March 29, 2024, 7:44 pm

Chìm nổi phù sa

Chị Tư vừa bơi vừa lội giữa đồng nước lênh bênh. Mùa nước năm nay lớn hơn mọi năm. Cá lội đặc đồng, quẫy đùng đùng trước mặt cứ như với tay là bắt được. Vậy mà cái thau nhựa cũ mèm trôi nổi ngụp lặn theo chị sáng giờ vẫn lạo xạo mấy con ốc, mấy dây rau muống đồng tím bầm. Đàng xa kia là chòm bông điên điển vàng rực vươn lên lắt lay theo sóng nước đục ngầu. Chị ước chừng đám bông đó là đủ luộc lên thay bữa cơm trưa nay cho bầy con đang đói meo ở nhà.

Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG 

Bỗng chị thấy trước mắt mình nhô lên mấy đầu cọc tre nằm nghiêng trong làn nước. Chị lội với tới, định nắm đầu cọc nghỉ mệt một hồi rồi lội ra tuốt điên điển. Chân chị không còn chạm bùn đất ruộng mà chạm vào cỏ, chị đang lội lên đất gò. Đầm mình trong nước từ sáng giờ, tay nắm mấy đầu cọc tre vật vờ, chị bắt đầu cảm thấy lạnh. Cái lạnh rờn rợn chạy buốt từ chân lên sống lưng. Ơ, mà sao giờ chân chị dẫm lên không phải là cỏ, hình như chị đang đứng trên một tấm ván thì phải. Chị dò hai bàn chân tới lui trong nước và chạm bốn thân cọc tre cắm chéo hình chữ X ở hai đầu một tấm ván dài dài!... Bỗng chân chị bủn rủn, tay chị buông cọc. Chị muốn chết giấc với cảm giác rùng rợn, hình như mình đang đứng trên một cái... nắp hòm! Cái quan tài!! Chị nhoài người vớ lấy cái thau rau muống, chới với vừa bơi vừa hét như sắp chết đuối “A á á...i!!!... Cứu, cứu tui dzớ...ii!!”. Chị cố la làng giữa đồng không mông quạnh, bốn bề nước là nước. Cũng có bóng vài chiếc xuồng giăng câu nhưng xa lắm, mong gì ai nghe!... Chị cứ cố vừa bơi vừa lội trong hoảng loạn. Có cái gì đó nhơn nhớt chạm mạnh vào bắp chân, chị hét lên khiếp đảm. Một con cá mè to đùng vụt lên khỏi mặt nước rớt xuống nghe cái ủm!... Rồi chân chị cũng chạm tới bờ đê, thân mình chị mềm oặt như cọng bún sụm xuống, ngất xỉu!

Một hồi lâu chị mới định thần, hoàn hồn nhớ lại: Đúng rồi! Ông Tám Chò trong xóm kinh Chà Và mới chết cách nay chừng mươi hôm. Tục lệ ở xứ này xưa nay cứ “tử là táng”, không ai để quá vài ngày. Mà mùa nước lớn thì kéo dài từ tháng này qua tháng nọ. Nhà ai có đất vườn thì táng ngay sau vườn hoặc trước nhà cho gần gũi, ấm cúng. Ai neo đơn không đất vườn rủi mất vào mùa nước thì phải chịu cảnh đưa quan tài ra đồng dìm xuống, xóc cọc chéo gài lại để đó, chờ tới nước rút mới tiếp tục đào huyệt hạ thổ, an táng. Lệ thường xưa rày vẫn vậy!

