April 24, 2024, 8:17 am

Chân dung người lính hậu chiến

 

Nhân vật chính của Hạc hồng là anh bộ đội Lương Hải Hựu, sau hơn chục năm trong quân đội thì chuyển ngành sang cơ quan dân sự, hiện tại là một viên chức về hưu sớm do hoàn cảnh tạo tình thế buộc phải lựa chọn. Nhà văn đặt nhân vật vào tình huống tuy không bất ngờ, nhưng đó là một tình huống mở để tạo nên độ dầy dặn cho nhân vật.

Một trong những chủ đề mà tiểu thuyết Hạc hồng đề cập là Kitô giáo trong sự hòa hợp giữa đạo và đời. Đó là chủ đề “khó nhằn” mà Hạc hồng của Lê Hoài Nam đã động chạm đến và đã thể hiện một cách xử lí khá mạnh dạn.

Lương Hải Hựu có chức vụ Phó Giám Đốc từ rất sớm, thời gian làm lãnh đạo cũng tới hơn chục năm. Những cuộc chờ đợi lên chức Giám Đốc cũng kéo dài hàng chục năm. Những bằng khen giấy khen, những lời khen tới tấp “có năng lực chuyên môn tốt” cũng không làm cho Hựu được chuyển ngồi vào chiếc ghế giám đốc. Trong cuộc chạy đua ấy, Hựu bị thua đau bởi những em trai giám đốc cũ, bạn thân giám đốc cũ, người thân cận của sếp cũ, vân vân… Lí do khiến Hựu không thể lên được chức giám đốc vì anh không phe cánh và không ngại nói thẳng những điều mà đáng lẽ chỉ nên nghĩ trong lòng. Thể hiện trong chi tiết Hựu đối thoại với Giám đốc Hoàng Ngọc Tốt: “em trai anh chuẩn bị kế nhiệm… bị đuổi học từ năm thứ nhất đại học, đi làm ở hiệu cầm đồ, chẳng biết bàng cách nào rồi cũng có bằng đại học. Tôi không sính bằng cấp, nhưng loại như em trai ngồi vào ghế giám đốc chỉ làm cho ngành chúng suy yếu, còn dân thêm hoài nghi thể chế của chúng ta thôi”. Nhà văn đã để cho nhân vật nói hộ những thực trạng nhức nhối diễn ra trong xã hội từ nhiều năm nay, tệ nạn con ông cháu cha, chạy quyền chạy chức. Một thực trạng đã và đang tồn tại như một thứ ung nhọt nhức nhối mài mòn và gấm nhấm dần niềm tin của con người vào thể chế. Nhà văn cũng không ngần ngại nói thẳng ra vấn đề cần chính quyền cần quan tâm, đó là làm thế nào để xây dựng niềm tin của dân vào thể chế. Khi phải viết đơn xin về hưu, Hựu bị buộc phải ghi thông tin sai với lí lịch bản thân, như không có bằng đại học, hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, và anh nhất quyết không đồng ý. Hựu đã gọi điện thẳng cho bí thư tỉnh ủy là không làm như vậy với lí do nhỡ có kẻ tố cáo khai man lí lịch để thăng tiến quyền lực. Phải chăng có câu hỏi đặt ra, khi nào con người được sống thật với phẩm chất tốt đẹp của mình mà không phải luồn lọt? Cách giải quyết của ông Bí Thư tỉnh Ủy cũng rất trung dung: “khi tôi còn ngồi đây thì không ai dám kiện tụng anh đâu, vả lại anh không tham nhũng, không làm gì xấu xa, và về hưu rồi thì ai kiện tụng anh làm gì?”. Người đọc có thể không thỏa mãn với cách này, nhưng đó là cách giải quyết hữu hiệu có thể nhất trong điều kiện hiện tại. Nhà văn đã cho thấy hiện thực ở xã hội việc buộc phải “gọt chân cho vừa giấy”, không được sống đúng con người mình, một nỗi đau nhức nhối âm ỉ trong tâm hồn người lính đã đi qua chiến tranh.

Lương Hải Hựu về hưu sớm khi mới năm mươi bảy tuổi, không giầu có, song vẫn đủ điều kiện để sống an nhàn. Có một mảnh đất vườn trồng cây ăn quả, có ngôi nhà nhỏ đủ tiện nghi để đọc sách và có thể cả viết lách nữa. Có một gia đình đủ bốn thế hệ tứ đại đồng đường luôn quan tâm yêu thương nhau… Tất cả những điều kiện đủ đấy và hoàn hảo ấy đều do một tay con gái Lương Hải An, làm phó hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở thị trấn và và người con rể tài giỏi làm kinh doanh tạo nên. Đối với Hựu, có lẽ đó cũng là nguồn cơn của “cú sốc” về hưu. Sau bao năm cống hiến, người lính trở về vẫn dường như tay trắng, vẫn dường như phải làm lại từ đầu trong cơn lốc kinh tế thị trường. Dù sao thì việc anh bị bệnh tiểu đường minh chứng cho quy luật khá phố biến: thoát khỏi làm quan để về làm dân cũng không phải là điều dễ cân bằng. Bị bệnh nằm viện điều trị là chuyện rất bình thường, nhưng từ nút thắt này cuộc đời Hựu mở ra trang mới. Chỉ có một tháng nằm viện mà Hựu có thời gian ngẫm nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Bệnh viện Hoa Huệ, nơi Hựu nằm điều trị, là bệnh viện của người Kitô giáo. Nhân viên bệnh viện ân cần nhân ái, tiền chữa bệnh phù hợp với túi tiền người về hưu. Bệnh viện nhận chữa bệnh cho tất cả các đối tượng trong xã hội, từ kẻ giang hồ trộm cướp đến chính khách nhà thơ, quan chức… không phân biệt chức vụ địa vị công việc. Không gian bệnh viện giống như nơi nghỉ dưỡng chứ không phải nơi chữa bệnh. Phải chăng nhà văn muốn hướng đến hình ảnh đẹp của tương lai, hoặc như lời nhắn gửi, sau bào tranh giành hơn kém bon chen, nơi mà ai cũng phải đi đến là bệnh viện…

Sự hài hòa gần gũi giữa đạo và đời được bắt đầu bằng mối quan hệ khá mơ hồ giữa linh mục Dương Khắc Thiệu và người lính Lê Hải Hựu, và khởi sự bằng cầu nối hiện đại là facebook. Mối quan hệ rất ảo, mà lại rất thật. Những bài giảng của linh mục đã cởi dần những nút thắt xa cách. Đó là quá trình Hựu chứng kiến việc làm, lời nói, sự giảng giải đạo lí phù hợp cuộc sống hiện đại theo kiều mưa dầm thấm lâu, đã mang lại sự bình tâm cho ông quan về hưu Lương Hải Hựu.

Việc Lương Hải Hựu và linh mục cùng hợp tác để xây dựng nhà máy xử lí rác là việc làm hương tới xây dựng một xã hội trong sạch như ý muốn tốt đẹp của bên đạo và bên đời. Việc làm ấy có thể rất khó khăn khi vấp phải lòng tham của chính con người. Sự xuất hiện của nhân vật Tốt trong việc hiến kế chiếm đất, xây đên thờ thành hoàng làng lấy tên mình, nghĩa là xây đền thờ khi đang sống, minh chứng cho sự xuất hiện của con quỷ dữ tham lam mê muội trong bạc tiền nhơ nhuốc.

Lương Hải Hựu có dịp tĩnh tại nhìn về quá khứ. Đó là khi anh đã bỏ lại chiến trường mối tình sâu nặng với Hoa; khi anh chứng kiến sự hy sinh của chính ủy Dương Khắc Giới; khi nhìn biết rõ về cái duyên đưa đẩy người con trai Chính Ủy là Dương Khắc Thiệu trở thành linh mục chăm sóc phần hồn cho con người; là hành trình kiên cường và nghị lực học tập để làm lại cuộc đời của Hoa trong bệnh viện Hoa Huệ. Nhưng bao năm qua, những con người ấy lại tồn tại bên ngoài cuộc đời Hựu, như một dòng sông cùng khởi nguồn mà lặng lẽ chia sang một dòng khác trong cuộc đời này. Để cuối cùng, sau bao thăng trầm Hựu mới được gặp lại, được đắm mình vào dòng sông ấy, để rửa trôi những ngộ nhận, những ấn ức bon chen phiền muộn.

Tiểu thuyết Hạc Hồng có ưu thế về lối kể chuyện hiện thực phù hợp với tâm thế nhân vật là người già đã về hưu không màng thế sự. Nhưng chính cách vận dụng tối đa thủ pháp ấy đôi khi cũng khiến cho câu chuyện được kể lại bị nặng nề tính hồi ức; vẫn còn những nhân vật xuất hiện khá mờ nhạt, chưa có tính cách như nhân vật con rể của phó giám đốc Lương Hải Hựu. Điều này để lại nhiều tiếc nuối cho người đọc khi không được tiếp cận với một thế hệ trẻ giỏi giang thông minh và tư duy hiện đại hơn ./.

Nguồn Văn nghệ số 12/2019

 


Có thể bạn quan tâm