April 19, 2024, 4:44 am

Chiều mưa thánh đường

 

Hồi nhỏ, tôi thường nghe má nói về chuyện người Chà Và “thư” (bỏ bùa) làm người ta bụng bự, đến khi không còn chịu nổi nữa thì bể bụng ra mà chết, trong bụng toàn là miểng chai, miểng chén, lưỡi lam. Nghe thôi tôi đã thấy nổi da gà và trong cái tưởng tượng “thơ ngộ” của mình, tôi cảm thấy người Chà Và thật đáng sợ. Đó cũng là lý do lần đầu phát hiện một người đàn ông râu quai nón, mắt đen trũng sâu, đầu đội nón vải tròn màu trắng, quấn xà rông, vai vác xấp vải đi băng băng vào xóm, bọn tôi sợ đến tím mặt, khóc rống lên và thi nhau chạy. Người đàn ông đó, trái lại, rất tự tin, mặc cho lũ chó sùi bọt mép sủa, ông cứ tiến phăng phăng vào, đặt xấp vải trước cửa quán nước giải khát của mợ Hai tôi, rồi ông vào quán kêu nước uống, như chẳng để mắt gì tới xấp vải cả. Chẳng mấy chốc, quán đã đông nghẹt người. Thời đó, sự xuất hiện của một người lạ đã khiến xóm tôi rộn lên rồi, huống chi đây là một người ăn mặc kỳ dị, tác phong lạ lẫm. Người ta đến quán vì hiếu kỳ, ban đầu chỉ vài người đàn ông, sau đó thì cả đàn bà con gái cũng kéo lại. Lúc này bọn con nít tụi tôi đã đỡ sợ hơn, len lén đến xem cái ông lạ hoắc đó sẽ làm gì. Tôi thấy má tôi với mấy cô mấy dì trong xóm mặc những bộ bà ba sờn bạc, kẻ đứng nhìn người sà vào vuốt ve mấy tấm vải như người ta sờ vào báu vật. Dĩ nhiên, những người phụ nữ quanh năm chỉ cắm mặt với ruộng đồng lo ăn từng bữa làm gì có tiền để mua mấy tấm vải sặc sỡ kia. Họ chỉ nhìn với vẻ thèm thuồng và cả sự tiếc nuối. Đợi bà con nhìn ngắm đã đời, người đàn ông nọ mới nở một nụ cười đầy bí hiểm rồi nói mấy câu tiếng Việt lơ lớ, đại loại  là sẽ bán chịu số vải đó. Ai thích tấm nào cứ lấy, ba tháng sau ông ta sẽ trở lại nhận tiền. Khỏi nói cũng biết niềm phấn khởi của mấy cô mấy dì ra sao. Ai cũng chọn cho mình những tấm yêu thích. Ai cũng trầm trồ khen vải của người Chà Và dệt đẹp quá. Tôi nghe vậy mới biết ông ta là người Chà Và. Tôi sợ lắm, định nói má đừng mua vải của ông ta, nhưng má tôi đã mua chịu một tấm màu xanh dương để về may áo.

Đúng hẹn, người đàn ông nọ trở lại xóm. Bọn trẻ chúng tôi không còn sợ như trước nữa, mà chạy rồng rắn theo phía sau nhìn ông như một quái nhân. Ông ta điềm nhiên vào xóm, ngồi y chỗ cũ. Đặt xấp vải mới cũng đúng cái chỗ lần trước ông đặt. Mấy bà mấy cô trong xóm lại kéo đến. Và, mọi người ai cũng trả số nợ cũ cho ông ta một cách rất tự nguyện. Ông ta nhận tiền, nhét vào túi vải mang bên hông mà không cần đếm. Rồi tiếp tục bán chịu số vải mới. Rồi lại đi. Tôi thắc mắc sao ông ta chẳng cần sổ sách ghi chép số tiền người ta nợ, vậy sao ông nhờ mà thu tiền. Má tôi nói, người mua phải tự nhớ số tiền mà mình nợ ông ta, và phải trả đúng số tiền, đúng hạn. Không ai dám ăn gian người Chà Và đâu, họ “thư” chết. Hóa ra, chính cái huyền thoại huyễn hoặc chưa được kiểm chứng ấy lại là điều kiện tốt để người Chà Và mưu sinh.

