April 25, 2024, 8:27 am

Chiếc cặp. Truyện ngắn của Abe Kobo

Abe Kobo (1924-1993) là một nhà văn hiện đại xuất sắc của Nhật Bản, có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn lao.

Ông giành giải thưởng văn học Akutagawa năm 1953 với tác phẩm Bức tường. Năm 1962, tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát được giải thưởng Yomiuri và giải thưởng dành cho tác phẩm văn học nước ngoài xuất sắc nhất tại Pháp. Ông còn tham gia viết nhiều vở kịch có giá trị. Tác phẩm của ông pha trộn tính chất mộng mị hoang tưởng kiểu Kafka với những dằn vặt về ý nghĩa cuộc sống. Hai truyện ngắn chọn lọc của Abe Kobo giới thiệu dưới đây được dịch từ tuyển tập Trăng cười, Nxb Shinchosha ấn hành năm 2008.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Một người thanh niên mặc bộ trang phục nhàu nhĩ như thể đã đi bộ suốt trong trời mưa tầm tã rồi cứ thế để cho khô đi xuất hiện trong văn phòng làm việc của tôi. Tuy thế, anh ta có vẻ mặt sáng sủa và gây ấn tượng nghiêm túc đàng hoàng. Chắc anh ta đã xem mục quảng cáo tìm người trên báo.

Thực ra, việc đăng báo tìm người là có thật. Nhưng dù sao cũng đã nửa năm về trước rồi. Đến tận bây giờ mà vẫn trơ trẽn tuyển dụng thì quả là quá bất bình thường. Chẳng phải như muốn nói rằng vì thể không tuyển dụng được nên mới để kéo dài đến tận bây giờ sao?

Tôi không thể nói ra sự kinh ngạc của mình còn anh ta vẫn điềm nhiên.

“Thật sự là không được sao?”.

Cảm giác như chẳng thà đặt món hành lý nặng trên vai xuống một lát còn hơn không, cũng với sự đường đột như khi đến anh ta đứng dậy bước đi. Tôi cảm thấy mình như bị bỏ rơi vội vàng gọi giật lại.

“Khoan đã. Chẳng phải tôi để tâm là có lý do sao? Sao đăng quảng cáo từ nửa năm trước mà giờ anh mới đến ứng tuyển? Tôi muốn anh giải thích rõ điểm này. Chỉ cần tôi hiểu được là mọi chuyện ổn thôi. Cũng đang thiếu người, nên tôi cũng nghĩ đến chuyện bổ sung thêm, còn đủ chỗ để xem xét thế nên anh hãy trình bày đi. Rốt cuộc chuyện này là sao đây?”.

“Sau nhiều do dự phân vân, có thể nói là một dạng loại trừ, cuối cùng tôi hiểu ra mình chỉ còn đến được chỗ này thôi”.

Cách nói của anh ta có vẻ ôm ấp hy vọng đó thật tự nhiên khiến tôi cũng cảm thấy mủi lòng.

“Hãy nói cụ thể xem nào”.

“Tại vì cái cặp này đây”, anh ta liếc nhìn xuống cái cặp to quá khổ đang đặt dưới chân mà có vẻ không hợp khi anh mang theo trên đường tìm việc. Cái cặp to đến mức nếu dùng đựng xác trẻ con có thể nhét được đến ba cái xác vào đó.

“Nó gần như tương đương với tất cả sức lực của tôi đó. Nếu chỉ đi bộ không thôi thì có thể mang vác theo dễ dàng nhưng chỉ cần leo cầu thang hay gặp con đường dốc một chút là chịu chết. Vì thế con đường mà tôi có thể chọn lựa tự nhiên bị giới hạn lại. Độ nặng của cái cặp quyết định con đường đi của tôi”.

Tôi cảm thấy hơi bị mất hứng.

“Vậy có nghĩa là nếu như không mang theo cái cặp này thì anh đâu đến công ty tôi làm gì đúng không?”.

“Đó là vì ông đã thử đặt ra giả thiết không thể nào có được là tôi sẽ buông bỏ chiếc cặp này”.

“Nếu buông tay khỏi chiếc cặp này đâu có nghĩa là nó sẽ phát nổ đâu chứ?”.

“Dĩ nhiên rồi. Nhìn xem, chẳng phải cho đến giờ, tôi buông tay và đặt nó ở dưới sàn hay sao chứ?”.

“Thật không tài nào hiểu được. Tại sao phải phải cố sống cố chết mang theo cái cặp đó vậy chứ?”.

“Đâu phải cố gắng gì cưỡng ép gì đâu. Đó là hành vi tự phát đấy chứ. Nếu như có thể bỏ được, và chính vì nghĩ đến lúc nào đó có thể buông bỏ nên tôi mới không bỏ đấy chứ. Chuyện ngu ngốc bị ép buộc này có thể xảy ra hay sao?”.

“Nếu tôi không thể tuyển dụng anh thì anh định sẽ làm gì?”.

“Sau khi trở về nơi xuất phát tôi lại tiếp tục lên đường tìm việc. Với điều kiện địa hình đi phải bằng phẳng”.

“Tuy nhiên cho dù thể lực anh có vấn đề hay chiếc cặp nặng thêm mà anh không thể nào đi nổi thì anh chỉ việc tìm con đường chỗ khu dân cư là ổn thôi…”

“Anh không muốn thuê tôi đến mức đó à?”.

“Tôi chỉ xem xét các khả năng. Nếu là anh, tôi sẽ có thể tìm việc từ lập trường tự do hơn nhiều. Chẳng phải nên đi theo hướng đó sao?”.

“Tôi là người biết rõ chiếc cặp này hơn bất cứ ai”.

“Nếu muốn anh có thể gửi chiếc cặp này ở đây một thời gian xem sao”.

“Làm sao tôi có thể mặt dày mày dạn đến mức thế được?”.

“Trong cặp có gì vậy?”.

“Chẳng có gì quan trọng cả”.

“Anh sợ phải nói ra hay sao?”.

“Chỉ toàn là vật tầm thường vô vị thôi mà”.

“Nếu là tiền bạc thì khoảng chừng bao nhiêu”.

“Đâu phải là vật giá trị thì lúc nào cũng giữ khư khư bên mình đâu”.

“Tuy nhiên nếu những người lạ nhìn thấy họ đâu nghĩ như vậy? Anh đâu có phải là người cơ bắp gì lắm nếu như bị cướp giật thì chẳng phải anh thúc thủ sao?”.

Anh ta khẽ mỉm cười. Nụ cười già dặn từng trải như thể nhìn thấy phong cảnh xa xăm mơ hồ trong tâm trí tôi đang mở ra trước trán bằng một lỗ sâu hoắm. Mặc dù mỉm cười vậy nhưng anh ta chẳng trả lời gì.

“Được chứ gì”, tôi cũng không chịu thua, lên giọng cười nói và lấy tay che trán, trả ngược tia nhìn của đối phương. “Không phải là tôi muốn bắt bẻ gì anh, nhưng đứng từ vị trí của anh thì đừng nên làm ra vẻ cái gì mình cũng biết hết như vậy. Tôi chấp thuận cho anh làm việc ở đây. Nhưng dù vậy cái cặp này cũng quá sức cồng kềnh. Tôi thuê anh nhưng không thuê cái cặp này. Nên tôi muốn anh hạn chế mang nó đến văn phòng. Nếu đáp ứng được điều kiện đó thì anh có thể bắt đầu làm việc từ ngày hôm nay. Anh thấy thế nào?”.

“Được chứ”.

“Anh định nhét cái cặp này vào đâu trong khi làm việc đây?”.

“Sau khi tìm được chỗ thuê nhà, tôi sẽ để ở đó”.

“Anh chắc là không sao chứ?”.

“Ý anh là sao?”.

“Nếu để nơi chỗ trọ thì anh sẽ đi đến đây tay không. Thân thể nhẹ nhõm thế anh sẽ lạc đường đấy”.

“Tôi sẽ đi thẳng từ nhà trọ đến nơi làm việc không rẽ vào đâu cả”.

Cuối cùng anh ta cũng nở nụ cười sảng khoái, tôi cũng cảm thấy như mình đã nhẹ gánh trên vai. Tôi gọi điện thoại đến văn phòng môi giới quen biết, và hướng dẫn anh ta nhanh chóng đi xem nhà. Rất tự nhiên, chiếc cặp được để lại.

Chẳng vì lý do gì hết tôi thử cầm chiếc cặp lên xem. Khá nặng. Tuy nặng nhưng không phải là không thể mang đi. Tôi thử bước đi hai ba bước. Có thể tôi có thể mang đi được xa hơn.

Tôi tiếp tục bước đi. Tay bắt đầu thấy nặng trĩu. Nhưng chưa đến mức không thể chịu đựng được. Nhưng đột nhiên xương vùng lưng tôi kêu rắc rắc và không thể bước thêm bước nào nữa. Khi nhận ra tôi thấy mình đã rời khỏi văn phòng từ lúc nào và đang lê bước lên một con dốc đứng. Tôi đổi hướng và lại có thể bắt đầu bước đi. Tôi muốn quay trở về văn phòng nhưng không sao tìm được đúng đường. Dù có nhớ ra bao nhiêu ngã rẽ đi nữa thì cũng luôn bị ngăn trở bởi những con dốc và những bậc cầu thang một cách vô tình. Những đoạn đường bị cắt rời từng mảnh như vậy không đi đến đâu cả. Cuối cùng tôi đành phải bước đi về hướng mình có thể đi. Rồi tôi không biết mình đi về phương nào nữa.

Nhưng tôi không cảm thấy bất an chút nào. Vì chiếc cặp sẽ chỉ lối rõ ràng cho tôi. Không cần phải do dự, tôi cứ bước đi mãi đến chừng nào có thể là được. Nếu không có đường nào để chọn lựa thì làm gì còn lạc lối hoang mang. Tôi tự do đến mức phát chán.

 

Truyện ngắn Abe Kobo

Hoàng Long

Dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

Nguồn Văn nghệ số 20/2023


Có thể bạn quan tâm