March 29, 2024, 3:38 pm

Chiếc xe hòa bình ngày kết thúc chiến tranh

 

Tháng Tư năm Một chín bảy lăm. Theo bước hành quân thần tốc của quân dân ta, những thị xã, những tiểu khu quân sự của địch trên dải đất miền Trung thân yêu lần lượt được giải phóng. Miền Đông chuyển mình. Miền Tây dậy sóng. Những cánh quân như những cánh tay khổng lồ hướng về Sài Gòn và ngày càng thít chặt.

Ở Trà Vinh, từ tháng Mười năm Một chín bảy tư, ta đi vào chiến dịch mùa khô với khẩu hiệu “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện!”. Hàng loạt phân chi khu, rồi chi khu thuộc các huyện ven biển Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú… rồi các huyện cánh trên Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần… trở thành vùng tự do. Từ chiến thuật “phòng thủ từ xa”, bọn chỉ huy tiểu khu Vĩnh Bình (tên gọi của tỉnh Trà Vinh lúc ấy) buộc phải co cụm về tử thủ vùng ngoại vi tỉnh lỵ. Tổ Nhiếp ảnh của báo Anh Dũng (tiền thân của báo Trà Vinh ngày nay) gồm ba người –  do anh Lư Quang Hiểu làm Tổ trưởng cùng hai tay máy Công Thành, Quốc Hội – cứ chia nhau ra, “vừa chạy vừa chụp” cho kịp bước chân hành quân của Trung đoàn I chủ lực Quân khu 9 và hai tiểu đoàn địa phương quân tỉnh Trà Vinh, nhằm có được những bức ảnh “nóng nhất”, “khói lửa nhất” để báo nhà kịp lên khuôn, cũng như đáp ứng yêu cầu của cơ quan Thông tấn xã Giải phóng.

Ngày Mười tám tháng Tư, Lư Quang Hiểu nhận được lệnh của lãnh đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Trà Vinh, về Đai Tèn – một căn cứ lõm sát ngoại vi thị xã Trà Vinh – nhận công tác mới. Tại đây, đội Tuyên truyền xung phong “vừa thành lập vừa gom quân”, do anh Nguyễn Văn Kiệm (Tư Kiệm) làm Đội trưởng, anh Diệp Quang Tâm (Bảy Trường) làm Đội phó cùng hai chiến sĩ là Lư Quang Hiểu và Nguyễn Văn Tư. Vừa quán triệt nhiệm vụ, vừa tập huấn nghiệp vụ, đêm đêm anh em len lỏi qua các đồn địch, tổ chức những chuyến tuyên truyền xung phong vào những khu dân cư ven thị xã.

Đêm Hai mươi chín tháng Tư, từ căn cứ lõm Đai Tèn, đội Tuyên truyền xung phong được lệnh hành quân vào nội ô thị xã, bám sát các đơn vị bộ đội chiến đấu, tổ chức tuyên truyền kêu gọi ngụy binh, ngụy quyền quay súng trở về với nhân dân, đồng thời vận động quần chúng nội ô nổi dậy khởi nghĩa, kết hợp cùng mũi vũ trang giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn thị xã Trà Vinh. Để bảo đảm có mặt trong nội ô trước giờ G, Đội Tuyên truyền xung phong âm thầm đi tránh qua các đồn ngoại vi Mã Tiền, Tri Tân, vượt sông Long Bình vòng qua phía Hòa Thuận (huyện Châu Thành), rồi lại vượt sông trở lại, thọc vào quãng giữa ấp Tri Tân B theo lộ Lò Heo (nay là đường Đồng khởi), hướng vào nội ô. Hơn 00 giờ ngày Ba mươi tháng Tư, khi bộ đội ta đồng loạt nổ súng tấn công trên khắp các hướng, chúng tôi đã có mặt trên tầng thượng một ngôi nhà quần chúng đầu ấp Tri Tân B, chỉ cách cao ốc Rạp hát – một cứ điểm quân sự mà địch thiết lập với ý đồ tử thủ tỉnh lỵ – không quá ba trăm thước. Từ chiếc loa mắc cao trên tầng thượng, chủ trương Mười điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, chính sách Tám điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời… đối với tù hàng binh, đối với những vùng mới giải phóng và Lời kêu gọi quần chúng nhân dân nội ô thị xã Trà Vinh nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, qua giọng đọc của anh Bảy Trường, cứ dõng dạc phát đi, hướng thẳng vào nội ô thị xã, bất chấp những loạt đạn vãi ra từ cao ốc Rạp hát. Từ tầng thượng ngôi nhà này, Lư Quang Hiểu đảo mắt nhìn khắp thị xã thân yêu, nơi mà gần bảy năm về trước anh đã có một tuổi thơ vất vả của một đứa trẻ con nhà nghèo từ nông thôn Thanh Mỹ bị dồn dân về. Ở đó, dưới những hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi, dưới những ngọn đèn tù mù đỏ quạch kia, dưới những họng súng đen ngòm của kẻ thù, cha mẹ, các em, bạn bè anh đang khắc khoải trông chờ ngày những đoàn quân anh dũng trở về giải phóng quê hương: “Thị xã Trà Vinh thân yêu ơi! Chúng con đã vượt qua hàng chục cây số, băng qua hàng trăm đồn thù để mang tiếng nói của chính nghĩa, của cách mạng về đây – nơi chỉ cách những ngọn đèn nội ô ấy không quá ba trăm thước! Ba trăm thước đường còn lại ấy, nhất định chúng con sẽ vượt qua trong ngay đêm nay!”.

Tờ mờ sáng Ba mươi tháng Tư, như đã quy định trước, đội Tuyên truyền xung phong di chuyển về bãi đất trống ở mé sông Long Bình để hội ý cùng các đơn vị bạn, kiểm điểm tình hình và nhận nhiệm vụ mới. Theo báo cáo của mũi vũ trang và mũi chính trị khởi nghĩa, anh em trong đội hiểu rằng các đơn vị vũ trang của ta gặp khó khăn trước sức chống trả mãnh liệt của địch, dựa vào các kiên trúc kiên cố, dọc theo tuyến đường số Một (nay là đường Trần Phú), nhất là tại cứ điểm cao ốc Rạp hát. Riêng các đồn thuộc hai ấp Tri Tân A và Tri Tân B đã được lực lượng chính trị quần chúng và mũi binh vận chiếm. Trên các hướng tấn công khác cũng ở vào tình thế tương tự. Nhận định rằng, khi trời sáng tỏ, địch nhất định sẽ sử dụng đơn vị cơ giới kết hợp cùng bộ binh tổ chức phản kích, cố chiếm lại những vị trí đã mất. Vì vậy, các đơn vị vũ trang phải tập trung chiến đấu giữ vững và tổ chức lại trận địa, đợi trời tối sẽ tiếp tục tấn công. Đội Tuyên truyền xung phong tiếp tục bám trận địa, bám khu dân cư liên tục tuyên truyền làm tê liệt ý chí chiến đấu của địch, đồng thời vận động quần chúng sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa khi có thời cơ. Đúng như nhận định của ta, chẳng bao lâu sau, khắp các mặt trận trên địa bàn thị xã đã rộ lên những tràng súng liên thanh từ những đợt phản kích của địch.

