April 24, 2024, 7:51 pm

Cây sa mộc trên miền đá

 

Khi hoàng hôn trập trùng treo đầu đá, tiếng mõ trâu đủng đỉnh chạm tới con đường vào bản, chúng tôi ngồi bên một nhà thơ dân tộc Mông của Hà Giang để cùng lắng nghe tiếng ru con của một người mẹ Mông được gió đưa về dìu dặt “Núm ruột hồng vượt lên đá, nở hoa/ Con yêu hãy lớn lên, thành người đàn ông Mông tài giỏi…”.  Lời ca ấy những người đàn bà Mông thường ru con từ thủa lọt lòng. Nó như một chân lý sống được truyền qua bao thế hệ người Mông từ khi họ đặt chân lên vùng đất phương Nam này.

Từ lời ca ấy, một cậu bé đã lớn lên và trở thành một người Mông ưu tú, một nhà thơ thấm đẫm ý thức của một người con dân tộc Mông sớm đi theo Cách mạng, ý thức được sứ mạng thiêng liêng của người cầm bút. Từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của tỉnh Hà Giang, nhưng người dân nơi đây thường nhớ đến cái tên Hùng Đình Quy với vai trò của một người đã có sáng kiến cắm cột cờ bằng cây thông trên đỉnh núi Rồng cách đây hơn 30 năm và vai trò của một nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mông xuất sắc.

Sinh năm 1937 tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, nhà thơ Hùng Đình Quy đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng từ khi mới tròn mười hai tuổi và nhanh chóng trưởng thành. Cái tên Hùng Đình Quý mà ông đã mang suốt mấy mươi năm qua cũng là do một người đồng chí cùng chiến đấu dịch từ cái tên cúng cơm Sùng Thìn Quẩy. Ba mươi bảy tuổi, ông đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Đồng Văn, một huyện biên giới đa sắc tộc còn nhiều đói nghèo và hủ tục. Dẫu đã dành cả cuộc đời mình gắn bó với vùng cao nguyên đá mênh mông, khắc nghiệt, cuộc đời đã chứng kiến nhiều đổi thay, nhiều sự kiện trọng đại đến với nhân dân Đồng Văn nhưng ông không bao giờ quên được ký ức đáng trân trọng về những tháng ngày làm đường lên Lũng Cú.

Nhà thơ chân thành bảo, hồi ấy người dân chúng tôi tủi thân lắm vì lúc nào cũng chỉ thấy nhân dân cả nước nhắc đến câu thơ “Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái” của nhà thơ Tố Hữu, trong khi xét về góc độ địa lý thì Lũng Cú mới chính là nóc nhà của Tổ quốc. Thế là thường vụ huyện ủy, UBND huyện họp lại để đề ra chủ trương làm một con đường lên Lũng Cú. Nói theo tâm thức, con đường ấy sẽ là nối liền một dải với mũi Cà Mau còn giá trị trước mắt thì đó sẽ là con đường thông thương, giao lưu qua lại giữa những xã, bản cuối cùng này với các vùng miền khác.

Năm 1977, nhân dân mười chín xã trong huyện nô nức ra quân làm mười ba kilomet đường trong dịp tết, bắt đầu từ xã Ma Lé. Mà cái sự làm đường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đồng Văn cũng hết sức đặc biệt. Nhằm đảm bảo tiến độ thi công, huyện giao định mức cho mỗi xã làm 800m đường, xã lại giao định mức cho mỗi hộ dân làm từ hai đến bốn mét. Khúc đường của gia đình này dần nối với khúc đường của gia đình kia. Ai nấy cũng cố gắng làm sao để khúc đường nhà mình làm không thua kém người bên cạnh. Miệt mài suốt gần hai tháng ròng như thế, ngày 12/8/1978, tuyến đường này đã được làm lễ thông xe. Có đường rồi, ông Quý lại nghĩ đến việc phải cắm cờ trên đỉnh núi Rồng để bà con khắp nơi về dự lễ thông xe có thể nhìn thấy. Để có cột cờ, huyện đã chỉ đạo xã Lũng Cú chọn ra hai mươi thanh niên khỏe mạnh nhất vào rừng tìm chặt một cây thông cao gần mười hai mét, đường kính hai mươi phân để khênh lên đỉnh núi Rồng làm cột cờ. Với chiều dài 9m và chiều rộng 6m theo một tỷ lệ hết sức phù hợp trong hội họa, lá cờ sau khi được kéo lên đẹp tựa một vầng hồng. Kể từ thời khắc đó cho đến nay, lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Chiến tranh biên giới nổ ra, nhận sự phân công của cấp trên Hùng Đình Quý về tham gia công tác tại Ban tổ chức tỉnh Hà Tuyên, rồi chuyển qua làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tuyên. Khi tách tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thì ông về công tác tại tỉnh Hà Giang với cương vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Giang. Trước khi nghỉ hưu, năm 1999, Hùng Đình Quý giữ cương vị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Giang. Đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, song ông vẫn luôn giữ được phẩm chất của một người Mông chân chính, ấy là đôn hậu lành lẽ như cây rừng đất bản. Một đời lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống trên vùng cao nguyên miên man đá núi.

Bằng tâm huyết và sự nỗ lực lao động, sau nhiều năm điền dã sưu tầm, ông đã cho ra mắt nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như Dân ca Mông Hà Giang, Khèn và ca tang ma của người Mông ở Hà Giang, Song ngữ Mông Việt dân ca cổ… Với sự am hiểu sâu sắc về nghệ thuật của dân ca Mông, nhà thơ Hùng Đình Quý đã thành công trong việc dịch thuật, mỗi bản dịch đều đảm bảo thủ pháp kết cấu trùng trùng điệp, cách gieo vần và hình ảnh đặc trưng, độc đáo của dân ca Mông. Tính đến nay, ông là người sưu tầm và dịch nhiều nhất những bài dân ca Mông ra tiếng phổ thông.

Cuốn sách Những bài khèn Mông ở Hà Giang do ông sưu tầm và biên soạn là công trình đầu tiên giới thiệu khá đầy đủ các bài khèn và sự phong phú của nó trong đời sống đồng bào. Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, người Mông biết thêm nhiều loại nhạc cụ hiện đại nhưng vẫn không bỏ chiếc khèn. Nhà thơ Hùng Đình Quy bảo, tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Để làm được một cây khèn mang âm thanh của núi rừng thì cần đến những đôi tay thật khéo và tâm hồn khoáng đạt của những chàng trai Mông. Sự hòa hợp của các làn điệu dân ca và âm sắc của khèn tạo nên hơi thở, tạo nên phần hồn của đại ngàn. Và trên tất cả, tiếng khèn Mông là lời tỏ tình muôn thuở, là tình yêu cuộc sống bất tận nơi rẻo cao…  42 bài khèn trong tác phẩm tuy chưa phải là nhiều song đã khẳng định được vị trí của cây khèn trong đời sống của đồng bào Mông. Đến với cuốn sách này người đọc không chỉ hiểu đầy đủ các nghi lễ bắt buộc trong đám tang mà còn hiểu được nguyên nhân những điều mà người Mông kiêng kỵ,. hiểu thêm một nét văn hoá truyền thống, đặc sắc, độc đáo của đồng bào Mông.

Mảng sáng tác cũng có thể được coi là một vỉa quặng quý trong gia tài hoạt động văn học nghệ thuật của nhà thơ người dân tộc Mông này. Với 3 tập thơ, gồm: Người Mông nhớ Bác Hồ, Nếu sai tôi chết sẽ không nhắm mắt, Chỉ vì quá yêu…, câu từ trong thơ ông thật gần gũi với lời ăn tiếng nói của đồng bào mình: “Nắng trời con chim con sâu bay/ Trời nắng con chim con bướm đậu/ Đậu ngay trên một nhành non lá riềng/ Không biết bố mẹ em ăn gì sinh ra/ Để anh ngắm nhìn miết/ Cũng thấy đôi mắt, đôi má em/ Trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch hoa lan nở lưng rừng…”. Thơ đến với ông rất tự nhiên, và ông quan niệm về thơ cũng thật giản dị: “Tôi không có tham vọng gì nhiều, tôi viết trước hết là viết cho chính những người Mông của tôi, để họ hiểu và cảm nhận về cuộc sống”.

Sau khi về hưu, ông có nhiều năm tham gia dạy tiếng Mông cho cán bộ chiến sĩ biên phòng của Bộ chỉ huy Bộ đôij Biên phòng tỉnh Hà Giang. Với giáo trình đơn giản, dễ học, dễ thuộc, ông đã giúp cho những học viên là những cán bộ chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn có đồng bào Mông sinh sống có thể dễ dàng giao tiếp với nhân dân. Có thể hiểu được điều nhân dân nói và tuyên truyền, vận động đến dân từng chính sách của Đảng và Nhà nước tới mỗi nếp nhà. Nhờ nói được tiếng đồng bào, hiểu được phong tục tập quán của mỗi tộc người mà các anh dần trở thành những người thân của mỗi bản làng Mông nằm chênh vênh trên lưng chừng núi.

Vào những ngày cuối năm 2021 này, người thơ ấy đã “tư tùa”(1), về với tổ tiên trên ngọn núi thiêng ẩn trong mây trắng. Nhưng mỗi lần nhớ đến ông, tôi lại nhớ đến ánh mắt và gương mặt hiền hòa đã dẫn chúng tôi lên đỉnh núi Rồng. Miền đá mênh mông này đã lưu giữ một ký ức đẹp nhất của đời ông - ký ức về ngọn cờ thiêng cực Bắc, ký ức về một đời thơ hồn hậu, chân chất và thấm đẫm văn hóa Mông, tinh thần Mông.

_______

1. “Tư tùa” trong tiếng Mông nghĩa là “đã mất”

Nguồn Văn nghệ số 49/2021


Có thể bạn quan tâm