April 24, 2024, 8:27 am

Chỉ có thơ ca mới lý giải tận tường

Lê Khánh Mai viết nhiều thể loại. Tiểu thuyết có, nghiên cứu phê bình có và thơ không hề ít. Cũng như nhiều nhà thơ nữ, chị đã ghi dấu ấn cho mình bằng thơ tình nhưng khác với mọi người, thơ tình của chị là “mật ngôn”. Mật ngôn mà hiền lành, mật ngôn mà dễ thương, mật ngôn mà thành tâm... mật ngôn cũng xa vời vợi, ẩn giấu biền biệt mà vẫn dâng tràn đắm say.

Lê Khánh Mai đã đưa người thưởng thức cùng bước vào trường ẩn nghĩa chênh vênh, để rồi xuyên suốt chiều dài tập thơ, chị đã luôn như vậy: ẩn ý, gợi mở, thổn thức và suy tư: tôi vớt mảnh trời xanh dưới đáy hồ/ che đời qua bão táp/ tôi níu được những câu thơ vụt hiện/ khi chúng đang lao nhanh về phía tuyệt mù  (Xanh).

Hành trình đi tìm thơ trong cuộc đời là hành trình bất tận và khó khăn nhưng rất thực, chất siêu hình dường như chỉ lóe lên khi cuồng phong chợt ập tới... biết bám víu vào đâu cho thỏa nỗi tìm về? bởi nên “mảnh trời xanh dưới đáy hồ” đã thành cứu cánh cho niềm mong? Lê Khánh Mai đã luôn “để dành” phần suy tư cho những độc giả tri âm để tiếp cận ở cả phía gai góc trong câu thơ thâm tình, ẩn giấu: níu muôn sợi tơ trời, ta dệt nên bức mành/ mong manh hư ảnh/ cho nhẹ nhàng hơn khúc khuỷu đường trần/ đi mải miết bên lằn ranh định mệnh/ hạnh phúc cô đơn trôi về phía vô cùng (Bên lề đời nhau).

Đôi khi là một triết luận, cũng có lúc lại là một tỉnh thức hoặc có cả mơ hồ, song dù là gì chăng nữa thì thơ Lê Khánh Mai vẫn luôn trăn trở, kiếm tìm, cật vấn, suy tư để trở về với bản thể. Hạnh phúc cô đơn là thứ hạnh phúc của tài năng, là hạnh phúc dâng hiến cho nghệ thuật, cho đời và cho thơ, là thứ hạnh phúc để phụng sự cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất trên cõi đời: cám ơn Người thắp lên tín hiệu xanh/ biểu tượng của cái đẹp/ sự cứu rỗi/ cho tôi tin những vẻ đẹp vĩnh hằng/ mãi xanh thắm trong hồn hoa, cát bụi (Xanh).

Niềm tin luôn là động lực sống, động lực của hành trình sáng tạo, nếu không có niềm tin thì thơ sẽ cỗi cằn, nứt nẻ như cánh đồng bỏ hoang khô hạn. Đó có thể là niềm tin tuyệt đối của cõi tâm linh hay niềm tin của sự từng trải đời thường hoặc cũng có thể là niềm tin của suy lý? Với Lê Khánh Mai có lẽ là tất cả? Chị tin cuộc đời bằng tấm lòng yêu thương thiết tha của một người phụ nữ, chị tin vào con người bởi những trải nghiệm mến thân và chị tin vào luận lý bởi một trí tuệ mẫn tiệp, thấu tỏ và vượt thoát vô vi: em đã thôi đuổi bắt những cơn mơ/ đã không còn đam mê nước mắt/ đã thấu thị cuộc đời gồm những nốt trắng/ nốt đen trong bản nhạc/ và hát lên với tất cả vui buồn (Em yêu anh).

Chỉ có sự dấn thân đến kiệt lòng thì người - thơ mới có thể “giác ngộ” thi ca, chỉ có thể sống đạo nghĩa mới có thơ trường sinh... Cho nên, dù đã “thấu thị cuộc đời” thì Lê Khánh Mai vẫn “hát lên với tất cả vui buồn” để cho dòng chảy thơ mình âm vang. Chị đã cắt nghĩa cuộc đời thật đơn giản, nhưng điều đơn giản ấy cùng với phong cách ứng xử ấy là cả một tấm lòng nhân ái tỉnh thức tầm cao: lảm nhảm: “Mọi lý thuyết đều mầu xám”/ nhưng chẳng biết làm gì cho chân lý đổi mầu/ con người/ mãi mãi giẫm lên dấu chân nhau/ trên con đường dẫn về huyệt mộ (Sống).

Những suy tưởng ở tầm vĩ mô của Lê Khánh Mai đã gợi mở rất nhiều vấn đề về triết học, tôn giáo, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên với riêng thơ, chị đã thắp lên một ngọn lửa của sự khai phá định hình. Lịch sử vốn dĩ đi chậm, con người không hẳn “giẫm lên dấu chân nhau” nhưng ý thức hệ luôn có sức ỳ ghê gớm, so sánh với một đời người thì sự chuyển biến của ý thức hệ quả là đêm trường đằng đẵng. Thế nên Lê Khánh Mai có lý do riêng để thốt lên như vậy.

Mặc dù nền văn minh nhân loại mới chỉ mấy nghìn năm, nếu đem so sánh với sự xuất hiện của loài người nguyên thủy trên trái đất từ khoảng hai triệu năm trước thì mấy nghìn năm đó lại là một bước tiến khổng lồ... Sự so sánh dù sao cũng chỉ là tương đối và phiến diện, loài người có quyền tự hào về nền văn minh bao nhiêu lại càng đau xót bấy nhiêu bởi những cuộc chiến tranh tàn nhẫn trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Sự tàn ác đã kéo lùi lịch sử nhân loại: có bộ óc vĩ đại nào lý giải được vũ trụ mông lung?/ có trái tim bao la nào ôm trùm tất cả?/ trách chi niềm tin trao nhầm chỗ/ trách chi người theo đuổi điều huyễn hoặc, vu vơ (Con đường trong trải nghiệm)

Vâng! Thật khó cho dòng thơ triết luận ngày nay. Cách mạng 4.0 đã cận kề, đang phả vào cuộc sống sức nóng của núi lửa phun trào, trong khi ý thức còn như hai địa cực của trái đất, thi sĩ Lê Khánh Mai nóng lòng cũng dễ hiểu, chị đã nỗ lực khai mở những luận lý riêng cho thơ và biểu đạt theo cách của riêng mình: sống/ hành trình tiến về phía trước/ trên con đường trong trải nghiệm của riêng mình (Con đường trong trải nghiệm).

Đó là suy tưởng, là gợi mở và đồng thời cũng là một niềm riêng khuất khó, can trường khi không còn bị ràng buộc bởi hàng rào của những định kiến hay của những bức tường luân lý, đạo đức phù phiếm. Lê Khánh Mai đã dũng cảm dấn bước vượt lên bằng dấu ấn riêng: những câu thơ ẩn dụ/ xứ sở của tự do/ không quyền lực, gươm đao nào chạm được (Miền hoang tưởng)

Nghệ thuật ẩn dụ đã trở thành “vũ khí” của thơ, là nhà thơ đồng thời cũng là nhà lý luận phê bình nên Lê Khánh Mai đã chạm khắc ẩn dụ vào thơ bằng sự dâng hiến và luôn tin rằng ẩn dụ trong thơ là miền bất khả xâm phạm của trí tưởng tượng vô song và của cái đẹp vĩnh hằng.

*

Mật ngôn của tình yêu với Lê Khánh Mai cũng là sự chung thủy và trường tồn trong tình yêu muôn kiếp: em đã sống cạn kiệt mình trong cõi này/ cạn kiệt nỗi cam chịu buồn đau, ly biệt/ mơ một không gian khác/ mãi mãi có anh (Mật ngôn của tình yêu).

Tình yêu - sự kết hợp của hai thực thể khác nhau nên mầm ly biệt luôn luôn ẩn hiện đâu đó, rồi sẽ đến sớm hay muộn mà thôi. Trong ly biệt, nhà thơ đã mơ một không gian khác hai người có nhau mãi mãi... Không gian ấy là một đức tin? Một mê lộ? Một không gian bên ngoài ý thức? Hay chỉ là giấc chiêm bao? Dù là gì chăng nữa thì sự xúc động trong ta cứ dâng đầy, sẻ chia và đồng cảm cùng tác giả. Đó không chỉ là nỗi buồn đau, nỗi nhớ thương trùng điệp mà còn là sự thủy chung dành cho người bạn đời đang tiêu dao cõi khác: em yêu anh/ như tình yêu đầu tiên, như tình yêu cuối cùng/ ta bên nhau hành trình không về đích, không giới hạn/ chỉ ý nghĩ vươn về nhau bất tận (Em yêu anh).

Có lẽ tình yêu trong “ý nghĩ vươn về nhau” là tình yêu đặc biệt nhất của một hành trình “không về đích, không giới hạn” cũng đặc biệt nhất. Bằng những trải nghiệm sâu sắc, những nghiền ngẫm suy tư cô đọng cùng đức tin huyền diệu, Lê Khánh Mai đã dựng nên hình ảnh thơ đa chiều, gợi mở, mung lung, huyền hoặc, hấp dẫn cả về ý tưởng và kỳ vọng, một ngả rẽ chông gai cho thơ vươn mình: ẩn dụ và suy tưởng. Đó là những câu thơ không thể chẻ hoe, không thể suy diễn xuôi hay suy diễn ngược một cách chủ quan, thơ chị đã lộ diện và thành công.

*

Thơ Lê Khánh Mai luôn là sự chiêm nghiệm về cuộc đời, con người và xã hội từ vi mô đến vĩ mô bằng những hình ảnh, những tứ thơ có phổ đa nghĩa, rộng ý và cuốn hút: tự lâu rồi thời gian không còn chia mùa nữa/ ta lấy đêm làm ngày, lấy mặt trời làm vầng trăng/ đem giá buốt vuốt ve lòng trống trải/ gom ấm nồng soi tỏ nhân gian (Hành trình mùa xuân).

Những mặc định bị phá vỡ là lúc con người bừng tỉnh để sáng tạo. Dù rất mạnh mẽ bày tỏ nhưng tác giả khá bình thản trong dự ứng về cuộc đời, cõi thực và cõi không. Dường như chị có rất nhiều băn khoăn cả trong thực tại, cả trong luận lý. Song những ý tưởng “ngược” cuối cùng vẫn về đích chân như: “gom ấm nồng soi tỏ nhân gian” như một tất yếu của thơ, của nền văn hóa được thừa hưởng và của tư tưởng nhân văn bao trùm. Cứ như thế, Lê Khánh Mai đã dắt ta cùng đi vào hành trình suy tưởng với chị mà không hề hay biết. Có lẽ chị đã thôi miên người đọc rồi: giữa bao nhiêu thăng trầm biến cố/ đau đáu niềm mong/ có một vị cứu tinh lái con tầu đất nước (Ba mươi tháng tư).

Vị cứu tinh mà chị mong mỏi chắc chắn không phải là thần linh. Thần linh có thể chính là sự sáng suốt mách bảo và chỉ dẫn con người. Lịch sử nhân loại đã minh chứng, chỉ có những vĩ nhân, những lãnh tụ hóa thánh chứ không có chiều ngược lại. Lịch sử cũng chứng minh vai trò quan trọng của cá nhân trong tiến trình lịch sử, là sự thúc đẩy thăng tiến hay trầm lùi của quốc gia, dân tộc và của cả loài người. Chị đã nói giúp mơ ước của bao người... nhà thơ thật đáng yêu.

*

Phương pháp tiếp cận vấn đề trong thơ Lê Khánh Mai vừa trực diện hiện thực, vừa khai dẫn siêu hình: nơi đường biên bầu trời trái đất/ ta chia tay nhau/ anh hóa thành mây trắng/ em đơn độc cánh cò/ áo tang trắng mầu mây (Mây trắng).

Hiện thực và ảo ảnh luôn tồn tại trong thơ Lê Khánh Mai. Hư ảo trong thơ chị phổ biến đến mức ta cảm nhận được chị đã dựng nên một trường siêu hình cho riêng mình, nhưng nếu chỉ đọc thoáng qua cũng khó lòng phát hiện. Thực ra chị đã luôn khai dẫn siêu hình bằng khởi đầu từ liên tưởng. Những cảm thụ siêu hình đó làm nên tên tuổi của nhà thơ: ở đâu/ và bất cứ lúc nào/ sự tái sinh của ánh sáng/ không bao giờ là muộn. (Ánh sáng).

Sự tái sinh của ánh sáng”, một khái niệm tập mờ trong thơ, một ý tưởng không bến bờ nhưng đầy ẩn ý. Nỗi khát khao về một sức mạnh uy quyền tâm đức có thể làm thay đổi được xã hội luôn nung nấu trong thơ Lê Khánh Mai. Đó cũng là khát vọng hướng tới cái đẹp trong văn chương, nghệ thuật cũng như giá trị chân, thiện, mỹ có thể “cầm nắm” được trong đời sống chứ không phải là những giá trị lý thuyết khơi khơi vô hồn, rỗng tuếch trên giấy tờ: Tri kỷ của tôi/ là ý nghĩ/ luôn bên tôi/ ở trong tôi/ ... khi nào/ tâm hồn tôi trống rỗng/ đầu óc tôi trống rỗng/ là tri kỷ đã lìa bỏ tôi. (Tri kỷ).

Quan niệm về tri kỷ của Lê Khánh Mai cũng hết sức độc đáo. Thường thì tri kỷ là nói đến ta cùng tha nhân, còn với chị, tri kỷ là ta cùng bản ngã. Tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó chị vẫn muốn đề cập đến tha nhân song ý chí đã mách bảo về lựa chọn tri kỷ là ta cùng bản ngã.

Trong sự phát triển toàn cầu trên mọi lĩnh vực, tư tưởng con người càng trở nên phức tạp, dân trí và văn hóa không song hành, không theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng với trí tuệ nhân tạo, của đời sống vật chất đủ đầy và hưởng thụ. Hệ thống pháp luật không phải lúc nào cũng điều chỉnh theo kịp. Con người đã trở nên đa nhân cách, đa chiều kích và đa diễn dịch nên để hiểu chính bản thân mình, để sống đúng là mình cũng trở nên hết sức quan trọng và cấp thiết. Tri kỷ cũng vì thế mà đổi thay, chuyển dịch. Lê Khánh Mai đã dự cảm được điều này và chị đã tiên phong cùng thơ mình.

Thiết tha với cuộc đời, với tình yêu, Lê Khánh Mai đã luôn đem những khát khao chân chính vào thơ bằng sức mạnh của suy tưởng và dự cảm tuyệt vời. Chị đã mang đến cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa thiêng liêng.

Nguồn Văn nghệ số 10/2020


Có thể bạn quan tâm