April 25, 2024, 6:01 pm

Chìm nổi phận sông

                                                                                       

Có người bạn ở xa nhắn tin: Sao tôi thấy hầu hết các tác phẩm của ông đều đề cập tới sông? Tôi trả lời bạn, đùa: Sông là người yêu chung thuỷ nhất của tôi đó ông! Mà thật, dù tôi không bao giờ cố tình sắp đặt nhưng khi viết, cứ có đoạn nào hơi bí thì tôi lại”lôi”con sông quê mình vào để… chữa cháy! Tôi đã nhiều lần tự lý giải điều này và bất chợt nhận ra, với tôi, con sông nơi heo hút, nghèo nàn này không chỉ là quê hương, là bạn, là người thân mà nó còn là thứ tài sản vô giá của tôi; thứ tài sản không phải ai cũng được thừa hưởng bời vốn dĩ không ai được chọn cho mình một quê hương để sống khi mới sinh ra.

Tôi may mắn, không, phải nói là rất may mắn khi mới chào đời đã nhìn thấy sông, đã được sông dung chứa, nuôi dưỡng. Và, khi lớn lên, cũng chính sông là nguồn sống của tôi, là phương tiện kiếm cơm không chỉ của tôi mà cho cả cộng đồng dân cư trên mảnh đất phù sa cạnh con sông Cổ Chiên này. Có điều, nếu phận tôi nổi chìm bao nhiêu trong cái cõi người nhiều bất trắc này, thì phận sông cũng bao lần thăng trầm như vậy!

Đó không phải là một dòng sông rộng, chỉ là phụ lưu nằm song song với con sông Cổ Chiên đước cắt ngang bởi cái cồn nhỏ. Xóm cồn được mặc định gọi là xóm Vàm từ bao đời nay vì nó có một cái vàm kinh từ con sông nhỏ của tôi thông ra sông Cổ Chiên. Ngày trước, bảy tám tuổi là tôi có thể nhảy ùm xuống sông lội từ bờ bên đây sang bờ bên kia mà không cần sự hỗ trợ từ… cây chuối! Sông không rộng nhưng dài, lưu lượng thấp, nó chưa đủ “sức” để đe doạ những phận người hàng ngày mưu sinh trên sông, không làm cho khách thương hồ hoang mang mỗi lần trôi dạt như các dòng sông lớn ở miền Tây Nam bộ này… Dòng sông nào cũng vậy, dù lớn hay nhỏ, hiền hoà hay dữ tợn vẫn mang trong lòng nó “nỗi niềm” riêng khó chia sẻ với ai. Chỉ những ai từng gắn bó với nó như một tri kỉ thực thụ mới hiều sông, thương sông và đau với sông. Như tôi, sáu tuổi, chưa biết lội tôi đã chập chững làm bạn với sông. Cũng chỉ là những trò giải trí dân dã của đám trẻ quê nhưng lại là cách kiếm miếng ăn không cần phải “đầu tư’ nhiều. Một cọng dừa, một sợi chỉ, và con trùn cơm tạo thành cái cần câu mi ni, cấm dài theo bờ sông vào mùa nước nổi là có thể có một bữa cơm với thức ăn “thịnh soạn”! Mùa nước nổi, tép sông thường vào bờ kiếm ăn, gặp trùn, nó gặm lôi đi. Sợi chỉ là bằng chứng cho biết tép đã cắn mồi. Công việc của ta chỉ là đưa cái rỗ cây nhẹ nhàng vợt nó. Đơn giản vậy nhưng mỗi con nước, tôi vớt được trên dưới nửa ký tép, cải thiện cho cái bữa ăn trong thời bao cấp luôn thường trực dưa mắm và kho khô quẹt. Dạo đầu bài viết này bằng chút kỷ niệm tuổi thơ trong sáng để làm nền cho cái ký ức sông cực kỳ sống động với nhiều nỗi niềm..

*

Là một con sông được thiên nhiên ưu đãi nước ngọt quanh năm, nguồn thuỷ sinh dồi dào, tạo nên một mội trường sống thích hợp cho nhiều loài thuỷ sản. Vì vậy, từ khi lưu dân Việt bắt đầu định cư trên mảnh đất phù sa này thì nó đã gắn liền với nghề hạ bạc. Có những nghề tồn tại và phát triển từ tập quán sinh hoạt hàng ngày của người dân miền sông nước; cũng có những nghề phát sinh từ sự đút kết kinh nghiệm qua trải nghiệm thực tế của ông bà. Trong đó, có những nghề vừa để mưu sinh, vừa là thú tiêu khiển lãng mạn. Luôn ám ảnh trong ký ức tôi là nghề câu tôm, mùa giở chà tôm, tát hầm tôm… Nếu   giở chà tôm, tát hầm tôm mang tính thời vụ thì câu tôm là một cái nghề kiếm sống chính thức, duy trì và phát triển lâu đời trên sông. Có gia đình cả ba thế hệ sống bằng nghề câu tôm. Ngày trước, tôm nước ngọt, nhất là tôm càng xanh không phài là thức ăn xa xỉ như bây giờ. Những ngày lễ Tết hay giỗ chạp, gia đình dù giàu hay nghèo đều có thể có một nồi tôm kho tàu, một thau tôm nướng hay luộc. Bắt tôm có nhiều cách, tát mương vườn, giở chà… nhưng thú vị và lãng mạn nhất vẫn là câu tôm. Như đã nói, câu tôm đã trở thành cái nghề mưu sinh chính thức của cư dân xóm tôi. Nghề câu tôm không cần phải có nhiều vốn, một chiếc xuồng tam bản, một cái vợt và cần câu là đã có thể hành nghề. Thập niên cuối của thế kỷ hai mươi, xóm tôi có hơn hai mươi bạn câu, đa số là thanh niên mới lớn, sau một mùa vụ nông nhàn, họ kiếm thêm thu nhập từ sông, từ nguồn lợi thuỷ sản được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Mùa câu tôm bắt đầu từ khoảng tháng năm âm lịch, nghĩa là đã xuất hiện những cơn mưa già, kéo dài cho tới tháng chạp. Tới mùa câu, từng chiếc xuồng tam bản có rèm che nắng che mưa lặng lẽ tách bến chọn cho mình một vị trí thuận lợi trên sông, cắm sào. Như là quy ước, mỗi xuồng câu đậu một khoảng cách đều nhau như xếp hàng (chừng hai mươi mét), vị trí này cố định suốt mùa. Lạ là, câu tôm trúng nhất không phải là những ngày nắng ráo mà là những ngày mưa dầm. Cho nên, người ta không ngạc nhiên khi thấy những bạn câu thường kiên nhẫn dầm mưa ngồi câu. Cái lạnh đó nhiều lần thấm vào tôi, rét buốt, dù tôi chưa từng ngồi câu ngày nào. Sự kiên nhẫn ở họ dạy cho tôi bài học về sự chờ đợi!

Thi vị nhất là câu tôm vào ban đêm. Trời sụp tối, những chiếc đèn dầu bật sáng, le lói những vệt sáng mờ ảo trên sông. Đêm vùng quê yên bình, trên sông cũng vậy, đom đóm trên đám bần nhấp nháy một cách đều đặn, thỉnh thoảng thảng thốt một tiếng cò lạc đêm, nao lòng! Đêm dần khuya, sông càng thêm quạnh vắng… Rồi, có ai đó phát tín hiệu: Tới giờ rồi đó nghen, tụi bây! Nhậu. Nhậu trên sông là thú tiêu khiển “xa hoa” nhất mà không phải ai cũng được một lần trải nghiệm. Những chiếc xuồng câu chụm vào nhau trong một đám bần có tàng rộng. Mồi đã có sẵn, tôm. Tôm thì dễ chế biến nhanh thành mồi nhậu như tôm tái chanh hoặc tôm luộc, tôm nướng… Còn ngán tôm thì mồi đã có… trên đầu: bần. Bần già hái xuống xắt mỏng, kẹp với mắm cá linh, cá sặc hay cá chốt đều ngon “thấu trời”! Một chút gió, một chút trăng, một chút tròng trành sóng vỗ và một chút đìu hiu của thời bao cấp nhiễu nhương làm đêm càng sâu, càng buồn! Niềm vui nho nhỏ trên sông có thể làm nhóm thanh niên này tạm quên đi nỗi lo cơm áo gạo tiền, quên đi cái thực tại thiếu gam màu sáng để hy vọng một điều gì đó sáng sủa hơn chăng? Tôi đinh ninh là vậy! Vì nhiều lần tôi ngồi học bài khuya hay theo người cậu hàng xóm xuống xuồng câu nằm nghe mưa rớt trên rèm lá, nghe họ cà khựa với nhau chuyện thế sự, chuyện thời cuộc cũng vỡ ra nhiều điều. Càng khuya, sương xuống, không gian càng thêm tĩnh lặng, có ai đó buông một câu vọng cổ buồn da diết: “Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn…”. Không gian chùng xuống, não nuột và buồn tênh!

