April 20, 2024, 3:57 am

Cầu thang không có chín bậc

Xứ Mường, phân thứ hạng người bằng từng bậc cầu thang, có một gia đình nghèo mạt, tác giả cứ thẩn tha kể, nhẩn nha tả từng vật dụng, từng món ăn, mà như có thân phận, có thần hồn trong đó, vẽ ra cả một không gian nghèo đến thương đứt ruột gan, mà lại đậm đà nghĩa sống người Mường. Hay một gia đình nhà Lang, giàu có, quyền lực, nhưng cũng đầy bất hạnh. Giọng văn thật thà, mà thấu cảm như lội trong ruột người Mường lội ra, lần lượt phơi bày nỗi đau phận người trong trói buộc hủ tục, và cắc cớ ngẫu nhiên của chuyện yêu.

(Kiều Bích Hậu)

 

1

Bà Mon ngồi bên bậc cầu thang đầu sàn đợi ông Mon và cái Mon. Tên thời con gái của bà là Mến. Tục xứ Mường, khi có con thì gọi theo tên con cả, chỉ khi về với tổ tiên thì mới dùng lại tên cha mẹ đặt cho. Bà có con gái lớn tên Mon thì được gọi là bà Mon, còn chồng là ông Mon.

Bà Mon nhìn chiếc cầu thang có ba bậc đã cũ mòn, mặt gỗ lỏng lẻo, đặt chân lên cứ chực lật vào trong. Bà thuộc nhẵn mặt cầu thang. Từ hồi về làm vợ ông Mon, ba bậc cầu thang vẫn đấy. Có muốn thay đổi cũng không được. Luật nhà Lang mấy trăm năm đặt ra quy tắc: chín bậc là nhà Lang và thầy cúng cai quản vía của dân trong Mường, bảy bậc là nhà Ậu, năm bậc dành dân thường, mẹ góa con côi chỉ được làm cầu thang ba bậc.

Cái mặt thang trên cùng bị vỡ, vết nứt lách thớ gỗ, hạt bụi đất lặn vào làm gỗ chuyển màu đất. Cái bậc thứ hai sứt sẹo mòn vẹt, in hình bàn chân lõm xuống. Cái bậc thứ ba cách thềm đất lồi lõm bạc trắng bụi đất khoảng hơn gang tay, là cái bậc thang bị mòn vẹt nhiều nhất vì chịu nhiều ướt át, chân vừa rửa xong còn sũng nước đặt luôn lên mặt thang. Cái cầu thang ba bậc, từ ngày bà về nhà này, nay con Mon mười ba tuổi, con Điệp chín tuổi, ba bậc cầu thang chỉ có mòn thêm. May mà trời cho bà hai đứa con gái, không thì bà cũng đến chết vì buồn. Bà chưa chết vì buồn, nhưng chắc chắn là bà sẽ buồn đến chết, nếu như bà còn ngồi ở đây, bên cái cầu thang ba bậc.

Đôi mắt bồ câu thăm thẳm thờ ơ lướt từ sàn ngoài đến sàn bếp, ngôi nhà chỉ nhỉnh hơn túp lều một chút nên đầu sàn này bà Mon cũng nhìn rõ hết mấy thứ lặt vặt trong sàn bếp. Cái kiềng sắt ba chân có sau ba hôm bà về làm vợ. Ông Mon đi bộ nửa ngày sang chợ huyện bên kia sông để mua cái kiềng sắt, ông nói để cho bà dễ chụm củi nhóm lửa. Ông Mon vứt ba hòn đá đầu rau xuống cạnh cầu thang nứa ở sàn nước, bảo để kê chân cho sạch. Bà Mon không cần nhìn, quanh quẩn hàng chục năm chỗ sàn nước, bà thuộc nó không kém gì mặt cầu thang.

Cái ấm đun nước đã vá vài miếng trên thân ấm. Ông Mon khéo tay, gò đập hàn nung thế nào đó mà vá được cái ấm nhôm bị thủng. Thì cũng tại bà làm thủng ra chứ đâu. Cứ ngồi lì bên bếp, chụm củi vào đun cho nước sôi sùng sục, nước sôi chán thì cạn, khô đến đáy rồi mà lưỡi lửa vẫn đượm liếm đỏ lòe quanh thân ấm, trong khi mắt bà nhìn xa thăm thẳm vào tận ngọn xanh nhòe nhoẹt của núi Khó.

Không biết bao lần cái ấm nhôm bị lửa nung đỏ rực, cho đến khi đổ nước vào nó kêu xèo xèo, dòng nước xối thẳng xuống bếp bà Mon mới biết là ấm đã thủng. Mua cái ấm mới bằng tiền cả chục ớp măng, ông Mon hì hụi một buổi thì vết thủng được vá bằng một miếng nhôm khác. Bây giờ, tuy nước rỉ giọt ra ở chỗ vá nhưng nước vẫn sôi được.

Cái ấm tích sứt vòi, men rạn xanh dùng nuôi mẻ, bà Mon nghe ông Mon bảo cái ấm có từ đời ông bà rồi, nay thì mình cứ dùng nuôi mẻ thôi. Nhưng mẻ không ăn cũng chết, có đầy lần chẳng còn tí cơm nguội nào mà cho mẻ ăn, vài bữa quên là nó chết thối đen. Thừa chút cơm canh nào là phải cho con mèo Mướp gầy nhẳng, chưa kể phải bớt miếng cho con Mực Đốm cứ rối rít nhộn nhạo ra vào đợi ăn. Ông Mon hì hụi gây lại, món ăn nào cũng phải động đến mẻ, lắm khi đến bữa chẳng có gì ăn lại mang mẻ ra chưng với muối để nuốt trôi bát cơm độn sắn, thiếu mẻ làm sao được. Mỗi lần mở ấm tích ra cho mẻ ăn là bà Mon lại buồn nôn khi nhìn thấy nghìn vạn con bọ ngoáy tít như giòi. Bà không sao quen lại mùi mẻ, hồi mới sinh con Mon, bà bị nôn thốc nôn tháo khi nhìn vào lọ mẻ.

Cạnh lọ mẻ là cái thạp dùng muối măng chua. Chiếc thạp khum khum hình bông hoa cúc nở có hình nổi hoa cúc và đôi trai gái vừa giã gạo vừa xoắn vào nhau tình tứ, mặt gốm thô của nó loang lổ chỗ nhạt như cục đất phơi già nắng, chỗ đậm màu như bị nung quá lửa, là cái thạp này bà mang từ nhà bố máng về. Miệng thạp bị sứt một miếng nhỏ do cái lần bà Mon đánh rơi chiếc chày giã cua, bà rất hay lơ đãng kiểu như vậy.

Cái thạp dùng để ướp măng chua ăn quanh năm. Ướp măng chua ngon nhất chỉ có cây măng dang nhỏ xíu bằng ngón tay, vừa đượm vị chua không quá gắt gỏng lại có hương thơm ngọt dìu dịu của cây măng dang chỉ ăn sương muối mà bật đất chui lên. Cây dang dùng nhiều việc, chẻ nan cứng bó chổi, chuốt cật đan ớp và hộp đựng trầu cau kim chỉ cho các bà các cô, chẻ lạt mỏng dành gói bánh tày bánh uôi ngày giỗ Tết. Cây dang nhỏ như cổ tay, dẻo dai như trí lực người đàn ông, bụi dang có tay đan cài vào nhau chặt chẽ cây lớn cây nhỏ buộc dằng buộc díu, có khi chặt rời gốc rồi mà không thể kéo cây ra được. Chui vào bụi dang đào lấy cây măng đâu dễ, khi bụi dang bám bện vào nhau như bụi dây leo khổng lồ, mọc cheo leo trên sườn đồi cằn cỗi đất màu. Bà Mon gặp ông Mon chính là trong một buổi đi lấy măng dang.


Có thể bạn quan tâm