Nhận nhiệm vụ, anh em trong đội xốc lại các trang thiết bị bao gồm bình ắcqui, máy tăng âm, loa, chiếc cassette cũ kỹ vừa mượn được trong ngôi nhà khi nãy cùng mấy đoạn băng thu sẵn giọng đọc của anh Bảy Trường. Bất ngờ, khi đảo mắt quan sát, Lư Quang Hiểu phát hiện ra chiếc xe Jeep quân sự cũ đã được ngụy quyền hóa giá cho dân sử dụng đang đậu ở góc nhà trại cưa Quảng Hưng Long gần đó. “Giờ phút nhạy cảm này mà quân Giải phóng đường hoàng sử dụng xe Jeep đi phóng thanh tuyên truyền thì hiệu quả và sự tác động sẽ vô cùng lớn lao!”. Lưu Quang Hiểu cùng anh Phong Ba, người chỉ huy cao nhất của bộ phận Tuyên huấn tại trận địa lúc ấy, vào trại cưa Quảng Hưng Long vận động gia đình cho cách mạng mượn chiếc xe. Năn nỉ, thuyết phục, thậm chí có phần thúc ép chủ nhà (mãi sau ngày giải phóng anh em mới hiểu rằng không phải họ tiếc chiếc xe với cách mạng mà chỉ ngại ta đánh không thắng! Nhiều năm dài sống trong lòng địch, khiến bà con ta rào trước đón sau, âu cũng là điều dễ hiểu!). Gần 8 giờ (9 giờ, tính theo giờ Sài Gòn lúc ấy) Lư Quang Hiểu mới mang được xe ra, cắm cờ Mặt trận lên trước cabine, rồi lắp hệ thống phóng thanh vào. Mãi đến lúc này, anh mới nhận ra rằng gần chục năm trời lăn lóc trong thị xã, theo học thí công đủ nghề từ điện nhà, điện xe đến lái xe… ít ra cũng có đôi chút lợi ích cho cách mạng khi cần đến. Lư Quang Hiểu ngồi vào sau tay lái, khởi động máy, rồi từ từ gài số. Phía trước, lá cờ Mặt trận tung gió bay phần phật làm cho lòng anh dậy lên một cảm giác nôn nao khó tả. Liếc nhìn qua chiếc ghế bên cạnh, rồi nhìn vào kính chiếu hậu, gương mặt mọi người ngời lên niềm tin tất thắng. Lư Quang Hiểu bình thản nhấn ga, chiếc xe rời khỏi trại cưa, hướng lên đường Lò Heo. Từ phía cao ốc Rạp hát, địch tức tối vãi đạn về phía chiếc xe. Mặc, anh ngoặt xe chạy dọc theo đường Lò Heo, rồi vòng lên lộ Nguyễn Văn Thinh (nay là Điện Biên Phủ). Theo lộ trình ấy, tiếng nói chính nghĩa của cách mạng đến với từng người dân, từng gia đình trên khắp địa bàn hai ấp Tri Tân A và Tri Tân B (nay là Phường Sáu). Và, cũng theo đó, những cánh cửa hai bên đường vốn đóng im ỉm vì tiếng súng đã dần dần mở ra: Lần đầu tiên người dân thị xã Trà Vinh chứng kiến lá cờ Mặt trận đường hoàng bay phần phật trên một phương tiện cơ giới giữa đường phố thân yêu của mình!

Gần 9 giờ (10 giờ, tính theo giờ Sài Gòn), chiếc xe tuyên truyền quay lại đường Lò Heo, chuẩn bị trở về điểm xuất phát thì cũng là lúc bộ phận Chỉ huy mũi khởi nghĩa vận động về đóng ở điểm Chùa Mới. Tại đây, đồng chí Trần Văn Tư (Tư Tranh) – thành viên Ban chỉ huy chiến dịch, phụ trách mũi khởi nghĩa – thông báo là tướng Dương Văn Minh đã công bố lệnh cho nguỵ binh ngừng bắn tại chỗ và ra lệnh cho Đội Tuyên truyền xung phong tranh thủ thu để phát ngay toàn văn quân lệnh của Tướng Minh nhằm tác động tinh thần các đơn vị ngụy quân còn cố thủ trong nội ô. Đồng thời, dùng xe đưa năm vị sư Khmer, do sư Sơn Sara dẫn đầu, đến Ngã ba Rạp hát, để từ đó, các vị đi bộ vào dinh Tỉnh trưởng gọi hàng. Nhận lệnh, không chút chần chừ, Lư Quang Hiểu cùng Đội phó Diệp Quang Tâm và năm vị sư trực chỉ ra Ngã ba Rạp hát.

Đến ngã ba Rạp hát, tiếng súng địch đã thưa dần nhưng bọn chúng đã kéo chướng ngại vật phong tỏa đường vào nội ô. Chúng đang án binh để nghe ngóng tình hình. Lư Quang Hiểu cho xe chạy chậm lại để các vị sư chuẩn bị bước xuống thì cùng lúc đó, một tên lính ôm súng bước ra kéo cuộn kẽm gai bùng nhùng, lấy lối cho mấy chị phụ nữ (chắc là vợ lính) lách người qua. Thấy có thời cơ, ngay lập tức Lư Quang Hiểu nhấn chân ga. Chiếc xe chồm lên, lao thẳng vào khe hẹp mà tên lính vừa mở ra khiến hắn hoảng hốt nhảy lùi lại, bắn mấy phát đạn chới với lên trời như tiễn đưa chuyến xe cùng một đoàn người không tấc sắt vũ trang đang tiến vào hang ổ kẻ thù, thực thi sứ mạng hòa bình.

