April 20, 2024, 10:03 am

Chào nước Pháp mắt bồ câu!

Phong trào “Áo gi-lê vàng kéo dài hơn tháng nay chống thuế và chống chủ nhân Điện Elysée đang trở thành cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng thấy kể từ năm 1968 khi sinh viên thuở ấy cũng nổi dậy nhằm vào tổng thống De Gaulle. Lần này, cho dù là kẻ gieo gió, nguyên thủ bị căm ghét nhất…” Emmanuel Macron, nhưng sao ông ta vẫn là tổng thống của chế độ Cộng hòa, do dân bầu lên. Công luận nước Pháp đang tiến về một ngã rẽ theo hai hướng: “Cứu lấy chiến binh Macron!” để thoát khỏi khủng hoảng hiện nay, hay “Tiếp tục đốt đến và hỏa thiêu luôn chế độ!”

Cho đến ngày 15/12/2018, nhiều người thuộc phong trào phản kháng "Áo Gi-lê Vàng" vẫn tiếp tục đổ về Paris, bất chấp một số nhân nhượng của tổng thống và những lời kêu gọi của chính phủ. Tuy nhiên, nhìn chung, số lượng người tham gia biểu tình trên toàn quốc giảm mạnh. Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy các biện pháp của chính phủ đã đáp ứng được một phần nguyện vọng của người dân và đây chính là lúc để đối thoại bắt đầu. Hãng AFP đưa ra số liệu thống kê: Tổng cộng có 33.500 người biểu tình trên toàn quốc, 4.000 người tại Paris, so với con số 77.000 người, trong đó 10.000 ở Paris, cùng thời gian này hồi tuần trước. Sau cuộc biểu tình lần thứ 5 ở Paris, tình hình về cơ bản yên bình, ngược với không khí căng thẳng của những tuần trước. Tổng thống Macron đã hoãn tăng thuế nhiên liệu, hứa tăng lương tối thiểu và giảm thuế cho người về hưu, nhưng tất cả chỉ là phần rất nhỏ trong bản yêu sách 25 điều của người dân.

Người biểu tình trước Tháp Eiffel    Ảnh Internet

Chở thuyền là dân…

Đạo diện điện ảnh nổi tiếng Trần Văn Thuỷ viết trên mạng, thừa nhận chưa đủ trình độ để phân tích từng yêu sách, nhưng ông giật mình kinh hãi đọc 25 yêu sách của những người áo vàng. Trong đó có những yêu sách đòi rút nước Pháp ra khỏi NATO, thực hiện FREXIT (đưa nước Pháp rời khỏi EU), thay đổi thái độ đối với châu Phi, cùng nhiều yêu sách khác về xã hội, kinh tế... Theo ông Thuỷ, xem thế để thấy “những người áo vàng” đâu phải là những kẻ vô lại như một số báo chí mấy tuần qua đã bôi xấu. Vô lại thì không thể đưa ra yêu cầu “tiến hành viết lại Hiến pháp để trao quyền lực cho nhân dân”. Đây không đơn giản là đòi hỏi của một cuộc biểu tình, đây là cuộc cách mạng thời @ của nước Pháp, đất nước đã làm nên những trang vẻ vang cho lịch sử nhân loại. Một dân tộc đã nêu cao khẩu hiệu “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” từ rất sớm. Dù vô cảm đến mấy, khi xem những sự kiện chấn động bên trời tây, không thể không liên tưởng tới hiện trạng khát khao được cất lên tiếng nói, được phản ánh những mong mỏi chân thành, chính đáng để con người có được một tương lai tốt đẹp hơn, sống với nhau tử tế hơn, đàng hoàng hơn, đúng như đạo diễn “Hà Nội trong mắt ai” ước nguyện.

Theo sử gia Nicolas Baverez, vị tổng thống 40 tuổi này là cơ may cuối cùng để cải cách đất nước một cách ôn hoà và dân chủ. Tuy nhiên, do ngộ nhận, ban đầu tự cho mình nắm chân lý, vì một số quyết định sai lầm và tuyên bố khiêu khích, tổng thống Macron đã “tự đốt cánh đại bàng”. Sau dự án cải cách Liên minh châu Âu bất thành, nỗ lực thuyết phục Donald Trump trên các hồ sơ quốc tế thất bại, giờ đây khủng hoảng “Áo Vàng” đã làm cho hoài bão canh tân nước Pháp có nguy cơ tan thành mây khói. Macron vô tình đã cùng với phe “Áo Vàng” tạo ra tình trạng hỗn loạn xã hội và chính trị, có thể dẫn đến việc các tổ chức cực đoan từ tả đến hữu lên cầm quyền vào năm 2022 tới. Do vậy, vấn đề giờ đây là không chỉ nhiệm kỳ của tổng thống Macron bị đe dọa, mà cả nước Pháp cũng đứng trước một tương lai bất trắc. Tuần báo cánh tả l’Obs cũng có cùng quan điểm, nêu đích danh bốn chính trị gia cực hữu, cực tả, xã hội (Le Pen, Mélenchon, Rufin và Hamon) đã thổi gió vào lửa, cố tình tạo tính chất phiến loạn trong phong trào “Áo Vàng” tranh đấu chống bất công.

Nhà bình luận Serge Raffy cho rằng, dù sai lầm tự cho mình là anh lính xung kích, Macron vẫn là tổng thống do dân bầu. Ủng hộ Macron, vì chủ nhân Điện Elysée là đại diện của nhà nước thượng tôn pháp luật, là đại biểu của chế độ Cộng hoà. Công luận địa phương, qua nhận định của nhật báo République des Pyrénées, ở tận phía nam cũng tỏ ra hài lòng khi thấy nhiều lãnh đạo đảng cánh hữu bảo thủ Người Cộng Hòa, cho dù trong vai trò đối lập phê phán các đề xuất mới của tổng thống, đã kêu gọi công luận chống lại xu thế bạo động trong những tuần qua. Thật ra, phe hữu ôn hoà tại Pháp mà đại diện cuối cùng nắm quyền là tổng thống Nicolas Sarkozy (nhiệm kỳ 2007-2012), đã khá lo âu trước thế mong manh của chế độ dân chủ đối mặt với một phong trào bạo động. Anh lính Macron đã học cách hòa giải với các nhóm biểu tình, giờ đây phải tập trung vào sứ mệnh ban đầu là canh tân đất nước. “Đôi mắt bồ cầu” của nước Pháp (trong bài Je vous salue ma France, từ Louis Aragon) có bình yên hay không sẽ do mỗi người dân quyết định. Chở thuyền hay lật thuyền vẫn là dân. Bài học đúng cho cả ở trời Á lẫn Âu.

Những người biểu tình “Ao Vàng” từ đâu ra? Đọc “Tuyên ngôn” mới thấy thực chất như Trần Văn Thủy trao đổi, đố là một phong trào đã tích tụ từ lâu, những điểm yêu cầu đầy trí tuệ và trách nhiệm quốc gia. Các yêu sách trong bản "Tuyên ngôn" có nhiều nhân tố hợp lý và có thể nói đại đa số người dân không chỉ ở Pháp mà toàn thể châu Âu đều ủng hộ. Đây là bản Tuyên ngôn của một dân tộc đang tìm lại tiếng nói của họ, và cách duy nhất để tiếng nói ấy được lắng nghe là thông qua cuộc biểu tình rộng lớn này. Trong cuộc biểu tình, không may là luôn có những phần tử cơ hội, hay những phần tử cố ý phá hoại được cài vào và các hành vi phá hoại của chúng được giới truyền thông đăng rộng rãi trên trang nhất. Nhưng bất chấp những hành vi phá hoại ấy, làn sóng biểu tình này vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Pháp. Bởi vì về cơ bản, đây là nguyện vọng và ý chí của toàn thể người dân. Liệu đây có phải là Công xã Paris lần thứ 2 không? Thời gian sẽ trả lời!

Tuyên ngôn Áo Vảng     Ảnh Internet

Cứu lấy chiến binh Macron!

Không hẹn mà nên, sau bài diễn văn sám hối và nhượng bộ của tổng thống Pháp hôm 11/12/2018, một bộ phận trong công luận và trong các đảng phái chính trị ở Pháp đã lên tiếng kêu gọi ngưng chiến để “Cứu lấy chiến binh Macron!” (Mượn tựa đề của một cuốn phim Mỹ nổi tiếng về cuộc đổ bộ ở Normandie hồi thế chiến 2). Từ hơn tháng nay, kể từ cuối tháng 11/2018 tới nay, làn sóng bạo loạn bùng phát trên toàn lãnh thổ nước Pháp khi những người biểu tình đầu tiên khoác lên người chiếc áo gilê màu vàng và đổ xuống đường biểu tình phản đối quyết định của chính phủ Pháp áp thuế môi trường lên xăng dầu, đến nay đã chuyển sang yêu sách chính trị và chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể dẫn tới sự kết thúc chưa thể lường trước được đối với nước Pháp. Hiện tượng được giới phân tích gọi là “Mùa xuân Paris” do sự tương đồng với các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân Arab” ở các nước Bắc Phi - Trung Đông đã từng dẫn tới sự lật đổ chính thể nhiều nước ở khu vực này.

Về phần tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phát biểu tại Bruxelles, bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, ông đã gián tiếp gởi một thông điệp đến những người Áo Vàng, khi cho rằng “đất nước chúng ta cần ổn định, cần trật tự và cần tái lập lại các hoạt động bình thường”. Trên đường trở về Paris, tổng thống Macron đã ghé thành phố Strasbourg, miền đông nước Pháp để thăm hỏi động viên người dân của thành phố vừa phải chịu một cuộc tấn công khủng bố hôm 13/12, ngay giữa khu chợ Giáng Sinh, đã khiến 4 người chết và cả chục người bị thương, trong đó có một số rất nặng. Vào đầu buổi tối, tại quảng trường Kleber, ngay khu phố cổ trung tâm của Strasbourg, người đứng đầu nước Pháp đã nghiêng mình tưởng nhớ các nạn nhân vụ khủng bố, trân trọng đặt một bông hồng trắng trước đài tưởng niệm tạm thời được dựng lên. Cử chỉ này của tổng thống đã được đám đông tán thưởng, trái hẳn với những phản ứng gay gắt mà ông phải hứng chịu trong những ngày trước đây.

Tuy nhiên, lực lượng hiến binh cơ động vẫn túc trực sẵn xung quanh Khải Hoàn Môn ngay từ sáng sớm của ngày cuối tuần vừa qua. Đại lộ Champs-Elyséses vẫn cấm xe cộ đi lại. Vành đai an ninh cũng được thiết lập xung quanh phủ tổng thống, phủ thủ tướng, Quốc Hội, bộ Nội Vụ và một số cơ sở khác. Paris đóng cửa 40 trạm xe điện ngầm. Nhiều ngân hàng cũng nghỉ việc đề phòng bị cướp phá, nhưng các quán cà phê nhìn chung vẫn mở cửa, không kể một số địa điểm nhạy cảm. Một dấu hiệu khác cho thấy không khí có phần bớt căng thẳng hơn: Tháp Eiffel và nhiều viện bảo tàng, đóng cửa hồi tuần trước, đã mở cửa cuối tuần qua, cũng như nhiều cửa hàng lớn, vào thời điểm chỉ còn tuần lễ nữa là Noel. Hai cửa hàng túi sách hạng sang nổi tiếng, Louis Vuitton và Longchamp nằm trong số ít ỏi các cửa hiệu mở cửa trên đại lộ Champs-Elysées.

Phát biểu tại Strasbourg nơi vừa diễn ra vụ thảm sát tại chợ Noel, chủ tịch Quốc Hội Pháp, ông Richard Ferrand ghi nhận mức độ tham gia biểu tình đã giảm mạnh. Ông hy vọng là sự thoái trào này sẽ là điểm mở đầu tốt lành cho dịp nghỉ lễ cuối năm, “sẽ cho phép khởi đầu một năm mới, với quyết tâm tranh luận, đóng góp xây dựng và trao đổi”. Chủ tịch Quốc Hội Richard Ferrand muốn nhắc đến chủ trương thảo luận rộng lớn tại các địa phương, cơ sở, cũng như trên các mạng xã hội, trên quy mô toàn quốc vừa được tổng thống Emmanuel Macron đề xuất. Đợt thảo luận dự kiến kéo dài hơn 3 tháng liên quan đến hàng loạt vấn đề hệ trọng chung của đất nước, cũng như các vấn đề đời sống, sinh kế sát sườn của người dân. Các tranh luận sẽ được tổ chức xung quanh bốn cụm chủ đề lớn: chuyển đổi sinh thái, thuế khóa, nền dân chủ (quyền và nghĩa vụ công dân) và tổ chức Nhà nước (các dịch vụ công).

Xem vậy để thấy ngày 15 giữa tháng cuối năm là một ngày mang tính trắc nghiệm đối với những người áo vàng, cũng như đối với chính phủ. Những người tham gia phong trào phản kháng này liệu có thể vượt qua những bất đồng nội bộ để duy trì áp lực tối đa lên chính phủ hay không? Còn về phần tổng thống Macron, ông sẽ đo lường sức thuyết phục của các biện pháp loan báo đầu tuần trước như thế nào? Chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe đang chạy nước rút để một đạo luật bao gồm các biện pháp của tổng thống Macron được thông qua trước khi các dân biểu Quốc Hội nghỉ cuối năm. Nhưng chính phủ sẽ vấp phải hai khó khăn lớn: làm sao để ngân sách Nhà nước không bị thâm hụt thêm và làm sao cho những người lãnh lương tối thiểu được thêm 100 euro đúng thời hạn, tức là ngay từ tháng Giêng năm 2019

YÊU SÁCH 25 ĐIỂM CỦA PHONG TRÀO “ÁO VÀNG” Ở PHÁP

KINH TẾ, CÔNG VIỆC:

1. Cấm đánh thuế vượt quá 25% thu nhập của công dân

2. Tăng 40% lương hưu và trợ cấp xã hội cơ bản (các tuyên bố khác nêu rõ lương tối thiểu không dưới 1.300€/tháng, tối đa không quá 15.000€/tháng, về hưu không dưới 1.200€/tháng để đủ mức sống tối thiểu bởi thuê nhà mất 600€, thuế 200€, lương thực thực phẩm mất 200€, điện nước 100€, chi phí đi lại tối thiểu 100€...).

3. Tăng tuyển dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông công cộng, bảo vệ luật pháp và trật tự, v.v., để đảm bảo hoạt động cần thiết của tất cả các cơ quan dịch vụ công cộng

4. Bắt đầu những dự án xây dựng lớn để tạo ra nhà ở cho 5 triệu người vô gia cư; xử phạt nghiêm khắc các thị trưởng và hội đồng thành phố để xảy ra tình trạng người vô gia cư

5. Chia tách các ngân hàng quá lớn và xỏa bỏ các ngân hàng độc quyền để không để ngành tài chính rơi vào tình cảnh khủng hoảng, cấm các ngân hàng hoạt động đầu cơ chứng khoán, cấm mọi hoạt động dùng tiền của người đóng thuế để tái cấp vốn cho các ngân hàng mất khả năng thanh khoản.

6. Hủy bỏ các khoản nợ hình thành do lãi suất quá cao

CHÍNH TRỊ:

7. Tiến hành viết lại Hiến pháp để trao quyền lực cho nhân dân, thông qua đạo luật cho phép tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân có hiệu lực bắt buộc

8. Cấm mọi hoạt động vận động hành lang và các cơ chế gây ảnh hưởng, cấm vĩnh viễn những người có tiền án hình sự giữ các chức vụ được bầu, cấm quan chức kiêm nhiệm một số chức vụ được bầu

9. Frexit: Đưa nước Pháp rời khỏi EU, trả lại chủ quyền chính trị, tài chính và kinh tế cho nước Pháp, khôi phục lại đồng tiền quốc gia bằng cách đưa nước Pháp rời khỏi Hiệp ước Lisbon (đây là ý nguyện của nhân dân Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2005 nhưng bị bỏ qua)

10. Chấm dứt ngay tình trạng trốn thuế của giới siêu giàu; yêu cầu 40 công ty lớn nhất hoàn trả lại cho nhà nước khoản nợ 80 tỷ euro

11. Dừng ngay lập tức quá trình tư nhân hóa và chuyển lại cho nhà nước quản lý các lĩnh vực trọng điểm như đường cao tốc, sân bay, bãi đậu xe và đường sắt

12. Hủy bỏ hoàn toàn các trạm bắn tốc độ trên các tuyến đường giao thông bởi không có tác dụng trong việc ngăn ngừa tai nạn giao thông mà chỉ tạo ra một loại thu thuế trá hình

13. Loại bỏ tất cả nội dung chính trị cực đoan ra khỏi chương trình giáo dục và nghiêm túc xem xét các phương pháp giảng dạy phổ biến toàn cầu mang tính chất phá hoại

14. Tăng ngân sách lên bốn lần cho lĩnh vực tư pháp và giới hạn thời gian cho phép tối đa để tiến hành các thủ tục pháp lý; quy định các dịch vụ tư pháp là miễn phí và phổ cập cho toàn dân

15. Phá bỏ sự độc quyền của truyền thông, xóa bỏ mọi quan hệ dính líu giữa giới truyền thông với các chính trị gia, coi các phương tiện truyền thông thuộc về toàn dân và đảm bảo đa chiều ý kiến, các nhà xuất bản chỉ được tập trung vào hoạt động chuyên môn, dừng trợ cấp 2 tỷ mỗi năm cho các phương tiện truyền thông và loại bỏ các khoản ưu tiên giảm thuế cho các nhà báo

16. Đảm bảo quyền tự do của công dân; đưa vào trong Hiến pháp điều khoản cấm nhà nước can thiệp vào các vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thế chế gia đình.

SỨC KHOẺ, MÔI TRƯỜNG

17. Cấm sản xuất hàng hóa lạc hậu sau một thời gian ngắn - Buộc các nhà sản xuất đảm bảo sản phẩm của họ sẽ hoạt động trong 10 năm và có phụ tùng thay thế trong khoảng thời gian đó

18. Cấm sản xuất và sử dụng các loại hộp bao gói bằng nhựa và các loại bao bì khác gây ô nhiễm môi trường

19. Hạn chế ảnh hưởng và tác động của các công ty dược phẩm đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và bệnh viện

20. Cấm sản xuất các nông phẩm biến đổi gen, cấm sử dụng các loại thuốc trừ sâu gây ung thư và các bệnh thuộc hệ thống nội tiết

21. Thực hiện chính sách tái công nghiệp hóa nước Pháp nhằm giảm nhập khẩu và bảo vệ môi trường

ĐỐI NGOẠI:

22. Đưa Pháp ra khỏi NATO và cấm sử dụng quân đội Pháp trong các cuộc chiến tranh xâm lược

23. Ngừng chính sách cướp bóc cũng như sự can thiệp chính trị và quân sự vào Châu Phi; rút binh lính Pháp ở đó về nước ngay lập tức; tạo quan hệ ngoại giao với các nước Châu Phi trên cơ sở bình đẳng

24. Tạo điều kiện giúp đỡ người tị nạn nhưng ngăn chặn dòng người nhập cư mà nước Pháp không thể tiếp nhận hay hòa nhập vào văn hóa Pháp do cuộc khủng hoảng nền văn minh sâu sắc hiện nay

25. Tôn trọng luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã ký kết.

Nguồn Văn nghệ số 51/2018


Có thể bạn quan tâm