April 25, 2024, 9:44 pm

“Chiến thuật vùng xám” và thái độ cần thiết của ASEAN

Từ đầu tháng 3/2021, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã cho tàu tập kết gần tất cả các đảo tranh chấp do Philippines kiểm soát và tìm cách đe dọa các nước láng giềng ven biển, đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Malaysia, để khẳng định yêu sách đối với các đảo trên Biển Đông. Theo thông tin từ Philippines, ước tính có hơn 200 tàu neo đậu tại Đá Ba Đầu mà Philippines khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Philippines đã chính thức phản đối hành vi xâm phạm của các tàu Trung Quốc đối với quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán trên biển. Cùng với sự phản đối ấy, Philippines đã triển khai các máy bay chiến đấu hạng nhẹ giám sát các tàu bất hợp pháp này.

Một trong những vấn đề mà cộng đồng quốc tế thực sự quan tâm là việc Trung Quốc muốn mở rộng quyền kiểm soát đối với các đảo này. Sau khi kiểm soát Đá Vành Khăn vào năm 1995, nay Trung Quốc đang tìm kiếm các đảo mới thuộc quyền kiểm soát của các bên tranh chấp khác để mở rộng sự hiện diện trên thực tế của họ ở Biển Đông.

Tàu cá Trung Quốc xếp hàng tại đá Ba Đầu (Trường Sa) hôm 27/3/2021

Sử dụng “chiến thuật vùng xám”

Vì Trung Quốc đã tôn tạo một số đảo nhân tạo và triển khai các thiết bị quân sự và vũ khí trên các đảo này, nên việc các tàu dân quân biển Trung Quốc tập trung tại vùng biển này rõ ràng cho thấy hành vi quyết đoán của họ nhằm đe dọa các đối thủ trong khu vực Biển Đông. Có vẻ như các tàu này hoàn toàn mới được triển khai chỉ để phục vụ chiến thuật của Trung Quốc và nhằm kiểm soát các đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ASEAN khác. Tàu cá Trung Quốc neo đậu tại đá Ba Đầu, có tên tiếng Anh là Whitsun, Philippines gọi là đá Julian Felipe. Các tàu Trung Quốc neo đậu gần Cụm Sinh Tồn, vốn không phải là ngư trường truyền thống của Trung Quôc.

Nơi neo đậu của hơn 200 tàu Trung Quốc nằm gần 2 căn cứ của Trung Quốc và 4 đảo nhỏ hơn của Việt Nam. Một trong những vấn đề mà cộng đồng quốc tế thực sự quan tâm là việc Trung Quốc muốn mở rộng quyền kiểm soát đối với các đảo này. Sau khi kiểm soát Đá Vành Khăn vào năm 1995, Trung Quốc đang tìm kiếm các đảo khác thuộc quyền kiểm soát của các bên tranh chấp khác để mở rộng sự hiện diện trên thực tế của họ. Nhìn từ việc Trung Quốc tôn tạo Đá Vành Khăn thành một trong những đảo nhân tạo lớn nhất (dù nước này thường nói đây là nơi trú ẩn cho ngư dân) và hiện giờ Đá Vành Khăn trở thành căn cứ quân sự chính thức, việc tàu của Trung Quốc đổ dồn về Đá Ba Đầu là dấu hiệu mới cho thấy Trung Quốc muốn kiểm soát khu vực biển này và cả vùng không phận trên đó nữa.

Trong bối cảnh phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về Biển Đông (PCA) sắp tròn 5 năm, Trung Quốc muốn phủ nhận phán quyết này và đòi hỏi yêu sách đối với tất cả các vùng biển và các vùng trời trên đó. Trung Quốc luôn sử dụng “chiến thuật vùng xám” với lực lượng dân quân biển Trung Quốc, được Hải cảnh yểm trợ, tiến hành kiểm soát các vùng biển. Ngoài ra, có thể thấy rằng các kiểu chiến thuật mà Trung Quốc đang áp dụng là đe doạ, ngăn cản các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở các khu vực như Bể Nam Côn Sơn, Bãi Cỏ Rong, Đá Ba Đầu và các khu vực lân cận nằm ngoài vùng biển kiểm soát của Trung Quốc nhưng lại nằm trong vùng biển của các nước có yêu sách khác, bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia.

ASEAN nên và có thể làm gì?

Các nước ASEAN, dưới sự chủ trì của Chủ tịch luân phiên Brunei, phải nhận thức rõ nguy cơ trên và cần triệu tập ngay cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN để ưu tiên giải quyết các vấn đề nóng này. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế phải có thái độ dứt khoát với Trung Quốc để tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay và thực hiện các cam kết để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) vẫn đang trong giai đoạn đàm phán. Đại sứ quán Mỹ tại Manila và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra nhiều tuyên bố ủng hộ Philippines. Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc rút lực lượng dân quân biển và tăng cường hỗ trợ cho Philippines. Trên thực tế, nếu các chiến thuật của Trung Quốc không được ngăn chặn thì điều đó cũng có thể mở đường cho họ áp dụng các chiến thuật tương tự để đe dọa các nước có yêu sách khác ở Biển Đông mà trọng tâm chính là Việt Nam. Các nước như Australia, Anh, Canada và Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines và tuyên bố rằng đội tàu của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và các vùng biển của Philippines.

Trong khi cộng đồng quốc tế chưa đề cập đến các vấn đề can thiệp quân sự, quân đội Philippines đã tiến hành bay giám sát hàng trăm tàu Trung Quốc. Động thái này có nguy cơ đẩy leo thang thành một cuộc khủng hoảng lớn. Những tuyên bố của Tổng thống Philippines Duterte và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana về việc triển khai lực lượng hải quân Philippines và thực hiện diễn tập quân sự có thể biến thành một cuộc khủng hoảng trên biển. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là ASEAN phải ngay lập tức đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về các chiến thuật mà Trung Quốc áp dụng, đồng thời tuyên bố này cũng phải được các đối tác đối thoại ASEAN cũng như các nước lớn trong nhóm “Bộ tứ” ủng hộ.

Trung Quốc đã học được một số bài học từ các cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ ở miền Đông Ladakh. Trung Quốc đã đối đầu với quân đội Ấn Độ và cuối cùng đã phải rút lui để giải quyết cuộc khủng hoảng. Trung Quốc đang áp dụng các chiến thuật tương tự trên Biển Đông. Do đó, cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN cần có các biện pháp đối phó để tình hình không leo thang thành khủng hoảng. Điều cần thiết là Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an phải ghi nhận những diễn biến này và yêu cầu Trung Quốc tránh thái độ đối đầu kiểu đó. Trung Quốc biết rất rõ rằng Brunei, với tư cách Chủ tịch ASEAN sẽ không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, nhưng rõ ràng nước này sẽ phải nêu vấn đề ở cấp khu vực. Cộng đồng quốc tế cũng phải đưa hải quân đến để đảm bảo Trung Quốc phải chấm dứt các động thái này và quay trở lại duy trì nguyên trạng.

Lên tiếng về vi phạm của Trung Quốc

Truyền thông Việt Nam cho biết Đá Ba Đầu nằm trong vùng 12 hải lý của đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quyền quản lý và chủ quyền của Việt Nam. Ngày 25/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hoạt động của tàu Trung Quốc gần Đá Ba Đầu trong phạm vi lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành động này. Trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu gần bãi đá ngầm Ba Đầu trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng được trang VietnamNet dẫn lời nói: “Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng: “Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển… Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước” trang Tuổi trẻ dẫn lời bà Hằng bổ sung thêm. Liên quan tới việc có hay không sự xuất hiện tàu Hải cảnh Việt Nam tại đảo Ba Đầu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 28/3/2021, Thượng tướng Phan Văn Giang đại diện cho Bộ Quốc phòng đã thông tin về tình hình Biển Đông tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu và quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo ông Phan Văn Giang, đang có những diễn biến căng thẳng phức tạp, đặt ra thách thức lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện đang có sự tranh chấp giữa các nước có liên quan đến Biển Đông như vùng tranh chấp, vùng chồng lấn, vùng chưa phân định rõ ràng, vùng nước lịch sử, vùng cùng đánh cá, thềm lục địa... chưa giải quyết được. “Thực tế này đòi hỏi phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài, có chiến lược và sách lược mềm dẻo, đúng đắn, tôn trọng luật pháp quốc tế, trên Biển Đông ta thực hiện Công ước Luật biển 1982 và quy tắc DOC của các nước ASEAN với một số nước khác và tiến tới COC” – Thượng tướng Phan Văn Giang phát biểu khi trình bày chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”.

Cũng theo Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng ta đã chỉ ra bốn nguy cơ về quốc phòng với các vấn đề ngày càng công khai và trực diện hơn nên cần đánh giá đúng, có chủ trương, biện pháp, chủ động phòng ngừa, không để đất nước bị động, bất ngờ, không được chủ quan mất cảnh giác. Theo đó, mục tiêu và nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định…

Về nhiệm vụ, tướng Phan Văn Giang cho hay Đại hội XIII xác định củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực…, phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân gắn với tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quân sự.

Báo chí Việt Nam về Biển Đông

Ngày 3/4 báo Tuổi Trẻ có bài: Trung Quốc “mượn gió bẻ măng” ở Biển Đông. Nhằm viện cớ cho cuộc tập trận của Trung Quốc dự kiến kéo dài suốt tháng 4/2021 ở khu vực bán đảo Lôi Châu, Hoàn Cầu Thời báo khẳng định cuộc tập trận để tưởng niệm sự kiện một phi công Trung Quốc tử nạn sau khi điều khiển máy bay tiêm kích đâm vào một máy bay do thám Mỹ cách đây 20 năm. Trung Quốc mang Mỹ ra làm lý do biện minh cho cuộc tập trận, biến Mỹ thành nguồn cơn gây căng thẳng. Bài viết có đoạn: “Chuyện Trung Quốc mượn những hoạt động của máy bay và tàu chiến Mỹ cũng như các nước khác để bao biện cho các động thái quân sự ở Biển Đông là điều không mới mẻ gì. Câu chuyện lần này cũng chỉ là lớp kem trên chiếc bánh”.

Cũng ngày 3/4, báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Điều động tàu tên lửa đến Trường Sa, Trung Quốc đang âm mưu gì? Về sự kiện Trung Quốc điều động 3 tàu tên lửa Type 022 đến khu vực Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, TS Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore nhận định: “Tàu tên lửa tàng hình tấn công nhanh Type 022 thường bị hạn chế bởi tầm bắn và khả năng hoạt động xa bờ, nên việc triển khai xa đến Trường Sa là rất đáng quan tâm. Nếu không được triển khai thường trú thì đây có khả năng là triển khai luân phiên. Các tàu Type 022 sẽ hình thành sức mạnh tấn công cơ động hỗ trợ các đơn vị thường trú của quân đội Trung Quốc đang đóng tại các tiền đồn ở Trường Sa”.

Nguồn Văn nghệ số 15/2021


Có thể bạn quan tâm