Ông Tám hưởng thọ tám hai tuổi. Cứ mỗi khi trong làng trong ấp có người mới chết là dân ghiền số đề cứ xôn xao bàn tán đặng đánh số. Có lần trúng phóc do vía người chết linh, cũng có khi trật lất. Hôm buổi trưa vừa đưa ông Tám ra đồng chiều đó đài xổ ngay con tám mươi ba! Quá linh luôn! Nhiều người trúng đậm bởi biết tính theo cách “nam trồi nữ sụt”. Ông Tám còn quàn lại trên mặt đất là vong hồn ông còn quanh quẩn tới lui trong làng đặng phù hộ con cháu! Đêm đó, dân chơi số đề bàn tán nhau ra đồng cúng ông Tám để xin tiếp cặp số ngày mai hốt bạc. Trời vừa sụp tối, cả mười mấy chiếc xuồng lũ khủ hương hoa quả phẩm bày sẵn trên từng chiếc bè nho nhỏ kết bằng thân chuối, đồng loạt túa ra đồng, nhắm thẳng ra gò nhị tỳ, cắm sào chung quanh “mả” ông Tám. Đêm đó trời sáng trăng, người đứng từ trong xóm trong làng nhìn ra thấy từng chiếc bè bày đèn nhang lập lòe in bóng xuống mặt nước sáng rực lung linh cả quãng đồng. Người lớp đứng lớp quỳ trên xuồng xì xụp khấn vái lạy lục: “Ông Tám sống khôn thác thiêng, tối nay cho con chiêm bao thấy cặp số gỡ nghèo nha ông Tám...”.

 Thằng Ba Lùn nhà cùng xóm ông Tám, nó là dân đỏ đen đá cá lăn dưa, láu lỉnh có tiếng từ nhỏ, nay tới tuổi thanh niên lại siêng ăn chay, đi làm việc phước. Trên bè nó bày ba thứ mà ông Tám thích hàng ngày: 1 ly phê đen xây chừng mua đúng tại quán bà Hai, một cục thuốc rê Xuân Lộc loại ngon với hai tờ vé số. “Ông Tám nhớ hộ độ cho con nha ông Tám! Trúng một vố là con cúng ông tới giáp năm luôn! Ông Tám nhớ công con có khiêng ông ra đây nữa nha ông Tám!... ”. Ba Lùn là tốp thanh niên có tên trong ban đạo tỳ khiêng đám ma trong ấp. Cũng đồng phục đen viền trắng, cũng tiến hành đầy đủ nghi thức theo lệnh chú Bảy Còi trưởng ban đạo tỳ. Cả đội quỳ hai hàng ngang trước linh cữu lạy “nhứt bộ nhứt bái” rồi rồng rắn quanh quan tài. Chú Bảy áo dài đen thắt đai đỏ, cầm đôi đuốc cháy phừng phừng. Chú vận nội công mặt đỏ bừng, cặp mắt trừng trừng xuống tấn bắt đầu đi đường quyền “đoạt linh cữu”. Múa xong bài quyền chú hô “Bớ đạo hò!... Hôm nay kiết nhựt linh thần, phò linh cửu táng an phần mộ!... À quên, phò linh cửu táng an... Hạ thủy!!”. Cả đội hôm đó cực khổ vất vả hơn những đám chôn cất bình thường. Theo lệnh chú Bảy Còi, cỗ quan vừa thả xuống, cả tốp thanh niên lực lưỡng dầm mình trong nước lớp ngồi lớp đứng è ạch dậm lên cho chìm xuống. Vậy mà nó cứ muốn nổi phình. Chắc ông Tám chết chỉ còn da bọc xương, nhẹ quá nên khó chìm. Với lại, bên ngoài cỗ quan không sơn véc-ni như bình thường mà quét bằng dầu rái dầu chai, như cách người ta thường trét ghe trét xuồng cho khỏi thấm nước. Chú Bảy Còi đứng hò hét chỉ huy vụ “xóc chéo”. Chú mần trưởng ban đạo tỳ mấy chục năm khinh nghiệm đầy mình, xóc không có mẹo, không đúng bài bản mơi mốt nó bật lên, nổi lềnh bềnh rồi trôi ra sông cái mất tiêu thành ma chết trôi! Mùa này nước đổ như thác, con cháu vô phương, biết đường nào mà tìm kiếm!...  

