April 18, 2024, 3:41 pm

Chính nhân Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu  là một chính nhân. Những ngày cuối 1972, an dưỡng ở Quảng Bình, tôi đã đọc say mê “Dấu chân người lính” của ông. Cuốn hút tôi chính là đoạn ông viết về một cô gái Vân Kiều. Trong nhật ký tôi đã viết: “Ý nghĩ viết về cô gái bản và tình cảm của cô với bộ đội, rồi thượng nguồn con sông giới tuyến bỗng cháy trong lòng khi mình đọc DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH của Nguyễn Minh Châu”. Tôi đã chép vào nhật ký những bài ca của người Vân Kiều mà Nguyễn Minh Châu đưa ra trong “Dấu chân người lính”.

Tìm anh khó hơn tìm ông trăng tròn

ông trăng tròn ở xa

mỗi tháng còn thấy một lần

anh ở gần

em tìm mãi không thấy

vắng anh, em ăn không no

hút thuốc không cháy

uống nước mà vẫn khát

trời mưa lâu làm chòi anh dột

chòi dột anh phải đi lợp lại

anh có ưng em, em cất lều lá chuối

giúp anh lợp mái chòi

không ưng nhau chòi lành cũng dột

ưng nhau, chòi dột anh cùng em lợp cái lá

                                      *

anh là trái núi cao hay ngọn suối nước trong ngoài đầu bản

anh là ông trăng tròn ban đêm

hay là mặt trời ban ngày

anh là con chim Pít ăn lúa trên nương

hay là bắp hoa chuối đỏ trên nắp gùi cô gái đẹp nào?

em tìm anh như con voi phá chuồng

đi khắp núi khắp rừng

lâu ngày thành con voi điên…

                                                 ***

Đến khi ra Hà Nội, do tôi hay đến chơi với anh Nguyễn Trung Thu (vốn tốt nghiệp Tổng hợp Văn làm ở Viện Văn học, đi bộ đội cùng tôi và là tác giả bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” nổi tiếng) ở khu tập thể số 3 Ông Ích Khiêm nên được gặp ông, vì ông là hàng xóm nhà anh Thu. Tính tình ông điềm đạm, dễ gần, rất chân thật và rất nghệ sĩ. Qua chia sẻ, tôi biết thêm nhiều và thân thiết hơn với Nguyễn Minh Châu.

Nguyễn Minh Châu sinh ngày 20-10-1930 ở Quỳnh Lưu – Nghệ An. Ở đây, đất này, sinh sau ông 15 năm là Thái Bá Lợi – bạn thân của tôi. Hóa ra Nguyễn Minh Châu cũng bắt đầu bằng nghề thợ khi theo học trường Kỹ nghệ Huế từ năm 1944 – 1945, như tôi bắt đầu là kỹ sư thông tin, Nguyễn Khắc Phục bắt đầu là thủy thủ v.v… 20 tuổi ông tiếp tục học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng rồi sau đó gia nhập quân đội. Ông về Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội từ năm 1962.

Từ khi vào bộ đội, tôi đã được đọc những truyện ngắn của ông. Nhưng ấn tượng nhất là tiểu thuyết “Dấu chân người lính”. Sự lãng mạn say sưa lý tưởng đã giúp ông dựng lên hình tượng người lính thời chống Mỹ lấy “cuộc đời là chiến trận”. Đọc ông, những người lính chúng tôi dám dấn thân hơn trên hành trình khói lửa đầy đạn bom. Đọc ông, chúng tôi thấy mình kiêu hãnh hơn.

Sau thống nhất, ông lại tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc qua “Miền cháy”, “Lửa từ những ngôi nhà”, “Cửa sông” và đặc biệt là “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” – một tập truyện ngắn đầy phong cách riêng Nguyễn Minh Châu.

Nhưng cũng từ sự dấn thân đó, ông nhận ra những sự giả dối của một nền văn học chỉ thấy sự tô hồng, phản lại sự sống thực của dân tộc. Bởi thế, ngay từ đầu thời đổi mới, ông đã viết tiểu luận “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” gây chấn động trong làng văn về sự thẳng thắn và dũng cảm.

Từ sự dấn thân đó, ông đã nhiễm bệnh ung thư. Nhìn ông với chiếc mũ nồi thường trực trên đầu, dáng điệu khoan thai hiền hậu, không nghĩ trong ông là một núi lửa của tư duy mạnh mẽ, là sự bất khuất, không khoan nhượng với giả dối. Nụ cười ông luôn thoáng một nét buồn. Buồn như “Phiên chợ Giát” truyện ngắn của ông hay “Những người ở quê ra” mà nhờ thế, “Phiên chợ Giát” được đánh giá như một kiệt tác.

Không mấy ai nhận ra được cái thần thái trong cái bóng dáng gày guộc cứ lặng lẽ đi men lối ngõ khu tập thể số 3 Ông Ích Khiêm rồi chui vào một căn buồng ẩm thấp. Số phận đã gắn ông với căn buồng mà nghe phong thanh đâu ở dưới nền nhà có một hài cốt của người Tầu. Đến khi được phân nhà mới thì lại nằm ở bệnh viện. Những ngày cuối cùng của Nguyễn Minh Châu ở Viện quân y 108, tôi và Lương Châu Phước đã đến ngồi rất lâu bên ông. Tuy làm tờ “Đất Việt” cho Hội Việt kiều ở Canada, Lương Châu Phước rất thông hiểu tình hình văn học Việt Nam và rất biết những ai đóng góp cho những ngày đầu đổi mới. Tiểu luận của Nguyễn Minh Châu khiến Phước rất cảm phục về sự đúng đắn và dũng cảm. Nhìn Nguyễn Minh Châu nở nụ cười yếu ớt trên giường bệnh, lòng tôi không khỏi xót xa, chùng xuống một cái gì mang mang khó tả. Đấy cũng là lần cuối cùng. Ngày 23-1-1989, Nguyễn Minh Châu đã ra đi khỏi cõi đời ở tuổi 60.

                             ***

Đám tang Nguyễn Minh Châu được tổ chức nhanh gọn theo nghi thức nhà binh đối với một sĩ quan quân đội cấp bậc Đại tá. Số phận Nguyễn Minh Châu thật lạ lùng, khổ đến chết. Khi ý định quàn ông ở trụ sở Ủy ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (sau là Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam) 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội được Hội Nhà văn đề xuất thì ông Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam từ chối với lý do là nhà đang sửa, Nguyễn Minh Châu chưa đủ tiêu chuẩn. Hội Nhà văn đã định đầu hàng. Nhưng do nhiều ý kiến bênh vực Nguyễn Minh Châu nên cuối cùng đám tang cũng được diễn ra ở 51 Trần Hưng Đạo, chỉ có điều quá nhanh. Nhiều người mang hoa đến thì xe tang đã đi.

Điều còn lại với đời ở Nguyễn Minh Châu chính là tác phẩm và nhân cách của ông. Những năm cuối đời, sáng tác của Nguyễn Minh Châu biểu rõ tư chất nhà văn của ông. Ông đã tìm được cái của chính mình, cái mà mình mong mỏi ký thác với đời. Văn của Nguyễn Minh Châu là một giọng văn thật quý hiếm mà người viết chân chính nào cũng muốn gắng sức đạt đến, một giọng riêng không vay mượn, không bị thúc ép, cám dỗ bởi bất cứ động lực nào.

Nguyễn Minh Châu là một bản lĩnh văn xuôi, là một “chính nhân quân tử”. Ông, với tư cách của người lính, đã chiến đấu đến cùng cho điều mình cảm thấy là đúng. Cái chết của Nguyễn Minh Châu để lại một cảm giác bình yên. Bình yên cho ông và bình yên cho những người đang sống. Nhưng buồn. Dù sao thì cuối cùng, sự nhìn nhận về ông cũng đã đúng mức. Ngay năm 1989, ông đã được Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1984-1989 cho toàn bộ tác phẩm viết về chiến tranh và người lính. Tập truyện cuối cùng của ông là tập truyện vừa “Cỏ lau” được tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1988-1989). Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật Đợt II năm 2000.

Trong cuốn “Nhà văn của các em” do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 1996, nhà phê bình Nguyễn An đã viết về Nguyễn Minh Châu: “Nguyễn Minh Châu là nhà văn viết rất kỹ và khá nhanh. Trong số lượng tác phẩm để lại… đọc truyện nào của ông cũng thấy lóe lên một cái nhìn sắc sảo, một sự đầm ấm trong tâm hồn. Nhân vật của ông cũng không đơn giản, sơ lược. Trong hành trình cuộc đời họ dường như luôn luôn có một cuộc đấu tranh dai dẳng, phức tạp. Lối kết cấu tác phẩm và mô tả của Nguyễn Minh Châu cho thấy một sự vận động đổi mới trong nghệ thuật viết văn của ông, trong hướng đi sâu vào thể hiện và phân tích nội tâm nhân vật… Cùng với các tập truyện “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”, “Bến quê”, “Mảnh đất tình yêu”… và đặc biệt là tập truyện vừa “Cỏ lau”, Nguyễn Minh Châu đã trở thành một trong những nhà văn đi đầu trong công cuộc đổi mới văn học ở ta”.

Đi sau xe tang ông trong nỗi buồn xót xa, khi đi về nhà qua phố Phủ Doãn lại gặp một đám tang khác. Tôi chợt nhận ra ngày nào tôi cũng đi từ phố Hàng Bông qua Phủ Doãn, ngày nào cũng đi qua tiếng khóc. Vậy là tôi đã viết “Tự khúc” để tưởng nhớ ông:

Ngày nào ta cũng đi qua tiếng khóc

phố Phủ Doãn gặp gỡ bao đám tang

trước mất mát nỗi đau người khác

sao ta dửng dưng

                           *

và mọi người với ta cũng chẳng khác hơn

có lẽ bạn đường với đớn đau là cô độc

và mỗi lần sau khi làm ngơ trước cảnh đời

                                                       trái ngược

lại chỉ mình ta dằn vặt âm thầm

                           *

hôm qua ngừng đập một trái tim nhà văn

lặng lẽ chết khi biết mình sẽ chết

ai bảo bây giờ không còn bi kịch

ta buồn đi như thể mưa bay

                           *

bao người lính như anh dần khuất xa rồi

bệnh ung thư gậm nhấm từng số phận

chiến tranh còn di căn đeo đẳng

vết thương hồi nào nhức nhói nơi nao

                           *

Pop, rock hộc lên òng ọc ti vi màu

cố cưỡng lại kiếp người yếu đuối

quả tim nhỏ của anh đập trong bóng tối

cũng là sương là khói một đời văn

Nguồn Văn nghệ số 41/2021

                                                            


Có thể bạn quan tâm