April 25, 2024, 4:27 pm

Chống dịch covid 19: Không thể một mình một chợ

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc phòng chống dịch covid19, song song với phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép. Công điện nêu rõ: Một số địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19. Các địa phương khác cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát người về từ vùng dịch. Tuy nhiên, một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Công bằng mà nói, đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ ra công điện nhắc nhở, thậm chí phê bình gay gắt tình trạng “ ngăn sông cấm chợ” tại không ít địa phương khi dịch covid 19 xuất hiện và lan ra cộng đồng. Mà trước đó, để giúp tỉnh Hải Dương dập dịch covid 19 biến chủng mới lây lan nhanh trong các khu công nghiệp và ra các vùng lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể, yêu cầu các địa phương liên quan có những kịch bản, giải pháp căn cơ để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch, vừa tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa giữa các địa phương. Chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng đã giúp cho hàng trăm nghìn tấn nông sản của tỉnh Hải Dương nói riêng, nhiều tỉnh thành trong cả nước nói chung được đến tay người tiêu dùng và hoàn tất những đơn hàng xuất khẩu ra thế giới, tránh được nguy cơ đói nghèo do dịch bệnh trên diện rộng.

Tinh thần chống dịch như chống giặc, nhưng không cực đoan và được thực hiện hết sức linh hoạt chính là chìa khóa để Việt Nam liên tiếp đẩy lùi 3 đợt bùng phát dịch covid 19 tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, thành trì tưởng như vững chắc ấy một lần nữa bị lung lay bởi không ít cá nhân thiếu ý thức: trốn cách ly, không khai báo y tế, đưa người vượt biên trái phép… khiến cho nhiều địa phương đã buộc phải  đưa ra những biện pháp “phòng vệ” ở mức cao nhất. Nếu như, những ngày đầu bùng dịch covid 19 ( tháng 2/2020) nhiều địa phương dựng hàng rào, đổ đất  ngăn cản người và phương tiện tham gia giao thông, thì đến những ngày đầu tháng 4/ 2021, tình trạng này có giảm nhưng chưa thể chấm dứt. Đơn cử,  người dân và xe cộ từ nơi khác vào tỉnh Thái Bình đều phải dừng lại để khai báo y tế, đo thân nhiệt và chỉ tiếp tục được lưu thông nếu không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Tương tự, thành phố Hải Phòng có 10 tổ kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ và hơn 2.560 tổ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh ở cơ sở để truy vết, khoanh vùng và thực hiện khai báo y tế đối với người dân từ tỉnh khác vào địa phương. Hay gần đây nhất là tỉnh Đồng Nai ban hành quy định cách ly 21 ngày đối với người về (hoặc đến) từ thành phố Hồ Chí Minh; tỉnh Bình Thuận cũng ra thông báo yêu cầu người đến (hoặc về) từ TP Hồ Chí Minh phải khai báo y tế để được hướng dẫn cách ly y tế .v.v. ..Tạo ra tâm lý hoang mang cho người dân, không có lợi cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Tại công điện gửi các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ nêu ra 6 yêu cầu cấp bách đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng chấn chỉnh ngay việc đưa ra những quy định phòng dịch vượt quá mức cần thiết, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ngăn trở việc giao thương hàng hóa, kìm hãm phát triển kinh tế. Các địa phương không được phép quy định cách ly trái với khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngoài công điện của Thủ tướng, các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông bằng nhiều kênh khác nhau cũng đưa ra những khuyến cáo cụ thể, phân tích và nói rõ hơn nội dung Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội 15,16 và 19 của Thủ tướng nhằm giúp các cấp chính quyền, người dân  hiểu đúng và tự giác thực hiện. Điểm chung nhất của cả ba chỉ thị nói trên chính là không “ ngăn sông cấm chợ”, tôn trọng quyền lợi của người dân trên tinh thần nâng cao ý thức phòng, chống dịch covid 19 theo khuyến cáo 5 K của Bộ y tế. Đồng thời coi đây là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân trong cuộc chiến chống covid 19, trước khi vacxin trong nước được nghiên cứu, sản xuất thành công và nguồn cung vac xin trên thế giới trở nên dồi dào hơn, dễ tiếp cận hơn, tạo điều kiện cho những hợp đồng mua- bán vacxin thành công, phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong nước.

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực với nhiều giải pháp để khống chế, dập dịch không để dịch lây lan diện rộng trên cả nước. Coi nhiệm vụ chống dịch, phát triển kinh tế đều quan trọng như nhau, thì không ít địa phương vẫn tiếp tục có những biện pháp phòng vệ cực đoan, thậm chí là đặt ra những yêu cầu hạn chế đi lại đối với công chức, người dân trong tỉnh và ngược lại. Vì lẽ đó, tâm lý cục bộ đã và đang hình thành, vô hình chung làm giảm sức mạnh đoàn kết trong cuộc chiến chống covid19, vốn được xem là dai dẳng và cần có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, xã hội. Thiết nghĩ,  nếu công điện của Thủ tướng không được thực thi một cách nghiêm minh, sẽ không thể có thành công nếu vẫn bảo thủ với chủ trương “ một mình một chợ” trong cuộc chiến chống covid19.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Có thể bạn quan tâm