April 20, 2024, 4:36 am

Cầu vào xóm Hạ

 

1.

Làng Phù Lưu nằm giữa hai bên con suối lớn có tên là suối Lam Khê. Dân cư làng Phù Lưu khai hoang lập ấp ở đây từ lâu lắm. Ngày nhỏ, mỗi lần theo bà ra vườn hái rau, Thành thường nhặt được những hòn đá, khi thì hình lưỡi rìu, khi thì hình lưỡi dao, nằm khuất lấp sau những đám lá mục. Các bạn Thành bảo đừng sờ vào, đó là đồ dùng của ma đấy. Lớn lên, đi học, Thành mới hiểu đó là công cụ lao động của người xưa. Vậy nên Thành biết làng Phù Lưu này tồn tại ở đây từ xửa từ xưa, ít nhất là từ thời kỳ đồ đá.

​Con suối Lam Khê bắt nguồn từ một khu rừng xa rồi rì rào chảy qua làng. Không biết chảy tới đâu, nghe nói xa lắm, chảy qua rất nhiều cánh đồng rồi nhập vào con sông Mê, trước khi đổ ra biển. Xóm Hạ có con suối chảy qua thật là thuận tiện nhiều bề. Đúng là nhất cận thị, nhị cận giang, mùa hè cho dù nắng hạn đến đâu suối cũng không cạn, trẻ con trong xóm được nghỉ học suốt ngày dầm mình trong làn nước mát lạnh. Những đứa trẻ lớn lên đi xa, hỏi thăm người làng chỉ hỏi về dòng suối. Các cụ ông cụ bà đi cày đi cấy về trưa, buộc trâu ngồi nghỉ dưới gốc vông già cạnh suối, mát không muốn về nhà. Đi xa mấy cây số, nhìn về làng vẫn thấy ngọn cây vông mùa hoa đỏ ối nhô lên trên những tán lá xanh biếc của muôn loài cây khác, thế là đủ hình dung ra làn nước đang róc rách đâu đó trong ký ức. Những chùm hoa vông đỏ như chiếc mào gà, thỉnh thoảng rơi xuống thảm cỏ cạnh suối, rơi xuống cả những tấm lưng đen bóng của các chú trâu đang nằm lim dim nhai suông, nước dãi, nước miếng nhễu ra ướt cả một đám cỏ. Chếch chếch phía đầu làng là cái đầm lớn. Mùa hè sen nở kín mặt đầm. Nếu ai đã có dịp ngồi bên đầm sen đang mùa hoa, bảo đảm bao nhiêu mệt mỏi, phiền muộn đều bay hết vào gió, chỉ còn một lồng ngực đầy căng hương thơm, thơm cho đến tận đêm khuya, khi đã lên giường và giấc ngủ cũng vừa kéo đến. Về mùa đông, khi sen đã tàn, chấp chới từng đàn chim két, mòng, cò, vạc, le le thi nhau bay về kiếm mồi, lao xao rộn rã từ mặt đầm đang lấp xấp nước, đến những rặng tre đang đung đưa trong gió.

​Nhà Thành ở gần suối, cách nhà thầy Hiểu một quãng. Khi Thành lớn lên, cắp sách đi học thì thầy Hiểu đã già lắm rồi. Trường cấp một nơi thầy dạy, thiếu giáo viên nên tỉnh đề nghị thầy đứng lớp thêm mấy năm nữa. Tóc thầy đã bạc, lưng thầy đã hơi còng còng. Thầy thường phải đeo đôi mục kỉnh mỗi khi đọc sách. Cây bàng già trước cửa lớp cũng có dáng mốc mốc còng còng như dáng thầy. Trường học đặt ở xóm Thượng, cách một thôi đường bên kia suối. Sáng nào Thành cũng qua suối sang bên ấy học. Sáng nào thầy cũng lội suối sang bên ấy dạy. Thành học lớp của thầy Hiểu chủ nhiệm.

Thầy Hiểu ở một mình trong căn nhà lợp ngói cổ kính. Vợ thầy mất sớm, thầy ở vậy nuôi con đến khi các con khôn lớn, đứa nào cũng vào đại học rồi làm ăn xa nhà. Riêng thầy, phần vì công việc dạy học, phần vì không muốn xa nhà, nên các con dù nhiều lần mời thầy ra thành phố ở, nhưng thầy từ chối khéo, nói già rồi không đi đâu nữa, với lại ở nhà còn hương khói cho các cụ chứ. Nhà thầy cất trên một khu đất cao, làng gọi là đất mai rùa. Năm nào lũ lụt to đến đâu nhà thầy cũng không ngập. Có năm cả làng bơi trong nước, sân vườn nhà thầy thành nơi tập kết trâu bò gà lợn và trẻ con cả làng đến mấy tuần sau, khi nước rút hết, mới đâu về nhà nấy. Từ sân nhà thầy có thể nhìn thấy rất xa tít tận cuối xóm, cuối bãi, tít tận sang bên kia suối, đến vệt cây mờ mờ cuối chân trời. Nhà có cổng gỗ, nhưng ban ngày ít khi đóng, vì thầy nhiều khách. Khi thì các thầy cô trong trường đến chơi, khi thì mấy ông bạn già về hưu đến đàm đạo thơ phú, thế sự, khi thì mấy bác nông dân đến nhờ đọc hộ đơn thuốc vì chữ bác sĩ “như gà bới” cả xóm không ai đọc nổi ngoài thầy. “Khách không mời” nhiều nhất là bọn trẻ. Đúng là “yêu trẻ thì trẻ đến nhà”, bọn chúng nô đùa từ ngõ vào sân với con cún con cả ngày không mệt. Đến khi mệt khát khô cả miệng thì vào nhà lục lọi nước uống. Thầy biết vậy, nên sáng nào trước khi đi dạy cũng đun một bình nước to để nguội, bên rá khoai lang luộc. “Cậu nào đói thì cứ tự nhiên nhé”. Bọn trẻ quen thế nên cứ ra vào như nhà của mình. Các cụ bà nghiện trầu thì coi giàn trầu nhà thầy là của các cụ, trầu có hái mới cho lá nhiều, vậy là các cụ không phải xuống chợ mua nữa, thỉnh thoảng sang nhà thầy, hái một nắm rồi tiện thể mang ít đất mùn bón cho cây. Đôi khi lén gửi lại bó rau, quả bí, mớ khoai biếu thầy. Đi làm về, thầy biết, nên có mớ cua, mớ ốc thầy kiếm được từ sáng sớm, lại chia sớt một nửa, bảo cụ bà mang về nấu riêu, nấu chuối cho cụ ông. Thầy là vậy, không để ai thiệt bao giờ. Món khoái khẩu của thầy là khoai lang luộc, thầy bảo ăn khoai dễ tiêu, nhẹ bụng, lại đỡ phải lích kích bát đũa. Thực ra ở một mình nên thầy ngại đun nấu, với lại thầy cũng có ý tiết kiệm, ít ra là tiết kiệm được que củi, xu dầu. Nhà thầy chỉ có con cún con và con cò là hai vật nuôi thầy cưng nhất. Con cún thì bạn thầy bên xóm Thượng cho. Còn con cò thì năm trước tình cờ đi vớt tép cạnh rặng tre bên đầm sen, thầy nhặt được nó rơi từ trên tổ xuống. Tổ nó trên cây cao vút nên không có cách gì đem trả lại, thầy mang về nuôi. Ngày nào nó cũng được thầy cho xơi tép và cá mại nên rất chóng lớn, càng lớn lên nó càng quấn thầy. Mấy lần, khi nó đã biết bay, thầy đem nó ra đầm, bảo bay đi với các bạn, vậy mà nó lại tìm về. Cu cậu quen ăn sẵn rồi nên cứ quanh quẩn từ sân ra giếng nước, rồi lại vào đến tận cửa bếp nghiêng ngó xem ông chủ đã về chưa. Mỗi