Tới lúc mọi người thả bông huệ, vạn thọ, giấy tiền vàng bạc xuống, tự dưng từ dưới quan tài ông Tám nước bỗng trồi bong bóng lên ùng ục ùng ục! Cả đám xuồng dạt ra hét lên “Ông Tám về đó bay ơi!” rồi mạnh ai nấy vái lia vái lịa, lật đật lui xuồng bơi về. Ông Tám linh thiệt! Trồi bong bóng có nghĩa là cỗ hậu sự của ông ở dưới bị xì hơi, nước vô rồi. Sáng hôm sau mờ trời Ba Lùn ra quán cà phê kiếm Tư Hung thợ mộc điểm mặt: “Nè, ông đóng hàng cho ông Tám làm sao mà giờ nước vô, hồi hôm ai cũng thấy bóng bóng trào lên lục ục”. Cả xóm này toàn dân thợ mộc kỳ cựu ba đời cả, nhưng hôm đóng quan tài cho ông Tám, Tư Hung làm thợ chánh. Dân nghề mộc lúc ngồi mâm rượu thường hay tuyên bố một câu xanh rờn về tay nghề: “Thằng thợ mộc giỏi chính là thằng đóng được máng heo”. Quá đúng! Cái máng heo hình miệng bát, anh thợ nào đóng xong quăng ra đổ nước vô không rỉ một giọt chính là tay nghề số dzách!

Hồi sắp bước qua tuổi tám mươi, ông Tám cho hạ cây xoài trước nhà cưa thành ván dày hai phân, cài cọc cẩn thận ngâm dưới mương, tháng trước ổng định cho con cháu đóng cỗ hậu sự để sẵn, nhưng không ngờ ông bà rước đi lẹ quá. Ba Lùn kể, đêm qua về nằm chiêm bao thấy ông Tám chống gậy ra quán Bà Hai uống cà phê. Ổng nói “Tao lạnh lắm bay ơi”. Rồi nó hỏi tiếp gì ổng cũng lắc đầu, chỉ ho khan rồi vỗ vỗ ngực, dộng dộng đầu gậy xuống đất. Cả làng cả xóm xúm nhau bàn tới bàn lui, tính xuôi tính ngược. Rốt cuộc chiều xổ con 18! Ai nấy vò đầu bứt cổ, tức chết được! Ông Tám vỗ vỗ ngực có nghĩa tao đây là 8, còn cây gậy đích thị là con số 1! Ổng về cho rõ ràng như ban ngày dzậy mà không ai bàn ra! “Ông Tám quá linh!”.

