March 28, 2024, 8:54 pm

Cho dòng ĐaKrông mãi chảy

 

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay tựa lưng vào ngọn núi Chẻ - một ngọn núi trong hệ thống của dãy Trường Sơn, hướng mặt về con suối La Lay - thượng nguồn của dòng Đakrông thuộc địa danh bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị với câu chuyện kể về một mối tình thủy chung song kết thúc lại chứa đựng đầy nước mắt thương đau.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay tựa lưng vào ngọn núi Chẻ

Già làng Vỗ Liệu kể: Ngày xửa, ngày xưa, nơi đây là mảnh đất vô cùng thanh bình, người dân cần cù lao động sản xuất và luôn yêu thương nhau, lúa trên nương chất đầy chòi rẫy; lũ bò, dê, gà, lợn từng đàn sinh sôi nên cuộc sống bản làng vô cùng viên mãn. Giữa sự thanh bình của núi rừng, của bản làng có một đôi trai gái yêu nhau như dòng suối quấn mình dưới chân ngọn núi. Chàng tên là KLa và nàng tên là Niêng Lay cùng nhau hứa với Giàng (trời), với thần núi, thần rừng sẽ mãi mãi bên nhau dẫu cái chết cũng không thể bắt họ lìa xa nhau. Họ được tộc trưởng KLiêng và bố, mẹ hai gia đình cùng họ tộc hai bên hết lòng vun đắp, cả bản ai cũng mừng cho tình yêu của họ bởi KLa là một chàng trai vạm vỡ, có nước da sạm đen, vồng ngực nở căng tròn, tính tình vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, ngày ngày chàng lên núi săn bắn thú rừng, lên rẫy trỉa hạt lúa, hạt ngô, chặt cây gỗ về dựng nhà giúp mọi người trong bản, còn nàng Niêng Lay đẹp như bông hoa rừng, tinh khiết như dòng suối phía đầu nguồn, nàng có giọng hát lảnh lót như tiếng hót của con chim họa mi vào buổi sáng. Trong bản và cả những bản bên có rất nhiều chàng trai đem lòng yêu người con gái Niêng Lay nhưng cô chỉ yêu mỗi mình KLa, một chàng trai nghèo của bản. Ai cũng nghĩ đến một đám cưới sẽ được diễn ra vui vẻ, KLa và Niêng Lay sẽ sống bên nhau hạnh phúc, sinh nở nhiều con, cháu cho bản thêm vui thì bỗng nhiên năm ấy, tuy đã vào mùa trỉa hạt trên nương lâu rồi nhưng ông trời không cho đất cơn mưa để hạt lúa nảy mầm. Thế rồi cứ hết con trăng này đến con trăng khác, trời vẫn chang chang cái nắng, mùa rẫy ni qua, mùa rẫy khác tới, ông trời vẫn chẳng chịu cho mưa xuống, đến nỗi dòng suối chảy quanh bản cứ cạn dần, cạn dần, cỏ cây chết hết, vật nuôi không có cái ăn nên chẳng con nào sống được, người già, trẻ con trong bản đói quá, khát quá đã bỏ bản, bỏ người thân ra ngủ ngoài rừng ma. Tộc trưởng KLiêng lập bàn mời thầy mo giỏi nhất về cúng cầu xin hạt mưa nhưng mãi giàng vẫn chưa ưng cái bụng, chưa cho hạt mưa xuống với người dân. Một đêm trong giấc ngủ của mình, tộc trưởng KLiêng đã mơ thấy thần núi hiện về nói với tộc trưởng là trên đỉnh núi cao gần bản có một con quỷ dữ mới về ở, sau một lần nghe nàng Niêng Lay hát bên bờ suối, con quỷ đã đem lòng yêu nàng và muốn bắt nàng về làm vợ vì thế mà nó đã bắt Giàng không được cho mưa rớt xuống bản, nếu bản muốn hạt mưa thì phải có một thanh niên dũng cảm dám trèo lên đỉnh núi để giết con quỷ dữ. Sáng hôm sau, tộc trưởng KLiêng đem giấc mơ ra kể với dân bản và hỏi lũ thanh niên có ai dám đi giết quỷ dữ. Nghe tộc trưởng nói vậy, không phút giây suy nghĩ, KLa đã xin tộc trưởng lên núi giết con quỷ để cứu dân bản. Tạm biệt dân bản, tạm biệt người yêu, KLa trèo ngược lên đỉnh núi, cả bản ngày ngày ngóng đợi chàng về nhưng thời gian cứ trôi mà KLa không trở lại, thương tiếc người yêu, Niêng Lay ngày ngày ra ngồi khóc bên dòng suối đã cạn khô, nàng khóc đến kiệt sức và gục chết bên tảng đá. Khi tộc trưởng KLiêng cất lời cúng ma cho Niêng Lay thì bỗng nhiên trời đất tối sầm kèm theo một tiếng động rất lớn làm cây rừng nghiêng ngả, mọi người chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ngọn núi cao đã bị nứt ra làm đôi và từ khe nứt đó, một dòng nước tuôn chảy về con suối cạn nơi mà nàng Niêng Lay ngồi khóc thương cho người yêu, cùng lúc ấy từ trên trời cao những hạt mưa rơi xuống sầm sập làm cho cây rừng xanh trở lại, từ đó dân bản gọi ngọn núi ấy là núi Chẻ và dòng suối này là suối La Lay làm nên thượng nguồn của dòng Đakrông xuôi về với biển lớn…

Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, song đã để lại trong tôi suy nghĩ về sự dũng cảm hy sinh bản thân mình cho cộng đồng dân bản được sống của chàng trai KLa và tình yêu thủy chung của nàng Niêng Lay. Câu chuyện huyền thoại hay chính tại nơi đây, nơi miền biên viễn xa xôi này đang hiện hữu những người chiến sĩ mang quân hàm xanh vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ, các anh không đòi hỏi gì cho riêng bản thân mình mà chỉ mong muốn cho biên giới mãi mãi được bình yên, cho người dân bản xa có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

*

Thượng úy Nguyễn Văn Bằng - chàng trai quê lúa Thái Bình từ khi còn học phổ thông đã luôn nung nấu ước mơ trở thành một người chiến sĩ Biên phòng để được “Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi” mà Bằng từng xem trên ti vi và qua lời kể của hai người anh con người dì ruột hiện đang công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng. Chính vì vậy, tốt nghiệp lớp 12 là Bằng đăng ký thi vào Học viện Biên phòng cho dù bạn bè cùng trang lứa nhiều người can ngăn bởi thời đại bây giờ sự đầy đủ và sung sướng không bao giờ hiện hữu ở những nơi khó khăn, nơi mà những người chiến sĩ Biên phòng phải thường xuyên có mặt, lặng lẽ dấu chân vẽ nên đường biên cương Tổ quốc, thế nhưng cậu bé Bằng vẫn không chùn ý, vẫn cứ quyết tâm học tập và đăng ký thi vào Học viện Biên phòng. 5 năm miệt mài trên giảng đường và thao trường đầy nắng, gió, mưa, rét trong thời tiết khắc nghiệt của mảnh đất Sơn Tây - Hà Nội, tháng 8 năm 2014 tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi, anh có thể xin về một đơn vị gần nhà hay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn song anh đã tuân thủ theo sự phân công của cấp trên. Hết một tuần về thăm gia đình, tạm biệt quê hương, chia tay những người yêu quý, khoác lên vai chiếc ba lô giản dị anh vào nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Ngồi trên chuyến xe vượt chặng đường hơn 500 cây số với biết bao suy nghĩ đắn đo, nhìn những cánh đồng lúa chín vàng những địa danh đi qua, nỗi nhớ nhà lại dâng đầy trong cảm xúc của chàng sĩ quan trẻ. Tuy Quảng Trị không đến nỗi quá xa lạ với anh bởi vì anh đã từng có gần 3 tháng thực tập tại đây, song giữa việc là học viên thực tập với việc trở thành một cán bộ công tác lại có rất nhiều cái khác nhau, hơn nữa học ở trường chỉ là lý thuyết, còn khi ra công tác thực tế thì có vô vàn tình huống xảy ra… bao suy nghĩ, bao lo toan ngự đầy trong lồng ngực của một người sĩ quan mới tốt nghiệp ra trường. Làm xong mọi thủ tục tại cơ quan Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh, anh được điều động lên nhận công tác tại đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay với chức vụ Đội trưởng đội Tổng hợp đảm bảo (nay gọi là đội Tham mưu hành chính). Thêm một cung đường hơn 100 cây số từ thành phố Đông Hà để ngược lên biên giới, nhìn con đường ngoằn nghèo hun hút, một bên là núi cao, một bên là dòng sông thăm thẳm sâu dưới vực lại càng làm chàng sĩ quan trẻ nặng tâm suy nghĩ. Dẫu biết rằng, nơi các đồn Biên phòng đóng quân thường là chốn sơn cao, rừng thẳm nhưng khi thấy chiếc xe khách cứ chạy mãi, chạy mãi nhiều giờ đồng hồ mà vẫn chưa đến đơn vị thì nỗi lo lắng thêm đầy trong cảm xúc. Chẳng lẽ đồn mình về nhận công tác lại xa đến mức này ư? Câu hỏi hiện lên cùng nỗi buồn bắt đầu xuất hiện, lúc này hình ảnh ngôi nhà thân thương và bố, mẹ vất vả trên cánh đồng nặng đầy hơn bao giờ hết. Biên cương không còn là khung cảnh những khoảng đồi bạt ngàn hoa sim tím hay là mảnh trăng khuyết mỏng manh neo lại nơi cuối rừng mà anh đã từng hình dung bằng sự mơ mộng hồn nhiên của tuổi trẻ, giờ đây biên cương dần hiện rõ trước mắt anh điệp trùng núi non mịt mờ xa lắc…