Vượt qua phòng tuyến Rạp hát, chiếc xe tiến vào vùng địch kiểm soát hoàn toàn. Từng tốp, từng tốp lính với đủ sắc phục, súng ống lăm lăm trong tay giăng đầy khắp các tuyến phố. Xe cứ nhích dần lên theo lối hẹp giữa lòng đường, giữa những ánh mắt có phần tò mò pha lẫn căm tức của bọn chúng. Thi thoảng, anh em nhận ra những mũi súng lạnh lùng ghếch theo hướng di chuyển của mình. Đến gần ngã tư đường số Một với đường Nguyễn Văn Thinh, một tên lính gầy gò (chắc là tàn quân thất trận đâu đó trôi dạt về) có xâu lựu đạn vắt ngang qua cổ, thòng xuống trước ngực. Hai tay hắn nắm chặt hai quả lựu đạn, mắt lăm lăm nhìn mặt từng người trên xe. Lư Quang Hiểu liếc sang anh Bảy Trường. Đôi mắt người Đội phó căng thẳng dõi theo từng động tác của tên lính quá khích. Hắn mà đưa quả lựu đạn lên miệng thì… thực sự Lư Quang Hiểu cũng không dám nghĩ tiếp điều gì sẽ xảy ra, bởi một tiếng nổ lúc này rất dễ tạo ra phản ứng dây chuyền mà hậu quả khó ai lường được. Cũng may, giây phút căng thẳng ấy rồi cũng trôi đi, chiếc xe ngoặt qua ngã tư, theo đường Nguyễn Văn Thinh, hướng về đầu chợ Trà Vinh. Nhìn thấy những vị sư ngồi trên xe, mấy anh lính Khmer xuôi mũi súng xuống đất, ngã mũ kính cẩn cúi chào. Những người trên xe thở phào nhẹ nhõm mà thầm phục khả năng liệu việc của các đồng chí lãnh đạo mũi chính trị khởi nghĩa. Chính màu áo vàng của những vị sư đã tạo cho anh em trên xe tư thế khá an toàn. Chẳng có tên lính nào, dù quá khích đến đâu dám manh động xả súng lên xe khi chung quanh chúng có không ít những anh lính Khmer sùng đạo cũng đang lăm lăm vũ khí trên tay. Đến khu vực Bến xe (nay là khu siêu thị), một số trẻ bụi đời ùa ra vây kín chiếc xe. Mấy em hứng chí nhảy phốc lên, ngồi kín cả mui xe. Tiếng reo hò của các em vang động cả đường phố vốn im phăng phắc. Thỉnh thoảng hai bên đường, ô cửa sổ nhà ai khe khẻ mở ra, có những ánh mắt trìu mến dõi theo, có bàn tay ai đó nhẹ nhàng vẫy vẫy. Đường rộng, Lư Quang Hiểu nhấn ga tăng tốc. Chiếc xe lao qua đầu chợ, rồi rẽ theo đường Lý Thái Tổ (nay là đường Hùng Vương), trước mặt đã là cổng dinh Tỉnh trưởng.

Khi chiếc xe hòa bình vừa trờ tới, mấy tên lính giữ cổng nhào ra giương súng, cản lại. Lư Quang Hiểu định nhấn ga, húc thẳng vào cổng dinh thì vừa lúc đó viên trung úy trực ban hớt hải chạy ra (sau này anh em mới biết, lúc ấy tướng Dương Văn Minh đã chính thức phát lệnh đầu hàng vô điều kiện), hối lính mở cổng phụ. Sau khi nghe sư Sơn Sara thông báo yêu cầu, anh ta chạy vội vào dinh và không đầy năm phút sau đã trở ra mời vị sư vào hội kiến cùng Tỉnh trưởng. Lư Quang Hiểu liếc nhìn đồng hồ: 9 giờ 45 phút (theo giờ Sài gòn là 10 giờ 45 phút). Viên trung úy trực ban nhẹ nhàng đề nghị anh Bảy Trường tạm thời hạ lá cờ trước mũi xe xuống để giữ thể diện cho chế độ Sài Gòn nhưng không được chấp nhận. Lư Quang Hiểu nhìn lá cờ Mặt trận kiêu hãnh tung bay ngay trước cổng dinh mà không kềm được cơn xúc động chực dâng trào. Đàng kia, anh Bảy Trường bật máy, lời kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền buông súng đầu hàng đĩnh đạc cất lên, vang vọng khắp từng con đường, từng góc phố. Nổi máu nghề nghiệp, Lư Quang Hiểu nhảy xuống xe, giương máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử. Không hiểu sao viên trung úy trực ban và mấy anh lính tội nghiệp kia vội lủi mất khỏi tầm ống kính.