Sau này lớn lên tôi mới biết “Chà Và” là cách mà người Việt dùng để gọi đồng bào dân tộc Chăm theo Islam giáo, định cư chủ yếu ở An Giang và rải rác một số nơi khác như Đồng Nai, Tây Ninh hay Thành phố Hồ Chí Minh. Thời đại học, tôi quen anh bạn người Chăm ở xóm Châu Giang tên là Mohamad. Hỏi anh về chuyện bùa ngải, anh cười bảo bà con Chăm không có bùa nào hại người như thiên hạ đồn đại vậy đâu. Nhưng anh và bao người Chăm khác trên mảnh đất này cũng cám ơn những chuyện huyễn hoặc như thế vì nhờ nó mà cuộc mưu sinh của đồng bào anh mới duy trì được. Rồi anh lại cười. Nụ cười đầy bí hiểm. Anh bảo người Chăm chỉ “bỏ bùa” khiến người ta mê đắm. Không tin, tôi cứ đến xóm Chăm quê anh sẽ rõ.

Nghỉ hè, tôi theo Mohamad về quê anh chơi. Chúng tôi qua phà Châu Giang trong niềm háo hức khó tả, như những nhà thám hiểm sắp bước vào vùng đất đầy bí tích. Sông Hậu chảy điềm nhiên như chưa từng chứng kiến bao nỗi đợi. Khóm mây trắng sừng sững đỉnh đầu, tĩnh tại như một công án thiền. Sau lưng chúng tôi, thành phố Châu Đốc gối đầu bên triền sông, viết vào dòng sử của mình những rộn rã ngược xuôi. Trước mắt, xóm Chăm tồn tại như một cõi bí ẩn trăm năm.

Hướng mắt về quê nhà, Mohamad nói với tôi mà như hoài vọng với chính anh, rằng ngoài nghề dệt vải và buôn bán, đa phần người dân Chăm ở An Giang theo nghề đánh bắt cá. Có lẽ đó là một trong những nguyên do thiết yếu khiến họ định cư dọc các con sông. Ví như làng Chăm Phũm Soài, làng Châu Phong (thuộc thị xã Tân Châu), làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú), làng Chăm Châu Giang (huyện Phú Tân), làng Chăm Khánh Hòa (Châu Phú) định cư dọc theo hai bên bờ sông Hậu. Các làng Chăm Vạt Lài, Đồng Ky, Nhơn Hội (huyện An Phú) định cư dọc sông Bình Di... Do đặc điểm miền sông nước Tây Nam Bộ với mùa nước nổi hàng năm, nên bà con dân tộc Chăm nơi đây cất nhà sàn cao. Lối sống khép kín của người Chăm thể hiện qua căn nhà có một cửa chính và rất ít cửa sổ. Họ thường làm nhà bằng gỗ, lót ván để tận dụng gió mát lồng lên từ sàn.

Chúng tôi đi dọc làng Chăm, cứ ngỡ mỗi ngôi nhà của họ là một thế giới huyền bí. Người Chăm An Giang theo đạo Hồi (Islam) nên phụ nữ khi ra ngoài phải mặc bộ áo dài truyền thống phủ kín từ cổ đến gót chân. Ngoài ra, họ phải trùm kín đầu tóc, cổ và mặt bằng chiếc khăn ma-tơ-ra. Cách ăn mặc của người phụ nữ Chăm vừa dựa trên niềm tin tôn giáo, vừa là ý thức tự tôn về phẩm giá của bản thân. Với phụ nữ Chăm, phẩ giá tuyệt đối của họ thể hiện qua tiết trinh thanh sạch. Cách ăn mặc kín đáo không phô phang vẻ đẹp của gương mặt và hình thể là để tránh kích gợi những dục vọng từ ánh nhìn nam nhân. Mà kỳ thực, người phụ nữ Chăm khi chưa lấy chồng cũng ít khi ra ngoài. Dì Sa-ri-ya, mẹ của Mohamad nhớ lại, trước đây phụ nữ Chăm phải ở trong căn buồng kín nhiều năm liền theo tục cấm cung. Họ dệt vải, thêu thùa may vá trong ấy. Mọi chuyện ăn uống sinh hoạt đều được người nhà đưa qua cửa buồng. Chỉ đến tối, cô gái mới được theo mẹ hoặc chị (đã có chồng) xuống bến sông tắm giặt.

Tôi hỏi dì về địa danh Cồn Tiên ở huyện An Phú phía bến sông Châu Đốc. Tích truyền vào những đêm trăng, phụ nữ ở các xóm Chăm thường ra bến sông đó tắm. Dưới bóng trăng lung linh, vẻ đẹp “trong ngọc trắng ngà” của các thiếu nữ Chăm ẩn hiện khiến tao nhân cứ ngỡ tiên nữ giáng trần và địa danh Cồn Tiên có từ thuở ấy? Dì Sa-ri-ya cười bảo, những người lưu truyền câu chuyện trên có lẽ hơi cường điệu và giàu tưởng tượng. Bởi phụ nữ Chăm nổi tiếng kín đáo. Ngay cả những nhà có con gái cấm cung, người ta còn cất một cái chòi nhỏ dưới bến sông, như kiểu nhà tắm bây giờ, để cô gái tắm giặt mà không ai có thể thấy hay biết được. Chuyện tắm tiên e rằng chỉ là hư cấu.

Dì Sa-ri-ya nhìn vào trăm năm, thổn thức chia sẻ, cũng bởi trước đây tục cấm cung hà khắc, nên phụ nữ Chăm hầu như không ra khỏi nhà. Đến xóm Chăm ta dễ bắt gặp một cô gái ngồi trong căn buồng tối om nhìn ra ô cửa sổ nhỏ. Ánh mắt trũng sâu, mi cong vút, long lanh đen đầy ma mị. Ánh mắt ấy có thể làm đắm hồn bất cứ chàng trai nào bắt gặp. Ta có cảm giác, cô gái ấy đã ngồi đó cả ngàn năm, yên vị, bất động. Đôi khi ta còn tự hoài nghi, chẳng biết là người thật hay chỉ là một pho tượng. Chính tục cấm cung khiến phụ nữ Chăm xưa kia không có cơ hội hẹn hò yêu đương. Đến tuổi lấy chồng, họ sẽ được mai mối lấy một chàng trai thân tộc như một minh định trong giáo luật Islam.

Khi tôi bước từng bước bỡ ngỡ vào cõi Chăm thì tục cấm cung đã không còn nữa. Phụ nữ Chăm ngày nay được tham gia các hoạt động cộng đồng gần giống như nam giới. Tôi phải nói là “gần giống” vì thực tế, đa số phụ nữ Chăm khi chưa lấy chồng vẫn sống rất khép kín, họ ít khi ra ngoài, nhất là những chỗ đông người. Chiếc khăn ma-tơ-ra luôn trùm kín mặt. Nhưng họ đã có thể hẹn hò yêu đương và không còn bắt buộc phải lấy chồng trong tộc họ nữa. Cô bạn gái của Mohamad là So-ra-ya tuy vẫn trùm khăn Ma-tơ-ra nhưng tỏ ra rất năng động. So-ra-ya mười chín tuổi, đang học ngành du lịch năm thứ nhất. Lúc tôi đến làng Chăm cô cũng được nghỉ hè, về quê giúp mẹ dệt vải. So-ra-ya có đôi mắt rất to, đen và sâu như bao cô gái Chăm khác. Cô nói tiếng Việt rất giỏi nên tôi bắt chuyện với cô khá nhanh.

So-ra-ya và Mohamad dẫn tôi đến thánh đường Masjid Jamiul Azhar xem một buổi lễ nguyện. Đang mải mê trò chuyện, bỗng nhiên một tòa lâu đài lộng lẫy hiện ra trước mắt tôi. Thoạt nhìn, thánh đường Chăm chẳng khác nào một lâu đài với không gian rộng rãi và kiến trúc độc đáo. Trên cùng là biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết, đó cũng chính là biểu tượng thiêng liêng của Islam giáo. Thánh đường Masjid Jamiul Azhar cũng như bao thánh đường Chăm Islam khác, được thiết kế theo dạng một tòa nhà rộng, mái vòm cao vút, có những dãy hành lang dài hun hút, thẳng tắp với hai gam màu chủ yếu là xanh và trắng. Bên trên dọc theo hành lang là những bức tường được trang trí các họa tiết cùng với những dòng chữ Chăm. Ở đó, rất nhiều cửa sổ hình vòm được thiết kế song song và đều nhau, tạo cảm giác khoáng đãng. Tôi ngạc nhiên khi bên trong thánh đường không có các tượng thờ (như đạo Phật hay một số tôn giáo khác), Mohamad cho biết người Chăm Islam không thờ tượng. Giữa thánh đường chỉ có một nơi đặt quyển kinh Koran để phục vụ cho giờ hành lễ. Bên phải cuốn kinh là một cánh cửa có bục ngồi dành riêng cho những người đến sám tội với thánh Allah. Có thể nói, bên trong thánh đường là một không gian mở rộng khiến cho chúng ta có cảm giác về sự hài hòa giữa con người và đất trời.

Tôi thấy rất nhiều người đàn ông Chăm quỳ thành những hàng dài, họ khấn những gì đó mà tôi không hiểu. Không gian trong thánh đường bao phủ sắc thâm nghiêm. Đối với cộng đồng người Chăm Islam, tôn giáo trở thành nhân tố chi phối mọi hoạt động văn hoá, các phong tục tập quán và sinh hoạt đời sống hằng ngày. Các chuẩn mực tôn giáo có vị trí hết sức to lớn với đời sống, sinh hoạt của đồng bào. Niềm tin và sự tôn kính Thượng đế Allah, Thiên sứ Mohamad và Thiên kinh Koran của cộng đồng Chăm Islam rất bền vững. Người Chăm Islam luôn sống, hành xử theo đúng Giáo luật Hồi giáo được quy định trong Thánh kinh Koran. Những điều luật và đức tin ấy chi phối rõ rệt đời sống từng cá nhân kể từ lúc sinh ra đến khi chết đi. Một trong những nội dung quan trọng trong giáo luật Islam mà người Chăm phải tuân thủ nghiêm ngặt cho đến tận hôm nay chính là việc người đàn ông phải hành lễ ở thánh đường mỗi ngày.

Khi tôi và Mohamad đứng trong gian chính của thánh đường xem mấy người đàn ông Chăm hành lễ thì So-ra-ya vẫn đứng lóng ngóng ngoài sân. Tôi ra hiệu bảo So-ra-ya cùng vào thì cô lắc đầu, Mohamad lúc đó nhìn tôi có vẻ khó chịu. Tôi chưa hiểu chuyện gì, lại giục Mohamad ra kêu So-ra-ya vào thánh đường chơi. Anh kéo ta tôi ra sân và giải thích, rằng người phụ nữ Chăm không được phép vào thánh đường. Theo quan niệm người Chăm Islam, do thân thể phụ nữ không được thanh sạch nên nếu vào thánh đường, họ sẽ làm ô uế. Ngày trước, phụ nữ còn không được đặt chân qua cổng thánh đường. Hiện giờ họ được phép vào khuôn viên thánh đường khi có việc cần nhưng tuyệt nhiên không được đặt chân vào gian chính - gian hành lễ. Lúc này tôi mới nhìn kỹ lại, thấy hàng trăm con người đang quỳ trong thánh đường kia chẳng có bóng dáng người phụ nữ nào. Tôi nghe Mohamad giảng giải mà thấy thẹn cho những kiến thức hạn hẹp của bản thân, lại còn hồ đồ. Chắc sợ tôi buồn nên Mohamad và So-ra-ya kéo tôi lại góc hành lang, chúng tôi ngồi trò chuyện, rồi hai bạn khe khẽ hát “Karim Karim / Hãy nói với chim trời Karim đã yêu em / Hãy nói với sông dài em đã yêu Karim / Hãy nói với cánh đồng Karim đã yêu em / Hãy nói với muôn người em đã yêu Karim.” Tiếng ca đầy mê đắm của hai người trẻ đang yêu. Trên nóc thánh đường, đôi chim nhỏ nhảy nhót và ríu rít hót. Lát sau, chúng bay sang đậu trên các bậc thang gần gian chính, rồi bay qua hàng cây trám trước sân mất hút. Tôi nghĩ về một chiếc tổ chim ấm cúng ẩn trong tán lá, vun vén một cuộc tình đẹp trong âm vọng tiếng cầu kinh lễ thánh. Và biết đâu chừng, suốt trăm năm qua, hàng cây cổ thụ ấy đã dung dưỡng bao cuộc tình đẹp như thế.

Cơn mưa mùa hè bất chợt rơi như một sự ngẫu nhiên. Giờ lễ đã tan, có người bước về trong miên man mưa trắng. Cũng không ít người nán lại nơi hành lang thánh đường, nhìn từng cọng mưa giăng tơ ngoài kia, mắt như dõi về một thánh địa nào đó xa xôi trong tiềm thức. Đợi mãi mà mưa vẫn không thôi rả rích, ba chúng tôi đánh liều đi về giữa màn mưa. Mohamad và So-ra-ya lại hát: “Dưới cơn mưa này/ Anh hãy để tay anh khẽ chạm tay em/ Cái lạnh sẽ không còn nữa/ Chỉ có hơi ấm thấm tận tim”. Tôi đã đi qua biết bao cơn mưa trong đời, nhưng cơn mưa chiều thánh đường hôm ấy vẫn thấm ướt mãi trong ký ức của một thời trai trẻ.

Cuối tháng rồi, tôi bỗng nhận được cuộc gọi của Mohamad. Anh cho biết giờ đã làm cán bộ văn hóa xã. Vợ anh, chính là So-ra-ya cũng về quê làm du lịch dạng Homestay. Mùa nào thưa khách, cô dệt vải thổ cẩm để bỏ mối cho các gian hàng lưu niệm tại địa phương. Hai người có cậu con trai đặt tên là Karim để lưu nhớ kỷ niệm đẹp thời yêu nhau. Anh mời tôi trở lại xóm Chăm Châu Giang một chuyến, để ăn tết Roya cùng gia đình anh. Các bạn biết đấy, dù bận rộn thế nào chúng ta cũng rất khó chối từ một lời mời hấp dẫn như thế. Và tôi đã khăn gói trở lại với xóm Chăm Châu Giang, với gia đình Mohamad đúng dịp tết Roya. Cũng cần nói thêm, đồng bào Chăm Islam ăn tết ngay sau tháng Amadan, tháng 9 theo lịch Chăm (thường rơi vào khoảng tháng 5, tháng 6 Dương lịch). Trong tháng này, mỗi ngày từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, người Chăm không được ăn uống bất cứ thứ gì vào miệng, kể cả hút thuốc hay quan hệ tình dục cũng không được phép. Ý nghĩa của việc nhịn ăn là để chia sẻ, cảm thông với những người đói nghèo. Ngoài ra, nó còn là cách để con người tiết chế khỏi những cám dỗ về vật chất, để thuận lợi cho việc xóa tội ở cõi người và lên thiên đàn.

