April 19, 2024, 7:56 pm

Chị vẫn đợi anh về

Cách đây vài năm tôi có chuyến đi công tác Thái Bình. Trên xe chỉ có ba người, tôi, đồng chí lái xe và nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập. Theo lịch trình trưa hôm ấy chúng tôi được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình tiếp, nhân đó bàn công việc của một vài ngày tới. Tôi vốn ngại tiếp xúc, lại nữa, trong lúc ăn uống không khí giao đãi làm tôi cứ… ngài ngại.

Minh họa của PHẠM MINH HẢI

 

Gần tới thành phố Thái Bình, ông Thụy gọi điện cho Ban Tuyên giáo khất vì sự lỗi hẹn trưa hôm ấy. Không nói gì nhưng tôi khấp khởi mừng. Sau đó nhà văn bật điện thoại, mở loa ngoài. Tôi nghe thấy: “Thụy hả, mày về đến đâu rồi?...”. Rồi, cứ thế “mày, tao” suốt cả cuộc đàm thoại dài.

Tôi liếc nhìn ông Thụy, chưa bao giờ tôi thấy nhà văn có gương mặt ấy. Một gương mặt phảng phất nét hồn nhiên mà tôi chưa bao giờ gặp ở cơ quan. Nhưng nghe một lần đã thấy chối, nghe mãi cảm giác như người gọi điện cho nhà văn... có vấn đề! Gạt bỏ quan hệ lãnh đạo với nhân viên, tôi nghĩ: Chúng tôi đều đã tuổi tác, có con có cháu đề huề, ai lại có người cứ xưng hô như thế. Đoán được ý tôi, ông Thụy bảo: Bạn tôi đấy, những người lính đã từng sinh tử một thời ở Quân đoàn III Tây Nguyên! 

*

Đón chúng tôi ở ngày đầu huyện Đông Hưng (Thái Bình) là ông Nguyễn Đức Loạn. Ông Thụy bảo: Lúc mới về đơn vị, anh em cứ chất vấn, bao nhiêu mỹ từ không đặt, lại đặt tên là “Loạn”. Chẳng hề mặc cảm, Loạn bảo: Bố tao đặt, chúng mày cứ thế mà gọi. Thế là có cái tên mang biệt hiệu “Loạn Thái Bình”. Thoạt nghe cứ ngồ ngộ, đã “loạn” thì còn gì… “thái bình”!

Trưa hôm ấy, một bữa cơm thịnh soạn được bày biện trong ngôi nhà khang trang của vợ chồng ông Loạn. Trong không khí ồn ào, ông Loạn bảo: Chưa đủ đâu, nếu đủ cho lính Thái Bình năm ấy thì phải cả cái sân này mới tàm tạm… Thế là những người lính nâng cốc. Tôi nhìn ông Thụy, chẳng nhận ra đâu là nhà văn, tổng biên tập của mình nữa. Trước mắt tôi, ông Thụy là một người lính, bên cạnh những người lính một thời trận mạc. Họ kể đủ thứ chuyện không đầu không cuối. Hỏi thăm nhau tình hình gia đình vợ con. Rồi… ngậm ngùi người còn người mất.

Tôi hỏi vợ ông Loạn: “Anh chị lấy nhau lâu chưa?”. “Năm bảy lăm, ông ấy xuất ngũ về làng, mấy tháng sau thì chúng tôi làm đám cưới”. “Trước khi anh đi, anh chị có hẹn hò không?”. “Tôi có biết đâu, mãi hôm anh ấy đến nhà mới biết mặt. Chờ mãi chẳng thấy nói được câu nào, cứ mủm mỉm cười…”

Tôi ngồi trầm ngâm cho đến lúc tan tiệc. Trong không khí vắng vẻ tôi bảo vợ chồng ông Loạn: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”! Ông Loạn bảo: “Lúc cưới nhau xong chúng tôi nghèo lắm. Vài sào ruộng khoán, một đàn con nhỏ… Một hôm tôi đang phun thuốc trừ sâu trên ruộng, thấy một chiếc xe vận tải chạy ngang qua, rồi bất ngờ chết máy. Những người trên xe làm hết mọi cách mà cái xe cứ ì ra. Xem chừng họ không thể giải quyết được, tôi đến gần, loay hoay một lát chiếc xe lại nổ máy ầm ầm. Mọi người vui sướng cảm ơn. Tôi bảo: Thôi, có một tí thôi, tiền nong làm gì…