Phải mất gần 30 phút sau, với 3 lần sư Sơn Sara đi đi lại lại, đóng vai trò con thoi nối liền cuộc thỏa thuận giữa đại diện quân giải phóng và tên Tỉnh trưởng Vĩnh Bình. Cuối cùng vị sư Khmer từ trong dinh sải những bước chân thoăn thoắt ra cổng, vẻ mặt hết sức tươi tỉnh. Bước lên xe, sư  Sơn Sara không kềm được cơn phấn khích:

- Nó chịu rồi! Đầu hàng rồi! Mình chạy riết về, đón ông Tư Tranh lên chùa Phướng!

Lư Quang Hiểu lại nhấn ga. Chiếc xe hòa bình quay đầu trở về. Phía sau, một chiếc xe Jeep quân sự mới toanh, có gắn “cần câu”* cũng hối hả rời dinh. Trên xe, viên sĩ quan có đính hai bông mai bạc trên ve áo ngồi ngay ghế trước, gương mặt trắng bệt trông chẳng còn mấy thần sắc. Ngoài phố, bọn ngụy binh đã buông súng, lột áo, lột nón… chất thành từng đống lớn hai bên vệ đường. Dân chúng đổ ra đường ngày một nhiều, có cả gia đình vợ con ngụy binh nháo nhác đi tìm chồng, tìm con. Ngược đường với chiếc xe hòa bình, những đơn vị bộ đội đang tiến vào nội ô thị xã.

Khi Lư Quang Hiểu lái xe đưa đồng chí Tư Tranh và các vị sư đến chùa Phướng (lúc ấy thuộc xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, nay thuộc Phường Tám, thành phố Trà Vinh) thì chiếc xe Jeep có gắn “cần câu” đã chờ sẵn. Cuộc gặp gỡ giữa đại diện Ban chỉ huy chiến dịch và viên Tỉnh trưởng kết thúc khi điếu thuốc trên tay anh Bảy Trường vẫn còn cháy dở. Đồng chí Tư Tranh bước ra, đưa anh em cuộn băng cassette, giọng gãy gọn:

- Các đồng chí phát ngay!

Lư Quang Hiểu lại quay đầu xe vào nội ô thị xã. Anh Bảy Trường cho cuộn băng mà đồng chí Tư Tranh vừa giao vào máy. Chiếc loa gắn trên nóc xe phát ra một giọng khàn khàn, run run:

- Tôi, Trung tá Nguyễn Văn Sơn – Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Bình ra lệnh cho anh em binh sĩ buông súng…

Cứ thế, Lư Quang Hiểu cho xe chạy khắp các đường ngang ngõ tắt trên địa bàn thị xã Trà Vinh thân yêu của anh. Cái giọng khàn khàn, run run đã mất nhiều âm sắc của viên Trung tá Tỉnh trưởng ngụy quyền như lọt thỏm vào những âm thanh reo hò vang dậy của hàng chục ngàn quần chúng nhân dân Trà Vinh đổ ra đường chào mừng chiến thắng.

Thị xã Trà Vinh hoàn toàn giải phóng vào lúc 11 giờ 30 phút ngày Ba mươi tháng Tư năm Một chín bảy lăm, trở thành thị xã duy nhất ở miền Tây Nam bộ giành chiến thắng cùng lúc với Sài Gòn – Gia Định. Đây là chiến công chung của toàn Đảng bộ, quân dân Trà Vinh trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiến công vũ trang với khởi nghĩa quần chúng. Trong đó, chuyến xe hòa bình của Đội Tuyên truyền xung phong như một mũi tên màu đỏ, ẩn chứa trong mình sức mạnh vĩ đại của nhân dân, lao thẳng vào trái tim kẻ thù, góp phần để cuộc chiến kết thúc nhanh hơn một chút, ít đổ máu hơn một chút.n

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021


Có thể bạn quan tâm