April 25, 2024, 12:55 pm

Chủ quyền Hoàng Sa và Đà Nẵng

 

Tiếp tục tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; nhân  kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29 tháng 3 năm 1975 - 2023), cũng là dịp 5 năm khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa (28/3/2018 –2023); chiều ngày 24/3/2023, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, đã khai mạc triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới - Châu bản triều Nguyễn”.

 
 

Bên cạnh tư liệu Châu bản triều Nguyễn, triển lãm lần này giới thiệu hình ảnh, bản đồ về Hoàng Sa. Đặc biệt là bản đồ huyện đảo Hoàng Sa mới nhất (song ngữ Việt  - Anh), của Nhà xuất bản Tài Nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, Đà Nẵng đã sớm khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng ở cửa ngõ biển Đông của đất nước. Nếu giữa thế kỷ XVI, Đà Nẵng chỉ là vị trí tiền cảng trung chuyển hàng hóa, thì sang thế kỷ XVIII, đã dần trở thành thương cảng. Sau khi vua Minh Mạng ban dụ chỉ cho thương thuyền phương Tây vào cửa Hàn buôn bán, Đà Nẵng trở thành thương cảng lớn, cửa ngõ giao thương và ngoại giao với các nước phương Tây và khu vực. Triều đình Nhà Nguyễn xác định Đà Nẵng có cửa biển “tối vi xung yếu”, giữ vị trí đặc biệt trong phát triển kinh tế và quốc phòng.

“Các vua nhà Nguyễn có tầm nhìn chiến lược đối với vùng biển nên đã tiếp nối truyền thống vươn khơi bám biển, vượt vạn dặm hải lý gian nan để đến xứ Hoàng Sa. Tinh thần và ý chí của tiền nhân mãi là ngọn hải đăng soi sáng hải trình cho hậu thế. Người Việt đã phát hiện, chiếm hữu, quản lý Hoàng Sa qua nhiều thế kỷ. Đà Nẵng đang được giao nhiệm vụ quản lý quần đảo Hoàng Sa cũng là sự tiếp nối của lịch sử. Sau bao phen “biến động”, những ứng xử của tiền nhân với biển vẫn được lưu lại trên những trang sử liệu Châu bản”, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch ubnd huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh.Triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản Tư liệu Thế giới - Châu bản triều Nguyễn” kéo dài đến hết ngày 31/3/2023 với 3 chủ đề nội dung:

Phần I: Vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng - Vị thế giao thương quan trọng thời Nguyễn:

Dưới triều Nguyễn, vùng biển Đà Nẵng có vai trò đặc biệt quan trọng vì “có vũng biển lớn, vừa rộng vừa sâu có thể chứa được hàng ngàn thuyền ghe, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng gió”. Do đó, các thuyền vận tải công, thuyền tuần tra, thuyền đánh cá và thuyên buôn các nước thường vào cửa biển này trú ẩn khi qua hải phận gặp phải gió lớn.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng có vị trí cách Kinh đô không xa nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển, liên lạc, quản lý và kiểm soát của triều đình Huế. Vua Minh Mạng lệnh rằng “phàm thương thuyền các nước Tây dương đến buôn bán, chỉ được đậu ở cửa biển Đà Nẵng”. Thuyền trong nước, ra nước ngoài công vụ trở về cũng đậu ở cửa và cảng biển này

Phần II: Hoạt động đảm bảo an ninh vùng biển Đà Nẵng – Quảng Nam thời Nguyễn.

Nội dung sử liệu Châu bản triều Nguyễn được triển lãm đã xác thực và khẳng định: Vùng biển Đà Nẵng là nơi có nhiều tàu thuyền qua lại, từ thuyền vận tải công cho đến thuyền đánh cá, thuyền buôn các nước nên “bọn cướp biển cũng thừa cơ gây rối”. Vì vậy, triều đình thường xuyên cho thuyền tuần tra để ngăn chặn hải tặc , giữ yên vùng biển.

Hơn nữa, cảng biển Đà Nẵng là nơi giao thương với các nước phương Tây nên thuyền buôn, tàu quân sự thường ra vào buôn bán, kết hợp thăm dò tình hình, khảo sát địa thế. Triều đình Nguyễn lo lắng trước mối nguy hại nên đã sớm tổ chức thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng, kiểm soát tàu thuyền nước ngoài khi vào hải phận.

Khi Đà Nẵng trở thành nơi “hải cương trọng địa”, vùng “địa đầu quan yếu”, triều đình nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống phòng thủ. Ban đầu, cho xây dựng các thành đài Điện Hải, An Hải, Định Hải, Phòng Hải, sau lại xây đắp thêm các đồn bảo Trấn Dương và nhiều công trình phòng thủ khác. Ở mỗi công trình đều được trang bị đầy đủ các hạng vũ khí, súng pháo, đại bác và nhanh chóng được tăng viện binh lính khi cần thiết. Nhà Nguyễn cũng tổ chức thao diễn trên biển, luyện tập bắn pháo, đại bác ở vùng biển này.

 

Phần III: Thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn.

Theo ghi chép trong nhiều bản đồ và thư tịch cổ thì quần đảo Hoàng Sa – từ xưa - đã thuộc lãnh thổ Việt Nam. “Xứ Hoàng Sa thuộc hải cương nước ta, hàng năm có lệ sai phái thuyền binh ra khảo sát để quen đường biển”, sử liệu Châu bản triều Nguyễn ghi. Kế thừa truyền thống vươn khơi bám biển của tiền nhân, vua Gia Long tiếp tục sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa để đi “thăm dò đường biển” và khai thác sản vật ở xứ Hoàng Sa. Nối ngôi, vua Minh Mạng càng đẩy mạnh hoạt động quản lý trên quần đảo này, sai phái binh dân ra khảo sát, đo vẽ bản đồ, cắm mốc đánh dấu những nơi đã tới, cứu hộ tàu thuyền gặp nạn khi qua hải phận v.v... Những hoạt động đó trở thành định lệ và được các vua kế nhiệm thực thi, bảo vệ vùng hải cương này.

“Việc công bố Di sản tư liệu thế giới - Châu bản triều Nguyễn” lần này càng củng cố và khẳng định rằng, với những cơ sở pháp lý của lịch sử, Hoàng Sa – Trường Sa là những thực thế địa lý thuộc chủ quyền Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam đã xây dựng đất nước và liên tục đấu tranh với nhiều thế lực ngoại xâm, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và đây chính là bằng chứng  lịch sử không thể thay đổi, và là câu trả lời đanh thép về chủ quyền của dân tộc chúng ta.

Và từ những bằng chứng và cơ sở pháp lý của lịch sử, những “sức mạnh mềm” trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mỗi chúng ta có niềm tin vững chắc, và bằng trái tim dành một tình yêu trọn vẹn cho Tổ quốc, quyết bảo vệ chủ quyền ấy để không hỗ thẹn với các thế hệ tiền nhân”, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, chia sẻ.

Tại triển lãm cũng giới thiệu các hình ảnh về thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, hoạt động kinh tế biển sôi động, hình ảnh vươn khơi bám biển Hoàng Sa của các ngư dân, các hình ảnh về hoạt động bảo vệ vùng biển của các lực lượng chức năng, cứu hộ trên biển; hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Trần Ngọc


Có thể bạn quan tâm