Ba Lùn là dân đạp xe lôi đâu từ hồi mười bốn mười lăm. Nay hăm tám ba chục tuổi đầu nhưng lớn bé trong xóm chẳng đứa nào kêu nó bằng anh bằng chú cả. Tía má nó kêu lấy vợ, nó hề hề: “Ở dzậy oánh bài, oánh số sướng hơn!”. Quanh năm cứ tà lỏn dính da, đầu trần chân đất. Nghe kể hồi nó có cái nón kết mới mua, đội được từ sáng tới trưa, xế chiều nó lột đưa cho ông Cùi Hinh ghi đề, trị giá năm ngàn ghi con số đỡ ghiền! Cái xe lôi nó cầm vô chuộc ra cho bà Mười Góp như cơm bữa. Nhưng đặc biệt hồi nhỏ tới giờ nó chưa biết nhám nhúa ai đồng xu cắc bạc nào. Sáng đạp xe chở khách kiếm tiền oánh số. Buổi chiều tình nguyện đi chở thuốc nam từ tổ trồng thuốc của chú Bảy Còi tới khắp nơi cho các thầy bốc thuốc từ thiện. Hồi giờ trong làng nó là đứa bày đầu mấy trò cầu khấn xin xỏ số má. Đêm nào nó cũng rủ mấy anh em cùng dân đạp xe lôi, có cả ông Ba Tiều gần bảy chục, dân ghiền số kéo xe tới ngủ quanh gốc cây mã tiền đầu ngã ba, cạnh gốc cây có cái miếu cô hồn nho nhỏ giờ nào cũng có người thắp nhang. Năm nào ngã ba cũng có tai nạn chết người. Mấy năm trước có đứa con gái học sinh cấp ba đạp xe đi học về bị xe cải tiến đụng chết queo. Người ta đồn thỉnh thoảng đêm khuya có người thấy một cái bóng áo dài trắng xõa tóc đánh đu trên nhành cây, khóc hu hu... Cả tốp dân đạp xe lôi gồng mình nằm dài trên thùng xe chịu muỗi đốt cả đêm, lầm rầm van vái xin ma quỷ hiện hồn xuống cho con số gỡ nghèo. Đêm đó tầm bốn giờ sáng, Ba Lùn đang mơ màng thì có bàn tay nắm chân giật giật. Nó linh tính ngay có ma hiện xuống kêu, nó sợ run như thằn lằn nhưng trong bụng mừng quýnh “sắp trúng lớn” rồi! Miệng nó leo lẻo: “Dạ dạ!... Nam mô nam mô! Lạy cô, con lạy cô!... Cô cho con con số!...”. Một giọng đàn bà cười ha hả: “Cô nào?! Tao đây, dì Ba Bún đây! Thức dậy chở dì Ba xuống lò lấy bún về bán lẹ con!”

Có lần nó không cầu không vái mà gặp ma hiện nguyên hình ngay sau lưng! Chuyện này cả làng nhớ đời, kể lui kể tới cười muốn lộn ruột. Số là khuya đó nó dẫn xe từ chái nhà ra đường, chuẩn bị đạp xe ra bến “nằm tài” sớm. Đạp một quãng nó bỗng thấy nằng nặng như có người trên xe! Đang cơn buồn ngủ mắt nhắm mắt mở nó ngoái lui gặp ngay một bóng người mặc nguyên bộ đồ đen ngồi lù lù đang hút điếu thuốc đỏ rực! “Á á á a á!!... Ma! Ma!... Ma hả ma, ma hả ma... á á á?!!...”. Nó hoảng vía vừa la vừa hét dậy làng! “Con ma” ngồi đằng sau cũng la “Tao, tao!... Tao chớ ma nào!! Bộ mày đang mơ hả?”. Mạnh ai nấy la, không ma nào chịu nghe. Nó sứt hồn sứt vía loạng choạng tay lái, xe đâm vô gốc cây gòn lảo đảo ngừng lại. Ba Lùn buông xe cắm đầu bỏ chạy! “Con ma” lại kêu giật giọng: “Ba Lùn! Tao đây nè! Chú Bảy đây chớ ma cỏ nào! Đồ chết nhát như thỏ”. Nghe được giọng chú Bảy Rô kế bên nhà nó mới chịu dừng lại quay lui. Chú Bảy đứng ôm bụng cười ngất: “Tao tính lội bộ ra chợ kiếm ly cà phê. Thấy mày vừa dẫn xe ra tao nhảy lên quá giang cho lẹ đặng về sớm còn đi đồng. Tưởng mày ngó thấy chớ ai dè... Khà khà!...”. Bữa sau chuyện đồn rùm cả làng, Ba Lùn đi đâu cũng bị trêu “Ma hả ma?!”.

