April 16, 2024, 10:47 pm

Chiếc chuông biết hát

Gã trai Tây buông những ngón tay khỏi bầu ngực Sa, nằm vật ra bên cạnh. Chưa đầy mấy phút sau thì tiếng ngáy rền rĩ lấp đầy dần căn phòng màu trắng. Sa lợm giọng, cơn buồn nôn ập tới. Vội vàng chạy vào nhà vệ sinh, Sa nôn khan như muốn lộn cả gan ruột ra ngoài. Cô để mặc cho nước chảy tràn khắp thể mình, hòng gột rửa những nhơ nhuốc bám trên da thịt. Thay bộ quần áo khác, hong cho tóc khô. Sa thong thả đặt chiếc chuông lên tay trái. Tay phải cầm chày bao da xoay đều quanh miệng chuông. Tiếng u u như từ đâu đó vọng về, vừa gần gũi vừa xa xôi. Nó đẩy bật tạp âm xung quanh, thức tỉnh nguồn năng lượng tích cực trong cơ thể Sa. Nguồn sóng âm từ những đầu ngón tay lan ra khắp cơ thể đẩy bật mọi muộn phiền đau khổ giúp tâm thân Sa nhẹ bẫng như một áng mây. Tiếng bé Mít gọi mẹ ở đâu đó phía xa. Mẹ ơi! Mẹ à. Con cua đã gãy một cái càng. Con dế đồng nhốt trong chai đã không gáy nữa. Con cào cào nhớ cánh đồng trước nhà. Mẹ ạ. Nước mắt Sa chảy dài trong cõi chuông ngân…

Minh họa của ĐẶNG TIẾN

Sa cầm những đồng đô la mà gã Tây chìa ra trước mặt. Gã đâu biết rằng trong ví mình đã không cánh mà bay vài tờ tiền mệnh giá cao. Chỉ vài phút nữa thôi là Sa sẽ lẩn vào đám đông ngoài kia. Giả dụ gã có tìm cũng chẳng thể nào thấy được. Mà gã cũng không quanh quẩn ở một vùng đất lạ chỉ để tìm một cô gái điếm. Ở khu du lịch này người ta đến và đi như cơn gió. Chỉ có Sa ngồi lại đếm từng đồng tiền, quy nó ra sữa bột cho con, thuốc men cho mẹ chồng, khoản nợ này kia phải trả. Sa trích một phần phần để chăm chút cho mình. Mua vài bộ váy mới, son phấn cũng cố gắng không phải loại rẻ tiền. Làm nghề nào mà chẳng phải đầu tư. Khách trả bằng tiền đô thì mùi nước hoa trên người mình cũng phải cân xứng chứ. Lần nào Sa cũng đi vài ba tháng, cóp đủ… thì về thăm nhà.

Sa bắc ghế ngồi giũa móng chân ngoài cổng lúc trông hai đứa nhỏ chạy chơi trên bãi đất trống trước nhà. Gió từ cánh đồng thổi vào, từ ngã ba ngã bảy thổi tới những tiếng đời lao xao. Mới đi có vài tháng chứ mấy mà nghe nói đã trả hết nợ ngân hàng, có tiền mua vòng vàng đeo đầy người, mua lại cả thổ đất ngay cạnh nhà. Nghe nói học mới hết lớp bốn, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết mà bà Bảy đi đâu cũng khoe con dâu làm phiên dịch. Làm cái giống gì mà tháng kiếm cả vài chục triệu thế không biết? Sa giơ những ngón búp măng trắng nõn hứng lấy ánh mặt trời. Mười móng tay đính đá lấp lánh, nhọn hoắt đâm lên nền trời. Môi Sa khẽ nhếch lên mỗi khi thấy ai đó nhìn mình. Trong cổ họng Sa ngậm đầy lời hằn học. Thiên hạ đâu có cho con Sa miếng cơm nào mà buông lời phán xét? Chỉ những ai từng sống một cuộc đời tủi nhục như Sa mới thấm thía giá trị của đồng tiền. Những lúc thấy mình chuẩn bị biến thành ngọn lửa, Sa lại lôi trong vali ra chiếc chuông đồng. Thứ âm thanh phát ra từ chiếc chuông dẫn Sa tới một thế giới khác. Những gai góc, hằn học nguội dần. Tiếng lao xao trên miệng đời loãng ra, tan vào hư vô như mây khói. 

Sa đẹp. Cái miệng cười duyên, hàm răng trắng đều, chiếc mũi thanh tú, đôi mắt như nước hồ thu. Da trắng, tóc dài, chân mày lá liễu. Sa ăn mặc giản dị mà đẹp. Chẳng thế mà Phan chết đứ đừ ngay từ cái lần gặp đầu tiên. Gia đình bà Bảy từng tìm đủ cách chia rẽ hai người nhưng đành bất lực. Chẳng ai muốn con trai mình cưới một cô gái dân tộc thiểu số, quê tít trên tận Hà Giang về làm vợ. Phan lại là con một, nhà tuy chẳng giàu có nhưng kiếm đâu chẳng được gái làng. Bà Bảy cứ nghĩ đến quãng đường dài mấy trăm cây số mà ớn. Nghe nói muốn đến nhà con dâu còn phải trèo đèo lội suối. Trời ơi là trời! Đàn bà con gái ở xứ này đã chết hết đâu mà mày phải đâm đầu lên tận miền rừng rú. Nhưng cái duyên cái số nó vồ lấy nhau. Mười tám tuổi Sa theo người quen xuống khu công nghiệp xin việc làm. Trong cái xóm trọ nghèo Sa đã gặp Phan ở đó. Rồi thành chồng thành vợ, hai đứa con lần lượt ra đời. Đứa con gái đầu lòng mắc bệnh tự kỉ. Đứa thứ hai bị câm điếc bẩm sinh. Bà mẹ chồng nay ốm mai đau. Một mình Phan đi làm công nhân lương ba cọc ba đồng mà nào có yên thân. Nay bà Bảy gọi về bắt đưa đi khám bệnh, mai lại gọi “về mà dạy bảo vợ con mày”. Tiền không biết xoay đâu, từng ấy con người cắn xé, dằn vặt nhau.

 


Có thể bạn quan tâm