April 25, 2024, 9:34 pm

Chín mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

Thanh Hóa là một trong những cái nôi văn hóa với những di chỉ khảo cổ nổi tiếng về văn hóa Đông Sơn. Với vị trí địa lý có núi cao, sông dài, phía Đông là biển, phía Tây giáp đất bạn Lào, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Bắc giáp tỉnh Ninh Bình.

Trải qua nhiều thời kỳ, Thanh Hóa luôn có những đóng góp quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, nhiều giai đoạn chiến tranh, phân chia và phát triển, nhiều người đã từng đặt câu hỏi: “Danh xưng Thanh Hóa chính thức ra đời từ khi nào?”. Các nhà nghiên cứu văn hóa đã tìm hiểu từ nguồn khảo cứu Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục khẳng định danh xưng Thanh Hóa có từ năm Thiên Thành thứ hai, đời vua Lý Thái Tông (1029) đến (2019) là tròn 990 năm. Vùng đất tam Vua, nhị Chúa và có nhiều văn nhân, tướng lĩnh đóng góp cho quá trình xây dựng và giữ gìn đất nước như: Thời Trưng Vương có nữ tướng Lê Thị Hoa có tài cầm quân diệt giặc Đông Hán, đến Thế kỷ I có Triệu Thị Trinh đánh quân Đông Ngô; tiếp theo là Dương Đình Nghệ tham gia đánh giặc Nam Hán; Lê Hoàn dẹp quân Tống, bình quân Chiêm Thành; Hồ Quý Ly đánh quân Minh; Lê Lợi cùng mười tám vị công thần dựng cờ lập Hội thề Lũng Nhai đánh đuổi quân Minh; Tiếp đến các đời chúa Trịnh phát triển xây dựng kinh tế ở phía Bắc, chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, phát triển  ở phía Nam… Đến giai đoạn chống Thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi hiệu triệu, Thanh Hóa mở đầu bằng cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Mã Cao lừng vang với tên tuổi các tướng lĩnh như Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Trần Xuân Soạn, Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Cao Bá Diễn… Trong đó, Hà Văn Mao do không khuất phục quân Pháp trong tình thế bị vây ráp ở vùng rừng Điền Lư, huyện Bá Thước đã tự vẫn, ở một mặt trận khác, Tống Duy Tân cũng bị vây ráp và bị quân Pháp bắt giam và kết án tử hình. Phải khẳng định, ngay từ buổi đầu hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp, Thanh Hóa đã có nhiều chí sỹ anh dũng hy sinh và cho dù mặt trận Ba Đình, Mã Cao bất thành, nhưng tiếng vang và dấu ấn tinh thần bất khuất của các nghĩa sỹ Thanh Hóa đã nhen lên ngọn lửa căm thù giặc ngoại xâm và ý chí quật cường cho các thế hệ tiếp nối như Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập tham gia Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời tác động trực tiếp, toàn diện đến phong trào yêu nước và phong trào cộng sản ở Thanh Hóa. Được sự ủy nhiệm của xứ ủy Bắc kỳ, Đồng chí Lê Công Thanh quê xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa. Hè 1930, đồng chí Lê Công Thanh giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, quê xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ Hà Nam về Thanh Hóa xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí Chấp đã về huyện Đông Sơn, chắp mối với cơ sở Đảng Hàm Hạ, lựa chọn, bồi dưỡng kết nạp Đảng cộng sản Việt Nam cho ba đồng chí: Lê Thế Long, Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều người ở thôn Hàm Hạ, (nay thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn). Ngày 25/6/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập Chi bộ Hàm Hạ - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều, thôn Hàm Hạ. Tại hội nghị  này, đồng chí Lê Thế long được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Sau khi thành lập Chi bộ Hàm Hạ ở huyện Đông Sơn, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp lên huyện Thiệu Hóa bắt liên lạc với hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở làng Phúc Lộc, tổng Phù Chẩn, (nay là xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa) để tiếp tục tuyên truyền thành lập chi bộ Đảng. Ngày 10/7/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thiệu Hóa được thành lập tại làng Phúc Lộc và là Chi bộ thứ hai của tỉnh. Hội nghị cử đồng chí Vương Xuân Cát làm Bí thư Chi bộ. Tiếp đó, ngày 22/7/1930, tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ, làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã triệu tập Hội nghị thành lập Chi bộ Yên Trường - Thọ Xuân, gồm 7 đồng chí. Hội nghị cử đồng chí Lê Văn Sỹ làm Bí thư.

Một hội nghị toàn thể gồm 11 đại biểu tập trung tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân tiến hành thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa với ban chấp hành gồm ba đồng chí được bầu gồm đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư Đảng bộ và hai đồng chí trong ban lãnh đạo là Vương Xuân Cát và Lê Văn Sỹ. Có tổ chức Đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và Nhật càng đi vào chiều sâu và phong trào cách mạng trưởng thành trên mọi phương diện để tiến hành cùng cả nước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ngày 20/8/1945. Ngay sau đó, ngày 23/8/1945, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Lê Tất Đắc làm chủ tịch đã ra mắt nhân dân trong buổi mít tinh có hàng ngàn người tham dự.

Từ 1945 đến 1954, trong chín năm trường kỳ kháng chiến, Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo nhân dân vừa tăng cường sản xuất cung cáp thóc gạo, thực phẩm cho chiến trường, vừa tuyển quân tham gia chiến đấu trên các mặt trận, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần không nhỏ “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”…

Sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo nhân dân Thanh Hóa đã đi qua những trang sử hào hùng, góp phần cùng cả nước chiến thắng hai đế quốc xâm lược sừng sỏ rồi lần lượt chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, thiếu học hành mà mỗi mái nhà là một chứng nhân lịch sử trong dòng chảy chung của dân tộc. Những quãng đời đau thương do tàn tích giặc ngoại xâm để lại trong ký ức người dân Thanh Hóa không dễ phôi pha và phong trào cách mạng của Đảng đem lại cho mọi người dân niềm hy vọng lớn lao, sự cổ vũ tinh thần hăng say trong lao động, chiến đấu, vì một tương lai tươi đẹp cho quê hương và cho mỗi gia đình đã đi vào văn học như một lẽ đương nhiên tất yếu khách quan…

Trước và sau khi hòa bình lập lại, nhiều công cuộc cải cách nông thôn mới được Đảng chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình điểm để nhân rộng gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt  như việc hỗ trợ di dân  từ  nơi đông đúc tới vùng hoang hóa để khai hoang phục hóa, trồng cây lâm nghiệp, giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng, đào sông, kênh mương tưới tiêu cho các cánh đồng rộng lớn tiện lợi cho gieo trồng lúa hai vụ, canh tác vụ đông xuân trên tinh thần “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”. Các hợp tác xã chăn nuôi tăng cường nhân lên đàn lợn giống năng suất, già trẻ, trai gái ban ngày vừa tham gia tăng gia sản xuất, “mỗi người làm việc bằng hai”, ban đêm rủ nhau tham gia lớp “bình dân học vụ” để thực hiện lời Bác Hồ “diệt giặc đói, diệt giặc dốt ” trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chiến đấu chống Mỹ cứu nước ở miền Nam để đi đến thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam mùa xuân năm 1975.

Trải qua nhiều thời kỳ Đảng bộ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xã hội từ thập nên 80 đến nay, đời sống nông thôn mới hiện nay đã và đang đem lại cho đa số người dân Thanh Hóa một đời sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị thu hẹp dần, bình quân thu nhập đầu người năm sau tăng cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới đang dần hạ xuống mức thấp nhất. Những khu công nghiệp mở ra, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định đã xác lập sự thay đổi lớn lao trong đời sống nông nghiệp và nông thôn. Nông dân dần tập trung lực lượng lao động sản xuất vào các nhà máy, nhường đất cho tích tụ ruộng đất nhằm tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, hạn chế những đồng ruộng manh mún, tạo điều kiện quỹ đất cho các dự án công nghiệp phát triển nhằm tăng thu hút lực lượng lao động vào các khu công nghiệp ngày càng nhiều hơn. Trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã tạo mới 336 ngàn lao động.

Về công nghiệp, Cảng nước sâu Nghi Sơn, Khu công nghiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn… và nhiều công trình lớn khác đang đi vào khai thác sử dụng hiệu quả. Các công đoạn giải phóng mặt bằng, di rời dân cư, đền bù cho dân đã được Đảng bộ tỉnh chỉ đạo sát sao để ý Đảng, lòng dân là một. Với diện tích đất dành cho các dự án công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn là rất lớn, nhưng không xảy ra kiện tụng, đó là những ghi nhận đáng khích lệ mà tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa đã làm được. Bên cạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn hiệu quả, Thanh Hóa đồng thời đẩy mạnh phát triển Tứ sơn gồm: Khu kinh  tế Lam Sơn với việc khai thác cảng hàng không Thọ Xuân công suất ngày càng lớn, Nhà máy mía đường Lam Sơn…; Biển du lịch Sầm Sơn với mô hình các Resort, sân gôn FLC thu hút đông đảo du khách; và khu kinh tế công nghiệp thị xã Bỉm Sơn với các nhà máy xi măng, nhà máy may công nghiệp giải quyết cho hàng ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định…; Cơ sở hạ tầng giao thông  toàn tỉnh được đầu tư xây dựng như quốc lộ 217 nối cảng hàng không Thọ Xuân, quốc lộ 45, 47, đường vành đại Đông - Tây… Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thanh Hóa đã cùng cả nước thực hiện phòng chống dịch an toàn, tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, nâng tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội lên 610 ngàn tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại.

Với thế, lực và tiềm năng của tỉnh, ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo động lực để Thanh Hóa phấn đấu đứng trong tứ giác kinh tế phía Bắc so với cả nước cùng với Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội với khát vọng thịnh vượng đưa kinh tế, văn hóa, xã hội Thanh Hóa phát triển nhằm nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống nhân dân. Quyết tâm xóa những hộ nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy phát triển chung của cả tỉnh, phấn đấu thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn. Để thực hiện tốt những vấn đề trên, Thanh Hóa cần phải tập trung nỗ lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trọng tâm là phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực “tứ sơn”, 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến và chế tạo,  Du lịch, Y tế, Nông nghiệp. Đồng thời  Phát triển 6 hành lang kinh tế, kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, làm cơ sở để quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông, cảng biển, cảng hàng không, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, gồm: Hành lang kinh tế ven biển, Hành lang kinh tế Bắc Nam, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế Đông Bắc, Hành lang kinh tế trung tâm…

Truyền thống cách mạng, lòng yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài chín mươi năm qua của nhân dân Thanh Hóa, trong đó, phải ghi nhận vai trò tiên phong của tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa và sự đồng lòng của nhân dân đã đưa con thuyền cách mạng Thanh Hóa trải qua những chặng đường vô cùng gian nan, thử thách, nhưng chín mươi năm đó vẫn thắm tình dân với Đảng. Lịch sử đã viết nên những trang sử hiển hách trong truyền thống chống giặc ngoại xâm, hiện nay, tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa đã và đang tiếp tục từng ngày, nỗ lực phấn đấu phát triển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Trong đó lấy công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm động lực, phấn đấu để quê hương trở nên giàu đẹp.

Nguồn Văn nghệ số 41/2020


Có thể bạn quan tâm