 Vậy mà nó học được ở đâu cái trò cầu hồn, rồi rủ rê cả đám thanh niên choai choai với dân ghiền số đề trong làng nửa đêm tổ chức cầu vong xin số. Nó nói cầu hồn đơn giản hơn cầu cơ, nhưng linh bá phát! Cầu cơ thì phải kiếm được miếng ván nắp hòm mới dời mộ làm con cơ, lu bu lắm! Cầu hồn không cần nhang đèn bông ba chi cả, chỉ cần cái bàn thâm thấp gòn gọn với bốn thằng con trai kêu bằng “đồng tử”, thằng nào phải bảo đảm còn trai tân, còn ô la zin chưa đụng tới đàn bà con gái. Ma quỷ nó kỵ người ô uế không dám về. Đêm đó tầm sau mười giờ nó xúi thằng Thông con ông thầy giáo Thái nhà bán quán cà phê cóc về vác cái bàn con. Ba Lùn dẫn đầu cả đám kéo nhau ra sau đồng, tới chỗ có cây gáo một gần chòm mả, chỗ này có tiếng ma bầy ma ổ! Nó đặt bàn xuống, đứng giải thích với mọi người về buổi cầu hồn sắp diễn ra: Đầu tiên là lấy hai cục gạch hoặc khúc cây chi đó chêm hai chân bàn chéo góc lên, cho hai chân còn lại ở thế gập ghềnh, rồi cả bốn thằng con trai đứa đặt hờ một bàn tay lên bàn, chỉ chạm nhẹ thôi, không được đè tay nặng quá, hồn kéo không nổi. Ba Lùn “chủ lễ” sẽ đọc bài khấn kêu hồn ma nhập về. Rồi nó kêu mọi người đi theo phải đứng xê ra cách hai hai thước, trừ bốn “đồng tử” đứng cầu. Ai đứng gần bị ma nhập về nhà khùng khùng điên điên ráng chịu! Sau đó nó bắt đầu đọc bài khấn. Không biết nó đi học xứ nào rồi chép về được cái bài khấn cầu cơ vần vè bài bản, nghe rất “sách vở”. Nó chắp tay vái ba vái, móc túi lôi tờ giấy ra, kêu một thằng đứng rọi đèn pin, nó bắt đầu đọc bài khấn: “... Hồn nào ở chốn non bồng/ qua đây hồn cũng vui lòng ghé chơi/ Dầu hồn dạo khắp mọi nơi/ Ghé đây đàm đạo chuyện đời trần gian/... Hoặc hồn ở bể sông ngọn suối/ Hoặc hồn chơi bụi chuối cành đa/ Hoặc hồn nương bóng chiều tà/ Hoặc hồn lơ lửng la đà mây xanh...”. Tới hết bài khấn dài kín cả hai trang giấy học trò, nó xua tay ra dấu mọi người im lặng, hồn đã về! Nó bắt đầu đặt những câu hỏi “thử hồn” từ dễ đến khó, ví dụ như: Bây giờ mấy giờ?... Cha thằng Bé Tám đứng góc trên bên phải nhiêu tuổi, nhà mấy anh em?... Má thằng Út Đực bên góc trái nhiêu tuổi? Cứ vậy, hai cái chân bàn cứ tự động lắc nhiêu cái, đúng phóc y chang. Cả đám người đứng quanh chứng kiến bắt đầu lạnh xương sống! Nó chỉ cây đu đủ đứng cuối đám đất lờ mờ trong đêm hỏi, hồn cho bà con đây biết trên cây có nhiêu trái? Hai chân bàn nhịp đúng mười sáu cái rồi ngưng. Ba bốn người xung phong cầm đèn pin chạy tới đếm, đúng ngay boong!... Trước khi hỏi cái câu quyết định, câu chủ chốt được trông đợi, hồi hộp nhứt: Ngày mai đài Cần Thơ xổ con số mấy, nó hỏi thêm một câu thử cuối cùng: “Ông già thằng Thông đứng góc trái phía dưới năm nay nhiêu tuổi?”. Hai chân bàn cục kịch gõ đúng sáu mốt cái rồi ngừng. Nó hỏi thằng Thông “Đúng không mậy?”. Thằng Thông cũng không rõ ông già nó nhiêu tuổi, ấm ớ: “Chắc là dzậy, ba tao nghỉ dạy, mới về hưu năm ngoái!”. Lúc đó bỗng từ sau lưng một bóng người lao tới tay cầm cây củi dài ngoằng đập xuống bàn nghe cái rầm! “Cầu hồn nè! Cầu hồn nè!... Trời đất ơi là trời, nó dám đem tên đem tuổi tui ra nó cầu ma cầu quỷ. Cái bàn của tao!...”. Cả đám xô nhau chạy tán loạn! Đúng là giọng ông giáo Thái ông già thằng Thông (Chắc là lúc nó lén vô nhà lấy cái bàn, ổng phát hiện rồi theo rình). Một tay ổng xách cái bàn tay nắm cổ thằng Thông lôi xềnh xệch về nhà, bắt nó phải khai ra thằng nào bày đầu. “Ngày mai tao kêu công an bắt về xã trói cổ nhốt hết! Tội cờ bạc! Dị đoan mê tín, cầu ma cầu quỷ!”

Cả ngày hôm sau, mặt mày Ba Lùn cứ lấm la lấm lét, nơm nớp không biết lúc nào làng lính sờ gáy túm cổ. Buổi sáng không thấy mặt nó tới bãi xe lôi chờ khách. Nhưng buổi chiều thường là việc chở thuốc nam làm công đức thì không bỏ được. Nó vừa kéo xe thuốc nam xuống đò thì xui xẻo gặp ngay ông giáo Thái cũng vừa xuống đò qua sông. Ba Lùn sợ xanh mặt, són đái trong quần. Phải chi ở trên bờ nó lủi cái rẹt là xong, nhưng giờ không lẽ phóng xuống sông! Ba Lùn nghĩ bụng, nó cũng là học trò cũ của ông giáo hồi học lớp hai cách nay mười mấy năm, chắc ổng chỉ nói dọa vậy thôi! Nó cúi gầm mặt, bấm bụng bước tới giọng lí nhí yếu xìu: “Thưa thầy!...  Thầy đi đâu dzậy thầy?...”. Ổng trả lời phát một, lạnh tanh: “Đi cầu hồn!”...

Nhưng cái máu mê số ngấm tới xương không bỏ được. Gần cả làng cả ấp chớ không riêng chi nó!                     

 Loay hoay mà đã tới ngày cúng thất tuần ông Tám. Đêm đó lại gần cả nửa làng con người ta tiếp tục xuồng ghe ra đồng. Ông Tám chết ngâm dưới nước vậy mà có phước, đêm nào cũng nhang khói đỏ trời, thức cúng không thiếu thứ gì. Nay dịp cúng bốn chín ngày, mạnh ai nấy nấu xôi chè bánh trái mang ra đầy ắp. Lúc rày nước bắt đầu rút, cái quan tài ló lên khỏi mặt nước chừng một phần ba, bùn non đóng dày cả lớp. Mấy cái cọc tre bắt đầu đóng rêu. Chắc độ mươi hôm nữa là có thể đào huyệt hạ thổ. Ba Lùn áp sát xuồng vô dùng gàu vừa tát cho trôi bùn vừa lia lịa khấn vái: “Ông Tám ráng ít bữa nữa tụi con hạ thổ cho ông nha ông Tám”. Tới lúc sạch bớt bùn, người ta nghe hình như có mùi gì thum thủm như mùi cá linh ủ mắm!... Hôm đó có cả đàn bà con gái ra đông lắm, nói cười om sòm như đi coi hát đình, chớ không có ai xỉu lên xỉu xuống như chị Tư đi hái rau muống đồng...

