April 26, 2024, 5:44 am

Chàng du sĩ và ngày sinh của gió

 

Có lần sau khi đọc mấy chục bài thơ đánh máy về quê hương của Hồ Sĩ Bình mới đưa cho đọc, tôi có hơi ngần ngừ, nhưng ông bảo, thơ phải đọc bằng mắt anh ạ. Hồ Sĩ Bình bảo, khi thơ chưa được in trên sách báo nó có một không khí rất khác, ta có quyền tự do ngửi, hít, ngẫm nghĩ, khen chê và cả im lặng.

Quá đúng. Hôm ấy tôi thực sự “ngửi” thấy  “mùi” ca dao dân ca nên tôi bảo với ông, dân ca là dòng sữa mẹ nuôi dưỡng hồn thơ cho các nhà thơ. Nói là nói vậy chứ không phải ông không quan tâm đến hình thức, thơ tân hình thức hay thơ cổ điển chi chi. Cho đến hôm nay, ngày đầu tháng 10 năm 2021, khi nhận được tập thơ Ngày sinh của gió do Hồ Sĩ Bình gửi ra tặng, cầm quyển thơ mới của bạn khi tôi vừa đi tiêm mũi thứ hai ngừa thằng covid về, mừng quá, ấp quyển thơ vào ngực, rồi mở ra, đọc tình cờ một câu trong bài nào đó lấy hên như một lời chào đón với nhau vậy:     

“hoa cải vàng nghìn thu

cũng một màu thảng thốt”

     

“mưa bụi bay tháng giêng ơi

một chiều không đổi…”

Tôi lật thêm lần nữa: 

“chiếc cầu mới như một vầng trăng khuyết

hay trăng non cũng thế thôi mà”

Và:

“tôi tìm mẹ về nơi không có mẹ

chỉ để tim nỗi thương nhớ xa xưa”

 (quê ngoại)

Quá tam ba bận, tôi nghĩ tiếp và lật tiếp:

“hiu hắt triền đê bóng chiều hấp hối

chợt ngại ngần muốn hỏi

khế trong vườn hoa tím chưa em?...”

Đấy! “Mùi” quê hương đậm chất dân dã, nào mẹ và em nào hoa cúc, triền đê với nhịp thơ dập dìu nhè nhẹ êm đềm mà nhà Thơ Hồ Sĩ Bình là người thơ vốn không nhiều chữ nhưng nhiều nghĩa; không nhiều lời nhưng lắm ý. Ý nội, ý ngoại, ý đa chiều đa ý tứ, hiểu hay không hiểu tùy bạn! Bạn có thể hỏi ông ấy: “Gió là một vật thể không vật thể. Gió vô hình vô trạng vô thiên lủng thứ “vô” thì làm sao có ngày sinh?”. Tư duy hình tượng của nhà thơ rất gần với họa sĩ (hay ngược lại?). Tên tập thơ Ngày sinh của gió rất gợi, rất khích động gây tò mò muốn khám phá tìm hiểu của người đọc. Đọc và lần lần nhập vô ta gặp nhiều trạng thái, nhiều nỗi đời: “ái ố hỷ nộ” đủ cả. Nhưng tập thơ đã tránh xa được đức tính thật thà, mà  người ta hay gọi là “chân và thật”, “mộc” và “mạc”. Nó tránh xa được kiểu nôm na, lấy vần điệu làm khiên, lấy kỹ thuật kỹ xảo của hình thức rắc rối làm trò, làm giá đỡ. Văn học dù là thơ hay văn xuôi cũng thế, đều cần tránh xa cái tính tốt bụng thật thà nôm na ba phải. Dứt khoát phải diễn đạt giản dị. Vâng, nhất trí cao! Nhưng cái sự giản dị nó có từ trong cốt cách sống của tác giả chứ không phải người viết cố gắng gồng mình lên, mắm môi mắm lợi uốn éo lượn lờ làm duyên làm dáng làm điệu vung tay vung chân lấy sự thông minh cài cắm vô mà hay được. Âu cái sự “làm mầu” đó cũng xuất phát của bệnh ít tài, háo danh mà thành. Giản dị như: “Hoa cải vàng nghìn thu/ cũng một màu thảng thốt” hay, “Chợt ngại ngần muốn hỏi/ khế trong vườn hoa tím chưa em”. Đọc mấy câu thơ này lên tôi thấy trạng thái của mình nó cứ sao sao, gây cho tôi cảm giác mùa thu vừa đang đến lại hình như nó sắp ra đi. Thơ Hồ Sĩ Bình vừa quen quen vừa là lạ là thế, nó vừa xa xa vừa gần gần chứ không phải thứ thơ tả cảnh theo mùa.      

Xét cho cùng, nghệ thuật khởi thủy đều chỉ có hai loại hay và dở, hoặc còn gọi là đẹp và xấu. Loại thứ ba được gọi là làng nhàng trung bình, sống đồng hành cùng nhân quần như cơm áo gạo tiền, như rau củ quả, như ca dao hò vè. Ở ta chẳng hạn, cái anh thứ ba này bắt đầu là từ quần chúng, của quần chúng mà ra, nên nó đắc dụng nhất, được các nhà thủ lĩnh đề cao nhất. Họ tranh thủ và ra sức “nâng cấp” nó lên thành công cụ, kích động cho văn hóa văn nghệ quần chúng thành phong trào, cho nên người ta mới hay tổ chức các cuộc thi, thi theo đề tài. Đã làm nghệ thuật mà làm theo đề tài thì tự nó đã làm mất đi nhiều phần trăm vẻ đẹp thẩm mỹ tinh túy. Nhà nghệ sĩ cần phải biết điều ấy. Các nghệ sĩ lớn, các tài năng lớn tự họ, hay nói chính xác hơn, tác phẩm của họ tự nó tách ra đứng độc lập. Nghệ sĩ vẫn là con người, cần được sống và cần được nhìn nhận đánh giá thỏa đáng sức lao động của mình. Ở ta có nhiều cách nhìn cách tổ chức thực hiện thiết hực và có lẽ phương thức “trại sáng tác” được thể chế hóa phổ biến nhất: “Trại viết”. Trại vẽ; trại sân khấu; trại câu chuyện truyền thanh; Trại câu chuyện truyền hình. Vân vân trại và tất nhiên từ đó là vân vân giải. Hội có hội Trung ương, có hội địa phương. Giải có giải cấp trung ương có giải cấp địa phương, rất rôm rả và tất nhiên là rất xôm trò. “Ông” nhà nước là ông chủ, sẵn sàng bao tiêu hết, tất nhiên qua nhiều khâu lựa chọn. Các văn nghệ sĩ tụ tập viết vẽ sáng tác, trước khi in ra phổ biến ra, có cả một “cục” được gọi là Cục xuất bản canh giữ nghiêm ngặt. Thơ phong trào là thơ quảng đại và ưu ái nhất. Nó được nâng cấp lên cao đến mức, người ta tổ chức được hội nghị thơ quốc tế. Tôi đã từng nghe trong một cuộc hội thảo thơ quốc tế hẳn hoi tổ chức ở Hà Nội, có một nhà thơ nước ngoài thấy thơ của ta rầm rộ quá đã phát biểu: “Việt Nam là cường quốc thơ!”. Các nhà văn nhà thơ ta hồi ấy và cho tận đến bây giờ vẫn tin là thật. Các vị thấy câu tôn vinh ấy quá đúng, quá hay! Hồi đó tôi cũng vận vào tôi mà nói vui một câu, ở ta, ngày chiến tranh ra ngõ gặp anh hùng. Thời nay ra ngõ gặp nhà thơ. Nên mới có câu: “Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ta nhất định thắng, thơ nhất định… thua!”.

Thật là một niềm hân hoan cho các phong trào!

                     *

Hồ Sĩ Bình là một trong những nhà thơ thuộc lớp người làm thơ không được ưu ái, cưng chiều trong các phong trào. Ông lớn lên “gặp buổi gian nan”, vốn là một sĩ tử văn khoa  kinh  thành Huế sau 1975 lên miền cao Gia Nghĩa lập nghiệp, dạy học, kiếm sống. Trong cuộc sống ấy, có khi, có lúc tác giả:

“đã tan loãng

vừa đủ điều chỉnh cho mình

bớt đi một chút trống vắng

những khi ấy thèm được tiếng người hào sảng

tôi úp mặt vào khuya

thấy mình là đám mây núi

không xuống được mặt đất trần gian

và không bay lên được

cứ thế lưng chừng mãi sống mòn…”

                 (quán nhỏ lưng đèo)

Nhiều khi ngồi: “nghe thế sự buồn lau lách/ngọn cỏ phiêu bồng như cõi không” của người trai giang hồ không muốn giang hồ. “Nếu không còn ai chờ/ cốc rượu sẽ hoang vu/ khi không ai ngồi xuống/ tôi sẽ như con ve xẹp lép”. Và, “tôi sẽ đánh mất tôi”. Rồi thêm nữa: “có ai tính bóng tối tháng ngày du sĩ tìm chốn nương thân/ đáng lẽ, em về ngồi xõa tóc để mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ/ câu hát ngày xưa mẹ ngồi hát nơi bến sông/ trong tiếng ve của khúc nhạc đồng ca mùa hè thị xã/ bóng mát đã bị đánh cắp…” (Ve và trí nhớ)

Đấy, cuộc sống bất ổn đầy những khúc ca hoang dã như dàn nhạc ve sầu của chàng du sĩ “nghe thế sự buồn lau lách”.

Không thể trích hết những câu thơ hay, những bài thơ tôi thích, nhưng, xin mời bạn đọc hết bài thơ Uống rượu giữa rừng ở trang 24 trong tập Ngày sinh của gió, theo tôi đây là bài thơ hay nhất viết về người Tây Nguyên của Hồ Sĩ Bình mà các bạn thơ Tây Nguyên cũng phải ghen tị.

Cuối cùng tôi cũng phải nương tựa vào câu thơ rất cụ thể mà cũng rất vô hình ông nhà thơ du sĩ Hồ Sĩ Bình chỉ ra cho ta biết “ngày sinh của gió” là có thật:

“đêm cựa mình

ngày khai sinh của gió

phập phù trôi lạc

đêm mở mắt ngỡ ngàng âm vọng

tiếng chim ăn đêm không thấy hình

đập cánh giữa ước mơ vụn nát…

theo ngàn ngọn gió chiều vàng

dẫu tình yêu chẳng bao giờ có lỗi”

Chàng du sĩ Hồ Sĩ Bình không bao giờ dừng bước giữa đời dẫu đường có xa mấy, “cầu có gẫy” thì chàng vẫn có “ngày trở lại (tuổi trẻ) ngỡ lòng như ngọn khói/ bỗng lao xao bếp lửa ở bên trời” (Tự khúc).

Xin nâng li rượu hồng chúc mừng “ngày sinh của gió” và chúc mừng chàng du sĩ không quản nắng mưa bão bùng bởi chàng “vẫn còn tin yêu” vì “tình yêu chẳng bao giờ có lỗi”.

Nguồn Văn nghệ số 49/2021


Có thể bạn quan tâm