March 29, 2024, 4:54 am

CÂU CHUYỆN XĂNG DẦU: Làm chủ hay chạy theo thị trường?

Không bình thường, thậm chí dị biệt là cách mà các chuyên gia kinh tế, người dân dành cho thị trường xăng dầu trong thời gian vừa qua. Không bình thường ở chỗ, các cửa hàng xăng bán tại hai thành phố lớn là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh hết xăng cục bộ, trong khi Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam đã tự chủ được khoảng 70-80% nhu cầu về lượng chất đốt. Dị biệt ở chỗ các cửa hàng tự cho mình quyền bán xăng theo định mức 30-50 nghìn đồng/ xe (đối với xe máy) từ 300-500 nghìn đồng/ xe ô tô, thậm chí treo biển hết hàng để từ chối bán. Câu chuyện găm hàng và bài toán lợi ích những tưởng đã cũ, nhưng không phải vậy, thậm chí còn chưa bao giờ hết nóng.

 

Người dân mệt mỏi xếp hàng chờ mua xăng

 

Làm chủ hay chạy theo thị trường?

Câu trả lời không khó, bởi đã có thời điểm, liên Bộ Công Thương, Tài chính đề xuất điều chỉnh giá xăng rút từ 15 ngày/ kỳ điều chỉnh xuống còn 7 ngày/ kỳ, thậm chí có ý kiến còn cho rằng có thể 1 ngày/ kỳ điều chỉnh (nếu được Chính phủ cho phép, người tiêu dùng đồng thuận). Lý do để có những đề xuất này đơn giản chỉ là thị trường xăng dầu thế giới đang không bình thường, cung nhỏ hơn cầu (do xung đột vũ trang giữa Ucraina và Nga), tác động mạnh mẽ đến thị trường xăng dầu trong nước. Để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, do xăng, dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo liên Bộ có những giải pháp tình thế để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, theo hướng giá xăng, dầu phù hợp với sức chịu đựng của đối tượng tiêu dùng, tránh tình trạng tạo cơn sốt giá diện rộng, ăn theo giá xăng. Ngay tại thời điểm Chính phủ chỉ đạo, thuế Giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu đã được điều chỉnh. Thêm vào đó, phía Bộ Công thương cũng kiến nghị Bộ Tài chính có những động thái cụ thể trong rà soát chi phí thực tế cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, từ đó tính đúng, tính đủ chi phí vận chuyển để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Và khi các giải pháp nói trên đồng loạt được thực hiện, giá xăng dầu trong nước ngay lập tức đã hạ nhiệt và trở về với mức giá ngang bằng những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (mức giao động từ 22-23 nghìn đồng/lít xăng các loại). Cuộc sống của người dân, doanh nghiệp đã bớt căng thẳng và dân trở lại với trạng thái bình thường mới. Song “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, tình trạng hết xăng cục bộ xuất hiện và tạo phản ứng dây chuyền mạnh mẽ nhất tại hai thành phố lớn là Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những cây xăng tư nhân liên tục treo biển hết xăng, nghỉ bán, khiến người tiêu dùng rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi phải xếp hàng, thậm chí dắt bộ cả chục cây số cũng không thể đổ được xăng. Cây xăng tư nhân hết xăng, nhưng những điểm bán xăng dầu trên vỉa hè vẫn có xăng để bán với mức giá “trên trời”, 40-50 nghìn đồng/ lít, đắt gấp đôi so với mua tại các cây xăng. Nhưng dù là vậy, thì không mấy người từ chối đổ xăng ở những điểm bán lẻ này, vì từ chối đồng nghĩa với việc sẽ phải tiếp tục dắt bộ để tìm địa điểm đổ xăng khác, trong khi bản thân họ cũng không dám chắc cây xăng phía trước còn hay hết hàng.

Ăn theo giá xăng dầu là một thực tế dù khó chấp nhận nhưng trong một chừng mực cụ thể (khó khăn chung của thế giới) có thể chấp nhận được. Nhưng nếu găm hàng, tạo khan hiếm giả nhằm gây sức ép để Chính phủ, liên Bộ phải điều chỉnh giá thì lại vô cùng đáng trách. Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao trong quý II. Sang đến quý III, giá lại giảm liên tục khiến doanh nghiệp tiếp tục bị lỗ. Do thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí kinh doanh trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, xăng đã 4 lần tăng giá, đi kèm với đó là những chính sách đặc biệt, chưa có tiền lệ… để đáp ứng đủ nguồn cung cho nhu cầu thị trường.

Hài hòa bài toán lợi ích

Tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đền nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, quy định về giá xăng… Đồng thời cũng đề nghị Bộ Công thương siết lại đầu mối nhập khẩu xăng dầu tránh tình trạng cấp phép tràn lan, khó quản lý. Theo số liệu của Bộ Công Thương công bố trước Quốc hội, hiện  Bộ đã cấp phép cho 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, đồng thời Bộ này cũng đã gửi công văn để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm. Lãnh đạo Bộ cũng cho biết, đã và đang chỉ đạo 2 nhà máy lọc dầu trong nước tăng năng suất lên mức thiết kế đảm bảo kế hoạch đặt ra. Cụ thể, nguồn sản xuất trong nước từ 2 nhà máy đạt 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn. Như vậy, còn thiếu 170 nghìn m3/tấn xăng, dầu các loại.

Trước đó, vào ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu theo hướng chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng khan hiếm cục bộ, bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.

Cũng tại công điện này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan. Bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Được biết, với năng lực sản xuất hiện nay, Việt Nam có thể thiếu hụt lượng khoảng 19,5 triệu tấn xăng dầu vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045. Để chủ động nguồn cung xăng dầu và điều phối nguồn hàng, việc xây dựng thêm nhà máy lọc dầu sẽ tăng khả năng chủ động nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Đồng thời xây dựng thêm các kho chứa xăng dầu để can thiệp vào thị trường. Hiện các kho dự trữ chỉ có thể cung cấp cho thị trường từ 5-7 ngày, đây là thời gian quá ngắn. Do đó, cần phải mở rộng các kho chứa đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, giúp thị trường vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh.

Những giải pháp gỡ khó cho mặt hàng xăng dầu đã có, nhưng triển khai được đến đâu còn phụ thuộc khá nhiều vào nóng, lạnh của thị trường xăng dầu thế giới. Rất khó để có thể quả quyết rằng, đã có chỉ đạo từ Chính phủ thì bằng mọi giá, doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sẽ phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường dù có bị thua lỗ. Nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường thì mệnh lệnh hành chính trong nhưng trường hợp cụ thể là bất khả thi. Với mặt hàng xăng dầu cũng vậy, để bình ổn được giá, hài hòa được lợi ích giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và với người tiêu dùng cần có những cơ chế phù hợp. Trong đó có chính sách tín dụng với gói vay tín chấp cần được bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn vay thực hiện giao dịch mua và bán mặt hàng vốn được xem là đầu vào của nhiều ngành sản xuất hiện nay.

Ổn định thị trường xăng dầu trong nước, trước mắt và lâu dài sẽ còn phải đối mặt với nhiều bất cập, nhưng nếu tìm được tiếng nói chung giữa các bên, tin rằng lời giải cho bài toán lợi ích, bình đẳng trong kinh doanh, tiêu dùng sẽ sớm được tìm ra.

Lan Phương

Nguồn Văn nghệ số 48/2022


Có thể bạn quan tâm