April 18, 2024, 4:11 pm

Chỉ “Tuyên ngôn độc lập” là văn học hiện đại trong chương trình phổ thông tổng thể

 

Chương trình môn Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, sẽ có 6 tác phẩm bắt buộc gồm “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Truyện Kiều”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, “Tuyên ngôn Độc lập”. Đây là 6 tác phẩm được cho là thuộc hàng kinh điển trong văn học Việt Nam, bởi đã có sự kiểm chứng của thời gian để khẳng định được giá trị nội dung và nghệ thuật, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn học nói riêng cũng như đời sống văn hoá tinh thần của người Việt Nam nói chung. 6 tác phẩm này, trừ Truyện Kiều, đều phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Song vẫn tồn tại không ít băn khoăn 6 tác phẩm nói trên đều thuộc thể văn bản chính luận và không có tác phẩm thơ theo đúng nghĩa. Chưa kể 5/6 tác phẩm đều là văn học trung đại chỉ có duy nhất “Tuyên ngôn độc lập” là văn học hiện đại. Song đây lại là một văn kiện lịch sử, thuộc văn học chính luận. Do đó, nếu không có sự chỉnh sửa hoặc bổ xung phù hợp với cách biên soạn này, môn Văn sẽ thiếu tính cập nhật, tính thời sự của văn học. Điều này đi ngược lại với chủ trương đổi mới chương trình, nội dung trong sách giáo khoa mới. Chưa kể sẽ hạn chế sự cảm thụ và nhiệt huyết văn học của học sinh khi phải học tập và nghiên cứu những tác phẩm cách thời điểm hiện tại hàng thế kỷ .

Theo yêu cầu, môn Ngữ văn hướng tới cho học sinh cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá. Ngoài các năng lực chung, chương trình môn Ngữ văn tập trung giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.

Theo Ban soạn thảo, điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là chương trình Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Do đó sẽ  tập trung vào bốn kỹ năng lớn: Đọc, Viết, Nói và Nghe... Về kiến thức văn học gồm: Những vấn đề chung về văn học; các thể loại văn học;các yếu tố của tác phẩm văn học; một số hiểu biết sơ giản về lịch sử văn học Việt Nam.

Nếu xét về lý thuyết thì việc chọn tác phẩm nói trên là chưa phù hợp.  Nếu lý do lấy “Truyện Kiều” là để bàn đến thân phận con người thì việc lấy tác phẩm văn học trung đại để soi chiếu con người ngày nay thì có phần khập khiễng. Vì thế, dẫu “Truyện Kiều” có là một tác phẩm kinh điển, nói câu chuyện của thời trung đại nhưng có ý nghĩa muôn đời thì cũng vẫn chưa đủ. Ban biên soạn cần thêm những tác phẩm bàn đến tính thời sự, biểu hiện đa dạng của đời sống đến số phận của những con người cụ thể, cá nhân cụ thể trong bộn bề đời sống hiện nay, đặc biệt là thời kỳ hội nhập con người đáng hướng đến một thế giới phẳng. Chưa kể, nếu bỏ qua những tác phẩm trước, sau thời đổi mới thì bức tranh văn học sẽ kém màu sắc đi rất nhiều. Dự kiến trong tháng 1, dự thảo các chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

 

Diệu Thuần

 


Có thể bạn quan tâm