April 20, 2024, 5:39 am

“Chẳng có gì qua mất đâu anh”

 

Nhiều khi ta tự bóc mình như bóc một trái cam,

chợt ngọt đầu môi mà se se đắng…

(Nhiều khi)

Câu thơ giản dị, chân thật mà khiến tôi giật mình: Nguyễn Thanh Kim là thế đấy, ẩn sau vẻ bên ngoài nhỏ nhẹ, khiêm nhường đến lặng lẽ của anh là một chiều sâu đắng đót của thế thái nhân tình, một chiều sâu cảm xúc muốn “bóc mẽ” ra mọi điều, tưởng như vẫn ẩn kín trong cõi đời phù vân và cát bụi: Cõi trần ơi hỡi cõi trần,/ lữ hành cát bụi, phù vân dặm chiều!..(Dặm chiều).

Tưởng như hai câu thơ này sẽ dễ dẫn anh đến mệt mỏi và buông trôi. Nhưng không, Nguyễn Thanh Kim cắn răng viết một câu thơ đầy bút lực mạnh mẽ: Sáu mươi tuổi, một đời người,/ một tôi lận đận, một tôi kiếm tìm.

Anh đi tìm gì? Đương nhiên là tìm ra lý do để mình có thể tồn tại một cách hữu ích cho đời, tìm ra chút gì thiêng liêng, xứng đáng để mình có thể say mê và sẵn sàng thành tâm tạo hoàn cảnh ký thác số phận mong manh của mình lại cho mọi người, lại cũng còn vì chút duyên nợ là mình đã được sinh ra, được sống, được làm người, mà mình nguyện phải đáp đền. Anh nhìn vào thiên nhiên, vào xã hội, và dù chỉ một vẻ đẹp hết sức bình dị, như được ngắm nhìn một làn suối thật trong, hoặc cảm nhận thấy được lòng tốt của con người, dù ở xa ngút ngàn mà mình chưa được hưởng, nhưng như thế cũng đã là đủ để làm anh cảm kích và ghi nhận: Suối trong quá khiến cho ta nóng ruột,/ bộn chút thôi cũng mưa nắng chạnh lòng/ đời đã vậy, xin cứ là như vậy/ áo ướt rồi, đâu chút ấm ai hong?/ … Lòng tốt con người ngút xa vời vợi/ chuyện ngỡ yên lại ập đến xé lòng,/ hai tay trắng mà trời thăm thẳm thế/ đáp đền ư? – Thả duỗi một đời mong! (Lời nguyện)

Với tấm lòng mở ra với đời đầy nhân hậu như vậy, sẵn lòng cống hiến mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào, anh chỉ biết tự vấn lương tâm mình, xem lòng mình có đủ mặn mà với đời không, chứ không hề đặt ngược lại vấn đề, là cuộc đời “vô thường” kia có gì đền đáp lại cho mình: Biết lòng ta có mặn/ vỗ thấu bể vô thường? (Bến)

Tuy nhiên, không phải cứ mang tấm lòng tin yêu cuộc đời và sẵn sàng hướng tới cái Đẹp, cái Thiện trong đời như vậy, mà Nguyễn Thanh Kim vội bỏ qua đi sự đua tranh khắc nghiệt trong hiện thực, cũng như quên đi bản lĩnh cần phải có, để chiến đấu khốc liệt vượt lên số phận. Trong bài thơ viết về những khóm ngô mọc xen kẽ trên mép núi đá vùng cao, Nguyễn Thanh Kim tuy rất kiệm lời, nhưng đã nói lên được cái thế đứng dũng mãnh, đầy tính nhân văn ấy của cây ngô, dám đua tranh sòng phẳng cùng đá núi khô cứng, thô nhám và vô cảm kia, để có thể trổ cờ và kết bắp cho đời: Chạy cùng đá/ ngô phất cờ/ chen cùng đá/ ngô trổ bắp/ cuộc đua/ không cân bằng/ nào dứt.

Nhưng cuối cùng, Con Người kiên trì và mạnh mẽ đã thắng: Bao nhiêu/ nước sông Nho Quế/ tưới ướt đá/ bao nhiêu/ phù sa Nho Quế/ rải khắp đá/bao nhiêu/ mồ hôi người Mông/ thấm đẫm đá… (Chạy cùng đá, chen cùng đá)

Đã dám nhìn thấu tận đáy bản chất đấu tranh sinh tồn của sự vật, đưa lên bàn cân để tính ra những gì được - mất sòng phẳng trong đời, nhưng Nguyễn Thanh Kim cuối cùng vẫn giữ lại bản chất một thi sĩ, anh không muốn tính toán “được -thua” theo kiểu làm kinh tế, nên cuối cùng, trong chùm thơ“Ký ức không có tuổi”(mà cái cách nhìn lại ký ức “quên quên nhớ nhớ” này cũng rất thi sĩ!), khi anh điểm lại thành - bại trong đời mình, thì anh cũng lại muốn xuề xòa bỏ qua hết mọi lẽ thiệt hơn ở đời, khi chỉ so sánh nó với một cuộc hẹn hò trong tình yêu, không cần toan tính gì, vì khi đã yêu rồi, nào có nên tính làm gì phần ai thắng với ai thua: Giá như mình đừng thắng/ giá như mình đừng thua…

Dám buông bắt như vậy, vì anh tin vào vòng quay của số mệnh, và chấp nhận sự thắng-thua của số mệnh, mà đối với anh, quá trình hình thành để bật ra một nhận thức, một quan niệm, một thái độ.., có khi còn quan trọng hơn kết quả: Thắng thua thành số mệnh/ giữa luẩn quẩn vòng đua!

Với cách sống hay “cả nghĩ”, có khi còn hay đa sầu đa cảm ấy của mình, Nguyễn Thanh Kim vẫn rất tự biết mình là “dại” là “khờ”, nhưng vì cái “nghiệp văn chương” đeo đẳng, mà anh đành không thể có cách nào bỏ được: Thời gian in/ vầng trán nhà thơ/ nét khắc vô tri/ Niềm hy vọng/ cách một tầm tay với/ Anh/ kẻ dại khờ/ kẻ dại khờ muôn thuở!... (Soi gương).

Không những nhà thơ tự biết mình là “kẻ dại khờ”, anh còn hoài nghi là ở tận cuối con đường mà anh dấn thân với cả tình yêu sâu nặng thế, liệu có gặp được ai không, liệu có điều gì hứa hẹn sẽ đền đáp cho tình yêu của anh không: Anh đi về phía không em/phía trời xa có ngọn đèn ngóng trông,/ ngô đồng, ơi hỡi ngô đồng,/ mỏng như câu hát bềnh bồng cõi anh!...

Đấy là thơ tình, nhưng thực ra vẫn là những câu tự sự, tự cảm thương đến đắng lòng. Nhưng xin anh đừng băn khoăn thêm nữa: Mọi người đọc anh luôn luôn tìm thấy trong thơ anh điều mà một bác thợ già đã từng chia sẻ cùng anh: Những mảnh vỡ tái sinh vẹn toàn/ trong lửa hoàn nguyên sáng chói,/ Và giọng bác thợ già cất lên vời vợi: “Chẳng có gì qua mất đâu anh!” (Lời của bác thợ già).

Bác thợ già cũng đã nói đúng về Thơ của anh: Sẽ chẳng có gì qua mất, khi anh đã gắn bó cả đời mình sâu nặngvới Thơ. Và tôi tin rằng - dẫu muộn - trong hành trình sáng tạo của mình, thơ Nguyễn Thanh Kim dần dà chín tới - như anh hằng mong muốn: “Khát vọng chân trời vời vợi/ chẳng bao giờ là điều viển vông/ biết bao mùa hoa trong nỗi chờ mong/ cứ lắng lại ngọt ngào chất mật”. Anh không cần phải “tự bóc mình như bóc một trái cam” ra, để thể nghiệm mình thêm nữa, anh có thể yên tâm, rằng những câu thơ đầy cảm xúc chân thành của anh chắc chắn sẽ còn sống lâu trong tâm tưởng và trong tình yêu của bạn đọc.

Nguồn Văn nghệ số 31/2020


Có thể bạn quan tâm