April 18, 2024, 8:46 pm

Chỉ số kinh tế và Chỉ số niềm tin

 

Được đánh giá là sôi nổi, thẳng thắn thậm chí đã có những phiên tranh luận nảy lửa giữa các đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng, trưởng ngành, yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành đưa ra thời gian cụ thể để giải quyết những vấn đề nóng đang tồn tại của Bộ mình, ngành mình quản lý, đã  và đang ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và chính sách an sinh xã hội, cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế... Những điều đó cho thấy nghị trường đã và đang bắt kịp thơi thở của cuộc sống cho dù ở một chừng mực nào đó vẫn chưa được như kỳ vọng.

Khắc phục sức ỳ của nền hành chính công

Sau 2,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2017, kế hoạch 2018, ghi nhận chung từ dư luận xã hội đều đồng nhất quan điểm, nền kinh tế đã được bàn “đến đầu đến đũa”. Song, nếu chỉ như vậy thôi thì cũng chưa nói được gì nhiều về chủ trương đổi mới của Quốc hội, Chính phủ và những dồn nén, những tâm tư, nghuyện vọng của cử tri cả nước gửi đến kỳ họp được xem là tổng kết chương trình hành động của năm 2017 mở ra năm 2018. Và những dồn nén ấy, những tâm tư ấy chỉ vỡ òa khi bên cạnh những vấn đề có tính chất bao quát về quốc kế dân sinh là những câu chuyện đời thường như BHYT, cách tình lương hưu mới… đã được đặt lên bàn nghị sự. Và sau hết thảy những tranh luận, thậm chí  tái tranh luận nhiều lần của đại biểu quốc hội, lần đầu tiên thay vì nghe những lời hứa suông, những kế hoạch chung chung từ các Bộ trưởng, trưởng ngành, cử tri cả nước đã nhận được lời cam kết từ các Bộ trưởng. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cam kết đến năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ và sẽ không để phát sinh dự án thua lỗ mới. Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội cũng đã trình Chính phủ phương án lùi thời điểm áp dụng cách tính lương hưu mới từ 2018 sang 2022, rồi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Tài chính, Y tế… bên cạnh những giải trình về những tồn tại chưa thể khắc phục tại ngành mình, lĩnh vực mình quản lý cũng đã lần lượt đưa ra những cam kết cụ thể trước Quốc hội và nhận hình thức xử lý nếu làm trái hoặc không thể tạo được sự chuyển biến trong lĩnh vực mình quản lý.

Trước những lời cam kết nói trên, Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên), đã không ngần ngại chỉ ra những yếu kém trong thực thi pháp luật hiện nay. Đó là tình trạng giải quyết những sai phạm trong tham ô tài sản, làm thất thoát tiền ngân sách Nhà nước hiện chưa nghiêm. Ông Học cho rằng đây là khâu yếu là điều đáng suy nghĩ vì quản lý nhà nước bằng pháp luật, ban hành nhiều luật nhưng luật không nghiêm, luật không đi vào thực tiễn là không có ý nghĩa. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu do phát hiện xử lý vi phạm chưa nghiêm, cấp trên chưa làm nghiêm để cấp dưới noi theo, cán bộ chưa làm gương cho nhân dân nhìn vào, chưa kể nhiều cơ quan làm luật nhưng việc tuân thủ pháp luật không nghiêm, thời gian trình muộn, vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vi phạm pháp luật ngay từ khâu soạn thảo luật. Khi việc thực thi pháp luật còn yếu thì xã hội mất ổn định.

Thực tế nước ta hiện nay, công tác soạn thảo, ban hành nhiều văn bản nhưng kỷ luật kỷ cương hành chính tại nhiều lĩnh vực như quản lý sử dụng đất đai, công tác cán bộ, chi tiêu không nghiêm chính… đang là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho nền hành chính trì trệ. Do đó giải pháp để thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo không có gì quá khó khăn, thậm chí đơn giản chỉ là các cơ quan có thẩm quyền làm đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình”

 

Đi tìm “chỉ số niềm tin”

13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao Chính phủ đã hoàn thành, nhưng theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn đại biểu Quốc hội tính Đồng Nai) cho rằng, trong 13 chỉ tiêu mà báo cáo của Chính phủ nêu giá như có thêm “chỉ tiêu về lòng tin” chắc chắn sẽ tạo động lực cho phát triển bền vững hơn. Ông Quốc đã không ngần ngại nhắc lại câu chuyện xảy ra ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), để thấy, cần nhìn nhận vụ việc như một sự khủng hoảng niềm tin chứ không nên nhìn thuần túy là vụ án hình sự. Bởi tất cả những gì diễn ở Đồng Tâm có một yếu tố cần Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm quan tâm. Đó là những đề đạt ý kiến, khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, từ đó tích tụ lại thành “tức nước vỡ bờ”.

Ngoài đại diểu Dương Trung Quốc, nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn, thậm chí lo lắng khi nêu ra trước Quốc hội những phát ngôn gây xốc và cách hành xử của không ít cán bộ tại các cơ quan công quyền hiện nay. Sau Đồng Tâm là vụ việc “vỡ đê theo kế hoạch” xảy ra tại vùng phân lũ ở huyện Chương Mỹ - Hà Nội. Sau này dù đã được lãnh đạo thành phố đính chính chỉ là cách nói chứ không phải là thuật ngữ chuyên ngành, song, cũng không tránh khỏi sự hoài nghi về trách nhiệm của các cơ quan công quyền của thành phố đối với tính mạng và tài sản của người dân…

Thực ra không phải đến bây giờ những vụ việc như Đồng Tâm, Chương Mỹ mới xảy ra, mà trước đó còn có biết bao vụ việc mà truyền thông, mạng xã hội đưa ra ánh sáng. Song cũng có chừng ấy vụ bị khỏa lấp bởi lợi ích nhóm, dẫn đến ở chỗ này, chỗ kia chuyện người dân mất niềm tin vào chính quyền là điều không tránh khỏi. Do đó, việc đặt ra “ một chỉ số niềm tin” thiết nghĩ là một đề xuất rất cần được xem xét. Bởi khi lòng tin đã bị lung lay thì rất khó để có lại sự đồng thuận.

 

PV

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm