April 20, 2024, 7:32 am

Câu chuyện Xuất bản thời 4.0

Chiều 9/3/2019 tại Hà Nội, dự án “Sống - Thương hiệu sách tác giả Việt Nam” đã tổ chức toạ đàm sau một năm hình thành và phát triển, đồng thơi cho ra mắt sản phẩm iPub - nền tảng hỗ trợ kết nối xuất bản. Đây là công cụ đầu tiên ở Việt Nam giúp hỗ trợ, kết nối hoạt động xuất bản điện tử, thay thế lối xuất bản truyền thống với ưu điểm tối giản và minh bạch các quy trình xuất bản, bỏ qua các bước trung gian, đưa tác phẩm đến tay độc giả nhanh chóng… Tuy nhiên, Công nghệ có giúp khắc phục những khó khăn, tồn đọng của nền xuất bản truyền thống hay không vẫn còn cần thời gian để kiểm chứng.

Mô hình xuất bản và sự khác nhau giữa iPub và nền xuất bản truyền thống:

  • Xuất bản truyền thống: Tác giả -> NXB -> Nhà in -> Kho -> Nhà sách/Phân phối -> Độc giả
  • Công nghệ iPub: Tác giả/Bản thảo -> iPub  -> Độc giả
Ảnh internet

Hiệu ứng từ 4.0

Cách buổi toạ đàm “Sống - Thương hiệu sách tác giả Việt Nam” chưa lâu, trong một cuộc làm việc với Hội Xuất bản Việt Nam, bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) - hội sách lớn nhất thế giới – khẳng định: Tiến vào thời 4.0, chưa bao giờ nền xuất bản thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhưng đồng thời cũng biến đổi mạnh mẽ như lúc này. Đồng thời bà Claudia Kaiser cũng cho biết, hiện thế giới có bảy nước có nền xuất bản lớn nhất(chiếm đến 2/3 tổng lượng xuất bản toàn cầu) là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ấn Độ đang phải gánh chịu sự sụt giảm doanh số mỗi năm do cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Các tập đoàn xuất bản chính thống không còn đóng vai trò chủ đạo mà vai trò này đã thuộc về Facebook, Google, Amazon, Apple... - các tập đoàn truyền thông xã hội. Facebook, Google, Amazon nghiễm nhiên trở thành những nhà xuất bản lớn thế giới. Họ có ưu thế về nguồn vốn, khả năng phát hành mạnh mẽ và đặc biệt nhanh nhạy khi đưa ra các dịch vụ về sách ngày càng hấp dẫn hơn.

Câu chuyện trên cho thấy sự tác động trực tiếp của 4.0 đối với ngành xuất bản là không thể phủ nhận, không những vậy, trong một chừng mực nhất đinh nó còn đặt ra bài toán tồn tại hay không tồn tại đối với ngành xuất bản (truyền thống) nói chung và một số nhà xuất bản nói riêng nếu không nhanh chóng thích ứng với công nghệ xuất bản 4.0. Cụ thể ở Việt Nam, nếu ngành xuất bản không bắt kịp xu hướng 4.0 thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu và bị xoá tên trên bản đồ xuất bản thế giới.

Thực tế, khi xã hội phát triển, sự tham gia mạnh mẽ của công nghệ vào cuộc sống, đã tác động trở lại đến những suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân trong xã hội. Người đọc thay vì tìm đến những hiệu sách, tìm đọc những tác phẩm kinh điển hay bestseller bản in giấy truyền thống, và mất hàng giờ lật giở, thì nay đã được thay thế bằng những cuốn sách xuất bản trên mạng trong các kho sách online được cho là vô cùng tiện lợi. Đây là xu hướng mới, được cho là đáp ứng được nhu cầu đọc của độc giả, nhưng với các cơ quan quản lý, trong đó có ngành xuất bản, thì đây thực sự là áp lực lớn về kiểm soát chất lượng ấn phẩm và sự sống còn của ngành xuất bản truyền thống.

Trong khoảng thời gian để cả hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội hiểu và bắt kịp xu hướng 4.0, ngành xuất bản đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm đẩy mạnh văn hoá đọc. Trong đó đáng chú ý là hàng loạt những Ngày hội đọc sách, Ngày hội sách cũ, Ngày hội tôn vinh văn hoá đọc, Mỗi tuần một cuốn sách.v.v… được tổ chức ở khắp các tỉnh thành trong nước. Ngay việc lấy ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam, cho thấy những nỗ lực không chỉ để duy trì văn hoá đọc mà còn ổn định ngành xuất bản trước thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0

 

Biến thách thức thành cơ hội

Xuất bản 4.0 ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực văn hoá xuất bản, từ tổ chức, qua các thủ tục, truyền thông và nhân viên đến văn hoá lãnh đạo. Do đó, nó cũng kéo theo sự thay đổi trong cách nghĩ và cách làm xuất bản hiện nay . Trước hết, 4.0 mang đến cho xuất bản những cơ hội lớn. Đó là dân số thế giới tăng nhanh với số người biết đọc biết viết tăng cao. Độc giả trẻ đọc sách nhiều hơn thế hệ trước và số lượng sách dành cho đối tượng này cũng phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, khách hàng và mô hình kinh doanh. Trong hoạt động xuất bản, sự thay đổi đó đồng thời cũng làm thay đổi mô hình và quá trình xuất bản. Dễ nhận thấy, ngành xuất bản đang có bước chuyển dịch nhanh chóng sang môi trường internet, điện tử. Số hoá các ấn phẩm sách đang được các nhà xuất bản triển khai mạnh mẽ. Đi cùng với đó là công tác bản quyền cũng đặc biệt được chú trọng.

Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Alpha Books bày tỏ quan điểm của mình về việc đưa công nghệ vào ngành xuất bản: Xuất bản là ngành không thu hút đầu tư và không đem lại nhiều lợi nhuận, đó là thách thức đối với những người làm xuất bản hiện nay. Nhưng niềm tin vào những tri thức do ngành xuất bản đem lại vẫn luôn có ý nghĩa và cần thiết cho loài người đã thúc đẩy những người làm sách. Thời đại 4.0, công nghệ không phải là rào cản hay công cụ tiêu diệt ngành xuất bản truyền thống, mà là nền tảng hỗ trợ, là cánh tay vươn dài của ngành xuất bản. Việc áp dụng công nghệ vào xuất bản là một tất yếu.

Thực tế ngành xuất bản ở Việt Nam cho thấy, trung bình các nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành sách, năng lực sản xuất chỉ đáp ứng được 30% số lượng bản thảo được gửi đến, chưa kể hàng trăm công trình nghiên cứu, tác phẩm nghệ thuật có giá trị vẫn còn đang bỏ ngỏ mà chưa được giới thiệu tới công chúng. Chính vì vậy, ngành xuất bản cần phải đưa công nghệ số để giải quyết những vấn đề trên. Và nền tảng xuất bản điện tử iPub đã ra đời giúp rút ngắn quy trình và minh bạch chi phí xuất bản. Với nền tảng này, 70% bản thảo còn lại đều có những cơ hội xuất bản và đến với bạn đọc của mình một cách nhanh chóng nhất.

Đứng ở một góc tiếp cận khác, bà Nguyễn Minh Huệ - Giám đốc Nhà xuất bản Công thương cho rằng: Có rất nhiều ưu thế khi sử dụng iPub vào việc xuất bản, trong đó phải kể đến việc iPub khống chế việc vi phạm bản quyền, sao chép tác phẩm, công khai minh bạch số lượng in ấn phát hành, cũng như giá cả và lợi nhuận. Vậy nên cũng rất cần có những hành lang pháp lí phù hợp để việc đưa công nghệ vào xuất bản ở Việt Nam không gặp khó khăn.

Sở hữu iPub - công cụ hỗ trợ, kết nối xuất bản tác giả có thể: tối ưu hóa thời gian, quy trình xuất bản, đưa bản thảo đến tay độc giả một cách nhanh chóng nhất; iPub - trao công cụ hỗ trợ, kết nối xuất bản với các tính năng như: Demo dàn trang, Demo trang bìa, công cụ quản lí chi phí, doanh thu từ việc bán sách,... giúp các tác giả hoàn toàn chủ động trong việc xuất bản; iPub - khu sân chơi kết nối cộng đồng đọc và cộng đồng viết, nơi các tác giả có không gian chia sẻ kiến thức và độc giả có thể tìm ra được những nội dung, giá trị phù hợp với bản thân. Song để biến những thách thức của 4.0 thành cơ hội của ngành xuất bản, rất cần thời gian để những quy chuẩn phấp lý được kiểm chững và trở thành những công cụ bảo vệ cả người đọc, người viết và nhà xuất bản trên không gian mạng vốn được coi là vô cùng khó khăn hiện nay.

 

Box:

 

 


Có thể bạn quan tâm