Lại kể tiếp chuyện chị Tư. Hôm đó tỉnh lại, chị đội thau rau muống trên đầu vừa đi quẹo vô xóm bỗng từ sau lưng có tiếng thình thịch rồi bất thần như có ai đó giật phăng thau rau muống xuống đất. Chị hét lên quay lại thấy một con bò cái ốm lòi xương, nước mắt lưng tròng đang ngoạm mớ rau ọ ọ bỏ chạy. Chị la làng rượt theo, nó tha bó rau chạy tới cho một con bò nghé đang đứng nhai lá me nước dọc đường, cũng nước mắt giàn giụa. Chị ngồi bệt giữa đường gào khóc không thành tiếng, thẩn người một hồi, nghĩ tới bầy con đang đói meo rã ruột ở nhà. Cầm cái thau không đi mấy bước gặp chị Sáu Thơi đội nón lá đang cầm cây roi lùa bò vừa đi tới. Mặt chị Tư méo xẹo đứng kể, bộ dạng thê thảm như người mới bị chìm xuồng mất của! Chị Sáu chắt lưỡi thở dài “Trời đất!...Thôi thôi, bò của tui đó... Ông nhà tui hôm rày bơi xuồng giáp xứ kiếm không ra cọng cỏ. Trận này chắc con người ta cũng chết đói cả làng, đừng nói gì bò với trâu”. Rồi chị Sáu kéo chị Tư vô nhà, lúi húi xúc cho chị Tư túm gạo chừng vài lít. “Thôi thím về mà lo cho sắp nhỏ!”. Thấy chị vừa bước vô nhà, bầy con khóc um lên. Thằng út vừa khóc vừa đập tay binh binh vô bao lúa phân nửa đang để góc nhà. Chị dỗ con rồi lật đật đi vo gạo bắc nồi cơm. Bữa cơm chỉ có chảo nước mắm kho quẹt, vậy mà bầy con cứ hít hà: “Ngon hơn bữa đám giỗ ba nữa đó má”. Chồng chị mất nay hơn hai năm, hồi chị mới có bầu thằng út. Chẳng bệnh hoạn gì, chỉ đi đám giỗ nhậu xỉn về trúng gió té xuống mương, bỏ lại cho chị bốn đứa con dại lút nhút. Còn ba nó, mùa này ổng đi giăng câu giăng lưới kiếm cá, đi đập lúa mướn, đâu đến nỗi! Vừa rồi nước ụp vô lẹ quá, lúa cắt không kịp, dân đập lúa mướn kiếm không ra. Chị đi mót mấy buổi mà không trúng bằng con Bé Bảy, con Út Giàu cùng xóm kiếm nửa buổi. Cùng dân mót với nhau nhưng tụi nó là con gái mơn mởn. Hai thằng thanh niên vừa đập vừa dán mắt vô hai thân hình áo quần ướt mèm, bày da dẻ trắng tươi trắng nõn, đưa bộ ngực như hai cái bánh bao lồ lộ. Thay vì đập cho sạch, nó đập qua quýt chừng mươi cái rồi quăng bó rơm còn lúa vô đệm cho hai con nhỏ tha hồ giũ. Chủ ruộng mùa này vớt vát chạy lũ được hột nào hay hột nấy. Dân đập bồ thì đập mướn ăn công, còn làm eo làm sách! Tới lúc nghỉ mệt, mấy đứa con gái còn đem bánh trái ra mời mấy anh. Cả đám gái trai ướt mèm ngồi trên bờ ruộng giỡn hớt, nắm tay bẹo má đủ trò. Cho nên cứ già buổi là tụi con gái mỗi đứa kiếm cả giạ lúa ngon lành! Phận chị đàn bà chồng chết bốn con, teo héo như con khô cá lìm kìm, ai thèm ngó ngàng!...

Chị đi trồng thuê hái mướn, lặn lội muốn mửa mật nuôi bầy con vẫn bữa đói bữa no, thiếu trước hụt sau. Chồng chị chết, cái mả cũng chôn ngay trước nhà, bà con chòm xóm cho được mấy chục viên gạch ống, chị sắp tạm cái hình chữ nhật quanh nấm đất. Chị ao ước làm thuê làm mướn dư được chút đỉnh mua mấy trăm gạch với vài bao xi măng xây lên cho anh đỡ lạnh lẽo.

Hôm rồi địa phương thực hiện đắp đê bao chống lũ, trường hợp khó khăn như mộ chồng chị Tư, được anh em ban đạo tỳ ủng hộ di dời ra vườn thuốc nam của chú Bảy Còi. Mấy năm nay bà con có đất quanh vườn tổ thuốc nam tự nguyện làm phước, hiến thêm đất để mở rộng vườn thuốc. Chú Bảy định phân ra một bên làm khu nghĩa địa của ấp cho đàng hoàng.

Năm sau, đường đất đê bao biến thành đường nhựa... Vài năm nay số bà con khá lên kẻ ít người nhiều đua nhau làm phước. Vợ chồng Sáu Xỉn trước nghèo tận số, bỏ xứ qua thị xã mở quán lẩu trâu giờ gặp thời giàu lên nức tiếng. Hai vợ chồng đi xe huê kỳ về làng tuyên bố tặng cho tổ thuốc nam một chiếc Toyota mười hai chỗ mới xài qua vài năm đặng làm phương tiện chở thuốc nam với đưa người bệnh trong làng trong ấp đi thầy bà, đi cấp cứu. Sáu Xỉn hứa sẽ cấp xăng dầu và trả lương tài xế thường xuyên. Mấy bữa sau, chiếc xe màu trắng bên hông cửa có dán cái lô-gô tròn tròn “LẨU TRÂU SÁU XỈN kính tặng” được đưa về đậu trước tổ thuốc nam. Người được chọn đi học tài xế tất nhiên không ai khác hơn chính là Ba Lùn!... Từ anh chàng xe lôi đạp mặc quần cụt đi giò không, Ba Lùn “lột xác” cái vèo lên ôm vô lăng Toyota làm nhiều người giật mình, trầm trồ bàn tán: “Chắc nó không cầu ma mà đi cầu thánh cầu thần xin số đâu trên núi Tà Lơn, linh lắm! Nghe nói trúng hơn cả tỷ!”...

*

Thời gian. Thoáng cái đã vài chục năm trời kể từ ngày rời quê lên thành phố làm ăn sinh sống - Tôi - người kể lại câu chuyện này chính là thằng “đồng tử”, thằng trai mười bảy “chưa bóc tem” trong cái đêm cầu hồn của Ba Lùn ngày đó. Vừa rồi về thăm quê, gặp lại Ba Lùn trong bữa nhậu tại nhà anh Sáu tôi. Anh ta giờ bụng phệ, áo bỏ vô thùng nhìn như tay đại gia thứ thiệt, tôi suýt nhìn không ra. Anh em ôm nhau rối rít, cạn liền mấy ly. Anh gắp vào chén cho tôi khúc cá tra trong nồi lẩu đang bốc khói, nói: “Mày lâu lâu mới về quê, ăn đi! Cá tra thịt trắng nuôi xuất khẩu qua Mỹ đó, không phải thứ nuôi hầm bắc cầu tũm như hồi xưa đâu!”. Tới lúc rượu phừng phừng tôi bỗng nhớ chuyện cũ, cười cười vỗ vai anh: “Lúc này anh còn đi cầu hồn không anh Ba?!”. Anh vỗ đùi cái bốp cười ha hả: “A đù, thằng này nhớ dai dữ bay... Vụ đó tao bỏ lâu rồi!... À, ông giáo Thái vừa mất tháng trước rồi! Hôm mới ngã bịnh, tao đưa ổng đi tới Chợ Rẫy, bác sĩ chạy. Về đi ba bốn ông thầy thuốc nam cũng bó tay! Tám mấy rồi, thọ lắm rồi!”... Thôi! Dzô!!...

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm