April 26, 2024, 4:12 am

Chân đèo bão cát

Đèo Ngang với những thảm hoa mai vàng rực rỡ nhuộm mưa phất phơ tháng giêng, tháng chạp; những triền hoa sim, hoa mua tím ngát nhuộm nắng tháng tám, tháng tư... được tô điểm thêm bởi những làn khói lam chiều trắng mỏng, bịn rịn  trên những mái rạ yên bình của làng Ngưu Sơn nay là thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, một ngôi làng bé nhỏ và khổ nghèo rụt rè nép mình bên dòng sông Xích Mộ trong xanh uốn lượn dưới chân đèo Ngang như đường cong eo thắt một nàng sơn nữ vừa bước qua tuổi dậy thì…

Nhưng đó là đèo Ngang của hơn ba mươi về trước. Còn bây giờ dù ai giàu trí tưởng tưởng đến mấy cũng không thể mô phỏng nổi được bức tranh sơn thủy ấy nữa rồi! May chăng trong lời trăng trối trên vách đá kia còn vọng lại câu thơ của bà huyện Thanh Quan, hay lời ai điếu khóc thay cho kẻ tiều phu nào đó bị gục chết bên dòng suối khô khi núi rừng đã cạn kiệt văng vẵng vọng về. Bây giờ đứng trên đèo Ngang nhìn xuống thung lũng Hoàng Lễ, một vùng đồng bằng nhỏ bé nằm lọt thỏm dưới chân đèo bị kẹp lại bởi hai ngọn núi Cành Long (Mũi Độc) và Cành Hổ (Mũi Đao) là những xóm làng, công trình, giao thông, nhà cửa mới mọc lên sau khi Khu kinh tế Vũng Áng ra đời và cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới được phát động. Nhưng mọi thứ vẫn còn ngổn ngang chưa có thể định dạng được hình hài vùng quê này sẽ như thế nào?

Ai hay, những thửa ruộng ré, ruộng lòn lác đác dưới thung lũng ấy đang bị xâm lấn bởi các dự án nuôi trồng thủy sản với những ao cá, ao tôm ma của những tập đoàn ma, doanh nghiệp ma nào đó cho đào đắp lên để giữ đất rồi bỏ hoang giữa trơ gan tuế nguyệt. Trong lúc người dân mất đất, mất ruộng mặc dù họ đành phải chấp nhận  trở thành kẻ tôi tớ, làm thuê, làm mướn cho những ông chủ mới ngay trên chính những thửa ruộng của mình, nhưng oái oăm thay cũng chẳng có việc gì để mà làm nữa rồi!

Xuyên qua thung lũng Hoàng Lễ với những xóm làng và những công trình dở dở ương ương ấy, là những tia nắng xiên khoai cáu gắt và con sông Xích Mộ ốm yếu đang nai lưng ra hứng lấy những cơn bão cát ném xuống ào ào từ  phía cửa gió Hải Môn. Số phận của con sông này có lẽ sắp được định đoạt, bởi lời tiên đoán của nhà nghiên cứu Hyppolite Le Breton, tác giả cuốn An Tĩnh cổ lục từ khoảng 100 năm trước rằng, nếu không có chiến lược gìn giữ sông Xích Mộ sẽ bị vùi lấp chẳng khác nào số phận của con sông Khe Rào ở thung lũng Vĩnh Sơn ngay phía Nam chân đèo Ngang (thuộc địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình ngày nay) từng bị cát từ ngoài khơi Vũng Chùa ném vào, bồi lấp hoàn toàn vào khoảng 2 thế kỷ trước. Cũng theo Hyppolite Le Breton thì cửa sông Xích Mộ vào khoảng 4 đến 5 thế kỷ trước nằm lệch về hướng Bắc nhiều hơn vì không chỉ những ngôi mộ cổ, mà cả những đồn lũy bảo vệ lối đi qua Mũi Độc cũng bị chôn vùi dưới cát đã dịch chuyển từ Tây Bắc sang Đông Nam, nổi bật là đồn Đáo Đầu. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cầm quân đi đánh Chăm Pa, khi qua thung lũng Hoàng Lễ thấy đồn Đáo Đầu đã bị cát xâm lấn hết nên đành dẫn đạo quân sang hướng khác và làm câu thơ: “Xưa thành Đáo Đầu bảo vệ xứ này, bây giờ đồi cát lại là thành trì để chống giặc Chăm Pa”.

Xích Mộ là một con sông rất kỳ lạ! Theo truyền thuyết thì sông này do ông Thành Hoàng đạp đất lên tạo thành một kẽ nứt theo hướng Tây sang Đông với chiều dài chưa đầy 10 km. Sông được bắt nguồn từ Khe Thờ đèo Ngang, từ đó uốn lượn một vòng theo chân núi, đến đoạn Bãi giữa cạnh làng Ngưu Sơn thì chia làm 2 nhánh chảy quanh một vòng tròn rồi hợp lưu đổ ra cửa Hải Môn. Tuy nhiên, nếu đứng trên dốc đèo Ngang quan sát xuống ta cũng rất khó có thể phát hiện thấy con sông nằm ở đâu, bởi sông có đoạn ẩn mình dưới lau sậy và những bờ cây rậm rạp, có đoạn do địa hình chia cắt bởi chân núi nghiêng gần như dốc đứng nên tầm nhìn bị che khuất. Đặc biệt, vào mùa mưa sương mù dồn lại ở mái Bắc đèo Ngang đặc quánh như keo dán trước mặt người, nên càng không thể nào nhận thấy sông ở đâu. Bên sông chỉ lác đác vài chục nóc nhà đói nghèo xơ xác và một chiếc giếng Chàm cổ có hình vuông, được ghép bằng gỗ lim theo phương thẳng đứng, quanh năm nước trong vắt như mắt mèo. Giếng này còn được người bản địa gọi là “Giếng thần” nhờ công một kẻ ăn mày chính là sứ giả trên trời sai xuống, giúp dân. Khi tới đầu làng Ngưu Sơn người ăn mày giả bộ ngất xỉu vì đói nằm gục xuống. Thấy vậy, người dân trong làng không những vội mang thức ăn, thức uống đến cho ông dùng mà còn quyên góp gạo, tiền cho ông để đi đường. Cảm kích trước lòng tốt của người dân nơi đây nên trước khi rời làng, kẻ ăn mày đã lấy long mạch từ độông Tranh xuống, chỉ cho dân đào nên.

Người dân Ngưu Sơn từ đời này qua đời khác truyền miệng nhau rằng, khi sông Xích Mộ bắt đầu hình thành, đất trời đèo Ngang càng trở nên vượng khí. Chen lẫn với những cảnh vật 2 bên bờ sông là những triền hoa Bần hôi bất tử; và thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp những bông hoa dại có hình dáng như hoa vông, nhưng trông rất khỏe khoắn với màu đỏ rực. Lần đầu tiên nhìn thấy loài hoa này, tôi như bị một phép ma thuật nào đó thôi miên ngay. Nhưng không ngờ đó lại là mầm họa cho cả làng khi có một thầy địa lý ở bên Tàu đi qua thấy vậy đã đem tâm địa hẹp hòi lấy đá trên núi táng xuống hàm rồng dưới cửa sông để yểm bùa. Từ đó người dân làng Ngưu Sơn cứ luẩn quẩn trong đói rách, túng bần, và đặc biệt là thường xuyên xảy ra các vụ cháy làng hết nhà này đến nhà khác… Gần đây, sông Xích Mộ càng bị bồi lấp và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khỏi bản đồ địa lý với lý do rừng tự nhiên bị cạn kiệt; rừng phòng hộ được trồng bằng phi lao từ hàng trăm năm trước có đường kính người lớn ôm không xuể, vốn là những tấm bình phong che chắn cát từ biển ném vào đang bị chặt phá để giao đất cho doanh nghiệp nuôi tôm và để làm đường giao thông cũng như những công trình không cần thiết khác. Rừng tự nhiên góp phần giữ nước trên đèo Ngang, cung cấp nguồn nước bất tận cho sông đủ mạnh để đẩy cát bồi ra phía biển bao đời, nhưng nay rừng đã cạn kiệt không thể làm tròn được bổn phận đó nữa thì sức chảy công phá của sông cũng yếu hẳn đi. Hơn nữa, suối Khe Thờ ở thượng nguồn của sông Xích Mộ đã bị ngăn lại thành đập thủy lợi Khe Bò, vô tình cướp đi dòng chảy thường xuyên như thắt ga rô trên thân thể làng Ngưu Sơn! Tất cả những bi kịch đó là một phần lý do con sông không còn làm chủ mình được giữa cuộc chiến đẩy lùi gió cát phía cửa biển dội vào từ hàng ngàn, vạn năm qua. Càng bất cập hơn ở chỗ là đập thủy lợi Khe Bò này không có giá trị tưới tưới tiêu vì Kỳ Nam vốn chỉ vỏn vẹn hơn 280 ha diện tích đất sản xuất. Trong lúc đó đã có hơn 159 ha diện tích bị thu hồi giao cho dự án nuôi tôm. Sau khi bị thu hồi đất còn lại được mấy sào ruộng khoán vá chằng, vá đụp như chiếc váy rách của bà cụ ăn mày ngày xưa, thì làm gì mà phải cần phải đắp cái cái đập to ình đến thế?...

Sông Xích Mộ chảy ra cửa Hải Môn còn gọi là cửa Gió, quanh năm gió thổi như bão từ ngoài khơi vào. Nếu là mùa gió chướng thường xuất hiện vào khảng từ tháng 9 đến tháng 10 thì còn quá kinh hoàng hơn nữa! Bình thường sóng từ cửa Gió vẫn cứ dồn dập ngoạm vào cửa sông rất dữ tợn. Gió và sóng mang theo từng núi cát vù vù ập tới như muốn lấp lấy sông. Nếu sông không còn đủ lực nước tống ra và không nhận được sự yểm trợ của rừng phòng hộ từ rừng Ngâm che chắn thì rõ ràng lời tiên đoán của nhà nghiên cứu Hyppolite Le Breton đang trở thành hiện thực…

Rừng Ngâm được trồng hơn 100 năm trước do ông Nguyễn Kháng, lý trưởng làng  Ngưu Sơn thừa lệnh trên, đốc thúc dân đi bộ hơn 80 km ra tỉnh lị lấy cây con về trồng. Chính ông Nguyễn Kháng là người tiên phong đi trước, khi tới đền Bà Đồng ở gần đèo Con bị hổ nhảy ra đòi ăn thịt. Trong lúc hiểm nguy như có ai xui khiến, ông liều chạy vào đền vái lạy thần hoàng. Không ngờ thấy ông vào trong đền con hổ đành lau bọt mép, gầm gừ mấy tiếng rồi bỏ vào rừng… Trải qua hơn 1 thế kỷ, rừng Ngâm càng trở nên vững chãi làm nên một vành đai xanh khổng lồ, hiên ngang trước cửa Gió. Vậy mà giờ đây vành đai xanh này đang bị tàn phá không thương tiếc, góp phần làm cho con sông Xích Mộ bị bồi lấp quá nhanh. Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị các cấp ngành chức năng tìm phương án giải cứu con sông… Ông Nguyễn Hoành Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, thị xã cũng đã xây dựng đề án trình UBND tỉnh để nạo vét cửa sông, đồng thời xây kè chắn sóng đoạn từ cửa sông Xích Mộ lên tới Mũi Đao với chiều dài hơn 3km. Nếu dự án đê kè này được triển khai tất nhiên không những chống được sạt lở cả tuyến đê, chấm dứt được sự xâm thực của biển, mà còn bảo vệ được cả tuyến rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên chừng đó chưa đủ mà song song với nó là cần phải có sự kết hợp với công tác khơi thông dòng chảy trên phía thượng nguồn, đồng thời khẩn trương tái tạo rừng phòng hộ và rừng tự nhiên thì mới đảm bảo được sức sống bền vững của dòng sông.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Kỳ Nam thì hiện địa phương này có gần 700 hộ dân,  tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm tới gần 16%. Trong lúc đó ngoài những thửa ruộng khoán ít ỏi, người dân ở đây không biết làm nghề gì hơn để sinh sống. Hầu hết lao động trong độ tuổi kéo nhau vào miền Nam, Tây Nguyên làm thuê, làm mướn.

Trong khi dòng sông Xích Mộ đang giãy chết thì mới đây, Công ty CP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang ở Khánh Hòa vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch xây dựng dự án đầu tư Khu đô thị du lịch Kỳ Nam tại xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh theo phương thức đầu tư thông qua thành lập tổ chức kinh tế trên địa bàn. Đây là một dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng được thực hiện trên 330 ha diện tích khu vực tiếp giáp với biển. Như vậy, nếu dự án được triển khai thì chắc chắn rừng phòng hộ ven biển Kỳ Nam không có cơ hội được tái tạo, mà chỉ chuyển từ dự án nuôi tôm sang đầu tư ở lĩnh vực bất động sản.

Hiện tại thì xã Kỳ Nam vẫn đang là một vùng quê nghèo, nhưng nhắc đến con sông Xích Mộ, rõ ràng có một mối liên hệ quá mật thiết với con người và cảnh vật ở nơi này từ bao đời. Đó là điều hết sức trăn trở của các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương cần phải làm gì để cứu lấy dòng sông như một phần máu thịt của họ. Hy vọng trong tương lai, con sông sẽ hồi sinh và tầm ảnh hưởng của nó sẽ trở thành điểm tựa cho miền quê đáng yêu này phát triển kinh tế, xã hội một cách nhanh, mạnh và bền vững.

Trở lại Kỳ Nam giữa tiết hè nóng bức, gió Lào từ eo gió hay còn gọi là “truông gió” nằm giữa độông Tranh và độông Cánh Diều quất lên rần rật như thiêu thân. Phía cửa Hải Môn thì gió biển vẫn hốt từng đống cát ném vào mù mịt. Tất cả mọi thứ ở đây đang chìm trong biển lửa và cát bụi. Chỉ còn lại những khóm hoa Bần hôi nhẫn nại khoác lên một màu tím đỏ đang cố vá víu lấy những xóm nghèo!

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021


Có thể bạn quan tâm