Chuyện tưởng chỉ có thế nhưng về đến nhà làm tôi suy nghĩ mãi. Xe - máy là nghề của tôi, cái nghề tôi được quân đội đào tạo. Bao nhiêu năm tôi đã làm việc ở chiến trường, những tưởng chỉ là kỷ niệm một thời không ngờ mang đến một ý định rất mới mẻ. Tôi ra ngoài đường lớn, chỗ xưởng của tôi bây giờ mở một gian hàng nhỏ. Thế rồi các loại máy, máy nào vào tay tôi cũng ngon lành. Tôi hướng dẫn các con, nay bố con tôi có hai xưởng, công việc tốt!”

Tôi cứ tấm tắc mãi về hạnh phúc mà vợ chồng ông Loạn đang có. Ông bảo: “Đau lắm ông ạ, còn nhiều đồng đội tôi… hoàn cảnh lắm!” Rồi ông kể: “Trong đơn vị có ba anh em đồng hương Thái Bình. Tôi, một người nữa là liên lạc đại đội và đại đội trưởng. Một lần đại trưởng bảo: Mai này hòa bình tao gả em gái tao cho mày. Ấy là nói với người bạn tôi (liên lạc viên đại đội, tôi không tiện nêu tên)! Chuyện như thế cứ tưởng đại trưởng nói đùa, ai ngờ anh ấy viết thư về nhà cho gia đình. Hôm về phép, tôi mang thư đến nhà của đại trưởng ở xã bên. Đón tôi là không khí rất hồ hởi của gia đình. Thấy tôi đánh mắt nhìn quanh, có lẽ đoán được ý, mẹ đại trưởng bảo: Em nó ở bên kia, chúng tôi già cả rồi, chẳng biết sống chết thế nào nên chia đất cho hai anh em nó. Anh bên này, em gái bên kia…

Tôi cầm thư sang, trước mắt tôi là một cô gái làng xinh xắn. Ánh mắt cô nhìn tôi như muốn nói một điều gì đấy mà mấy chục năm nay tôi không đủ ngôn từ để diễn đạt. Cô gái cất tiếng nhỏ nhưng rành rẽ: Anh… (cô gọi tên người liên lạc viên)! Tôi đoán ra ngay, tôi nói: Em có thư này! Đọc xong thư, cô gái nức nở gục xuống. Thì ra địa phương chưa nhận được giấy báo tử nhưng anh trai đã báo tin cho em gái mình!”

Chiều hôm ấy tôi tìm đến ngôi nhà xưa mà ông Loạn đã kể và đứng lặng. Đất cát vẫn rãnh rẽ như hồi bố mẹ đã chia: “Anh ở bên này, em bên kia”… Căn nhà nhỏ lợp bổi (bổi là loại cói xấu không thể dệt chiếu) trải bao mùa mưa nắng nay bạch phếch và xẹp xuống mong manh. Vẫn mảnh sân đất nện có lẽ từ hồi ấy… nay đã phủ mờ một lớp rêu xanh. Mơ hồ trên mặt sân là một lối đi như có, như không… trong căn nhà hình như bao năm nay chị vẫn đợi anh về!

*

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa, trong bộn bề đời sống còn biết bao điều thường nhật phải lo, phải nhớ. Chẳng hiểu sao, trong đời mình những câu chuyện về chiến tranh, liên quan đến cuộc chiến tranh vừa qua với tôi vẫn luôn hiển hiện, đặc biệt là khi trong làng, trong xóm, đâu đó trên đất nước này có chuyện gì đó xảy đối với mỗi số phận (hậu quả của chiến tranh). Tôi luôn bị ám ảnh chẳng lúc nào nguôi ngoai.

Xã tôi (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có rất nhiều người phụ nữ có số phận gắn với chiến tranh. Đời tôi đã chứng kiến nhiều lễ truy điệu (báo tử) trong làng. Biết bao cảnh “mẹ góa con côi” khi chiến tranh kết thúc mà không có bàn tay người đàn ông trong gia đình. Càng về sau này, kinh tế phát triển, nhà nước có nhiều chính sách làm vợi bớt đi nỗi đau này. Mặt khác, con em các liệt sỹ ngày một trưởng thành, phần nào đó nỗi đau của những người phụ nữ được san sẻ…  Song, còn những người vợ liệt sỹ chưa kịp có con với người đã hy sinh?

Xóm tôi có chị Tần (Giang Thị Tần), chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nề nếp. Khi tôi 14,15 tuổi chị Tần đã đi lấy chồng được hơn chục năm rồi. Vào những kỳ nghỉ hè tôi tham gia lao động giúp đỡ gia đình. Đội sản xuất của hợp tác xã phân công cho những đứa “trẻ dở” chúng tôi đi theo thợ cày. Công việc của chúng tôi là phụ thợ cày “cào đề, cuốc góc” làm đất cấy, nhân đó học việc. Một trong những người để lại ấn tượng với tôi nhất là bố chị Tần. Ông Giang Văn Tiếu là một chi hậu duệ của cụ Thám Hoa Giang Văn Minh làng Mông Phụ. Nếu như đời tôi gắn với ruộng đồng thì có lẽ người “thầy” đầu tiên của tôi là ông Tiếu. Ông Tiếu thật sự là một “lão nông tri điền”, ông dạy tôi cách cầm cái cuốc sao cho chắc, khi biết cày, cầm cái đốc cày sao cho vững. Ông bảo: thợ cày và trâu (bò) phải gắn bó với nhau, cách tốt nhất là phải yêu thương chúng! Điều này thì tôi có sẵn, tôi vốn là đứa trẻ rất mê trâu. Trong gia đình tôi thế hệ trước có mấy chục mẫu ruộng, khi ít nhất cũng có đến hai cặp trâu cày. Rất nhiều chuyện hay về trâu vẫn được kể đến tận bây giờ… Nghe lời ông Tiếu, tôi là một trong những thợ cày giỏi của đội sản xuất ngày ấy.

Chị Tần là con gái đầu lòng của ông Tiếu. Chị về làm dâu một gia đình ở làng Phụ Khang (xã Đường Lâm). Gia đình này có hai người con. Chồng chị Tần - anh Ất là con lớn, Cô Giáp là em gái. Chẳng bao lâu sau ngày cưới của họ anh Ất lên đường nhập ngũ, rồi cô Giáp cũng có gia đình riêng. Một tay chị Tần gánh vác công việc của nhà chồng. Vốn xuất thân ở làng Mông Phụ, một làng nổi tiếng với những người phụ nữ tần tảo. Dân gian ở vùng này vẫn còn lưu truyền câu ngạn ngữ: “Đàn ông Vân Gia, đàn bà Mông Phụ” (đàn ông làng Vân Gia, một làng thuộc xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, rất sướng, hầu như cả đời không biết gì đến ruộng đồng. Đàn bà Mông Phụ tháo vát và đảm đang)! Chị Tần xuất thân trong một gia đình nề nếp… những tưởng hạnh phúc là trái ngọt trong tầm tay họ. Song, chiến tranh quá ác liệt. Anh Ất không bao giờ trở về nữa… Mặc thời gian đằng đẵng trôi, chị Tần chăm lo bố mẹ chồng chu đáo cho đến khi mồ yên mả đẹp. Trong họ ngoài làng khi nhắc đến chị không một lời chê trách, nhưng ai cũng cố nén một tiếng thở dài.

Anh Giang Văn Tiến, em trai của chị Tần kể: Một hôm chị Tần về làng, chị vùi đầu vào lòng mẹ khóc nức nở. Tiếng khóc uất ức tủi hờn cho thân phận một người đàn bà trong chiến tranh khiến cho những người chứng kiến ai cũng mủi lòng. Mẹ chị Tần khuyên con gái: Nếu là gánh nặng, mỗi người quảy đỡ con một vai. Thôi đành vậy, cứng cáp lên con, cứng cáp lên mà gánh lấy cái “gánh” đời mình!

Bỏ lại tất cả nhà cửa vườn tược cho gia đình nhà chồng, chị Tần trở thành công nhân của Nông trường dứa Ba Vì (Hà Tây). Sống trong căn hộ độc thân của nông trường, người phụ nữ ấy định chôn vùi quãng đời còn lại của mình với những quả đồi trung du buồn bã… Song, một lần nữa, hạnh phúc lại nhón tay gõ lên cánh cửa hạnh phúc của đời chị! Mẹ chị Tần bảo: Con ơi, trên thế gian này có muôn vàn nỗi khổ, nhưng khổ nhất là người đàn bà vắng chồng vắng con… Chị Tần tái giá với một đàn ông làng Đông Viên (xã Đông Quang, huyện Ba Vì). Đông Viên là một làng có truyền thống văn hóa. Anh Tiến kể: Chồng chị Tần là một người văn phép, ăn ở rất phân miêng. Cả nhà ai cũng mừng cho chị. Tuy muộn màng nhưng quãng đời còn lại khả dĩ vợi bớt những tủi buồn.

Cho đến tận bây giờ vẫn không sao lý giải được, dân làng Mông Phụ đành chép miệng với hai từ: Số phận! Chị Tần lại góa bụa khi chưa kịp có một đứa con cho riêng mình… Nén đau chị lo cho con chồng và làm trọn đạo một người vợ. “Sang cát” cho chồng “mồ yên mả đẹp” thì cũng là lúc chị Tần hết tuổi lao động. Chị về nghỉ với mấy tháng phụ cấp vì không đủ thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Những tháng ngày sau đó thật gian nan khi chị không còn sức khỏe. Chị Tần đã bị cắt chế độ vợ liệt sỹ khi bước đi “bước nữa”. Hỏi han, chạy chọt thế nào cũng không được. Đành phải chịu, luật là luật.

Thế rồi tai họa ụp xuống khi biết tin chị Tần lâm bệnh nặng. Hai lần toan tính hạnh phúc cho mình thì cả hai lần đều lỡ làng dang dở. Cả hai lần chị trả lại tất cả cho nhà chồng. Gia đình, làng xóm đón chị về. Tôi quay mặt đi khi chứng kiến cảnh người đầu bạc (mẹ chị) khóc cho người đầu xanh…

*

Thế hệ chị Tần trong làng tôi còn một vài người nữa. Một trong số đó là chị Phan Thị Nghiêm. Mười tám tuổi chị Nghiêm về làm dâu nhà chồng ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Mấy tháng sau chồng chị nhập ngũ rồi vào Nam chiến đấu. Và cũng chỉ mấy tháng sau anh thành liệt sỹ… Một thời gian sau gia đình nhà chồng họp lại. Họ đưa ra hai phương án: Chị có thể ở lại nhưng số đông khuyên chị, cuộc đời còn đang ở phía trước… Chị Nghiêm về quê mẹ. Chẳng biết do tình cảm quá sâu nặng với người chồng liệt sỹ hay vì một lý do gì, chị Nghiêm ở mình cho đến ngày hôm nay. Nếu tính từ năm “bảy lăm” thì những người phụ nữ năm ấy đến nay đều đã luống tuổi. Muôn nghìn khó khăn nhưng khó khăn về đời sống thường nhật luôn hiển hiện khi các chị không còn sức lao động và không có một nguồn thu nhập nào.

Mỗi lần gặp chị trên đường, dân làng âm thầm xót xa khi tuổi tác ngày một trĩu nặng đôi vai gầy của người thiếu nữ năm nào. Thế rồi một hôm xóm làng rộn lên một niềm vui. Gia đình nhà chồng chị Nghiêm từ Võng Xuyên, Phúc Thọ lên làng Mông Phụ. Họ đặt vấn đề làm chế độ chính sách cho chị Nghiêm. Thì ra bao nhiêu năm nay, họ vẫn lặng lẽ bên chị. Ông anh cả nói: Cả gia đình tôi nhất trí và đã ký vào biên bản. Thím Nghiêm là dâu con các cụ nhà tôi. Không may chú ấy ngã xuống trong chiến tranh… Thím ấy là vợ liệt sỹ! Thế là chị Nghiêm được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước…

Có thể đối với một số người, số tiền trợ cấp hàng tháng ấy không đáng là bao. Song, ở nông thôn hiện nay, tôi đã nhiều lần đau xót khi một số người già trong làng bảo: Tôi cố sống đến tám mươi (tám mươi tuổi) để được hưởng đồng lương Nhà nước đãi ngộ người cao tuổi. Biết bao thảm cảnh đau lòng đã xảy ra, khi những đứa con đã ngược đãi chính những người đã từng sinh ra chúng… Song, mỗi lần nghĩ đến chị Nghiêm lòng tôi luôn ấm lại. Xã hội có chế độ xứng đáng cho mỗi cá nhân. Gia đình, làng xóm luôn bên các chị. Song, cho dù có làm đến thế nào đi nữa cũng chỉ là một phần san sẻ cho vợi bớt nỗi đau là các mẹ, các chị đã phải gánh chịu!

Xin cúi đầu tri ân các mẹ, các chị - những người phụ nữ đã chịu bao đau khổ trong cuộc chiến đã xảy ra trên đất nước này!

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm