April 25, 2024, 6:35 pm

Chiếc máy ảnh Alice. Truyện ngắn Abe Kobo

Đối với tôi bây giờ mà nói, chiếc máy ảnh đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong công việc. Phạm vi sử dụng của nó khá rộng từ việc dùng cho ghi chép ý tưởng cho tiểu thuyết đến ghi chép diễn xuất của sân khấu. Hơn thế nữa, trong khoảng thời gian gần đây tôi đã chụp những phim slide sử dụng thực tế trên diễn xuất sân khấu kịch, hay thử chèn những tấm ảnh chụp nhanh của mình vào tiểu thuyết Người hộp1 của mình, để chính những tấm hình đó tự biểu hiện ra cũng không phải là hiếm. Về mặt kỹ thuật thì khoan hãy bàn đến chứ còn về tần suất sử dụng thì cũng có thể đưa tôi vào hàng bán chuyên nghiệp.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Không phải tôi viết ra những điều này để khoe khoang hay tự mãn gì đâu. Đến mức điều đầu tiên tôi muốn chối phắt ngay là chiếc máy ảnh đã trở thành một công cụ hay phương tiện. Thực tế cần phải từ chối điều này vì chiếc máy ảnh đã được xem như là biểu tượng cho sự sùng bái vật chất của xã hội hiện đại ngày nay.

Đặc biệt ở Nhật Bản điều này rõ ràng hơn hết. Đâu khoảng trước đây tôi có đọc một bài báo nói về người Nhật xuất hiện trong các tranh biếm họa của phương Tây bao giờ cũng phải đeo kính và cầm máy ảnh. Chắc chắn là ngay cả những chuyến du lịch trong nước, máy ảnh là biểu tượng cho khách du lịch lữ hành. Những số liệu thống kê đã củng cố thêm điều này. Nhật Bản là quốc gia sản xuất máy ảnh hàng đầu thế giới đồng thời tự hào là nước có lượng tiêu thụ máy ảnh nhiều nhất hoàn cầu. Vậy thì máy ảnh là thứ gì mà có thể hấp dẫn được người Nhật đến thế chứ? 

Có thêm một số liệu thống kê khác lại càng thú vị hơn. Nếu như người mua máy ảnh nhiều thì đương nhiên lượng tiêu thụ phim phải lớn. Nhưng thực ra không phải vậy. Số liệu chính xác thì tôi không nhớ lắm nhưng số lượng phim được người Nhật sử dụng lại ít đến mức không thể nào tin nổi. Dù là một vương quốc về máy ảnh nhưng Nhật lại là quốc gia lạc hậu về phim chụp. Đến mức có một câu chuyện cười về tấm phim đầu tiên đã chụp với tấm cuối cùng đều là quang cảnh ngày tết như nhau nhưng lại nói đó là phong cảnh khi đi tắm biển. Tôi có người quen lậm đến mức sưu tầm tất cả loại máy ảnh của công ty kia rồi cuối cùng không dám ấn nút chụp hình vì bảo là sợ làm hư máy nữa.

Đúng là máy ảnh chỉ là máy ảnh mà thôi. Như Mỹ chẳng hạn vốn đã là một cường quốc về phim chụp mà người ta còn muốn tăng lượng tiêu thụ phim lên nữa bằng cách chế tạo ra những máy chụp hình dành cho dân nghiệp dư nhưng người Nhật lại không muốn có những máy chụp hình một lần như vậy. Cho dù là máy ảnh cao cấp điều chỉnh phức tạp thế nào đi nữa, thì lý do cũng không phải là sự phiền phức trong thao tác chụp hình. Vì thế mà cách nhà sản xuất mới không ngại ngần gì trong chuyện nâng cao đẳng cấp máy ảnh. Đúng ra bởi vì lượng sản xuất máy ảnh cao cấp vốn dĩ chỉ có thể mua một cách giới hạn đang không ngừng tăng lên nhanh chóng mà mới có thể bá chiếm thiên hạ, không có đối thủ. Chính nhờ những người tiêu dùng mua mà không sử dụng mà máy ảnh Nhật Bản mới có thể hoàn thành công cuộc chinh phục thế giới vậy.

Rõ ràng đó là sự sùng bái vật chất. Thế nên người ta tách rời hành vi chụp hình và cái máy ảnh vốn chỉ là một phương tiện nay đã trở thành mục đích. Tôi không có ý phê phán gì ở đây cả. Tôi chỉ cảm thấy điều đó phản ánh trạng huống tinh thần của thời hiện đại, đáng cho chúng ta xem xét nghiêm túc mà thôi. Cuối cùng cái gì của máy ảnh đã lôi kéo người ta đến mức độ này cơ chứ?

Dĩ nhiên không phải ai cũng yêu thích máy ảnh. Những người có thể suy nghĩ đến máy ảnh một cách hiện thực, ngay từ đầu liệu đã thích thú máy ảnh hay không? Giữa cái việc muốn thử chụp một tấm hình với việc yêu thích máy ảnh có một khe hẹp khó mà vượt qua. Đối với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, khe hẹp này còn sâu hơn nữa. Điều này cũng giống việc muốn viết tiểu thuyết không có nghĩa là trở thành người ham mê văn phòng phẩm gì đâu.

Thực tế, chỉ trừ những người chuyên nghiệp có thể đổi tác phẩm của mình thành tiền ra thì đối với hầu hết chúng ta, chiếc máy ảnh vốn dĩ là một dụng cụ tưởng tượng thuần túy mà thôi. Kết quả của việc chụp hình bao giờ cũng là một sự mất hứng thú rõ ràng. Những quyển album cũ kỹ phai màu vô ích hiếm khi được chúng ta lần giở ra xem. Ngay cả việc nhớ lại tại sao khi đó mình lại ấn nút chụp hình và mong chờ điều gì cũng không thể. Khi chúng ta nhận ra được rằng cứ ngỡ mình đã để lại những tấm hình nhưng thực ra là say sưa cái hành vi không tồn tại kết quả chắc hẳn chúng ta sẽ quyết tâm vứt bỏ chiếc máy ảnh đi thôi. Dĩ nhiên điều đó cũng có nghĩa chúng ta cũng vứt bỏ đi cái mong chờ không phần thưởng trong khoảnh khắc ấn nút chụp hình kia.

Tuy nhiên, với việc thừa nhận một kết quả không tồn tại, thì cũng có nghĩa có nhiều kẻ mơ ngày không đánh mất đi niềm mong chờ hy vọng và trở nên yêu thích máy ảnh. Bởi vì nguyện vọng của những kẻ đó chỉ là thỏa mãn trong việc ấn nút chụp hình mà thôi chứ không bận tâm gì đến kết quả. Đối với những trường hợp cực đoan, thì chỉ cần ấn nút máy ảnh là đã hoàn thành việc tượng tượng hư cấu của mình rồi. Nếu như thế thì chỉ cần một chiếc máy ảnh mô hình không cần ống kính cũng được thôi. Nhưng sở dĩ kẻ đam mê cuồng là kẻ đam mê cuồng chính là vì thế. Nếu như có sự đảm bảo rằng việc chụp hình đúng như dự định (hay đúng như lý tưởng của mình) thì mới có thể thỏa mãn sự tưởng tượng của chính mình.

Vì thế những người thích máy ảnh thực sự thì ngay từ đầu đã không bao giờ thèm để mắt đến máy ảnh Polaroid chụp xong có ảnh ngay cả. Nghe đồn là tình hình kinh doanh công ty Polaroid đang gặp nguy hiểm nhưng biết đâu chừng đó chỉ là phỏng đoán nông cạn của việc tìm hiểu tâm lý những kẻ cuồng máy ảnh mà thôi chăng? Cái mà kẻ cuồng máy ảnh tìm kiếm nơi máy ảnh không phải là một thứ hiện thực kiểu thực dụng chủ nghĩa đơn thuần mà chính là sự tưởng tượng. Bằng việc chụp hình, ta có thể ngỡ như được ký tay vào việc sở hữu một phần của thế giới và việc lừa gạt mình vào khoảnh khắc đó thật vui. Điều đương nhiên là chắc chắn trong một góc nào đó của ý thức, ta vẫn hiểu được rằng đó chỉ là sự lừa gạt chính mình mà thôi. Chính vì thế mà chiếc máy ảnh Polaroi lại càng chẳng thú vị gì. Cái cảm giác bệnh hoạn như thế có lẽ cũng là một đặc trưng của những kẻ cuồng máy ảnh chăng?

 Chúng ta có thể thay đổi góc nhìn để thấy một cách nhìn hơi khác. Tuy thích máy ảnh nhưng lại không quan tâm gì đến phim chụp có lẽ tại vì điều mình thực sự muốn chụp không hề có trên thực tế. Bởi có lẽ bản chất từ đầu của máy ảnh là chỉ ngược hướng với hiện thực, xem thường kết quả và muốn cự tuyệt hiện thực chăng? Nếu là như thế thì máy ảnh vốn dĩ là biểu tượng của thứ không hề tồn tại. Hoặc là nó phủ định hiện thực.

Tôi đã đọc một bài báo nói về Lewis Carroll, tác giả của truyện Alice lạc vào xứ sở thần tiên rằng vào những năm cuối đời ông đam mê máy ảnh, say sưa những chụp ảnh thiếu nữ đến mức làm phiền hà căng thẳng đến những người xung quanh. Bài báo làm cho tôi cảm thấy bứt rứt không yên. Tôi chưa từng đọc tác phẩm Alice theo kiểu như thế. Tôi không tưởng tượng được là tác giả đã ôm ấp một thứ tình cảm như vậy với Alice. Có nghĩa là tác phẩm “Alice lạc vào xứ xở thần tiên” có thể xem là một dạng tiểu thuyết ái tình. Tác giả đã yêu một cô gái không hề tồn tại thay cho những cô thiếu nữ ngoài đời thực. Và có lẽ ông đã trở nên yêu thích máy ảnh để có thể tìm được chân dung của người con gái không tồn tại đó chăng?

Có thể xem đó là một thứ ảo tưởng rằng chỉ cần tiếp tục chụp hình đến một lúc nào đó ta sẽ tìm thấy Alice chăng? Sự căng thẳng của một khoảnh khắc thiếu vắng điều bất khả. Phải chăng có cả cái nguyện vọng phân rã từng mảnh bằng việc cự tuyệt với hiện thực chăng? Nhưng chỉ trong thế giới thần tiên ta mới có thể gặp được Alice. Những người quá mơ tưởng đến việc chạy trốn thì chỉ dù thế nào đi nữa cũng chỉ có thể chạy trốn vào trong giấc mơ thôi.  

________

1. “Người hộp” (Hako Otoko) tên một tiểu thuyết của Abe Kobo, nói về một người đàn ông đội một chiếc hộp giấy bìa các tông từ đầu đến thắt lưng, đi lang thang trong thành phố ngắm nhìn thế giới bên ngoài từ khe hở chiếc hộp. Ngoài những mẩu phóng sự, đoạn thơ, Abe Kobo có chèn thêm 8 tấm hình do mình tự chụp vào tác phẩm.

Truyện ngắn Abe Kobo

Hoàng Long

Dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

Nguồn Văn nghệ số 20/2023


Có thể bạn quan tâm