April 26, 2024, 3:16 am

Chợ Cốc Lếu!

Chợ Cốc Lếu, TP Lào Cai. Ảnh internet

Khi còn là trẻ chăn trâu, từ làng Mường Tiên, là những nếp nhà tranh, những mảnh nương, những tràn ruộng, những tảng đá... gá bên sườn núi, ngày ngày tôi nhìn xuống khe dốc, bên rìa khe có một con đường lát đá lổn nhổn trông như sợi chỉ vắt vẻo bám theo chân núi lên cao dần, thi thoảng có một chiếc ô tô nhỏ xíu nom như con bọ sừng chầm chậm bám theo con đường từ từ bò lên phố huyện Sa Pa, hoặc tụt soải dốc xuống rồi biến hút vào phố tỉnh Lao Cai trong làn mây mờ tít tắp phía chân trời.

 

Phố chợ có biết bao điều huyền bí thu hút trí tò mò khôn nguôi, thôi thúc lòng háo hức khám phá không bến bờ. Một lần nhân cơ hội cha xẻ được một hộp gỗ do người phố thuê và phải chở đến tận nhà cho họ, thế là đòi được theo cha ra phố tỉnh, đúng ngày chợ phiên. Ôi sao mà người đông thế! Lại còn trưng diện đồ mới rực rỡ muôn sắc màu nữa. Lần đầu tiên nhìn thấy người Dao Tuyển, người Xa Phó, người Giáy, Hà Nhì, Tày, Nùng, Kinh, và cả người Hmông đàn bà, con gái diện váy sặc sỡ nữa... Sân chợ Cốc Lếu bày bán đủ thứ: Vải vóc, giày dép, đèn hoa kỳ, chỉ thêu...; Dãy hàng bánh trái nào những bánh giày, bánh chưng tro, bánh sừng dê, bánh khảo...; Dãy vật nuôi lợn gà ngan ngỗng; Dãy ớt, gừng, nghệ, chuối tiêu, chuối ngự, chuối mắn, chuối phấn, mía xương gà, mía voi, mía tím... không thể không mua vài quả, vài khúc mang về làm quà cho trẻ; Rồi dãy hàng cốt chàm, vôi tỏa; Thêm dãy lưỡi cày, cây bừa, cuốc, xẻng, dao tay, dao phát, búa, lưỡi cưa, liềm, hái... Và khúc đường giáp bờ sông Hồng, nay có tên là Hồng Hà phía dưới sân chợ Cốc Lếu là chỗ để buộc ngựa. Và một lối đi xuống mép sông Hồng, trên mặt sông là chợ lâm thổ sản gồm những bè, mảng gỗ, mai, nứa, vầu, trúc, song, mây có thể theo dòng sông Hồng hoặc dòng Nậm Thi xuôi tới đây giao cho người mua, hoặc từ đây sẽ tiếp tục lênh đênh trôi theo những tay lái tay chèo cừ khôi về miền hạ lưu. Chạy dọc theo đường Cốc Lếu có một dãy nhà gạch cấp bốn lợp ngói đỏ phía trước nhìn ra sân chợ, tức là nhìn ra sông Hồng không che chắn là mấy quầy hàng ăn tư nhân và các sạp hàng buôn thúng bán mẹt. Cha dẫn vào một quầy hàng ăn, đong một bát miến để chan cơm nắm. Nâng bát cơm lên, ngần ngừ hỏi cha:

- Phố chợ Cốc Lếu có từ bao giờ, bố?

- Có từ lâu lắm rồi, con ạ! Từ đời cụ kỵ, đời ông, có thể đã có từ khi con người tụ làng ở đây cũng nên!

Từ trường Thiếu nhi miền núi Sa Pa, chúng tôi được chuyển xuống nhập với trường Bổ túc văn hóa công nông Làng Giàng. Ngày chủ nhật, tôi một mình đeo dao lên rừng kiếm củi. Sức loẻo khoẻo do ốm yếu nên mỗi ngày chỉ được một vác nứa khô, chú kế toán bếp ăn trả cho bốn hào. Tích cóp được một, hai đồng, không dám ăn quà, liền chạy theo đường tàu mười hai cây số, vào ngay Hiệu sách nhân dân phố chợ Cốc Lếu tìm mua cuốn mình thích, có thể ăn một que kem trắng chỉ có nước hòa với chút đường kính, hoặc uống một cốc xi-rô màu hồng bắt mắt, chừng một hào rưỡi, hai hào rồi lại chạy bộ về trường...

Thời kỳ bắt đầu làm cán bộ ty Giáo dục chuyên trách về chữ Hmông cùng cụ Doãn Thanh, hẵng còn chân son mình rồi, mang bản thảo sang Xí nghiệp in, ở Phố Tèo, ngay dưới chân Đền Thượng, chỉ có Giàng Seo Sáng và Giàng A Vàng xếp chữ chì cho tờ báo tiếng Hmông. Để đẩy nhanh tiến độ in sách, liền xin cụ Doãn Thanh cho sang nằm luôn tại Xí nghiệp, ban ngày là anh công nhân xếp chữ, ban đêm lại trở về với công việc nghiên cứu, biên soạn. Có một phiên chợ, sang Cốc Lếu, gặp bạn từ trên làng xuống. Vui quá, nằm luôn bên vách sân chợ với bạn, được hòa mình với những câu chuyện lầm rầm đêm khuya, được nghe người Dao hát giao duyên đối đáp... để hiểu dần, thấm dần cuộc sống hồn nhiên, tươi tắn của đồng bào các dân tộc. Rồi nhận ra điều sâu sắc rằng: Chợ miền núi là nơi tụ hợp; là nơi giao lưu gặp gỡ; là nơi trưng diện sắc màu các dân tộc; là nơi bày bán, trương khoe những sản phẩm mình làm ra; là nơi học hỏi nhau về cách làm ăn làm mặc; là nơi truyền cho nhau những bài ca phong tục, lý lối; là nơi hẹn hò kết duyên chăn gối trăm năm... Tựu chung, chợ là tâm điểm đoàn kết!

Ở Lao Cai (có thể nói là Lao Cái, hoặc Lão Cai, đều mang nghĩa là chợ cổ, phố cổ) có nhiều chợ: Bát Xát có chợ Mường Hum; Sa Pa có chợ Sa Pả, sau này chuyển lên thành chợ Hồng Hồ; Mường Khương có chợ Bản Lầu, Chợ Chậu, chợ phố huyện; Bắc Hà có chợ Bảo Nhai, chợ thị trấn, chợ Lùng Phình, chợ Sín Ma Cái... nhưng Cốc Lếu vẫn là chợ nổi tiếng nhất, vì nó là tâm điểm của các huyện trong địa vực, và là tâm điểm giữa miền xuôi với miền ngược, còn là nơi giao thoa với nước bạn Trung Hoa nữa.

Bom rơi đạn lạc tháng Hai năm bảy chín, chợ Cốc Lếu tan tác. Những lùm cây trinh nữ bò lan trên nền gạch đá, xi măng mà sao tươi tốt thế!

Thế rồi đất đá được đào bới lên. Những viên gạch vỡ nát, những lùm cây trinh nữ, cỏ tranh cỏ lác phải thay thế cho một thị xã mới toanh, một thành phố tươi trẻ đầy sức sống.

Nhưng... chợ Cốc Lếu xưa... mất rồi!

"Bác ơi, xin bác tha cho em! Em chỉ có vài mớ rau tranh thủ bán sớm còn về cho cháu nó đi học, mà đã bán được mớ nào đâu, thì lấy đâu ra tiền để nộp phạt, hở bác!". Ngày còn thị xã, tôi đi bộ, rồi qua chợ sớm, ngồi nghỉ ven đường, nhìn thấy chị thôn quê đổ cả xe đạp cùng mẹt rau xuống đường để lạy sì sụp cái anh đeo một miếng nhôm sáng lóa nơi ngực đang quát tháo, mà sao thấy đau từng khúc ruột. Nghèo túng, không có tiền nộp chỗ ngồi, bị sỉ nhục, chị dựng lại cái xe đạp rồi tức tưởi phóng đi, mặc cho mấy mớ rau muống lép kẹp nhảy tưng tưng vui đùa phía sau xe, không biết về đến nhà có còn mớ nào không? Ngày ấy, sân chợ Cốc Lếu vẫn còn chút không gian cho các nhà nông chen chúc người bán mớ rau, người bán mớ tôm, cua, túm hành, gánh cà chua, con gà, quả trứng, con cá... tranh thủ vào buổi sáng sớm. Chợ A xây dựng lại và hoàn thành vào đầu năm 2016 thì người dân mất hẳn không gian bán mớ rau, mua mớ cá, phải dạt xuống đầu đường An Dương Vương sáp bờ sông, nhưng gần đến sáu giờ sáng là ai nấy hớt ha hớt hải dọn hàng, dọn chỗ để trả lại đường cho người tham gia giao thông. Chợ B, tầng trệt bán thực phẩm thì đã quá chật chội. Và đó không phải chỗ dành cho những "nhà kinh tế ba cọc ba đồng"; nó là của các ông bà chủ có thể ngồi cả ngày với quầy hàng của mình: Thịt lợn, thịt bò, rau các loại, cá, tôm, cua, có thể thêm các loại đặc sản biển... Và cho đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, chuẩn bị vào tết, đón xuân Kỷ Hợi, sáng sớm, chiều tối, vỉa hè đường Hồng Hà, Cốc Lếu, An Dương Vương, những cuộc giằng co, những câu cãi vã lại nổi lên giữa các bà, các chị hàng xén với những người quản lý chợ, quản lý trật tự đường phố nom vừa buồn cười, vừa thảm thương.