khi bị bọn trẻ quấy rầy, nó bay tít lên cành cây nhìn xuống, cái cành cây quen thuộc mà đêm nào nó cũng lên đó ngủ. Đến khi bọn trẻ ra về nó lại chấp chới bay xuống. Nhà thầy, có vẻ khang trang, nhưng bên trong là lối sống tối giản của một đạo sĩ. Một chiếc giường đơn, trên đó có chiếc radio cũ kỹ thầy nghe thời sự, một chiếc bàn vuông trên đó có mấy tập giáo án, còn lại chẳng có đồ đạc gì có giá trị, ngoài bộ sập bằng gỗ gụ dầy trên hai chục phân, từ thời xưa để lại, bày ngay gian giữa, nơi các cụ tổ ngày trước vẫn dùng làm chỗ ngồi dạy học chữ nho cho sĩ tử quanh vùng. Tính đến thế hệ thầy, đã qua năm đời làm nghề dạy học trên chiếc sập gụ này. Từ cụ Thượng đến cụ Tú nửa cuối thế kỷ trước, đến cụ Chánh trước Cách mạng tháng Tám. Rồi đến cụ Hàn, cha của thầy, theo nghiệp các cụ, cũng mở lớp dạy chữ nho tại nhà cho cả vùng từ xóm Thượng đến xóm Hạ. Học sinh của cụ đông kể đến hàng trăm, thời nào cũng có người làm to trên tỉnh, trên huyện. Năm cụ Hàn, cha thầy lên tuần sáu mươi, nho sinh thửa bức đại tự “PHÚC NGUYÊN TRƯỜNG” bắng chữ Hán tặng thầy. Nét chữ vàng tươi trên nền gỗ sơn then, treo trên xà nhà gian giữa ngay phía trên bộ phản nâu bóng, tôn vẻ nghiêm cẩn, ai vào cũng khen đẹp. Phía dưới bức đại tự là ban thờ Tam phủ chạm trổ tinh xảo, bài vị lớp lang, hương khói bốn mùa. Trên chiếc án thư là chiếc tráp sơn mài đựng bằng sắc ngày trước của các cụ. Nho sinh ngày trước ngồi trên sập gụ, cạnh thầy, răm rắp không mấy khi thầy phải nặng lời, chiếc roi cài trên mái ngói ít khi phải dùng đến. Còn bên phải là tủ thuốc, có đến hàng mấy chục ngăn kéo nhỏ. Các cụ ngày trước vừa dạy học, vừa bốc thuốc trị bệnh cứu người. Nay thì không ai theo nghề thuốc nữa, tủ vẫn để đó, lau chùi thường xuyên nên lúc nào cũng bóng đẹp. Rồi cũng vài năm sau Cách mạng cụ thân sinh của thầy Hiểu qua đời. Một ngày cuối tháng sáu, khăn tang của con cháu, khăn tang của nho sinh, khăn tang của bà con lối xóm trắng cả một cánh đồng. Thầy Hiểu là con thừa tự của cụ, thừa kế căn nhà này, giữ nguyên hình dạng cũ, chỉ vôi ve lại mỗi khi phải tu sửa. Thầy không muốn làm thay đổi những gì người xưa đã gây dựng, từ bể cá và hòn non bộ trước nhà, hàng cau và giàn trầu bên phải, rặng duối phía sau vườn, giếng nước dưới bóng cây dừa cao võng… Thầy muốn con cháu của cha ông dù xa dù gần mỗi khi về đến nhà là hình dung được ông bà mình ngày trước đã ăn ở ra sao. Thầy muốn những ai từng là học sinh của cha ông mình ngày trước, mỗi khi qua đây đều có thể có dịp nhớ lại quãng đời đầu tiên cắp sách đến lớp. Vì suy từ mình ra, thầy biết, quãng đời đầu tiên này rất đáng nhớ của mỗi đời người, khác nào như những bước chân đầu tiên của một con đường, viên gạch đầu tiên của một tòa nhà, trang đầu tiên của một cuốn vở, hạt giống đầu tiên của một vụ mùa…

​2

​Xóm Hạ năm ấy có ba bé trai cùng vào lớp một, Thành và hai bạn nữa. Bố mẹ của ba bạn trước hôm khai giảng đều đến nhà thầy Hiểu có ý gửi gắm thầy. Từ đó thầy gọi ba bạn là “Bộ ba xóm Hạ”. Thầy dặn Thành mỗi sáng dậy sớm hơn các bạn một chút, ghé rủ hai bạn rồi qua nhà thầy cùng đi.Vậy nên sáng nào Thành cũng đi sớm qua nhà Cường và Thái cùng thầy đến trường. Hôm nào cũng vậy, trên đường đến trường, thầy kể bao nhiêu là chuyện. Có khi đến lớp rồi câu chuyện vẫn chưa hết, đành phải dừng lại, để đến khi về hoặc hôm sau thầy kể nốt. Không biết thầy lấy đâu ra nhiều chuyện như vậy, khi thì chuyện cổ tích, khi thì thầy kể về một cuốn sách thiếu nhi nào đó thầy đọc được. Bọn trẻ từ nhà đến trường, qua những câu chuyện thầy kể, chẳng khác nào như dòng suối Lam Khê, từ nguồn đến sông, từ sông đến bể, lạ lẫm và thú vị chảy giữa đôi bờ, mỗi ngày mở ra một bí mật mà trước đó chúng không hề biết.

​Đường đến trường qua con suối chỗ cạn nhất cũng ngập quá đầu gối thầy. Người thầy cao nên thầy chỉ cần vén quần sát lên là qua được ngon lành. Nhưng đối với các bạn lớp một như Thành, Cường và Thái, chỉ cao hơn bó mạ độ vài gang tay thì không đơn giản. Nếu có vén quần mà lội thì thế nào cũng ướt hết. Mà nếu ướt hết quần áo thì vào lớp sao được? Vậy nên ngày hai lần, sáng đi học, chiều học về, thầy đều cõng Thành và các bạn qua suối. Thầy nheo nheo mắt vẻ rất hài hước, “Nào lên đi các cậu! Nhong nhong! Co hai chân lên kẻo ướt nào”. Nói rồi thầy ghé lưng xuống. Thế là lần lượt “Bộ ba xóm Hạ” hết bạn này đến bạn khác nhong nhong qua suối trên lưng thầy.Tấm lưng thầy vốn đã hơi còng còng, lại như thấy còng hơn, mỗi lần Thành bám cổ thầy. Mái tóc thầy đã bạc nhiều, lại thấy như bạc hơn, mỗi lần Thành chạm cằm mình vào mái tóc thầy chờm qua chiếc mũ két bằng vải. Những mạch máu căng lên như hai sợi dây chão hai bên cổ dài và gầy như cổ cò của thầy. Đặt bạn này xuống, thầy lại lội qua suối cõng bạn khác. Cứ thế Thành, Cường và Thái qua suối hết năm lớp một, cho đến lớp bốn.

​Ngày “Bộ ba xóm Hạ” vào lớp một, được thầy Hiểu cõng qua suối, bố mẹ cả ba đều cảm thấy áy náy trong lòng. Buổi chiều đi làm về, chị Tâm, mẹ Thành chạy sang nhà thầy Hiểu: “Con lạy thầy! Con đội ơn thầy! Ngày trước thầy đã cõng nhà con là bố cháu Thành qua suối đi học, nay lại đến lượt thằng Thành làm khổ thầy.  Chị dậy: “Ô kìa! có gì đâu nào! Đỡ cháu một đoạn suối để khỏi ướt thôi mà. Chị cứ về cơm nước cho chúng đi, có gì mà ơn với huệ đâu! Này thằng bé khá lắm đấy”. Đúng là không phải chỉ Thành, Cường và Thái được thầy cõng qua suối đi học. Ở xóm Hạ này, thầy cũng đã từng cõng rất nhiều bạn nhỏ khác. Kể cả thế hệ bố mẹ các bạn “Bộ ba xóm Hạ” bây giờ. Đã mấy lần, mùa lũ lên cao, nước suối dâng lên ngập bãi bờ, thầy không kịp cởi quần áo, bơi ra cứu mấy bạn nhỏ đang “giã gạo” giữa dòng nước lũ. Ai nói thầy giáo là người đưa đò, riêng người xóm Hạ thì bảo, thầy giáo là người cõng họ trên lưng những ngày đi học. Mãi đến học kỳ hai năm lớp bốn khi “Bộ ba xóm Hạ” đứa nào cũng cao vổng, qua suối một mình ngon lành, thầy Hiểu mới thôi không phải cõng nữa. Cũng phải đến năm ấy cả ba mới biết thương thầy, khi nhận ra sau màu áo cũ bạc của thầy, chỗ mỗi ngày hai lượt vẫn áp ngực vào hít mùi mồ hôi quen thuộc, chúng nhận ra những đốt xương sống lưng như đốt tre già mỗi ngày một nhô cao hơn, đôi vai của thầy như thõng xuống rõ hơn. Chỉ có đôi mắt của thầy là vẫn thế, không chịu già, nheo nheo lấp lánh một thứ ánh sáng rất sâu, nửa như cười nửa như muốn nói điều gì.

​3

​Thầy Hiểu thuộc “típ” người cũ. Trước Cách mạng thầy học trên tỉnh, trong các trường do Pháp mở, dạy bằng tiếng Pháp, làm toán, viết chính tả, các môn học khác, tất cả bằng tiếng Pháp. Vì vậy, thầy rất giỏi tiếng Pháp. Cách mạng thành công lúc thầy mới mười bảy tuổi. Thầy thôi học rồi vào nghề giáo theo lời kêu gọi của chính quyền Cách mạng. Thầy được điều đi khắp tỉnh, chỗ nào phong trào yếu, tỉnh lại điều thầy đến. Một vài năm sau khi đã tạm ổn định, thầy lại đến “điểm nóng” khác. Cho đến khi vợ thầy ốm rồi mất, để lại mấy đứa con còn nhỏ, thầy mới xin về quê vừa dạy học vừa nuôi con. Hôm nào cũng vậy khi chưa tỏ mặt người đã thấy thầy lặn ngụp ngoài suối, bắt con tôm, mò con cá mại, bới đất lật đá kiếm con ốc vặn về nuôi con. Nấu cho các con ăn sáng xong, thầy lại lội suối đi dạy, mang theo cả đứa còn nhỏ, gửi bác bảo vệ nhà trường rồi đứng lớp. Các con của thầy đứa nào cũng ngoan và học giỏi. Mấy bố con thầy đeo đẵng như gà trống dẫn đàn gà con đến trường, sau mười mấy năm thì các con thầy hóa thành đàn chim két trên đầm, lần lượt theo nhau vỗ cánh bay đi hết, để lại thầy nâu sồng ra vào một mình trong căn nhà, như vị sư già ra ở ngôi chùa vắng. Cũng từ ngày các con đi xa, hầu như thầy chỉ nấu một lần cho cả ngày. Thầy sống tiết kiệm và thanh đạm, đến mức các con thầy định thuê cho thầy một bác già đến giúp thầy chợ búa, cơm nước hàng ngày. Thầy gạt đi, bảo việc này tôi tự lo được, các anh chị cứ yên tâm. Anh Li, con trai cả của thầy mua về cho bố chiếc quạt điện, thầy mang tặng ông già hàng xóm, nói nhà tôi rộng rãi, lại ở cao nên thoáng mát rồi, cụ cầm lấy mà dùng. Tiền lương của thầy không nhiều, nhưng thầy không dùng vào việc chi tiêu hàng ngày. Thầy chỉ dành một ít giúp đỡ những bạn học sinh nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Số còn lại thầy gửi đâu đó. Thầy luôn luôn nhắc “Bộ ba xóm Hạ” phải sống tiết kiệm, “chúng mình nghèo, phải tiết kiệm để làm những việc cần thiết lớn hơn các cậu ạ. Đời người có nhiều việc cần đến tiền lắm”. Tuy vậy, thỉnh thoảng thầy lại rút ví tặng “Bộ ba” chút tiền mua sách truyện hoặc mua đồ chơi. Bà con hàng xóm thỉnh thoảng đến chơi mừng cho thầy có những đứa con trưởng thành, dạm hỏi kinh nghiệm nuôi con học giỏi. Vốn có tính hài hước, thầy nửa đừa, nửa thật rằng “Bí quyết của tôi ư? Tương truyền bị các cụ tổ nhà tôi vùi dưới đáy suối, tôi mò hàng ngày mà có tìm ra đâu, chỉ thấy toàn là cua, là ốc thôi”. Quả thật, tấm lưng của thầy còng xuống, có lẽ một phần là do mò cua bắt tép, bán mặt cho nước, bán lưng cho trời bao năm trên con suối cạnh nhà.

Thế rồi “Bộ ba xóm Hạ” cũng đến ngày phải xa thầy để học lên nữa, vì quanh mấy xã gần đấy không có trường cấp hai, cấp ba. Xa thầy, xa sự kèm cặp khuyên bảo của thầy nhưng ai cũng chăm chỉ học hành. Mỗi lần có ai đó có ý định chơi trò nghịch ngợm, là nhớ đến thầy và thế là lại ngồi vào bàn. Nhiều lần, khi đã lớn, càng xa thầy, “Bộ ba” thường nghĩ về thầy mình, thấy rõ hơn về thầy. “Bộ ba” biết thầy không khi nào khen họ, cũng như không bao giờ khen các con thầy, nhưng họ biết thầy đang theo dõi họ từng bước, đang rất tự hào về họ. “Bộ ba” biết thầy thường nói cười vui vẻ trước mặt bà con xóm giềng nhưng kỳ thực đêm về, thầy rất cô đơn. Đứa thì bảo thầy là “mẫu mực của chịu khó”, đứa thì cho rằng thầy là “tấm gương của sự tiết kiệm”, lại bảo “nhưng thầy chỉ tiết kiệm đối với thầy thôi, với người khác thầy lại rất phóng khoáng”, thầy là “mẫu hình của lòng nhân ái”, đứa thì bảo thầy là vị thần của suối Lam Khê… Có thể nói cả ngày về thầy mà vẫn thấy chưa đủ. Rồi cả ba đều vào đại học, càng xa thầy hơn. Thành nghe theo lời khuyên của bố thi vào Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Cường và Thái thi vào các trường kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước ngày lên trường nhập học. Thành đến nhà chào thầy. Thầy Hiểu đã dẫn Thành bách bộ quanh làng. Hai thầy trò bùi ngùi đi qua những gốc cây quen, những tảng đá đã mòn trên bờ suối. Rồi thầy rủ Thành qua bên kia suối thăm lại ngôi trường cấp một ngày xưa. Hai thầy trò lại có dịp lội qua cái bến nước nối với con đường đến trường. Thành suýt bật khóc khi nhớ lại ngày nào thầy cõng “Bộ ba xóm Hạ” qua suối. Chân thầy giờ đã chậm. Thành cầm tay dắt thầy qua mấy tảng đá trơn. Những tảng đá ngày trước chẳng thấm tháp gì đối với thầy, giờ thì như những chướng ngại vật trước bước chân già nua. Thầy lại nheo nheo mắt, tưởng như cậu học trò đang nhỏ lại trước mặt mình, và thầy lại như đang sẵn sàng cúi xuống cõng cậu qua suối. Hai thầy trò bì bõm một lúc thì cũng sang đến bờ bên kia.

...Thấm thoắt lại đến kỳ nghỉ hè. Như những lần trước. Thành lại đến thăm thầy Hiểu, thì thầy đã vào viện được hơn một tuần. Anh lập tức điện cho Cường và Thái về thẳng bệnh viện. Nhưng khi cả ba về đến nơi thì thầy đã qua đời, vì căn bệnh suy tim nặng do bệnh khớp kéo dài, hậu quả của nhiều năm lội dầm nước lạnh. Hôm khâm liệm cho thầy, anh Li chỉ thấy trong tủ hai bộ quần áo đã sờn cũ, anh đem mặc nốt cho bố. Anh biết mấy bộ đồ đẹp con gửi về bố đã đem tặng cho người khác rồi. Anh Li vừa khóc vừa tìm bỏ thêm chiếc mũ két và cặp kính lão vào quan tài. Theo nguyện vọng của thầy, thầy muốn được yên nghỉ trên chính cánh đồng nơi mà hạt lúa, củ khoai đã nuôi sống thầy và cả làng Phù Lưu. Đám tang của thầy đông chưa từng thấy. Thành, Cường và Thái cùng với trai làng, phần đông là học sinh cũ của thầy được cử trong đoàn khiêng linh cữu. Thầy nằm trong chiếc quan tài đỏ trên vai học trò năm xưa, chầm chậm qua suối ra cánh đồng, qua đầm sen mùa đang hoa thơm ngào ngạt chấp chới cánh cò, qua những ruộng ngô đang mùa đóng sữa. “Bộ ba xóm Hạ” không cầm được nước mắt. Họ cứ để nước mắt chảy tràn, ướt đầm cả vạt áo tang. Đến khi hạ huyệt, nhìn di ảnh của thầy trên những vòng hoa, mái tóc bạc chờm qua chiếc mũ két, cặp mắt nheo nheo như đang mỉm cười  lấp lánh sáng sau cặp kính, cả ba không kìm được nữa, gào lên: “Thầy ơi! Thầy ơi! Thầy đừng bỏ chúng con! Sao thầy bỏ chúng con?”. Rồi cả đám học trò cũ của thầy cũng òa khóc, nấc nghẹn. Mọi người đứng chật mấy thửa ruộng chung quanh cũng đều lặng đi đau xót. 

​Đám ma thầy vừa xong buổi sớm thì buổi chiều, một cơn mưa rào ào tới, trời mát mẻ và sáng như vừa mới được lau qua khăn ướt, anh Li, con cả của thầy đến nhà Thành trao cho “Bộ ba” bức thư nhỏ và một gói bọc ni lon rất cẩn thận. Thành không đọc thư ngay, mà ngồi với anh Li đến tận chiều muộn. Hai người kể về sự hy sinh thầm lặng của thầy đối với tụi nhỏ trong xóm, đối với bà con trong làng. Có ai cam tâm lấy tấm lưng của mình làm nhịp cầu cho tuổi trẻ đến lớp như thầy? Có ai sẵn sàng lấy thân mình che chắn cho chúng ta khi gặp hiểm nguy? Có ai chấp nhận bươn chải lo cho người khác từng bữa ăn giấc ngủ, không chút tính toán cho bản thân như thầy? Có ai lo lắng cho học sinh của mình mỗi khi gặp chuyện không vui trong cuộc sống như thầy? Có ai âm thầm theo dõi mỗi bước đi, lặng lẽ tự hào với những thành đạt của học sinh như thầy?...

Rồi Thành gọi Cường và Thái sang nhà mình cùng nhau bóc thư của thầy gửi “Bộ ba”. Ngày đề trên lá thư chỉ cách ngày thầy mất một tuần, nét chữ run rẩy, có chữ thầy quên đánh dấu, một việc mà xưa nay chưa một lần thầy mắc trong đời: “Gửi các con Thành, Cường và Thái, co thê khi các con đọc được thư nay thi thầy đã không còn. Hôm nay thầy thấy trong người khác lắm rồi. Các con còn nhớ có lần qua suối thầy trò mình nói gì không, năm chúng ta lớp hai ấy. Thầy nhắc lại nhé. Hôm ấy thầy có hỏi rằng bao giờ làng ta có cái cầu qua suối để mọi người không phải lội nữa nhỉ? Thành trả lời rằng bao giờ chúng con lớn thầy ạ. Thế là thầy không chờ được đến ngày ấy. Rõ chán! Nay các con dù chưa lớn hẳn nhưng cũng đã biết nghĩ rồi. Thầy mong các con bàn với anh Li, con cả của thầy, tìm cách bắc cho xóm Hạ cái cầu qua suối nhé. Thầy gửi lại “Bộ ba” yêu quý mấy lạng vàng thầy mua bằng tiền tiết kiệm hàng tháng của thầy. Thầy mong được đóng góp chút đỉnh vào công việc của xóm làng nhé. Chào các con. Hiểu”.

Ba người như chết lặng một lần nữa trước những gì thầy để lại. Dù còn một năm nữa mới ra trường nhưng Thành quyết tâm thực hiện bằng được ước nguyện của thầy. Anh  liên lạc với Cường và Thái chuẩn bị họp đồng hương xóm Hạ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nghe thông báo nội dung cuộc họp, mọi người ai nấy đều hăm hở đến dự. Học trò của thầy cũng có khá nhiều người thành đạt. Thành nói về nguyện vọng của thầy Hiểu trước khi qua đời. Ai cũng cảm động, rồi mỗi người một ít, ai có nhiều góp nhiều, ai khó khăn thì góp ít. Số tiền cộng lại cũng đủ để để thực hiện ước mơ của thầy Hiểu. Một ban tổ chức được thành lập. Thành đảm nhiệm phần thiết kế, vì anh đang học ở Khoa Cầu đường của Đại học Giao thông Vận tải. Bà con làng Phù Lưu góp công. Hôm khai trương, cả làng tham gia vui như ngày hội. Các cụ ông thì mang bàn cờ ra tận suối vừa đánh cờ vừa động viên con cháu. Các cụ bà xóm Hạ thì đun những nồi chè xanh thật to, bát bày la liệt mấy cái bàn dưới gốc vông. Bọn trẻ thì chạy nhảy la hét ầm ĩ. Mấy tháng sau thì chiếc cầu bê tông cốt thép khánh thành. Do phải đề phòng mùa lũ nước tràn nên hai đầu được làm thêm mấy nhịp để dẫn lên, vì thế chiếc cầu cong dần lên ở mấy nhịp giữa. Nhìn từ xa thấy dáng cây cầu hơi còng còng… Ban tổ chức và dân làng quyết định lấy tên thầy Hiểu đặt tên cho cây cầu.

Bây giờ có ai đi ngược về xuôi, nếu về xóm Hạ làng Phù Lưu thì xin được nhắn rằng sẽ không phải xắn quần lội suối nữa nhé. Xe cộ cỡ bốn năm tấn cũng qua cầu vô tư. Khách lạ thì không nói, nhưng dân làng Phù Lưu và đặc biệt là học sinh của xóm Hạ, mỗi lần bước lên cầu, chiếc cầu xinh đẹp và chắc chắn, màu xám xi măng, ai cũng nhớ về người thầy giáo già đã bao năm cõng họ qua suối. Phải chăng đó là cây cầu bắc vào tình thương yêu! Có vẻ như hơi thừa đối với họ, khi hai đầu mố cầu gắn hai phiến đá đen, trên đó khắc dòng chữ vàng: “Cầu Lê Trí Hiểu”.

Nguồn Văn nghệ 2018


Có thể bạn quan tâm