March 29, 2024, 2:01 pm

Chiến tranh nhìn từ Đôi mắt

 

Vở kịch “Đôi mắt” do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng đã “thắng lớn” tại Liên hoan sân khấu quốc tế 2019 được tổ chức tại Pohang, Hàn Quốc vào đầu tháng tám vừa qua, khi cùng lúc giành được 4 giải thưởng: Đạo diễn xuất sắc nhất, Vở diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất và Nam diễn viên xuất sắc nhất. Việc “Đôi mắt”, tiếp tục là vở kịch có sức hút mạnh mẽ không chỉ với khán giả trong nước mà còn chinh phục cả những Ban Giám khảo thuộc mọi quốc gia trong các kỳ liên hoan, cho thấy đây không chỉ là một vở kịch tốt về nội dung, dàn diễn viên  sáng giá mà còn là một bản anh hùng ca cách mạng tuyệt đẹp ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những người lính nói chung, người chiến sĩ áo trắng nói riêng.

Vở kịch “Đôi mắt” do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng đã “thắng lớn” tại Liên hoan sân khấu quốc tế 2019 được tổ chức tại Pohang, Hàn Quốc. Ảnh internet

Bản anh hùng ca bất hủ

Đôi mắt có độ dài 120 phút và được mở đầu bằng hình ảnh về một trạm quân y dã chiến nằm sâu trong núi rừng Trường Sơn. Với những ai đã từng sống, chết với Trường Sơn hẳn cái cảm giác như được sinh ra lần thứ hai thật sự rất khó tả. Cái cảm giác đan xen giữa vui mừng, sợ hãi bủa vây sau cơn mưa bom, đạn trút xối xả. Để rồi, ngay sau khi máy bay rút đi, cuộc sống lại yên bình trở lại, nhường chỗ cho tiếng gió và tiếng hát trong veo của những cô gái Thanh niêm xung phong đi mở đường. Tất cả diễn ra một cách an nhiên, như chưa từng chạm vào cái chết.

Trong khung cảnh ấy, người ta đưa đến trạm quân y những người lính bị thương và trong số đó có Việt với vết thương ở hai đôi mắt. Tại trạm quân y, Mâu thuẫn xảy ra khi hai bác sĩ giỏi nhất của trạm quân y là bác sĩ Hải và bác sĩ Sơn có quyết định khác nhau. Bác sĩ Hải muốn bằng mọi cách phải cứu chữa đôi mắt cho Việt nhưng bác sĩ Sơn lại muốn thật nhanh chóng đưa anh ấy về hậu phương chữa trị vì sợ thương binh tử vong ở chiến trường sẽ ảnh hưởng đến thành tích đơn vị. Cuối cùng ban chỉ huy quyết định giữ Việt lại để chữa trị.

Bác sĩ Hải được phân công ca mổ này đã rất phấn khởi vì được sự động viên khích lệ của Nga bởi Nga cũng chính là người con gái xinh đẹp mà anh đang đem lòng yêu thương. Chính vì thế, Việt và những người thương binh khác đều được các bác sỹ, y tá của trạm quân ý cứu chữa và chăm sóc rất chu đáo. Để rồi, giữa hai bờ sinh - tử, tình yêu giữa những người lĩnh với nữ chiến sĩ quân y đã được hình thành. Tình yêu thời chiến, không chỉ giống như một thứ gia vị khiến cho người ta sống tốt hơn, hoàn thiện hơn nhân cách, mà còn giảm tông chiến tranh, tầm thường hoá cả khi cái chết đang rình rập ngoài dãy Trường Sơn bạt ngàn. Nhưng, không chỉ có Việt đem lòng cảm mến và thầm yêu y tá Nga, mà cả bác sỹ Hải, người trực tiếp điều trị cho Việt cũng đã yêu nữ đồng nghiệp của mình lúc nào không hay. Cuộc tình tay ba trong Đôi mắt hiện lên vô cùng trong sáng, thậm chí hoàn toàn không chút vụ lợi. Họ cùng trân trọng nhau, quý mến nhau. Có lẽ do cả ba đều là những người lính, họ thực hiện sứ mệnh cao cả, anh thương binh chiến đấu vì Tổ quốc, người bác sĩ và nữ y tá chữa bệnh cứu người bất chấp có thể hy sinh tính mạng.

Tình yêu thời chiến, khác rất xa với tình yêu thời hiện tại. Có lẽ vì vậy mà Đôi mắt đã chạm đến trái tim của người xem, không chỉ của người lính đã từng kinh qua trận mạc mà cả những người trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình. Xem Đôi mắt giống như thể mỗi người đang nhìn vào tận đáy lòng của mình, để đọc lên những  hỉ nộ, ái ố trong tâm can. Và rôi sẽ có người xấu hổ trước những sân si mình mắc phải, có người tiếc nuối về một thời thanh xuân đã qua, có người rưng rưng khi Đôi mắt nhắc nhớ một tình yêu đẹp đẽ mãi mãi gửi lại trong những cánh rừng bạt ngàn Trường Sơn. Tình yêu trong Đôi mắt không có chỗ cho sự ích kỷ, đớn hèn, mà ngược lại, lý tưởng sống và khát vọng cống hiến đã tiếp sức cho những người lính như Việt, bác sĩ Hải, y tá Nga tiến về phía trước để hoàn thành sứ mệnh của mình: chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.

 

Sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ áo trắng

Trước Đôi mắt, những vở diễn về người chiến sĩ áo trắng không nhiều, thậm chí trong lĩnh vực điện ảnh, mảng đề tài này cũng khá hiếm, nên khi Đôi mắt ra đời, không chỉ giành được tình cảm đặc biệt của toàn ngành y, mà hầu hết khán giả yêu sân khấu cũng đặc biệt chú ý. Theo thống kê, đã có đến hơn 4.000 đêm diễn vở kịch Đôi mắt. Vào mùa hè đỏ lửa, 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị, năm 1972, Bộ Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Tổng cục Chính trị tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ, và vở kịch Đôi mắt đã nhận được giải nhất cuộc thi. Vài năm sau ngày thống nhất đất nước, vở kịch tiếp tục được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng, và mới đây nhất Đôi mắt tiếp tục đem đến sự thành công cho Nhà hát Kịch Hà Nội với 4 giải thưởng đúp tại Liên hoan sân khấu kịch Quốc tế.

Lý giải cho sự thành công của Đôi mắt, bỏ qua yếu tố dàn diễn viên sáng giá của nhà hát, để soi rọi vào kịch bản. Nhiều nhà phê bình sân khấu đã không ngần ngại  giành cho Đôi mắt những tình cảm đặc biệt. Họ cho Đôi mắt là bản anh hùng ca cách mạng tuyệt đẹp. Dưới góc độ ngành y, sự tự hào là điều dễ nhận thấy. Còn với người xem thì Đôi mắt chính là bức tranh chân thực nhất về chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta.

Song, nếu để nói đầy đủ nhất về sự thành công của Đôi mắt trước tiên phải khẳng định, đó là một công trình nghệ thuật được bác sĩ Vũ Dũng Minh, người đã kinh qua chiến tranh trận mạc, viết bằng chính những gì ông đã trải nghiệm và chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của những đồng ngiệp của mình- những chiến sĩ áo trắng. Họ giống như những nhân chứng sống, từng ngày, từng giờ vun đầy vốn sống trong ông.

Sau này, những lúc trà dư tửu hậu, nhớ lại những năm 1966 thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, bác sỹ Minh vẫn không quên được những chuyến công tác chi viện cho chiến trường miền Nam cả quân lực, vật lự và văn hoá nghệ thuật. Trong chuyến đi thực tế của ông có nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn... Mỗi nghệ sĩ đều ấp ủ những tác phẩm rất riêng. Còn với Bác sĩ Vũ Dũng Minh là một bác sĩ quân y được trưởng thành trong quân ngũ, chứng kiến cảnh vào sinh ra tử của những người đồng đội, giữa sự sống và cái chết, sự hi sinh cao cả, tình người trong sáng nơi bom đạn ác liệt, đã chọn là phần công việc quen thuộc hằng ngày của ông để viết lên Đôi mắt. Nhà hát kịch Việt Nam đảm nhận dàn dựng với dàn diễn viên gạo cội, NSND Trọng Khôi đảm nhận vai người thương binh tên Việt. Nữ diễn viên Nguyệt Ánh vai nữ y tá Nga, diễn viên Quang Thái trong vai bác sĩ Hải... Ba nhân vật chính với ba tính cách khác nhau, nhưng họ tự nguyện gắn bó với nhau tại trạm quân y dã chiến, để chia sẻ nỗi đau, giúp nhau hoàn thiện.

Việt bị thương ở mắt, nghĩa là anh chỉ có thể nhìn và cảm nhận cuộc sống bằng âm thanh, bằng tiếng động, bằng tâm hồn cảm nhận của người lính trẻ với hoài bão và lý tưởng được quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Cái đau thân xác, đôi mắt bị mù loà không làm anh gục ngã, mà ngược lại tinh thần cống hiến trong anh luôn cháy bỏng “Thương bình tàn nhưng không phế” bởi khi bên anh có nhiều những người đồng đội, bác sĩ, và cả y tá Nga đang ngày đến chiến đấu giành giật sự sống cho người lính, cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Tinh thần quà cảm của người lính nói chung, sự tận tâm của những chiến sĩ áo trắng nói riêng, đã chinh phục trái tim độc giả. Và vượt ra ngoài ranh giới lãnh thổ, Đôi mắt đã chạm đến trái tim của người dân yêu chuộng hoà bình thế giới  và gặt hái những thành công vô cùng xứng đáng. Năm nay, Liên hoan Sân khấu quốc tế Pohang 2019 được tổ chức với quy mô khoảng 20 nước tham gia, trong đó có nhiều nền sân khấu lớn như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Trung Quốc... Hàn Quốc cũng là đất nước tổ chức rất nhiều liên hoan sân khấu mà Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia như Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn quốc tế Pohang, Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn Seoul...

Sau Đôi mắt chúng ta có quyền hy vọng nền sân khấu Việt Nam sẽ còn xuất hiện những vở kịch đỉnh cao về đề tài chiến tranh cách mạng. Bởi lịch sử dân tộc nếu muốn ăn sâu, bén rễ trong mỗi người dân không gì có thể chuyển tải nhanh nhất, hữu hiệu nhất  bằng sân khấu hoá, điện ảnh hoá sự kiện lịch sử. Bằng con đường này, lịch sử sẽ không bị quên lãng mà trái lại có sức sống trường tồn trong trái tim người yêu nghệ thuật - loại hình vốn có thể đem đến những thông điệp vượt ra ngoài ngôn ngữ. Hay nói như cố NSND Doãn Hoàng Giang: vẻ đẹp của vở kịch cho đến tận hôm nay vẫn lôi cuốn hấp dẫn cả một thế hệ khán giả. Toàn cảnh của vở diễn là một bản anh hùng ca cách mạng tuyệt đẹp ca ngợi sự hi sinh thầm lặng của những người lính.

Nguồn Văn nghê số 35+36/2019


Có thể bạn quan tâm