Sau tháng Amadan là tết Roya Haji. Tôi đến nhà Mohamad vào lúc chiều muộn. Bấy giờ, hầu như mọi người trong xóm đều mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất mà họ có. Điều đáng ngạc nhiên là, thông thường người Chăm sống khép kín thì vào dịp tết này, họ lại tỏ ra vô cùng cởi mở. Nam nữ trong xóm đều ăn mặc đẹp đẽ đi ra trước sân nhà hoặc đến thánh đường để chung vui, trò chuyện rôm rả. Phó giáo cả Sa-Lay-Mal bảo tết này trước đây có nghĩa là “tha thứ” (“am má”). Người ta thường nắm tay nhau nói cười trong dịp tết, mong tha thứ lỗi lầm của nhau trong một năm qua. Rồi những người đàn ông cùng hành lễ trong thánh đường, cùng ăn uống chung vui. Phụ nữ thì ăn uống tại nhà. Những gia đình khá giả thường đem thịt thà, gạo muối thậm chí cả tiền bạc đến sẻ chia cho những gia đình nghèo khó trong dịp này. Khách phương xa đến đây cũng được tiếp đãi khá chu đáo, được mời ăn uống và tham gia những lễ hội đậm nét văn hóa Chăm. Có lẽ chính vì thế mà lâu nay, người dân nơi đây gọi tết Roya Haji với cái tên đầy cảm mến là “Roya yêu thương”.

Tôi ăn cơm chiều cùng với gia đình nhỏ của anh bạn Mohamad. Bữa cơm toàn những món ăn truyền thống như: cà ri bò, tung lò mò (lạp xưởng bò), lay boy (một loại gỏi), ha pùm (một loại bánh),  ha nùm kel (một loại bánh)... Mohamad nhìn tôi cười tinh nghịch, hỏi tôi có cần dùng đũa không, để anh chạy ra chợ mua. Tôi bảo “nhập gia tùy tục”. Mọi người cười lớn rồi cùng nhau bóc thức ăn ăn ngon lành. Người Chăm không dùng đũa bởi họ cho rằng đũa không sạch bằng chính đôi tay của mình. Do đó, khi ăn uống, trừ các loại canh phải dùng muỗng múc, còn lại họ đều dùng tay bóc.

Ăn uống xong chúng tôi kéo nhau đến nhà văn hóa xã. Ánh đèn đã lung linh. Sân khấu được trang trí nhiều họa tiết lấp lánh. Đêm nay, các chàng trai cô gái Chăm sẽ thi văn nghệ. Khắp các ngả đường, già trẻ gái trai lũ lượt kéo đến ngồi kín cả cái sân rộng. Nhiều người Kinh cũng đến chung vui. Vài đoàn du khách nước ngoài đứng xung quanh, giương máy ảnh chụp tách tách. Tiếng nói cười rộn vang, những ánh mắt long lanh niềm hứng khởi. Đêm nhạc bắt đầu. Tôi thật ngạc nhiên khi So-ra-ya làm người dẫn chương trình và hát mở màn bài “Roya yêu thương” một cách thật ngọt ngào:

“Làng Chăm vui Roya

Bao cô gái thướt tha

Tiếng thoi đưa rộn rã

Hòa trong những câu ca

Cho thêm đẹp làng quê em

Làng Chăm bao mến yêu...

Giọng So-ra-ya vang vọng đầy mê đắm như chiều mưa nào cô hát bên thánh đường. Ở góc trời, búp trăng vừa hé nụ. Cả không gian bàng bạc tiếng hát, rồi ngập tràn trong ánh trăng.


Nguồn Văn nghệ số 48/2018


Có thể bạn quan tâm