"Con mẹ kia! Có đi ngay khỏi mắt ông không. Đi ngay, trả lại vỉa hè đường cho người đi bộ, kẻo ông quăng cả mấy nải chuối chết rét vào thùng rác bây giờ!". - Một anh nhân viên hùng hùng hổ hổ xấn xổ vào trước mặt một chị nông dân. Chị vội vàng bưng cái rổ có hai nải chuối ót vọt ra đường. Chị chỉ còn nước phải cuốn xéo thôi, chứ trong nhà san sát tường giáp tường ai cũng bày hàng, hè đường thì cấm, thì thử hỏi: Mớ rau, quả trứng, nải chuối, con cá, bắp ngô... nó đã theo người dân Việt quê mùa suốt ngàn năm rồi, có phải là một nền kinh tế không? Và cho đến bao giờ, nông dân miền núi mới có được hàng hóa có trọng lượng con số tấn để mang ra chợ, hợp đồng với siêu thị, hoặc xuất khẩu? Các vị quản lý, các đồng chí lãnh đạo, gọi chung là quan chức hãy đừng đẩy người dân buôn thúng bán mẹt sang phía đối trọng với mình. Nguy hiểm lắm đấy! Vì chợ đâu phải chỉ có người bán. Còn có người mua nữa chứ. Già lão rồi, lo toan bữa ăn cho con cái chúng nó đi làm, thì giờ đâu, sức khỏe đâu mà đạp xe xuống tận chợ Kim Tân; đồng lương ít ỏi tằn tiện làm sao dám mua của đắt ở siêu thị. Mỗi sáng mỗi chiều, chúng tôi phải trông đợi mẹt hàng ba cọc ba đồng của chị nông dân chân chất. Và các vị có để ý không, từ khi bắt đầu xây dựng chợ Cốc Lếu, đồng bào dân tộc thiểu số đã ngao ngán kêu than với nhau: "Mất chợ rồi!". Tuyệt nhiên không còn cốt chàm, vải vóc, thổ cẩm, thảo quả, chuỗi trứng bọc rơm, thồ mộc nhĩ, cành hoa đào... vì họ đâu có chỗ để bày bán, huống là đi chơi chợ. "Mất chợ rồi!", nghĩa là Chợ Cốc Lếu vẫn họp từ ngàn xưa bây giờ không còn nữa rồi. Thế là những người thuộc thành phần kinh tế Ba cọc ba đồng lại tụ họp phía dưới bờ suối Ngòi Đum, xếp thành hai dãy theo ven đường, chầu chực, nèo kéo mấy anh Quản lý chợ quyền sát quyền sinh để ngồi rốn thêm xem có ai ngó đến mớ rau, rá cà... Tuy thế, cái chợ ấy bây giờ hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa Mua - Bán, tức là chao chác bằng đồng tiền, nhìn thấy nhau là gườm gườm cảnh giác, chứ đâu còn chuyện tâm giao. Vậy nên, bây giờ, cuộc sống hiện đại này, ừ thôi, đồng bào không đi chơi chợ nữa, thì đành, coi như một thời đã qua, thì cũng nên dành một vị trí thỏa đáng cho một chợ quê, cho những người ba cọc ba đồng, những người buôn thúng bán mẹt, cho dù nó chỉ là kinh tế tiểu nông. Lâu rồi, đã mấy năm, vẫn nghe nói Chợ sẽ chuyển xuống Châu Úy! Nhưng chẳng biết đến bao giờ. Và rồi cái Chợ quê Châu Úy ấy nó sẽ ra làm sao. Có vị lãnh đạo nào có thể vắt tay lên trán mà mường tượng ra một cái chợ cho người dân nghèo quê mùa đặc trưng của Lão Nhai? Đó mới là nơi cuốn hút những người dân bản địa đang sinh sống rải rác trên những triền núi cao. Đó mới là nơi để khách thập phương tìm đến. Và đó mới là món quà kỷ niệm cho bạn bè muôn phương…

Nguồn Văn nghệ số 38/2019


Có thể bạn quan tâm