March 29, 2024, 7:16 pm

Chân lý qua những chuyến đi

Đọc anh khá nhiều vậy mà tôi chưa có ý định viết một cái gì đó về tác phẩm và con người anh. Không phải do tôi không thích mà cái chính là do đã quá nhiều người nổi tiếng mổ xẻ từng mảnh tâm hồn anh rồi. Với lại, với cái tầm nhìn hạn hẹp, nếu tôi viết, e rằng sẽ không với tới những gì mà người đi trước đã viết.

Thế rồi tôi thay đổi suy nghĩ vào một ngày mưa.

Vũng Tàu những ngày này trời bỗng mưa. Những cơn mưa kèm theo gió mạnh thổi tung cánh cửa sổ nơi tôi ở, nước từ trên cao đổ thẳng xuống những con hẽm nhỏ, hất tung những tấm áo mưa của người đi đường. Nước tụ thành dòng, nước chảy thành sông ở những con đường lớn. Tạm gác lại những lo âu trăn trở thường nhật, tôi ngồi say sưa bên tác phẩm thứ mười bảy của anh.

Xê dịch ký & vạn lý hành xuất bản giữa năm 2022 cùng lúc với tập Qua sông nhặt bóng của anh. Tác phẩm là những câu chuyện viết trong và sau những chuyến đi. Theo suy nghĩ của tôi, đó là cuốn sách đáng đọc cho bất kỳ ai.

Tôi cũng đã từng đi du lịch trong nước và qua vài nước trên thế giới. Và giờ, sau khi đọc xong cuốn sách của anh, lòng mới vỡ ra, mình là kẻ lười biếng thứ thiệt!

Nhà thơ Lê Huy Mậu

Nói theo cách của anh thì, với cuốn sách này, nhà thơ Lê Huy Mậu như một người thợ xây ngôi nhà cho chính mình. Lúc anh đi không chỉ là tham quan, du lịch mà anh còn nhặt nhạnh, gom góp. Kết hợp sự hiểu biết, vốn kiến thức am tường, và giờ là lúc anh xây dựng cho tác phẩm hoàn thiện. Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Ba Lan, Đức, Nga, Pháp... Nếu nói cả tác phẩm là một ngôi nhà đẹp thì có thể coi mỗi bài viết của anh về một nơi đến, một điểm đi là một căn phòng đẹp. Bởi vậy, tôi nể phục anh không chỉ ở kiến thức, sự tìm tòi trong cách viết, cách kể mà còn nể về sự nghiêm túc trong lao động chữ nghĩa. Như anh tự nhận, anh là một người may mắn. Cái may mắn đến với anh khi tuổi đã bước sang giai đoạn quá lục. Với cái tuổi ấy, đi và viết là cả một sự! Vậy mà lạ, đọc, ta không nghĩ đó là một người không còn trẻ. Vẫn cách kể chuyện hài hước và có phần lém lỉnh, anh dẫn dắt người đọc đi từ nơi này qua nơi khác. Có đoạn, đọc lên tự nhiên ta bật cười.

Trong một chuyến đi anh phát hiện ra, có những hãng hàng không, có nhiều “bà tiếp viên” chứ không phải toàn “cô tiếp viên” như ta từng biết. Với nhiều người trong đó có tôi, cái sự đi nước ngoài có nhiều chuyện cười ra nước mắt, cũng vì mình kém hiểu biết. Thường thì ta giấu nhẹm cái sự kém ấy đi. Đằng này Lê Huy Mậu lại bày nó ra phênh phang trên giấy cho cả bàn dân thiên hạ biết. Vậy mà, biết rồi lại không ai chê cái sự ấy mà lại vui. Vui vì sự chân thật quá cỡ của anh!

Có đoạn văn tả thực, rất thực: “Tôi ngồi cạnh một ông Tây to, đen nhấp nhánh. Giày của ông trông giống như cái thuyền. Tôi không biết bàn chân như ông Tây này thì mua giày ở đâu? Bên phải tôi là một ông Nhật Bản. Ông này lại nhỏ thó. Vừa nhỏ vừa lùn. Ông này suốt buổi chỉ ngồi điền số vào ô trống trong cuốn sổ mang theo. Ông chơi mê mải...” (Tr.65)

Trang 104, khi anh viết về Moskva: “Bỗng nghĩ, lão Putin sướng thật! Làm tổng thống mà dân no ấm, lại văn minh lịch sự, đi đâu cũng thấy toát lên một tinh thần văn hóa cộng đồng thế này mới sướng chứ!...

Dọc hành trình đi và viết, nhà thơ Lê Huy Mậu thường có nhiều liên tưởng so sánh. Nhìn hiện tại so sánh với cái đã qua. Nhìn người ta lại so sánh với mình và cái kết thúc là rút ra một bài học tốt cho riêng mình và mọi người. Đi nhiều lại học được cái văn minh, lịch sự tối thiểu như khi ở nhà, khi đi chơi cùng bè bạn. Anh so sánh thiên nhiên ở nước ngoài với thiên nhiên của ta. So sánh người nước ngoài với người Việt ta.  So sánh nền văn hóa của họ với nền văn hóa ta. So sánh thủ đô của họ với thủ đô của ta. So sánh lãnh đạo nước họ với lãnh đạo của ta và lại còn dám so sánh nếu mình được làm lãnh đạo (dù biết chắc là nó chẳng khả thi tẹo nào) nữa mới gớm mặt!!!

Mệt lắm, nhưng nếu mình làm lãnh đạo đất nước, mình sẽ thực thi ngay kế sách này - Chung cư tất! Các vị muốn có biết thự sân vườn rộng rãi ư? Xin mời lên Hòa bình, Sơn La, Mộc Châu...” (Tr.107)

Trong Xê dịch ký... đọc ở đâu, ta cũng có thể bắt gặp cái thực, cái gây cười như thế. Có thể đó là cái khiếu vốn sẵn có trong con người anh. Bởi, nói thật, nói chuyện với anh, nhiều người trong đó có tôi, có khi quên cả người ngồi bên mình...

Tôi nói thật, kể chuyện, và nhất là kể để thành sách, thành tác phẩm thì có rất nhiều người, nhưng, để đạt đến ngưỡng làm cho người đọc thấy thích thú đọc hết trang này lại muốn đọc trang tiếp theo thì lại không nhiều. Và với tôi, Xê dịch ký & vạn lý hành đã làm được điều đó!

 Một thoáng New YorkĐi chơi gôn ở MỹĐi NgaNghĩ giữa “phê đô”, hay Đường về quê Phật...  đọc mà khiến như ta đang đi, đang hành trình, đang xê dịch cùng với người viết vậy.

Tôi đọc trên Facebook của anh nhiều và rồi khi đọc Xê dịch ký & vạn lý hành thì thấy, nói như nhiều người, nhà thơ Lê Huy Mậu không chỉ có nhiều bài thơ hay đi vào lòng người để khiến anh nổi tiếng mà anh viết văn, viết truyện cũng rất hấp dẫn. Hấp dẫn bởi cái tài kể chuyện. Đó là những câu chuyện mắt thấy tai nghe. Những nhân vật có thật, sự việc có thật. Tuy nhiên tuỳ theo cái sự nhớ quên hoặc có thể là do cố tình sắp xếp mà có những cái tên anh không nói ra.

Ngoài cái chân chất mà dí dỏm thì với nhiều người, những đoạn văn tả cảnh, tả người  của anh lại hay đáo để, có thể cắt ra làm văn mẫu...

Đầu đông, những rừng phong như đang lưu luyến chia tay những chiếc lá cuối cùng. Khu rừng giữa trung tâm thành phố khiến cho tòa nhà quốc hội như đặt giữa chốn bồng lai. Dòng sông ôm quanh thành phố để trừng vàng cho nghành du lịch Đức. 12 Euro cho một chuyến du thuyền vòng quanh Berlin...” (Tr.55)

“Trước mặt tôi có khi là cánh đồng thẳng cánh cò bay. Xa xa là một bìa làng hay một rặng cây xanh mờ cuối tầm mắt. Những dòng sông trên khắp thế giới đều có một vẻ đẹp yên ả tĩnh lặng và nên thơ. Bầu trời đâu đâu cũng giống nhau. Những đám mây lơ lửng ngỡ như nó vừa tuổi thơ bay tới...” (Tr.180)

 Đi và viết trong gần mười nước. Số người được như anh không nhiều. Anh đi và kể chuyện cho người chưa được đi đã đành, anh còn kể cho những người đã đi rồi mới hay! Cái lưu truyền, để lại nó có giá trị văn hóa là ở chỗ đó.

Cái cốt cách của người Việt là sự thật thà, chăm chỉ, hiếu khách, và sống có trước, có sau. Tôi đọc và biết, trước những chuyến đi anh quen biết và làm bạn với những người Việt sống ở nước ngoài không nhiều, nhưng sau những chuyến đi thì anh có thêm những người bạn tốt. Họ giúp đỡ anh và đoàn. Họ còn không tiếc thời gian và tiền bạc để có thể đưa anh và bạn bè đi nhiều nơi, giới thiệu những món ăn, thức uống, những điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng. Họ đã là ngôi nhà để anh tá túc, là nơi để anh nhớ khắc sâu vào tâm trí. Thậm chí anh còn dành thời gian để viết hẳn một lá thư. Lá thư trở thành một phần trong cuốn sách. Đó là câu chuyện cảm động. Là lời cảm ơn chân tình đến những người bạn...

Chuyện các nhà văn, nhà thơ được đi để giao lưu văn hóa, mở mang tầm nhìn, tầm hiểu biết cũng nằm trong chương trình, chiến lược quảng bá văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là cơ hội. Không chỉ thế mà đó còn là thách thức lớn khi những năm gần đây, chính sách, cơ chế mở cửa cho các nhà văn, nhà thơ được đi không nhiều. Vậy mới biết, giá trị của mỗi chuyến đi rất là lớn.

Cái may mắn mà nhà thơ Lê Huy Mậu nhắc đến có lẽ nằm ở chỗ đó!

Không chỉ có kể về những chuyến đi xa sang các nước, trong tập Xê dịch ký & vạn lý hành còn có những chuyến đi trong nước. Mỗi câu chuyện là một bài học, một kỷ niệm, một cách nhìn về thế giới xung quanh… Có lần anh kể về chuyến đi Song Tử Tây, lần đó anh gặp và trò chuyện một chiến sỹ hải quân mang quân hàm Đại úy đang làm nhiệm vụ ở đây. Chiến sỹ này nhà cũng ở Vũng Tàu. Nói ra mới biết, đó chính là em trai chồng tôi. Tưởng câu chuyện cũng để kể cho vui, nhưng sau đọc phần Đảo Song Tử Tây ký mới biết chi tiết này cũng có trong sách. Vậy mới biết, những chi tiết nhỏ đôi khi là một câu chuyện dài… Lần đó nhà thơ đã cho ra đời bài thơ hay nói về những luống rau trên đảo, nói về những gian khó hy sinh của những người làm nhiệm vụ canh giữ biển trời cho Tổ quốc.

Những đoạn văn viết về quê hương, những chuyến đi và về, sâu lắng và cảm động lắm lắm. Tôi còn nhớ rất rõ những đoạn văn tả về món nhút Thanh Chương - Nghệ An trong Thanh Chương – Nhút lai ký. Rất quê hương và cũng rất thấm đẫm tình người…

Nói về tác phẩm mới này của nhà thơ Lê Huy Mậu, tôi ấn tượng nhất cái đoạn nhà thơ buồn bởi cái sự đời nó khôn lường lắm, khi ta nhận ra trong thế giới, cái khôn dại, cái được mất, cái thật giả đang hiện hữu: “Hình như lòng mình mang một nỗi buồn thầm lặng. Gần đất xa trời rồi mà vẫn thấy chân lý mình đi tìm vẫn còn xa với vợi. Sau chén rượu quê, sau nói cười giã lã là một khoảng trống vô biên. Dòng sông Lam chảy qua trước nhà chừng như cũng hiểu được lòng mình nên nó cũng mệt mỏi chậm buồn trôi như một người thất trận!” (Tr.148)

Nhưng rồi tôi tin. Một Lê Huy Mậu gốc gác nông dân, một Lê Huy Mậu vào sinh ra tử, một Lê Huy Mậu đã làm lãnh đạo rồi làm dân thì ắt những nỗi buồn thế sự ấy chỉ là một động lực để anh biết cách yêu hơn Tổ quốc mình, yêu hơn nhân dân mình. Bởi với anh, những chuyến đi là hành trình đi tìm chân lý sống, không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả mọi người, trong đó có tôi. 

Châu Hoài Thanh

Nguồn Văn nghệ số 49/2022

 

Có thể bạn quan tâm