April 20, 2024, 5:25 am

Chỉ có ý nghĩ già cỗi làm cho con người già cỗi

                                             

Ở tên một bài viết, nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Hoà không ngần ngại xác quyết, “có một đường thơ mang tên Hoàng Vũ Thuật”. Còn nhà thơ người Quảng Bình này lại chia sẻ, ông xem thơ như “đạo” của mình, coi vận mệnh thơ như vận mệnh bản thân, thường trực tâm thế cách tân đổi mới thơ, chưa bao giờ nguội lòng với thơ. Nhân dịp nhà thơ Hoàng Vũ Thuật trình xuất thi tập thứ 15 - Một mai gió chở tôi về (Nxb Hội Nhà văn, 2019), Dưới đây là cuộc trò chuyện   của Pv với Nhà thơ HOÀNG VŨ THUẬT, xung quanh câu chuyện thơ và thơ cách tân đương đại Việt.

- Ông, như tôi thấy, là một người-thơ-toàn-tòng. Ông đã đến với thơ như thế nào?
+ Để giới thiệu làng Thiên Chúa giáo quê tôi, người ta hay dùng từ “toàn tòng” - tức một lòng một dạ với “đạo” của mình - một cách hãnh diện, tự tin. Anh gọi tôi là một người-thơ-toàn-tòng, e hơi quá, dù tôi xem thơ như “đạo” của mình. Từ khi bước vào ngưỡng cửa thơ, ý thức này thường trực trong tôi. Trái tim tôi luôn thức tỉnh, nóng lên như bên cạnh người tình.
Lớn lên, tôi đã nhìn thấy các gióng sách chữ Hán và chữ Nôm của ông nội và ba tôi để lại. Tò mò mở ra xem, tôi thấy trong đó nhiều chữ viết mang hình người rất lạ. Mạ tôi nói đó là những bài thơ của ông và ba tôi… Rất tiếc, thời cải cách ruộng đất đã bị hỏa thiêu. Chữ “thơ” khảm vào tôi từ ấy. Những câu dân ca, vè Bà phó, Truyện Kiều do mạ tôi và mệ Yếm đêm đêm ngâm đọc cho nghe, rồi những trảng cát, vườn trầu, cây xương rồng trổ bông trắng muốt với những chiếc gai nhọn… như nhắc tôi phải làm một cái gì.
Một tuổi thơ luôn tự ti và cô đơn, mồ côi cha từ hơn hai tuổi, cay đắng vì thời “đấu tố” sau đó… đã là xung/động lực của thơ tôi. Và cái nôi quê ấy là bản lề vững chãi giúp tôi đứng dậy, bước ra khỏi ngôi làng của mình để đến phương trời tìm kiếm…
Lớn khôn hơn, tôi đã chép đầy sổ tay thơ của Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Chép để mà chép chứ không biết sẽ làm gì. Khi vào trường tỉnh, một lần thầy Lê Văn Tài nói về Hàn Mặc Tử: “Người ta, và cả chính Hàn thi sĩ, gọi thơ Hàn là thơ điên. Điên ở đây là vô thức đấy”. Lớp học trò cãi nhau vô thức là thiếu ý thức, là tư tưởng xấu, tự do theo kiểu tiểu tư sản, muốn làm gì thì làm... Nhưng tôi cứ thấy là lạ, day dứt trong người. Tuần sau gặp riêng, hỏi thầy cho bằng được. Thầy nói ngay: “Đó là phạm trù của thơ. Hàn đã vượt qua sự kiểm soát của ý thức, đến với vô thức, trạng thái thăng hoa của sáng tạo. Người ta đang cho thơ Hàn không đáng ca ngợi, vì theo họ, Hàn viết như kẻ đang điên về tư tưởng, có chút gì của sự bệnh hoạn. Em hỏi chữ vô thức ư? Em đã quan tâm, nhập cuộc văn học rồi đấy. Thầy thấy mừng…”. Ngày ấy, yêu thì rất yêu lớp nhà thơ tiền chiến, nhưng sao tôi vẫn cứ không nhập hồn được. Ngược lại, các bài thơ của Pushkin, Heine, Yesenin… làm tôi day trở. Năm 1973 ra học khóa 3 trường viết văn trẻ ở Quảng Bá, tôi chép nguyên trường ca Lá cỏ của Whitman. Bấy giờ chỉ mượn bản dịch, người dịch cũng không ghi tên, vì còn thăm dò chưa được in. Tôi đọc ngấu nghiến, còn chép thêm bản khác tặng nhà thơ Hải Bằng. Lá cỏ quý như báu vật, là cuốn thơ gối đầu giường của tôi. Tôi mơ/cơ hồ Whitman luôn dõi theo tôi trên con đường thơ chông gai nhọc nhằn…


- Ông là người thơ đứng hẳn về phía sáng tạo cách tân, quyết liệt kháng cự lại những thể loại thơ vần vè, thơ cổ động, thơ dân dã, thơ báo tường, thơ câu lạc bộ, vân vân. Trước quan điểm cho rằng, ở địa hạt thơ thì không nên lấy cái hay của mình để áp đặt can gián cái hay của người khác, ông phản biện thế nào?
+ Tôi không nghĩ mình là nhà cách tân thơ. Tôi chỉ đơn giản quan niệm rằng, mọi sự vật hiện tượng, trong đó có thơ, phải luôn vận động để phát triển, thay đổi để tồn tại. Các thứ thơ vần vè, cổ động, câu lạc bộ, đại chúng dễ hiểu dễ thuộc… chỉ tồn tại sau tiếng vỗ tay, chứ không làm nên diện mạo của một nền văn học. Bài học nghiệt ngã một thời quan phương sáng tạo đã phản tỉnh chúng ta.
Lí thuyết/mĩ học tiếp nhận khẳng quyết, người đọc là vị quan tòa quyết định số phận của văn bản văn học. Điều này đúng nhưng không đủ. Số phận của tác phẩm văn học được quyết định trước hết bởi người sáng tạo, bởi chất lượng nghệ thuật thẩm mĩ của chính tác phẩm.
Thơ không phải chiếc ghế ta ngồi, cái bàn ta viết. Tôi vượt qua hiện thực mô tả, vượt qua các khái niệm để đến với tư duy hình tượng nghệ thuật, bước vào thế giới của biểu tượng ảo giác. Khi nói với bạn thơ Từ Sâm về câu chuyện nghệ thuật, tôi giãi bộc: chẳng xa lạ gì cả/ những câu thơ viết ra như kí hiệu của lời/ là mưa nhưng không là giọt mưa bạn thấy/ có một vòm trời xám xịt mênh mông giữa thân thể tôi/ đang rơi mưa/ tắm gội mạch nguồn mát rượi/ những gì tôi nói giản dị tới mức không thể giản dị/ nhưng bạn chớ nghe/ khi tôi lặng im đấy là thứ ngôn ngữ nhận biết/ thơ đã viết bằng mắt của chữ hơi thở của tóc/ ý niệm của chân/ tôi đoán sự thật bằng cái ngu ngơ của người đãng trí/ chối từ hiện hữu đi tìm giấc mơ// xin bạn đừng đọc thơ tôi dòng dòng trải ra trên mặt giấy (Những câu thơ của tôi).


- Câu chuyện cách tân, đổi mới thơ, “chôn” mĩ cảm Thơ mới được đặt ra từ những năm cuối thập niên 40 đầu thập niên 50 của thế kỉ trước, vậy mà mãi đến nay vẫn cứ nổi lên như một vấn đề thời sự…
+ Câu chuyện cách tân, đổi mới thơ là câu chuyện “xưa như trái đất” rồi. Nhưng quả thật, người đọc hiện nay vẫn còn e dè trước thơ có vẻ cách tân, đổi mới. Thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Bùi Giáng… mặc dù đã được giới chuyên môn đánh giá cao, được truy/trao tặng nhiều giải thưởng danh giá, nhưng bạn đọc phổ thông (và cả một bộ phận không phổ thông) chưa thực sự “thông”, ngã ngũ.
Tôi nhớ, lần đầu tiên vào hè 1970 bản thân bị đồng nghiệp trong trại viết văn Quang Phú ở Quảng Bình đưa ra phê phán. Trại viết có khoảng 30 cây bút trong tỉnh. Nhà văn Bùi Huy Phồn và nhà thơ Anh Thơ vào gần cuối đợt trực tiếp giảng bài, còn phần lớn anh chị em sáng tác và tự thảo luận. Sau mấy ngày ở trại, tôi nộp bài thơ Biển chiều. Tôi cố ý thử xem dư luận, sau sẽ đưa tiếp Trái ổi chín sớm. Bởi lúc ấy dù rất trẻ so với nhiều người, nhưng tôi đã nghĩ thơ phải khác, không thể như “áo quần đồng phục” được.
Thế là trong một cuộc thảo luận đầu kì, bài thơ Biển chiều của tôi trở thành tâm điểm phê phán. Mọi người cho rằng, tác giả bài thơ mang tư tưởng tiểu tư sản, những con cá cứ như vẽ, sao lại cỡi sóng bay qua nghìn núi, rồi tiếng gà chỉ có trên mặt đất, không thể gáy tận trời xanh. Thơ như thế là viển vông, không sát thực tế, mang ý niệm siêu hình… Ngày ấy, nhận định như thế là rất nặng nề, đồng nghĩa với tư tưởng dao động, bị địch lợi dụng. Tôi đành giấu kín Trái ổi chín sớm với hàm ý nắng gió chiến tranh đã làm cho người trẻ như trái cây chín sớm và rơi rụng.
Và đây, hai bài thơ chưa từng in ở đâu, tiện đây tôi lần đầu công bố.


Biển chiều

Con sóng chiều nay dìu dặt
biển xanh hơn nhuộm
những cánh buồm
cỡi sóng bay qua nghìn núi
khỏa trắng mây trời

những tấm lưng trần in mặt biển khơi
kéo thuyền lên bãi
nắng vàng chao
sóng người qua lại
nắng xôn xao
bãi cát xôn xao

con lép trắng phau
con nục trắng nhạt
con thu xanh mát
nàng đàu vàng hoe

tiếng em cười rung cây súng trên vai
lanh lảnh bay trong chiều vời vợi
ráng đỏ lưng chừng in hình cá lội
đâu tiếng gà xa gáy tận trời xanh
đưa biển chiều
đi nhanh
đi nhanh.


Trái ổi chín sớm

Một trái ổi chín sớm
gửi hương đi khắp vườn
bầy chim trẻ em
đu trên cành nhẵn bóng
hương ổi người chơi tìm trốn

trong đám trẻ
con tôi tìm ra trái ổi
trái ổi chia đều qua các vành môi

ở miệng con tôi
viên bi của bom bi rơi xuống
những giọt máu chân răng trộn cùng ổi chín
đàn trẻ đứng nhìn nhau
trái ổi ấy ở trong vườn chín sớm.

Tôi nghĩ, nếu ngày ấy được động viên, khuyến khích, con đường thơ tôi chắc chắn thuận lợi hơn nhiều.


- Ông nói gì, khi nói về một vài thành tựu và hạn chế của thơ cách tân đương đại?
+ Phải nói rằng, trong khoảng 20 năm gần đây, thơ Việt đã và đang dịch chuyển từ hệ hình tư duy tiền hiện đại sang hậu hiện đại. Nhà thơ có nhiều cơ hội thể hiện mình. Chất liệu, đề tài phong phú hơn. Hướng khai triển thơ cũng theo đó đa dạng hơn. Tùy theo sở trường, sở đoản của mình mà mỗi nhà thơ phóng bút. Ở đó, ngôn ngữ như là trò chơi. Các nhà thơ bày ra trò chơi, luật chơi riêng biệt của mình (liên văn bản, phân thân, giễu nhại, cười cợt, xếp chồng không gian, thời gian, hình ảnh đa tầng đa nghĩa, nhịp điệu biến hóa...) để gia tăng ngữ nghĩa, chức năng biểu đạt, làm cho thi ảnh quen mà lạ, gần mà không gần, thực mà ảo... Nhà thơ có hệ thi pháp mới, buộc người đọc cũng phải có hướng tiếp nhận mới. Việc chuyển dịch sang hậu hiện đại không hề có một chuẩn mực, thước đo cụ thể, không một lằn ranh như trên bản đồ. Do nhu cầu tự nhiên, thơ hậu hiện đại nhập vào tâm hồn dân tộc, đồng hành với bước đi dân tộc: tôi tin/ giọt mưa đêm qua/ lăn vào ngực tôi nhói buốt/ được gửi đến/ từ một đám mây của thế giới khác// tôi tin/ cơn gió đêm qua/ quẩn quanh tấm rèm cửa/ bâng khuâng mỏi mệt/ được thổi đến/ từ miền nhung nhớ khác (t.h.u - Phan Huyền Thư), hay: thung lũng được bao bọc trong cái lạnh tuyệt đẹp/ cái lạnh giữ ấm trong bụng/ không khí dưới bầu trời và trên thung lũng/ kì lạ và yên tĩnh, không nhẹ, cũng không phải là nặng/ chỉ im lặng/ nhắm mắt lại và làm cho anh ta khóc/ trong vòng tay lạnh lẽo của đêm (Không đề - Lê Vĩnh Tài). Một trường hợp khác: Hà Nội của tôi/ Hà Nội từ bi/ Hà Nội thiu thiu nửa tỉnh nửa mê/ lem nhem khói bụi và đăm đắm đêm khuya/ Hà Nội em/ môi hồng như vết thương he hé (Hà Nội - Nguyễn Thị Thúy Hạnh). Ba đoạn thơ trên đã cho ta các ảo giác khác nhau về một thế giới không có thực, đảo lộn tất cả, không có nghĩa là không mang cảm trạng sống của con người sau thời kì văn học hiện thực lấy mô tả làm nền tảng.
Tuy nhiên, có một số nhà thơ đổi mới nhưng không tới, không đúng, gây phản cảm cho người đọc. Nên nhớ rằng, dù có đổi mới, sáng tạo đến đâu, truyền thống dân tộc vẫn là cái lõi, cái bệ đỡ thăng hoa tâm hồn của thi sĩ. Và muốn đổi mới, tiến kịp thế giới thì anh phải nhận diện được con đường mà thơ ca thế giới đang đi.
Cái mới ra đời bao giờ cũng bị dòm ngó, bài xích. Cứ nhìn vào lịch sử văn chương nước nhà và thế giới, chúng ta không khó tìm thấy bài học của sự ấu trĩ và bảo thủ. Whitman không bản lĩnh, không chịu búa rìu của người đương thời, thì ngày nay không chắc nhân loại được đọc Lá cỏ. Nếu cố tình gạt bỏ cái mới, cái thử nghiệm thì nền thơ Việt sẽ nghèo nàn, đơn điệu. Chúng ta cần lọc những cái đạt được của thơ cách tân đương đại và làm tươi tốt chúng.


- Tôi thích thơ ông, vì hàm lượng tính tư tưởng tàng ẩn ở bề sau/sâu của lớp vỏ ngôn từ cô nén, đa nghĩa, hình tượng. Có phải tính tư tưởng là yếu tính của thơ, theo quan niệm nghệ thuật của ông?
+ Đúng thế. Tôi quan niệm, nhà thơ trước hết phải là nhà tư tưởng. Tuy nhiên, không nên sở đắc chân lí. Mọi tư tưởng đều là tư tưởng đang kiến tạo, và đều được đặt vào trường đối thoại.
Khi tôi viết anh nhìn thấy con gấu bông bò ra ngoài túi/ bàn chân cong cong cầu Thê Húc/ đôi mắt miếu thờ// anh nhìn thấy chấm ruồi dưới vành môi niệm khúc thánh mẫu/ những viên gạch vuông vức áo mỏng mở rộng hiên chùa/ gọng kính trắng trên đầu vương miện thần tình ái// cỏ xanh mặt hồ cây xanh trời rộng/ anh nhìn thấy đàn cá nuốt bóng Dung căng phồng/ đang bơi qua mái ngói cổ// sau lưng chiếc mũ sáng/ vầng trăng Ngọc Hà/ và đế guốc xoay vũ điệu nghìn năm (Ảnh của Dung), hoặc trong tấm áo sương/ nàng là hoàng hậu vừa tấn phong của vương quốc/ tình yêu/ đôi má quét lửa// sơn hà/ sơn hà/ sơn hà ơi// đàn ngựa chiến hí vang lao về trong đêm huyền sử/ nghi lễ nước mắt// sung mãn những vằn gân nóng hổi/ sản sinh/ dưỡng nuôi nghìn thế hệ// cao trên cao/ lởn vởn hồn oan thoát chạy trước cơn biến loạn/ thánh tích linh thiêng đổ sụp bên đồi// ôi linga/ ngạo nghễ máu dựng đứng giữa bầu trời (Bên tượng linga) thì các biểu tượng đôi mắt miếu thờ và linga/ ngạo nghễ máu dựng đứng giữa bầu trời đã mang chở tư tưởng của chủ thể viết, thể hiện hào khí, lịch sử bi và hùng của dân tộc rất rõ nét.
Tư tưởng là yếu tính của thơ, nhưng tư tưởng cần được “gài cắm” thông qua biểu tượng, thi ảnh, chứ không phải được “nói bộ” một cách dễ dãi, thô thiển.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Hoà từng xác quyết, “có một đường thơ mang tên Hoàng Vũ Thuật”. Với tôi, trên đường thơ ấy, tập thơ Màu là một sự thăng hoa, kết tinh bút lực của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật hơn cả; ở đó có sự trẻ trung tươi mới của cảm xúc thơ, hay nói cách khác, ở đó xác chữ và hồn chữ có sự hoà điệu, tương thích và tương sinh, làm nên những chỉnh thể thi phẩm ấn tượng. Nhìn lại hơn chục tập thơ đã trình xuất của mình, chẳng biết ông có đồng tình với nhận định, chọn lựa của tôi?
+ Cảm ơn sự đọc tinh tế và sâu sắc của anh. Theo đánh giá của một số người, con đường thơ của tôi bắt đầu “ngược” từ tập thơ Thế giới bàn tay trái. Tôi quan niệm, nếu có “ngược” thì cũng để sáng tạo, để được là chính mình. Tôi đã mang cái “ngược” của riêng mình để gom mọi năng lượng vào đổi mới thơ. Màu, Mùi, Ngôi nhà cỏ hay gần đây là Cây xanh ngoài lời và mới đây nhất là Một mai gió chở tôi về đều chứng minh hành trình đổi mới không mệt mỏi của tôi. Màu nằm trong dòng chảy đó. Nhưng Màu, như anh nói, có nét riêng, rất riêng, là một cuộc thăng hoa khó gặp lại.
Tôi cho rằng mỗi người đọc sẽ có đánh giá nhìn nhận khác nhau. Với cách đọc nào, sản phẩm đọc nào, tôi đều trân trọng. Tôi là học trò của thầy Nguyễn Thái Hòa - một nhà ngôn ngữ học có tiếng. Hôm thầy viết lời giới thiệu cho tập Mùi đang dạng bản thảo, tôi rất cảm động. Thầy nói, nghệ thuật là khách quan, thầy không bao giờ làm nghệ thuật theo kiểu thù tạc, bốc thơm, cánh hẩu; tác phẩm xứng đáng được xiển dương thì nó phải được xiển dương.


- Bỗng nhiên tôi nhớ đến lời khẳng quyết hình như của nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hưng Quốc, đại ý là, đại chúng hoá thơ trong bối cảnh ngày nay nên được hiểu là nâng trình độ của số đông lên trình độ của số ít, hơn là hạ trình độ của số ít xuống trình độ của số đông…
+ Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Hưng Quốc rất chí lí khi đưa ra ý kiến này. Bởi vì, cũng như bên toán học, chẳng lẽ buộc giáo sư Ngô Bảo Châu hạ thấp những công thức định luật bổ đề xuống cho đại chúng hiểu hay sao? Nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng không thể nằm ngoài quy luật tiến hoá tất yếu ấy. Thú thực là khi xem tranh các họa sĩ đương đại, tôi phải tìm hiểu. Nhờ những gợi mở ấy tôi mới dần nhận ra vẻ đẹp của tác phẩm.
Tôi đặc biệt yêu thích nhân vật K - người đạc điền trong tiểu thuyết Lâu đài của Kafka do Trương Đăng Dung dịch. Một thế giới không có thực, một thế giới siêu thực đang hiện hữu trước chúng ta. Đọc Kafka, tôi không biết nói gì hơn, cái hay, cái đẹp, cái tinh túy đang nằm ở trong đây. Tôi chỉ biết bộc bạch từ cảm hứng vô thức: trốn chạy thế giới nghiệt ngã/ câm lặng nấm mồ chật hẹp/ dưới vực thẳm tình yêu/ em trao hết anh tất cả thuần khiết/ mà thế gian gạt bỏ (…)// như chiếc lá khan buồn mất ngủ/ trên nhành cây cạn kiệt thân hình/ ta ngù ngờ u mê ương dại/ thế giới là ai/ và ta nữa là ai (Đọc Kafka).


- Tôi rất thích tìm đọc văn phê bình của những người sáng tác mà tôi đánh giá cao. Theo tôi, một nhà sáng tác đúng nghĩa thì bản thân tự thân họ là một nhà tư tưởng, một nhà phê bình. Đọc tập tiểu luận - phê bình Văn chương - tìm và gặp của ông, càng củng cố trong tôi xác tín này…
+ Tôi đến với thơ trước phê bình. Nhưng trong quá trình đọc và sáng tác thơ, tôi luôn đóng vai trò người biên tập, tìm cái hay, cái đẹp của thơ. Tôi cắt bỏ chính thơ mình một cách không thương tiếc. Tôi đưa ra công thức, trình hiện một bài thơ hay sẽ hay hơn là trình hiện một bài thơ hay cùng một bài thơ trung bình (hay > hay + trung bình). Trong phạm vi hẹp nào đó, nhà biên tập cũng là nhà phê bình. Thế là ý nghĩ viết phê bình hình thành rất sớm. Tôi tìm nhiều cách/kênh làm giàu vốn lí luận cho mình. Bài Đọc mùa bão và hoa muống biển, viết về thơ Trần Nhật Thu ra đời đầu tiên, cũng là lần đầu tiên được in báo Văn nghệ vào năm 1974. Sau đó, các bài phê bình khác của tôi hầu hết được báo Văn nghệ tin dùng. Có bài in cả trên tạp chí Nghiên cứu văn học.
Lí luận và thơ, theo tôi, gắn kết như hai mặt của tờ giấy. Thơ được bồi đắp lí luận sẽ sâu sắc và giàu tính triết luận hơn, đứng vững hơn. Tôi viết phê bình, tất nhiên, bằng cái nhìn của người sáng tác. Phê bình giúp tôi củng cố, tăng chiều sâu cho thơ.


- Nói về trường ảnh hưởng, như tôi thấy, riêng ở Quảng Bình, nhiều người vì đọc ông, vì được/bị ông cổ suý nên đã quyết “chôn” thơ đã có của họ để làm lại từ đầu, và làm lại một cách khá thành công, mỗi người một vẻ, như trường hợp Phan Văn Chương, Trần Thị Huê, Đỗ Thành Đồng, Lê Minh Thắng. Thực tiễn sinh động này đã làm lung lay sụp đổ trong tôi quan niệm đã đóng đinh trước đó, rằng kiểu cách thơ là lựa chọn tự nhiên tự thân của mỗi người, không ai hướng đạo ai được…
+ Những trường hợp như anh kể là có thật. Các trường hợp đó, họ tự tìm đến tôi, nhờ đọc bản thảo của họ. Ban đầu đọc họ, thấy thơ họ thật thà như thơ câu lạc bộ, già cỗi. Tôi khuyên chân thành, nếu muốn đi và đi đường dài với thơ thì phải dũng cảm “bỏ” hết đi thơ đã có. Thơ đâu phải là những điều mắt thấy tai nghe? Tả các vật dụng thì chỉ cần chụp ảnh, ghi hình, thu âm là xong. Nếu như muốn có bức ảnh nghệ thuật thì phải biết chọn vị trí, góc độ, ánh sáng, thời điểm... mới được; muốn ghi quang cảnh, âm thanh cũng phải dàn dựng sao cho hợp lí… Tôi hướng cho họ, chứ không làm thay họ. Khi họ viết được một vài bài, tôi động viên và góp ý chỉ dẫn thêm. Thế là bằng nỗ lực tự thân, mỗi người từ tâm thức riêng, lựa chọn riêng mà hình thành con đường.
Phan Văn Chương là người đầu tiên tôi gặp. Bài Mẹ Việt thi ảnh độc đáo, sức khái quát cao, có thể xem là biểu tượng đẹp khi nói về đất nước: trĩu bờ vai/ vừa đi vừa mưa/ cơn mưa dầm vắt sức/ vừa đi vừa nắng/ khô ngời ngời đồng muối ánh lân tinh// eo thon bóng dáng ba miền/ nồng nàn lam lũ/ ngực thơm bờ bãi sầu riêng. Trần Thị Huê lại đi vào nội tâm bằng những chi tiết ma mị, nếu không nói là ma quái, rất ảo giác: tôi biết trống ngực tuột ra ngoài/ bất chợt về dưới nơi tôi ngồi vào chỗ này/ một hàng cây đứng lầm lì/ nó nhìn tôi bằng năm ngón… (Đặc đêm). Nó nhìn tôi bằng năm ngón, gây ớn lạnh mà không xa lạ. Những giấc mơ đeo đẳng Đỗ Thành Đồng như ám ảnh về sự chóng vánh của kiếp tồn sinh: anh lắp ghép từng mảnh vỡ nụ hôn/ vuốt những đường nhăn trên nỗi buồn luống tuổi/ nuốt vào trong những khát thèm/ kiêu hãnh/ sự bức bí đứt tung hàng cúc áo (Giấc mơ). Lê Minh Thắng thì khái quát, thơ anh nhẹ nhàng mà sâu kín: Đêm dày hơn tôi tưởng/ thức giấc/ chiếc bóng trên gương huyễn hoặc// tôi gọi tiếng mặt trời/ lên đồi kì vọng/ cánh cửa tháp ngà im lìm đóng// ngọn nến cô đơn trong mắt tôi/ cây cọ thả dòng chữ & những dòng chữ/ hiện lên mặt trời (Cánh đồng mặt trời).
Các tác giả này không ai giống ai. Họ đã vượt qua cái “tập thể cảm hứng” một thời, để dứt khoát tiếp nhận cái hiện thời. Giống nhau chăng, họ cùng chung sự tìm tòi và làm mới thơ mình. Tôi nhìn theo họ, và chờ đợi, rồi chứng kiến họ trưởng thành. Nhiều người tự hào, hồn nhiên kể ra điều ấy, với sự hàm ơn tôi đã giúp làm thay đổi tư duy thơ của họ. Tôi bảo, chính trái tim các anh các chị đến được với thơ, không ai khác.


- Ông có vẻ như rất thích chơi và chơi được với người trẻ, dĩ nhiên là người trẻ tuổi trẻ lòng làm thơ trẻ trung. Vì ông quá vồ vập khi họ mới xuất hiện, nên nhiều người lo là những tài thơ mới nổi dễ mắc kẹt trong ảo/hoang tưởng mà không đi xa được. Nay nhìn lại, có trường hợp nào khiến ông thấy ân hận vì mình đã từng đặt lời khen có phần quá khích vào họ không?
+ Có một trường hợp làm tôi không quên. Một tác giả rất trẻ (xin miễn nhắc tên), theo tôi cảm nhận, làm thơ rất hay. Tôi khích lệ quá đi chăng? Thêm vào, sự vội vã, tự tin có phần ảo tưởng của bạn ấy đã khiến bạn ấy hụt hẫng chăng? Càng về sau, bạn ấy chán, chỉ xuất hiện lơ thơ, cảm hứng không ào ạt, mạnh mẽ như trước. Nhưng tôi vẫn tin bạn ấy sẽ trở lại chín chắn và tự quyết hơn.
Thường trực trong tôi niềm tin thế hệ trẻ sẽ đi xa hơn mình. Không ai khác, thế hệ ấy đang và sẽ viết tiếp đàng hoàng bản đồ văn học nước nhà, cho dù buổi đầu đôi khi còn nông nổi. Tôi sực nhớ hai câu thơ của Hoàng Thúy, một cây bút rất trẻ, độc lập và tự tin. Bạn đọc đã nhìn thấy ở cô bản lĩnh của người cầm bút từ khi mới xuất hiện: lũ bồ câu trắng/ vãi những chùm tự do lên trời…
Không nên say sưa ăn mày dĩ vãng, nhất là văn chương. Trong tôi cứ vọng ngân câu thơ của mình: những con chim sẻ rồi ngủ trong lùm tre cổ xưa/ anh mãi thức (Thơ).


- Đúng là niềm thao thức với thơ thường trực, bền bỉ trong ông. Đã ở tuổi “cổ lai hi”, ông vẫn viết đều viết khoẻ và ra sách, rồi vào Nam ra Bắc tham dự những sự kiện thơ. Ông có thể nói ngắn về thi tập mới nhất của mình? Bí quyết để ông có thể duy trì và củng cố hứng khởi với thơ, sau chừng ấy năm sống cùng thơ, là gì?
+ Tôi luôn xem vận mệnh thơ như vận mệnh chính mình. Tôi lo cho thơ cũng như lo cho chính tâm hồn và thể xác của mình vậy. Một mai gió chở tôi về - tập thơ của tôi vừa được ấn hành đầu quý III, như đứa con ra đời muộn mằn. Tôi rất vui, thì ra mình còn rung động, nghĩa là mình còn sáng tạo. Có một con chim trên tóc em vẫn hót/ mặt trời khôi phục ánh sáng ngày/ rút từ đêm xõa trắng/ mặt trời trong em bừng thức/ bấy giờ mới nhận ra tôi cùng cái bí ẩn từ một búng tay/ em nói cuộc chạy trốn trên những chiếc gai nhọn/ đã kết thúc (Sự nhầm lẫn của người đãng trí). Bài thể dục đeo đẳng, là luôn luôn sáng tạo. Anh hãy đánh thức vỏ não, vỏ não sẽ trẻ trung như thời thanh niên vậy. Nghĩa là, không hề có tuổi già, chỉ có ý nghĩ già cỗi làm cho mình già cỗi. Tâm hồn ruỗng mục, thì thể xác như chiếc áo vô hồn. Bao giờ tôi cũng thấy mình chưa đủ, còn thiếu nhiều thứ. Tự bằng lòng đồng nghĩa với bảo thủ, an phận, tự trói mình bằng ổ khóa vô minh vô hình. Hãy mở khóa bước lên, vì mọi con đường sáng đang vẫy chờ phía trước…

 

         HOÀNG ĐĂNG KHOA( thực hiện)

Nguồn VNQD

 

 


Có thể bạn quan tâm