nhìn vào mắt nhau, chúng ta nhìn vào màn hình với nhiều ô hình chữ nhật, mỗi ô là một gương mặt; nhưng những gương mặt ấy cũng không nhìn chúng ta mà đang nhìn vào màn hình vô cảm.

Ngày khai giảng, hàng triệu học sinh đứng chào lá cờ bất động trên màn hình; cô giáo hiệu phó một trường phổ thông đọc diễn văn khai giảng năm học trước một sân trường không một bóng người, chỉ có sân trường, ghế đá và hàng cây im lặng lắng nghe cô nói…

Hàng triệu học sinh mở đầu năm học đầu tiên trong đời mà không có thầy cô ở bên, không có tiếng ríu ran của bạn bè, không có tiếng trống trường rộn rã. Rồi đây, những thế hệ học trò sống qua ngày đại dịch sẽ lớn lên, vào đời với những tổn thương tâm lý sâu sắc kéo dài theo các em không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Dịch bệnh khiến chúng ta cảm phục trước ngàn vạn gương hy sinh vô bờ bến của những người trên tuyến đầu chống dịch, nghẹn ngào trước vô vàn tấm lòng sẻ chia, thương người như thể thương thân ẩn chứa trong hai tiếng “đồng bào”. Nhưng dịch bệnh cũng làm chúng ta đau đớn nhận ra những bất cập trong trình độ của cán bộ quản lý kể cả ở cấp thượng tầng, đẻ ra những chính sách hành dân vô lối, sáng đưa trưa gỡ chiều giải thích vài ngày sau lặp lại; trước những biểu hiện của thói trục lợi vô luân lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời trên thân xác người bệnh; khiến chúng ta thay vì cảm phục thì lại đặt ra vô số dấu hỏi về hoạt động thiện nguyện của một số người…

Trớ trêu thay là lẽ ra dịch bệnh phải kéo gần chúng ta lại với nhau, nương tựa vào nhau để tạo nên sức mạnh của cộng đồng chống dịch, thì lại đẩy chúng ta ra xa nhau, khiến chúng ta nghi ngờ vào lòng tốt, vào bản tính thiện lương của con người.   

Đấy cũng là một dạng bệnh lý mà dịch bệnh mang lại cho con người qua những tháng ngày ngồi im vừa qua.

                *

                *        *

Tất cả những điều tôi kể ra ở đây chỉ là mặt tối của đời sống trong và sau dịch bệnh. Nhưng cái mặt tối đó có khả năng tạo nên “dịch bệnh tâm lý” mà sức phá hủy của nó có thể tàn khốc không kém gì Covid! Dịch bệnh Covid-19 đã gây nên những vết thương đau rất sâu và rất lâu trong tâm hồn của mỗi cá nhân, trong ký ức của cả dân tộc này. Trầm cảm sẽ là từ khóa thông dụng những ngày hậu dịch bệnh. Đấy là vấn nạn vô cùng lớn mà nếu như không sớm nhìn ra và tìm cách khắc phục, sẽ di hại rất lớn cho nhiều thế hệ sau.

Chúng ta biết chắc chắn có một mặt khác, mặt sáng, nhưng để cho ánh sáng đó phủ trùm lên đời sống của chúng ta sau dịch bệnh, cần phải can đảm nhìn vào bóng tối và tìm cách vượt qua cái khoảng tối ám ảnh ấy.

Sau dịch bệnh, những ngành nghề kinh tế rồi đây sẽ có thể phục hồi, những chỉ số kinh tế có thể tăng, nhưng những vết hằn tâm lý dữ dằn do dịch bệnh gây ra trong tâm hồn con người thì khó hồi phục hơn nhiều.

Cần phải có một sự chuẩn bị chữa chạy về tâm lý cho số đông qua một đội ngũ bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp, lành nghề, biết cách xoa dịu, chữa lành những vết thương tâm lý. Bên cạnh những chương trình hỗ trợ của Nhà nước để phục hồi kinh tế, cần có một chương trình tổng thể ở cấp quốc gia để phục hồi sức mạnh tinh thần của người dân, giúp người dân vượt qua được những sang chấn hậu dịch bệnh.

Những công việc đó phải được tiến hành ngay từ hôm nay, khi dịch bệnh mới chỉ có dấu hiệu lắng dịu và rất có thể sẽ không bao giờ chấm dứt hoàn toàn. Chữa chạy về tinh thần cho con người thì đừng để quá muộn – điều đã từng xảy ra khi chúng ta đối phó với chính dịch bệnh Covid-19.

Nguồn Văn nghệ số 42/2021


Có thể bạn quan tâm