*

Gần hết mùa câu tôm là tới mùa giở chà tôm, tát hầm tôm. Tháng chạp thường là tháng tôm tập kết nhiều nhất trên sông, còn được gọi dân gian là mùa tôm xổ. Chà tôm thường được chất giữa sông bằng loại cây có thân cứng như nhãn hoặc chôm chôm. Chà chất càng lâu tôm càng vào sống nhiều. Giở chà tôm lại là một sự thú vị khác. Ngày trước cả xóm tôi đều chất chà, người nhiều thì năm ba đống chà, họ sống chuyên nghiệp bằng nghề này; người ít thì chỉ một đống chà để dành đó, đợi có dịp đám tiệc thì giở lên phụ vào măm cỗ cho thịnh soạn một chút. Giở chà đông vui nhất là những ngày cận Tết nguyên đán. Một đoạn sông gần cây số rộn rã tiếng cười đùa, náo nhiệt. Người trải đăng, người phóng chà, người ngồi trên xuồng hứng cá (cá nhiều, nên khi động chà cá sẽ nhảy lung tung để kiếm đường thoát thân, người ngồi trên xuồng chỉ việc canh hướng cá nhảy để hứng)… Giở xong chà là tới phần hào hứng nhất, bắt tôm cá. Tôm cá kẹt trong đăng nhảy xoi xói, người ta chỉ việc vào đó xúc lên đổ vào xuồng. Người ngồi trên xuồng thì phân loại cá tôm cho vào thau có đựng nước sạch để giữ cho tôm cá sống lâu. Thời đó, giở một đống chà kiếm năm bảy ký tôm càng xanh là chuyện thường. Còn cá, cá lóc, ca trê, cá chạch, cá linh, cá mè vinh thì có khi phải đựng bằng cần xé, ăn không hết thì làm mắm, làm khô để dành ăn dần khi ra giêng. Tôi thường được cho đi theo để… bắt hôi. Vì nhà không có chất chà nên ngàyTết được đi bắt hôi tôi cũng cải thiện phần nào mâm thức ăn nhà mình luôn thường trực là khô và mắm! Có lăn lộn, có trài nghiệm, có lao mình vào thực tế mưu sinh trên sông mới cảm nhận hết cái thú, cái vị từ cuộc kiếm sống dân dã trên sông, mới thấy sự hào phóng của sông dành cho con người miền Tây  lam lũ nhưng nhẫn nại và kiên cường.

*

Tôi rời quê gần mười năm lên Sài Gòn để vừa học vừa bươn chải kiếm sống. Cuộc sống thị thành dạy tôi cách sống thực dụng, vội vã và đôi lúc toan tính, ranh mãnh. Con người quê của tôi chỉ thỉnh thoảng thức dậy lặng lẽ mỗi khi gặp sông, hay những gì liên quan tới sông. Chẳng hạn, một lần đi ngang chợ Bà Quẹo, tôi nhìn thấy một chị ngồi bán mớ cá sông, mớ cá lọt thỏm giữa gian hàng thuỷ hải sản cao cấp trông đến tội nghiệp! Ký ức sông trổi dậy trong tôi mảnh liệt, tôi về phòng trọ xách chiếc xe đạp cà tàng của mình chạy một hơi từ Tân Bình ra bờ sông Sài Gòn ngồi… nhớ! Tất nhiên, Sông Sài Gòn “vĩ đại” và hoành tráng gấp trăm lần con sông quê của tôi. Nhưng, tôi có sự thoả mãn riêng khi gặp sông, gặp nước; sự thoả mãn cá nhân có giá trị như một liều    thuốc an thần trong cơn đau đầu cấp tính. Liều thuốc an thần được bào chế từ nước, từ   gió, từ cái mùi đặc trưng của sông đưa tôi vào một giấc mơ nhẹ nhàng… Giấc mơ có con sông quê hiền hoà, hào sảng, có hàng bần ven sông rợp mát bóng chiều, có bến nước, con  đò, có cánh cò, khói bếp phía bên kia sông, có bà mẹ nghèo và cô em gái quê mỏi mắt trông người về…

Trong giấc mơ tôi có tiếng rao chiều đứt đoạn của bà cụ Năm sống bằng nghề mò hến chuyên nghiệp. Cả cuộc đời cụ sống nhờ sông với một cái nghề duy nhất:  mò hến. Bất kể ngày hay đêm, hễ con nước cạn vào thời điểm nào thì cụ xuống sông vào thời gian đó. Hình ảnh cụ một mình đơn độc kiếm sống trên sông gợi trong tôi bóng dáng loài cò… Rồi tiếng rao của cụ, tiếng rao ám ảnh cả tuổi thơ tôi. Hến hơ… Tiếng rao của người già thiếu hơi trong cái lạnh của buổi chiều đông cứ run run, lặp bặp, nghe vừa thương vừa xót xa cho thân phận cho người đàn bà nghèo khó, đơn độc, lẩn quẩn kiếm sống trên sông cho tới cuối đời.  

Trong giấc mơ tôi còn có những người khách thương hồ trôi dạt trên sông với gương mặt lúc nào cũng trĩu nặng nỗi niềm, buồn bã triền miên. Là những buổi ngồi câu cá lòng tong trong bóng hoàng hôn chập choạng để lắng nghe tiếng thời gian trôi phía cuối chân trời… Là những chuyến đò dọc, đò ngang gợi lên hình ảnh của những cuộc chia ly.

Trong giấc mơ tôi còn có cả những dấu ấn hãi hùng của thời ngăn sông cấm chợ. Người ta đặt ra hàng loạt những quy định vô lý để ngăn đường sống của người dân bản địa, trong đó có những cái trạm nổi trên sông. Tôi và mẹ từng là nạn nhân của những cái trạm thiếu tình người như vậy! Tôi cùng mẹ chèo xuồng đi ĐồngTháp mua chỉ hai dạ gạo, vượt hơn mười cái trạm mới về gần tới nhà. Không ngờ, tới cái trạm cuối cùng, ngay đầu vàm kinh dẫn vào nhà tôi thì bị bắt. Mẹ tôi năn nỉ, van nài cỡ nào cũng không được, họ kiên quyết tịch thu với lý do chúng tôi buôn hàng quốc cấm!? Mẹ tôi đổ quỵ. Tài sản của mẹ con tôi bị tướt đoạt một cách vô lý đến tàn nhẫn! Từ đó, tôi cũng vô lý như họ, tôi đâm ra hận sông, hận những gì liên quan tới sông. Cho tới khi xa sông, xa những kỷ niệm trên sông tôi mới bần thần nuối tiếc muộn mằn.

*

Hơn mười lăm năm tôi trở về sống với quê, sống bên dòng sông yêu thương của mình, cũng chừng ấy năm, tôi dằn vặt áy náy không nguôi. Vẫn con sông đó, vẫn dòng nước lớn ròng hai buổi đó nhưng sông ngày càng lạ lẫm với tôi. Tôm cá cạn kiệt dần vì người ta khai thác tận diệt bằng các phương tiện hiện đại, người ta nhẫn tâm đầu độc sông bằng các loại thuốc hoá học, người ta hành hạ sông bằng sáng cạp, sáng múc. Có những buổi chiều tôi đi dọc bờ sông, nhìn sông mà ngậm ngùi. Hơn mười năm rồi, cái xóm câu của tôi vắng bóng xuồng câu. Còn cái gì đâu nữa mà câu? - Ông cậu là thợ câu trong xóm tôi ta thán- Người ta thuốc chết hết trơn, người ta cào máy bằng lưới bén, loại lưới bắt không chừa cá lớn, cá bé, tôm to hay tép nhỏ. Người ta cào điện, cào đến rách cả sông vẫn chưa thoả mãn… Hến, ốc không còn để nuôi sống những người dân xóm Vàm. Nghề hạ bạc xóm tôi cáo chung, bị khai tử một cách tức tưởi! Thiên nhiên gớp phần tạo nên bi kịch đó. Con sông nước ngọt của tôi mấy trăm năm không hề bị xâm mặn, đùng một cái mùa khô những năm gần đây nước mặn bất ngờ chồm lên phá vỡ cái môi trường nước vốn trong lành hàng trăm năm. Người ta đổ thừa cho biến đổi khí hậu nhưng quên rằng chính con người cũng góp một tay huỷ hoại môi trường. Tôm cá trên sông tôi không chết hàng loạt như ở biển miền Trung, và cũng không ai đưa hai chữ “sự cố” ra nguỵ biện, thuỷ sản trên sông tôi chết từ từ, chết từ trong trứng cho đến khi sông chỉ còn lại những đám lục bình xơ xác, trơ trọi. Giờ thì, dòng sông vắng ngắt. Còn đâu những chiếc xuồng câu tôm “xếp hàng” trên sông vào những buổi chiều tắt nắng, hay những buổi sáng mưa dầm lầm lủi, nhẫn nại tìm cái ăn, cái mặc cho mình và gia đình? Còn đâu những đêm trăng các thợ câu ngồi nhâm nhi dưới táng bần buông những câu vọng cổ buồn đến ngẫn ngơ nhưng đầy thi vị và lãng mạn? Những buổi giở chà tôm, tát hầm tôm, những ngày trầm mình dưới sông mò ốc mò hến, những ngày ngồi câu cá lòng tong để đếm thời gian trôi chỉ còn là hoài niệm của tôi, của sông, của người dân xóm Vàm muôn đời lênh đênh, chìm nổi. Và, tôi nghe như tiếng rao: Hến hơ… của bà cụ Năm lẫn khuất đâu đây trong cơn gió lạnh chiều cuối năm ngần ngật và thẫm tím trên sông.

Nguồn Văn nghệ số 12/2019

 

 

 

 

                            


Có thể bạn quan tâm