*

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay quản lý 14,7 km đường biên giới với 5 mốc quốc giới (từ cột mốc 634 đến 638) với chiều sâu địa bàn 5,5km. Quản lý 02 xã địa bàn A Bung và A Ngo thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị với tổng dân số 1.400 hộ/ 5810 nhân khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Vân Kiều là 92%. Sử xưa ghi rằng những di chỉ để lại cho thấy từ xa xưa tổ tiên ta đã định cư, sinh sống trong khắp các khu vực trên dãy Trường Sơn, trên các miền biên cương rừng núi thuộc huyện Đakrông. Con cháu những tiền nhân đó trải qua hàng ngàn thế hệ đã là chủ nhân của miền đất “cổ hoang”, “phên dậu” trọng yếu này. Dưới thời bị nhà Hán chiếm đóng (khoảng vào năm 111 trước công nguyên) người dân bị bọn nhà Hán cai trị vô cùng hà khắc, không chịu khuất phục trước sự tàn ác của kẻ thù, người dân dưới sự lãnh đạo của các tộc trưởng đã dựa vào thế núi, cây rừng anh dũng giáng trả quân xâm lược những đòn chí mạng. Từ thời Lê Cảnh Hưng 8 đến thời Bảo Đại 6, các xã A Ngo và A Bung thuộc một trong 9 châu của đạo Cam Lộ do chính quyền tỉnh Quảng Trị quản lý. Sau khi thiết lập sự cai quản ở Đông dương, nhà toàn quyền Pháp ở Đông dương qua nhiều lần hội đàm đã ký nghị định giao 9 châu của đạo Cam Lộ cho Lào quản lý. Trong hoàn cảnh đó cương giới cũng bị xáo trộn theo những ý đồ của thực dân Pháp song đường biên giới này không phù hợp với thực tế, căn cứ vào chứng cứ lịch sử kết hợp với ý nguyện quần chúng nên 9 châu thuộc đạo Cam Lộ được trả về cho chính phủ nước Việt Nam thời bấy giờ quản lý. Từ khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn hèn nhát đầu hàng giặc, đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây đã cùng với nhân dân cả nước kiên gan đấu tranh rất mạnh mẽ và núi rừng Trường Sơn trở thành nơi tụ nghĩa chống Pháp của phong trào Cần Vương.

Năm 1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh của bà con các dân tộc Pakô, Vân Kiều... chống đi phu, đi lính, đi nộp thuế cho giặc Pháp diễn ra khắp nơi, các hoạt động che giấu, nuôi dưỡng, bảo vệ những chiến sĩ cộng sản ngày một phát triển mạnh mẽ. Tháng 8 năm 1945, cùng với các phong trào đấu tranh giành chính quyền cùng nổ ra, ở các vùng có đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã đoàn kết bên nhau đánh bại âm mưu dùng biên giới làm bàn đạp thực hiện chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp và tham gia chiến đấu chặn đánh quyết liệt các mũi tấn công của quân Pháp từ Lào sang. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân tộc Vân Kiều, Pakô đã dũng cảm đánh trả các đợt càn quét của quân thù, đồng thời đã trực tiếp gánh vác vai trò của hậu phương lớn góp phần tích cực trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Mỗi bản làng nơi đây thực sự trở thành địa điểm dấu quân, dấu hàng của tuyến vận tải 559 – đường mòn Hồ Chí Minh, người Vân Kiều, Pakô sẵn lòng nhịn đói để đi gùi gạo, ăn tro tranh quyết lòng giữ muối cho bộ đội đủ sức khỏe để chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, và đã đi vào âm nhạc lưu truyền đến muôn đời sau “Người đi qua đây bên con suối con khe; Mà có biết quê hương Vân Kiều; Diệt quân xâm lăng khắp núi khắp sông….”.

Biên niên sử đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay ghi: Ngày 25 tháng 12 năm 1975 đồn Biên phòng 127 – Tây Sơn (Tiền thân đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế La Lay ngày nay) được thành lập tại thôn Pi Hay xã Ta Lok (Thuộc huyện Tù Muồi, tỉnh Sa La Van - Lào hiện nay) sau một thời gian ngắn, đơn vị đã chuyển về đóng tại bản Armôm – xã Đông Sơn, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và phụ trách 6 xã địa bàn (Gồm các xã Đông Sơn, Hồng Thủy, A Bung, A Ngo, Tà Rụt và A Vao) với đoạn biên giới dài 32,5 km. Năm 1977, đơn vị đã được chuyển đến vị trí mới tại km 58 đường 14B thuộc địa phận xã ABung. Năm 1989, đồn Biên phòng 127 được thay đổi phiên hiệu thành đồn Biên phòng 625 – Tây Sơn. Lúc này địa bàn do đồn phụ trách còn lại 4 xã gồm: Tà Rụt, A Ngo, A Bung và A Vao… Năm 1995, được sự nhất trí của lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và tỉnh Xalavan (Lào), cửa khẩu La Lay được khai trương tại mốc quốc giới R16. Sau 3 năm thực hiện việc thông thương qua lại giữa hai tỉnh đã có nhiều tiến bộ, lãnh đạo hai tỉnh đã đề xuất lên chính phủ hai nước nâng cấp cửa khẩu La Lay thành cửa khẩu quốc gia và đồn Biên phòng 625 – Tây Sơn được đổi tên thành đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay…

Ngày 28/5/2014, Thủ trướng Chính phủ ký Quyết định số 813/ QĐ-TTg nâng cấp cửa khẩu La Lay từ cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu Quốc tế. Đồn Biên phòng do đó cũng được nâng cấp lên thành Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế La Lay.

Vâng! Dẫu thời gian có trôi đi 20 năm… 40 năm… 60 năm hay bao nhiêu năm đi chăng nữa thì thế hệ nối tiếp thế hệ những người chiến sĩ biên phòng vẫn tận lòng với dân, sống vì dân và hy sinh cũng vì dân. Trên muôn ngàn bản làng miền biên viễn xa xôi, dọc theo suốt dặm dài đường biên giới, mỗi đồn, mỗi trạm, mỗi tổ công tác Biên phòng được ví như những mắt xích vàng trong đường dây giữ gìn đất mẹ Việt Nam.

*

Đêm biên cương thăm thẳm sâu trong cơn gió rừng từ trên đỉnh ngọn núi Chẻ tràn về, con suối La Lay truyền vào vách đá tiếng róc rách để cho màn đêm mang âm thanh của sự sống. Một căn phòng trong khuôn viên đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay vẫn còn sáng ánh điện rọi lên vách tường bóng người ngồi say sưa trước chiếc máy tính xách tay gõ tí tách lên bàn phím với nét mặt đăm chiêu mặc cho thời gian đưa ánh trăng cuối tháng chếch nghiêng về sườn núi phía tây. Tôi tiến về phía căn phòng đang còn ánh sáng bằng những bước chân nhẹ nhàng bởi tôi sợ người đang làm việc bị giật mình, thế nhưng chắc công việc đã xong nên anh vươn vai đứng dậy và bước ra ngoài với gương mặt đã hết vẻ đăm chiêu. Tôi đến gần và cất lời:

- Làm việc gì mà thức khuya vậy anh?

- Dạ, em soạn giáo án để sáng ngày mai lên lớp trong giờ học ngoại khóa cho các em học sinh.

Nhận ra đó là Thượng úy Nguyễn Văn Bằng, tôi trao đổi cùng anh về thắc mắc của mình

- Sao anh lại soạn giáo án để lên lớp cho các cháu học sinh trong giờ ngoại khóa?

Anh trả lời:

- Đơn vị đang triển khai mô hình “Tiết học biên giới” vào giờ học ngoại khóa để giáo dục cho các em học sinh các vấn đề về biên giới anh ạ, nên em thức để soạn giáo án ngày mai giảng bài.

- Mô hình “Tiết học biên giới”? - Tôi ngạc nhiên.

Thượng úy Bằng giải thích cho tôi

- Mô hình “Tiết học biên giới” là một tiết học do đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay tham gia giảng dạy nhằm đưa những kiến thức cơ bản về biên giới và pháp luật về biên giới vào các trường Tiểu học và Trung học phổ thông trên địa bàn để giáo dục cho các cháu học sinh hiểu, đồng thời xác định trách nhiệm của các cháu trong việc tham gia cùng với các chú bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới.

- Anh có thể nói cụ thể hơn về “Tiết học biên giới” cho tôi hiểu được không bởi tôi chưa rõ lắm và tiết học ấy đã được hình thành như thế nào? - Tôi hỏi tiếp 

Thượng úy Bằng nhìn vào tôi rồi diễn giải:

Việc bám dân, bám địa bàn công tác là việc làm thường xuyên và có tính sống còn của cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay. Chính vì thế, chúng tôi đã ngày ngày về với bản làng người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu biết về pháp luật, về chính sách, về những thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm chia rẽ “ý Đảng với lòng dân” và cả những phương pháp chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, dựng xây bản làng no ấm… Tuy  nhiên trong một lần đến giao lưu với các em học sinh trường Tiểu học và Trung học cở sở xã A Ngo, khi một cô giáo nêu câu hỏi “Có em nào biết vì sao các chú bộ đội biên phòng trên đồn phải đi tuần tra để bảo vệ biên giới không?”. Cô giáo dừng lời và chờ đợi, hy vọng sẽ có nhiều cánh tay giơ lên để trả lời nhưng ngược lại có rất ít các em học sinh, mặc dù có cả học sinh lớp 9 hiểu về vấn đề này, những cháu được mời trả lời câu hỏi cũng chưa có nhiều hiểu biết về biên giới và trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ biên giới. Từ lần đi giao lưu ấy đã làm cho chúng tôi - những cán bộ trẻ có rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về việc làm sao để đưa kiến thức về biên giới vào trong trường học để giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới cho thế hệ trẻ, cho các cháu học sinh từ khi các cháu mới cắp sách đến trường. Vậy là ý tưởng “Tiết học biên giới” được hình thành và triển khai cho đến bây giờ.

- Vậy mô hình này được bắt đầu từ khi nào và các anh đã thực hiện như thế nào?

- Tiết học mà chúng tôi tiến hành đầu tiên là vào trung tuần tháng 4 năm 2016 tại điểm trường bản La Lay thuộc trường Tiểu học và Trung học xã A Ngo trong giờ học ngoại khóa và em là người được giao nhiệm vụ đứng lớp. Hôm ấy cả Ban giám hiệu nhà trường và Ban Chỉ huy đồn cùng dự nên tâm lý của em có phần bị ảnh hưởng trong quá trình truyền đạt nội dung mặc dù vậy các em học sinh vẫn rất tập trung chú ý nghe giảng song khi kết thúc bài giảng, em đặt câu hỏi cho các em về nội dung đã học thì các em rất thật thà trả lời là “Chúng em không hiểu ạ”, lúc ấy em rất buồn và có phần bị hụt hẫng bởi mình đã cố gắng hết sức nhưng kết quả lại ngược với kỳ vọng. Rời điểm trường, suốt dọc đường về đơn vị trong lòng em trĩu nặng một nỗi buồn khó tả, người ta bảo “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, vậy mà ngay từ buổi đầu tiên em đã bị thất bại, cả đêm em không ngủ cứ suy nghĩ để tìm lý do song chẳng thể nghĩ ra. Tiếp theo đó, tiết học này được triển khai ở nhiều điểm trường và do một số đồng chí trong đơn vị đảm nhiệm nhưng kết quả cũng chẳng khả quan là mấy. Qua những tiết học “điểm” không đem lại hiệu quả như kỳ vọng, chúng em cùng ngồi lại với nhau bàn luận tìm nguyên nhân, cuối cùng vấn đề đã được nhìn nhận, đó là nội dung giáo án chưa phù hợp, kiến thức đưa vào giảng dạy chưa đáp ứng với từng cấp học còn nặng về lý luận và giải thích chứ chưa mềm để các em dễ tiếp thu, dễ hiểu và đây cũng là điều khó khăn nhất mà chúng em gặp phải. Thế là giáo án được soạn lại sao cho phù hợp với trình độ của các em, đưa vấn đề gì, giáo dục vấn đề gì…quản thật không hề đơn giản. Năm lần, bảy lượt soạn thảo thì cũng từng ấy lần tiếp tục bị phá sản, mỗi lần soạn xong, xin thầy cô giảng thử nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn. Sau nhiều ngày trăn trở, cuối cùng một bộ giáo án điện tử về những nội dung liên quan đến biên giới sử dụng cho các em học sinh từ lớp một đến lớp chín với thời lượng gần 45 phút cũng đã hoàn thành, triển khai dạy thử nghiệm, các em học sinh đã một phần hiểu được vấn đề, hiểu được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ biên giới. Anh biết không khi nghe các em học sinh đồng loạt trả lời “Dạ, các cháu hiểu ạ”, lúc ấy em đã không kìm được giọt nước mắt mừng vui.

Thượng úy Bằng dừng lời trong ánh trăng rải vàng khắp tán rừng biên giới. Đêm không còn thăm thẳm sâu mà tôi đã nhìn thấy qua thời gian, mô hình “Tiết học biên giới” sẽ lan tỏa, sẽ tồn hằng như ánh trăng kia làm sáng bừng cả khung trời nơi miền đất xa xăm trên dãy Trường Sơn nguyện dương mình làm phên dậu chắn che bão tố cho đất nước yên bình, như ngọn gió ngàn kia chở luồng khí nóng quét sạch vạn lớp mây mù để lòng mỗi người dân nước Việt mừng vui nay gió thuận đẩy buồm xuôi giữa dòng cho con thuyền chở đầy niềm vui neo giữ bến bờ no ấm.

Hai năm đã trôi qua, những “Tiết học biên giới” cứ theo chân Thượng úy Bằng và các chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay đến với tất cả những điểm trường của 2 xã A Ngo và A Bung để rồi 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm….thế hệ các em lớn khôn sẽ nối tiếp lớp cha, ông gìn giữ biên cương vững bền để bên trong xã tắc căn cơ kế lâu dài. Tôi dám nói như vậy bởi vì mới tuần trước đây thôi, Ban Giám hiệu trường Tiểu học xã Tà Rụt - một xã không thuộc địa bàn biên giới đã cử người lên tận đồn để mời cán bộ về giảng “Tiết học biên giới” cho học sinh của trường. Từ đây trong từng trang vở của mình, các em học sinh sẽ đề thêm dòng chữ “ngày…. tháng… năm - bài học: Biên giới và chủ quyền Tổ quốc” để mỗi lần mở ra đọc lại, các em hiểu và thấy trách nhiệm của bản thân mình trong tham gia giữ gìn biên cương, cột mốc.

Dòng suối La Lay từ trên ngọn núi Chẻ vẫn miệt mài nguồn nước góp nên dòng Đakrông rộng lớn tựa như những dấu chân, những giọt mồ hôi của các cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay lặng lẽ vĩnh hằng với thời gian đắp bồi cho lớp lớp thế hệ tương lai niềm tin vô bờ vào sự bền vững của giang sơn xã tắc cũng như trách nhiệm bản thân mình trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Nguồn Văn nghệ số 47/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm