March 29, 2024, 8:07 am

Chắt lọc lấy những tinh hoa từ quá khứ

Đây là pho sách đồ sộ thứ Hai, tiếp nối pho Giải mã kho báu văn chương thứ Nhất (gồm 5 cuốn với 2805 trang in), “trình làng” vào tháng 6/2018. Nói tiếp nối, là bởi: ở cuốn thứ Nhất, Vũ Bình Lục dành tuyển chọn, dịch và thẩm bình thơ ca chữ Hán thời Lý-Trần, trong khoảng 500 năm lịch sử. Còn với Giải mã kho báu văn chương lần này, nhà thơ, văn, nhà nghiên cứu lại tiếp tục công việc ấy theo tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, từ thế kỷ 15 đến nửa đầu thế kỷ 19. Như vậy là chỉ sau 3 năm, khi đã ở tuổi ngoại thất tuần, Vũ Bình Lục đã lại hoàn thành công trình tâm huyết mới…

Nhưng trước đó và đồng thời với công việc đầy gian khó này, Vũ Bình Lục vẫn viết nghiên cứu phê bình, khảo luận, có khi chỉ là một câu từ, hình ảnh, điển tích, chữ nghĩa, địa danh… cần phải dò cho đến “ngọn nguồn lạch sông”. Rồi anh sáng tác văn thơ in trên giấy và tung trên mạng… Có tới hàng vạn trang sách đã được đánh giá cao bằng nhiều giải thưởng và sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Khi thì thâm canh: 2 tập Hồng Hạc cõi trời Nam, hơn 1500 trang dịch và bình thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi; Thánh thơ Cao Bá Quát 743 trang, tinh tuyển, dịch thơ và bình giải; 600 trang Trầm tích Đông Triều… và bây giờ là tiếp nối, để hoàn thiện một pho sách đồ sộ như vừa nói trên kia. Ở công trình nào, tác giả cũng thể hiện sự cẩn trọng và tài hoa, vừa tiếp thu công lao, tinh hoa của người đi trước, vừa vươn tầm mở lối, vừa để lại những dấu ấn riêng…

Tôi may mắn là bạn vong niên thân thiết, được anh trao tặng khá đầy đủ những trước tác. Và cũng may mắn được đọc bộ Giải mã kho báu văn chương mới này, từ khi còn là bản thảo. Bởi thế, khi được viết những lời này cho công trình mới của anh, trước hết tôi cứ băn khăn mãi một câu hỏi. Rằng vì sao, công việc khổng lồ về thơ chữ Hán (tuyển chọn, chú giải, đính chính, dịch thuật, thẩm bình), trong suốt thời kỳ văn học Trung đại Việt Nam, đã từng có và cần phải có cả một cơ quan chuyên môn cao, cùng một tập thể những học giả tiếng tăm thực hiện…, thế mà bây giờ, Vũ Bình Lục lại phải “lao tâm khổ tứ”, tự nguyện gánh gồng?

Cứ như có lần anh nói, thì cái sự “liều mình như chẳng có” ấy, là một thứ duyên nghiệp. Mà đã là “duyên nghiệp” thì sự mê đắm cũng là điều dễ hiểu, mặc dù kết quả chưa dám chắc là đã đong đếm được bao nhiêu”. Nhìn lại con đường đến với chữ nghĩa văn chương của anh cũng đã thấy, đó thật là “duyên nghiệp”. Vốn là một sỹ quan đặc công, chiến đấu ở chiến trường khu V gian khổ và ác liệt nhất, là thương binh thời chống Mỹ, di chứng còn nguyên nơi hộp sọ nhức nhối đau, khi trái gió trở trời, lại xuất thân từ thầy giáo Ngữ Văn cấp 3, từng vào Nam ra Bắc, từng làm cán bộ quản lý giáo dục…, nhưng anh có nghị lực và cường độ làm việc phi thường, để có một kho tàng tác phẩm đồ sộ khiến mọi người phải nể phục cả về lượng và chất! Vì thế, đam mê đúng là yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công, và hơn thế nữa, dẫn tới tài năng. Bài học về sự mê say, chuyên cần này tuy rất cũ nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ và ý nghĩa cho nhiều người, ở mọi nghề. Vũ Bình Lục xứng đáng là một tấm gương bằng xương bằng thịt trong lĩnh vực này.

Còn có nỗi lo buồn và ưu tư như một lý do nữa, là những học giả của một thời, đã từng làm nên những hợp tuyển lớn, cũng lần lượt trở thành người thiên cổ, hoặc giờ “lực bất tòng tâm”, cộng thêm nhiều tác động và cản trở của thời cơ chế thị trường, của công nghệ thông tin nên không toàn tâm quay về hiệu đính những công trình cũ, hoặc tiếp nối những việc chưa hoàn thành… Những người mới vào nghề, thì hoặc là chưa đủ vốn liếng, kinh nghiệm, hoặc là ngại ngần bởi bao nhiêu thứ băng bó, ràng rịt, trở ngại khó khăn. Trong khi đó, nhận thức là cả một quá trình và không có công trình nào hoàn hảo tuyệt đối. Thế nên, khi đọc những gì của người đi trước, thấy những sai sót, bất cập, cũng như những người có tâm, có trí khác, biết mình còn có điều kiện, Vũ Bình Lục nghĩ cần phải góp thêm tiếng nói để tu sửa, mong sao những giá trị để đời ấy được hoàn thiện, xứng tầm với công đức, tâm huyết của ông cha, và giúp người sau yên tâm sử dụng. Thêm nữa, đó còn là nỗi lo của một kẻ sỹ “Trong khoảng trăm năm cần có tớ”, không thể nhìn những giá trị vật thể và phi vật thể của cha ông mai một, tiêu trầm. Chí ít, nhà văn Vũ Bình Lục cũng không muốn “chữ “tác” đánh chữ “tộ”, nhiều chú giải sai lệch, chưa tới, nhiều nghi ngờ về tác giả, tác phẩm cứ để tồn nghi, hoặc né tránh mãi. Như thế, càng về sau càng mất văn bản gốc, đồng nghĩa với mất tinh hoa văn hóa - văn học dân tộc. Rồi như một hệ lụy, sẽ dẫn tới những mất mát nguy hại hơn thế rất nhiều… Cho nên, những gánh gồng, “lao tâm khổ tứ” của nhà văn Vũ Bình Lục, tuy vừa khó vừa khổ, lại khô khan và vô lợi nhuận, nhưng nó là trách nhiệm lớn lao tự quàng lên vai một người có tầm, có tâm, có tài và tận lực!

Vả lại, đã bấy lâu nay người ta nói nhiều về việc: xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Đường lối chủ trương thì thật hay và đúng. Nhưng tiếc thay, cho đến nay “cao đàm khoát luận” thì nhiều, song ở từng lĩnh vực của đời sống xã hội và văn học – nghệ thuật còn hiếm lắm những tác giả, những công trình chỉ cho ra những cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai, cái đủ đầy, sự bất cập; xác định cho được đâu là bản sắc cần phát huy, đâu là cái cổ hủ, lỗi thời, đầy ngáng trở cần loại bỏ… Tóm lại, chưa đem tới cho quảng đại quần chúng và những nhà quản lý sự hiểu biết cặn kẽ, sâu xa, cùng tình yêu và niềm tự hào cao cả về những giá trị truyền thống, thì sao có thể chọn lọc, bảo tồn và phát huy trong xu thế hội nhập và hiện đại. Người ta định tính thì khá hay ho, nhưng định lượng thì còn quá nhiều chung chung, nhạt mờ, bất cập, thậm chí còn có nhiều những tạp nham, xô bồ, lai căng… (Gần đây, nhân viết về cuốn Sân khấu - truyền thống và hiện đại, hơn 800 trang của Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, tôi cũng có đề cập đến vấn đề này và thực sự khâm phục những người như các anh Nguyễn Thế Khoa, Vũ Bình Lục, PGS.TS Nguyễn Công Lý… đã am tường lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu và sở trường, vừa định tính vừa định lượng rất cặn kẽ, rõ ràng, sâu sắc, tài hoa và thuyết phục, chắt lọc lấy những tinh hoa cần và đủ, đúng và hay, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông). Vậy nên, những công việc của Vũ Bình Lục thực hiện trong pho sách lần này, thêm một lần nữa thể hiện tình yêu và trách nhiệm, sự cần mẫn từng chút, từng ngày không ngơi nghỉ của một học giả chân chính, đối với quê hương, đất nước trong sự nghiệp quang vinh: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Đúng như anh đã viết: “Dù chưa thể và cũng không thể đầy đủ, song những gì chúng ta có trong tay, khoảng hơn 400 bài thơ, hơn 120 tác giả được chọn trong sách GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG (Thơ ca thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19) bộ tiếp theo, rất đáng để chúng ta tự hào, nâng niu quý trọng và gìn giữ cho muôn đời sau, như nhưng báu vật phi vật chất vô giá. Và quan trọng hơn, là phải truyền cảm hứng sáng tạo và lòng tự hào dân tộc đến thế hệ trẻ muôn đời sau” (Tr.18).

Từ định hướng tư tưởng – cảm xúc thẩm mỹ đúng và hay như thế, có thể khẳng định những đóng góp riêng của tác giả. Trước hết, xin ghi nhận một cách nhìn “tổng quan về một thời kỳ văn học” và cách làm cẩn trọng của  Vũ Bình Lục ở mỗi tác giả, tác phẩm.

Tuy không phải là một khảo luận đủ đầy, nghiêm ngặt, lại càng không phải là một giáo trình lịch sử văn học, giầu chất hàn lâm, nhưng trong Tổng quan…, nhà văn Vũ Bình Lục đã không né tránh khi trở lại giải quyết một chú thích trong Đại cáo bình Ngô” của Đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, mà bấy lâu nay đã từng bị hiểu sai, từng bị cho là Nguyễn Trãi nhầm lẫn, hoặc để vào mục tồn nghi, hoặc lờ đi không chú thích: “Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần bo đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương….”. Rồi từ đó, bằng sở trường và kiến thức lịch sử sâu rộng, chắc chắn, tác giả bàn về một giai đoạn còn không ít những xa mờ, nhưng “Đó là sự thật lịch sử, đã dược khẳng định, được chép vào các bộ sử lớn của nước ta, xin đừng quên và không ai được phép cố tình quên lãng điều ấy!” (tr.13).

Cũng trong “Tổng quan…”, thêm một lần nữa Vũ Bình Lục biện giải có lý có tình về chữ viết của dân tộc (nhưng rất tiếc, những minh chứng và suy đoán mới mẻ nhất về vấn đề này trong loạt bài Vừa đi vừa nghĩ đăng trên trang mạng cá nhân của anh, lại chưa được cập nhật vào đây), về nguyên nhân thất thoát, mất mát văn bản văn chương trong suốt mấy trăm năm của lịch sử văn học… Đồng thời, nhà văn cũng có những đánh giá công bằng, phân minh về công - tội, được - mất của một số vương triều hoặc đế vương, đối với một số danh nhân và việc bảo tồn và phát triển văn học - nói rộng ra là nền văn hóa Việt Nam thời Trung đại ! Để rồi trên cơ sở ấy, ở mỗi giai đoạn văn học, hoặc triều đại tiêu biểu, tác giả đều có khái quát, điểm xuyết về những chủ đề nổi bật, đặc điểm thi pháp, những giá trị riêng biệt, độc đáo (thậm chí ở một số tác giả, tác phẩm cụ thể - tất nhiên, đây là những tác phẩm chữ Hán). Và qua đó, đúng như nhà văn Vũ Bình Lục khẳng định “Thơ ca có thiên chức vô cùng cao quý. Nó phản ánh đời sống tâm hồn, trí tuệ và minh triết nhân văn của người Việt ta. Thơ phóng chiếu hình ảnh lịch sử. Qua những mảnh vụn tâm tư của các nhà thơ, hình ảnh xã hội hiện lên một cách chân thực và sinh động vô cùng” (tr.18).

Đồng thời với cái nhìn tổng quan như thế, bằng vốn liếng Hán học, sự hiểu biết sâu rộng về Văn-Sử trong mối quan hệ bất phân, cùng với kiến thức về tôn giáo, triết học, mỹ học… dấu chân không mệt mỏi trong những chuyến điền dã và cảm xúc của một nhà thơ, năng lực thẩm bình của một đời thầy Ngữ văn đứng lớp, Vũ Bình Lục đã có những lựa chọn, chú giải, thẩm bình công phu và rất đáng trân quý, tin tưởng.

Ở tác giả hữu danh hoặc tác giả khuyết danh nào, ngoài việc giới thiệu sơ lược về tác giả, nguyên tác chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, anh cũng đều có dịch thơ. Ở đây, tác giả đã tuyển chọn khá kỹ lưỡng những bản dịch từ nhiều nguồn và chắc là cũng có tâm đắc, rồi sau đó mới đưa ra bản dịch thơ của mình. Việc này vừa thể hiện thái độ khiêm tốn vừa tạo nên sự đối sánh cần thiết để người đọc, người sử dụng tự lựa chọn. Tôi cứ nghĩ, riêng công phu dịch thơ thôi, thì bộ Giải mã kho báu văn chương (2 phần tiếp nối), suốt thời thời kỳ văn học Trung đại Việt Nam, đã khiến tác giả trở thành một nhà dịch thuật lớn trong lĩnh vực này. Vũ Bình Lục dịch thơ của của tiền nhân thật tài hoa và sáng tạo. Đồng thời với các thể thơ Đường luật nghiêm ngắn, chỉn chu, anh còn rất thiện nghệ, sở trường ở những thể thuần Việt: song thất lục bát, lục bát, hoặc lục bát biến thể. Riêng trong bộ sách lần này, có gần 500 bài dịch như thế… Chưa dám nói là việc chuyển đổi thể loại, khi dịch thơ có đắc dụng và dễ được chấp nhận hay không, nhưng bằng vào những gì tôi đọc trong bộ sách này, thì bắt gặp không hiếm những bài dịch vừa giữ được hồn cốt của nguyên tác vừa lấp lánh tài hoa của người đồng sáng tạo. Việc chuyển đổi này khi dịch thuật là một quyết tâm, sự cần mẫn và dụng công, là một thể nghiệm rất đáng trân trọng, giúp dịch giả giữ lấy tư tưởng, tâm hồn và cảm xúc của cha ông bằng lối diễn tả, qua những thể thơ thuần Việt.

*

Như phần trên đã nói, trong những hợp tuyển của người đi trước, còn rất nhiều những tồn nghi, ghi là chưa rõ, chưa biết (âu cũng là giải pháp tình thế, thể hiện thái độ thận trọng và khoa học); thậm chí còn có những chú giải sai và nhầm lẫn… Nếu cứ để như thế, những người đi sau không đủ hiểu biết, hoặc là nhắm mắt dùng liều, hoặc là chẳng biết đâu mà lần tìm. Trong khả năng của mình, nhà văn Vũ Bình Lục đã nỗ lực chú giải cặn kẽ và sửa sai. Cái này có rất nhiều trong hơn ngàn trang sách. Đơn giản khi viết về Nguyễn Trực, thì năm 1442 là năm Nhâm Tuất, chứ không phải là năm Bính Tuất như người xưa chú thích. Lại nữa, cái tiêu đề bài thơ của Nguyễn Trực có chữ “nhớ” nào đâu, mà dịch thành “Nhớ năm Bính Tuất, ngẫu nhiên thành thơ”. Vũ Bình Lục nhận xét, ở nước ta có nhiều địa danh trùng với địa danh bên Trung Quốc, thành ra khi chú thích không hiếm những ngộ nhận. Ví như bài thơ Đăng Nam Xương thông minh các của Nguyễn Khắc Hiếu (1400-1472), thì Nam Xương ấy có phải là tên một huyện trên đất tỉnh Hà Nam của ta như từng chú thích? Vũ Bình Lục, “đã tìm khắp vùng núi non của tỉnh Hà Nam, tuyệt nhiên không thấy (hoặc là không ai nói tới) có cái GÁC THÔNG MINH cao ngất bên sông nào cả”.  Nhân đó, anh đã phóng bút liệt kê ra đề tài thơ về GÁC cả của ta lẫn Tầu và nhận xét dạng tự một cách thông thái để chỉ ra rằng: THÔNG MINH ở đây không phải là danh từ như từng nhầm lẫn, mà là tính từ, “nên phải hiểu, đó là cái gác cao, thông thoáng và sáng sủa”. Và cái gác cao thông thoáng, sáng sủa ấy, lại chính là ĐẰNG VƯƠNG CÁC của huyện Nam Xương bên Trung Quốc. Thú vị thay!

Cũng như thế, khi viết về sứ thần Nguyễn Đình Mỹ (một trong số ít người đi sứ nhiều nhất ở nước ta thời phong kiến), tác giả phát hiện ra chú thích bài thơ Buổi chiều trên đê Yên Khánh, của một hợp tuyển ra đời năm 2007: “Đê Yên Khánh, một con đê thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình”, là “sai lầm đáng tiếc”! Vũ Bình Lục lại phải cẩn thận, tỷ mỉ dẫn giải mạch lạc rõ ràng để chứng minh, nó là địa danh trên đất nước… người ta.

Vũ Bình Lục còn có hơn 10 trang viết về “Số phận những thi nhân đời Đường, Tống được đăng trong chùm thơ Đầu thu nhàn ngắm cảnh Vĩnh Châu của Lê Quý Đôn”. Đây là chùm thơ “tập cú – tập cổ” của cụ Bảng Quế Đường, mà nội cái việc “tầm chương” để hiểu ý thơ và vần điệu thơ của Cụ, cũng chẳng dễ dàng gì. Vũ Bình Lục đã làm một việc thật là công phu và hữu dụng giúp bạn đọc…

Cũng từ việc chú giải và thẩm bình mà nhà nghiên cứu có cơ hội bày tỏ tư tưởng, phô diễn cảm xúc và tài chữ nghĩa. Cho nên khi viết về Tết Đoan Ngọ của Chu Tam Tỉnh, anh vừa cung cấp kiến thức về một “tục truyền” du nhập, vừa mượn lời thơ của người xưa nhằm “phê phán cái tâm lý mê tín dị đoan, cầu đảo xin xỏ thần linh (…) phê phán sự u mê theo thói cũ (…) mà chả biết sâu xa  và gốc rễ nó từ đâu”. Trong sự xô bồ, hỗn tạp của lễ hội và phục dựng bừa bãi những phong tục tập quán trong đời sống văn hóa và tâm linh như hiện nay, thì việc vừa chọn lọc những tinh hoa văn hóa ngoại lai như một sự “tiếp biến (…) làm giầu có thêm đời sống tâm hồn, văn hóa tâm linh của người Việt”, vừa biết cảnh báo hậu họa và phê phán nghiêm túc, là điều cần thiết!

Khi viết về Phùng Khắc Khoan – thi nhân và danh sĩ, Vũ Bình Lục cũng có những thẩm bình sâu sắc và tinh tế. Phùng Công không chỉ là một sứ giả hữu nghị, hòa bình được nước người nể trọng, dân nước người quý mến, mà còn là người có công lao rất lớn trong việc chuyển giống ngô, đậu từ Trung Hoa về, truyền dạy nghề dệt may cho dân ta, làm cho nông tang và kỹ nghệ nước ta hưng phát. Ông cũng là “bậc trí giả thông tuệ (…) lý tưởng kiên định, ý chí vững bền (…) nhập thế để hành đạo, nhưng khôn khéo ở việc tùy thời”. Cái cốt cách cứng rắn mà mềm dẻo ấy của tiền nhân, chẳng cần tiếp thu và phát huy hiệu quả hơn nữa, trong mọi mối ứng xử của con người và đất nước ta hôm nay và muôn mai, hay sao?

Như vậy, qua đây có thể nói: nhà văn Vũ Bình Lục không phải là một nhà tư liệu học thuần túy. Anh coi tác phẩm – “đứa con đẻ tinh thần của người nghệ sỹ”, là tấm gương phản ánh trung thực nhất hành trạng cuộc đời, tư tưởng - cảm xúc và phong cách của chính họ. Phải khảo cứu tường tận, thấu hiểu sâu sắc (nhiều khi chỉ là một chút mù mờ, ẩn giấu, phảng phất thoáng qua thôi), để khai quang, kết nối, khơi dậy, gọi về những chân cốt mà anh gọi là “giải mã”. Đấy là một con đường đáng tin cậy và rất hiệu quả mà bấy lâu anh đã kiên trì ứng dụng để giải quyết được bao nghi vấn, tồn đọng về tác giả và văn bản. Đó là công lao, là sáng tạo và là điều đáng trân trọng, ghi nhận nhất của nhà văn qua tác phẩm này.

Tuy viết còn vội và còn tản mạn những dòng cuối sách này, nhưng tôi vẫn xin khẳng định: chắt lọc lấy những tinh hoa từ quá khứ, là con đường có nền tảng để xây dựng tòa lâu đài văn hóa kỳ vĩ cho tương lai. Trong đó, văn học (có thơ ca) là tấm gương phản chiếu lịch sử dân tộc và lịch sử tâm hồn của dân tộc đó. Nhà văn Vũ Bình Lục, người anh rất trân quý và nể trọng của tôi và của nhiều đồng môn thời Đại học, đã góp công sức và tâm huyết lớn cho con đường và sự nghiệp vinh quang ấy!

Nhân đây, tôi cũng được phép của anh để vui mừng thông báo, công trình này vừa kết thúc, “đứa con đẻ tinh thần” này vừa trình làng, thì chúng ta lại sắp đón đọc những tác phẩm đầy đặn, quý giá mới nữa của anh: Vừa đi vừa nghĩ, Thơ đi sứ, Thơ chữ Hán Lê Quý Đôn. Điều đó chứng tỏ Vũ Bình Lục cùng lúc có thể nghĩ và viết được nhiều tác phẩm khác nhau. Anh không ngơi nghỉ mà chỉ giải lao giữa buổi, bằng cách thay gõ chữ cuốn này bằng cuốn sách khác mà thôi. Thật là nguồn lực kỳ diệu của một con người giầu Tâm tài và tận lực. Xin chúc anh luôn dồi dào sức khỏe, năng lượng sáng tạo và thành công.

Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm