April 18, 2024, 2:59 pm

CÂU CHUYỆN NHỎ VỀ VẮC XIN

Trong những ngày cả nước xôn xao với những câu chuyện chưa được xác thực về chất lượng, sự ảnh hưởng của các loại vắc xin được tiêm tại Việt Nam. Thậm chí có những người, chỉ vì những ẩn ức mang tính cá nhân hay những nghi ngờ vô căn cứ lại phao tin nhảm, xuyên tạc, cắt cúp sự thật về vắc xin, lôi kéo, kích động mọi người bài trừ không tiêm một số loại vắc xin khiến chính quyền lúng túng, người dân hoang mang, để lỡ thời điểm quan trọng trang bị cho mình và gia đình một sự bảo vệ cần thiết. Thì một người phụ nữ mới ngoài 40 có cái tên khá ấn tượng là Phương Thị Lệ Hạnh ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội vẫn đầy năng lượng tham gia các hoạt động thiện nguyện, trao tặng hàng ngàn phần quà cho đồng bào nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nhưng ít ai biết rằng, để có thể tự tin tổ chức các hoạt động thiện nguyện, thậm chí lao vào tâm dịch, cuối năm 2020, khi nhận được thông tin cần người thử nghiệm vắc xin Nanocovax do công ty Nanogen phát triển ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, Phương Hạnh đã đăng ký cho gia đình mình đã tiêm thử nghiệm 2 đợt. Dù mới trong quá trình thử nghiệm, nghĩa là đối diện với nhiều yếu tố bất trắc, nguy hiểm, nhưng Hạnh vẫn quyết định tiêm, phần vì tin tưởng vào nên y học của đất nước, phần vì mong muốn nhanh chóng có được vắc xin made in Việt Nam. Cô ấy cũng chính là người phụ nữ đầu đăng ký hiến tạng cho phi công người Anh điều trị Covid tại Việt Nam. Còn trước đó, năm 2012, cô cũng là một trong những người đầu tiên tham gia thử nghiệm Vắcxin phòng cúm A (H5N1).

Một cách chân thành, Phương Hạnh chia sẻ cùng tôi rằng, các y bác sỹ, công an, quân đội… căng mình trong tâm dịch, mỗi người dân đều có thể góp một phần nhỏ cho đất nước như việc tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ, chia sẻ với lực lượng chống dịch, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch hay đơn giản “Ở nhà là yêu nước”. “Đến vắc xin thử nghiệm tôi cũng như rất nhiều người dân khác còn sẵn sàng thì hà cớ gì những vắc xin đã được cấp phép người dân lại chần chừ, lựa chọn. Theo tôi tiêm vắc xin, không kén chọn vắc xin cũng là biểu hiện của lòng yêu nước, thể hiện niềm tin vào Đảng và Nhà nước.” - Phương Hạnh khẳng định.

Từ đầu năm đến nay, sau khi đã hoàn thành 2 mũi tiêm thử nghiệm, sức khỏe ổn định, Phương Hạnh thấy mình như có thêm động lực, có thêm tấm áo giáp an toàn để có thể tiếp tục các hoat động thiện nguyện của mình. Không những thế, cô bạn này còn tuyên truyền vận động hàng chục người thân cùng tham gia thử nghiệm, đến nay tất cả đều an toàn, khỏe mạnh. Tôi thiết nghĩ, nếu không có lòng yêu nước, niềm tin vào y học nước nhà và tinh thần hi sinh, dấn thân lựa chọn việc khó, việc nguy hiểm thì sẽ khó có thể quyết đoán và chấp nhận rủi ro như cô ấy.  

Nguồn vắc xin hiện nay vô cùng khan hiếm trong khi các biến thể của viruts SarCovid-2 ngày một nguy hiểm và có nhiều biến chứng khó lường. Có được nguồn vắc xin như hiện nay là nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đồng sức, đồng lòng, chung tay đóng góp. Tiêm vắc xin là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng. Bỏ lỡ cơ hội tiêm đồng nghĩa với bỏ lỡ cơ hội được sống. Để làm sáng rõ hơn câu chuyện về vắc xin để người dân nắm được thông tin chính thống về chất lượng, độ an toàn của các loại vắc xin được Tổ chức y tế thế giới cấp phép cho sử dụng trong phòng chống dịch bệnh, chúng tôi đã tới Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng tiêm chủng, Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, tới thời điểm này trường đã tiêm được gần 100.000 liều vắc xin, trong đó có vắc xin Sinopharm của Trung Quốc tại Đại học Y Hà Nội. Bản thân PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Xuân cùng đồng nghiệp, với đặc thù nhiệm vụ của mình cũng đã sẵn sàng tiêm vắc xin Sinopharm của Trung Quốc để có thể sớm bảo vệ bản thân, gia đình và quá trình từ lúc tiên cho đến hiện nay đều có phản ứng tích cực. “Những người đã tiêm chủng sẽ an toàn hơn so với những người chưa tiêm chủng. Việc tiêm vắc xin sẽ giảm nguy cơ mặc bệnh nặng hoặc tử vong gấp 10 lần, giảm nguy cơ nhiễm bệnh gấp 3 lần. Với tôi, tôi rất tâm đắc câu nói của thủ tướng Phạm Minh Chính, “Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất” - PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Xuân chia sẻ.

Là người chủ động đăng ký tiêm vắc xin phòng covid-19 theo hình thức online, dù đã 72 tuổi, huyết áp cao nhưng ông Nguyễn Bá Minh ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội không hề e ngại hay không kén chọn vắc xin bởi với ông, được tiêm vắc xin vào thời điểm này đã là một may mắn. Dù tuổi đã cao, hôm đi tiêm trời lại nắng to, xe máy không nổ, thợ sửa không có, tắc xi không chạy, ông liền mượn xe đạp đạp xe gần 3km đến bệnh viện để tiêm theo đúng lịch hẹn. Tiêm xong nghỉ ngơi 30 phút rồi lại đạp xe về, đến thời điểm hiện tại sức khỏe của ông tốt. Sau 1 ngày tiêm ông cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, bắp tay có hơi hơi đau 1 chút ở chỗ tiêm.

 “Tôi có một phương châm như thế này về ngành y: "Tin tưởng chuyên môn". Tôi không quan trọng vắc xin nào miễn là ngành y họ nói rằng vắc xin này tiêm cho người lớn tuổi được và tiêm cho tôi được là tôi tiêm. Tôi không phải tiêm cho riêng tôi mà còn tiêm cho cộng đồng. Khi mà tôi khỏe mạnh thì tôi không sợ lây bệnh cho người khác. Được hướng dẫn, tôi đăng ký trên sổ sức khỏe điện tử gần 1 tháng và rồi cũng nhận được tin nhắn báo ngày giờ đi tiêm tại bệnh viện E. Tên thuốc cũng báo rất rõ ràng trên sổ điện tử, đến là tiêm và không có phí gì, đúng như Thủ tướng Chính phủ nói không có phí gì hết, nhà nước tiêm miễn phí cho dân. Tôi rất tin vào sự công bằng của nhà nước mình với dân trong việc tiêm vắc xin.” – ông Minh khẳng định

Tiến sĩ Nguyễn Công Luật – Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thông điệp của WHO đưa ra là: Hãy tiêm bất kể loại vắc xin nào khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh bạn, nó sẽ làm giảm nguy cơ biến thể Detal lây lan trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới. Trong giai đoạn cấp bách hiện nay, ngành y tế khuyến khích người dân chủ động đăng ký tiêm online và thực hiện các bước như cung cấp thông tin cá nhân, kê khai trên bảng đăng ký. Các thông tin được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, lên danh sách. Khi có vaccine sẽ báo cho người dân, hẹn thời gian đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

Chị Phương Hạnh và thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh tham gia vận chuyển hàng cứu trợ

Trong khi vẫn còn tồn tại số ít người dân còn chần chừ mang tâm lý lựa chọn vắc xin, thì vẫn có những người sẵn sàng tiêm thử nghiệm loại vắc xin mới. Tin tưởng tuyệt đối vào trình độ y học và nghiên cứu khoa học của y tế trong nước, chị Phương Hạnh đã tâm sự, vận động cô con gái mới 17 tuổi của mình tìm hiểu và tình nguyện đăng ký tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 được Mỹ chuyển giao công nghệ và trường Đại học y Hà Nội triển khai  3 giai đoạn thử nghiệm để nhanh chóng tiến tới sản xuất thành công vắc-xin này tại Viêt Nam, sớm tự chủ được vắc xin  phòng Covid-19. 

Tâm tư, suy nghĩ của những nhân vật được phản ánh trong phóng sự này hoàn toàn không phải là thiểu số, mà đó chính là tình cảm, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trước vận mệnh của đất nước và an nguy của đồng bào. Họ biết rõ việc tiêm phòng có thể có biến chứng, rủi ro có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng nếu không có người dấn thân thử nghiệm để tạo ra loại vắc xin hiệu quả hay chứng minh cho người dân thấy được sự an toàn, đáng tin cậy của các loại vắc xin khác nhau thì câu chuyện vắc xin sẽ mãi luôn bị hồ nghi, tranh cãi.

Một chiến lược kết hợp giữa tiêm vắc xin và các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ cùng sự hợp tác toàn cầu ở mức độ sâu sắc hơn sẽ là lựa chọn khả thi nếu muốn khống chế dịch bệnh về lâu dài. Ở nước ta, hiện tại nguồn vắc xin vẫn còn hạn chế, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, trong lúc chính phủ đang nỗ lực đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, người dân không nên có tâm lý kén chọn vắc xin, ai được tiêm thì cần tiêm ngay, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.

Thanh Hồng, một nhân viên y tế tham gia tiêm Sinopharm cho người dân thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian hoang mang, tranh cãi về chất lượng loại vắc xin này đã ghi những dòng nhói lòng trên trang cá nhân của mình: “Team mình đã mường tượng rằng thể nào cũng rất vắng hoặc thậm chí không có ai thèm đến. Nhưng khi vừa mở cổng bắt đầu làm việc, việc xảy ra ngoài sức dự liệu, số lượng người dân đến tiêm rất đông, có thể nói là đông nhất từ đầu chiến dịch tới giờ và điều ngạc nhiên nhất đó là hôm nay cũng chính là ngày mọi người xếp hành ngay ngắn nhất, không tranh giành xin xỏ, không la hét, và không nói chuyện ồn ào như các buổi tiêm loại khác. Mọi người sau khi tiêm xong đều nhẹ giọng nói lời cảm ơn. 90% nghề nghiệp được ghi trong tờ khai tiêm của hơn 500 con người đến tiêm hôm nay đa phần là: làm hồ, giúp việc, sinh viên, shipper, nội trợ, buôn bán, ve chai… Trong khi từng cá thể còn bận đồn đoán bình luận xem nên tiêm loại gì, chọn loại này, đừng chọn loại kia thâm chí lớn tiếng miệt thị, tuyên bố sẽ bài trừ những người tiêm “hàng Tàu”, gây hoang mang dư luận thì căn nhà kế bên chúng ta đang chờ từng bọc rau phân phát cứu trợ, từng lon gạo, gói mỳ cầm hơi hoặc họ chỉ cần được chọn đi tiêm thì có thể tiêm nước muối chắc họ cũng vẫn cúi gập để cảm ơn như thế.”

Giữ vững niềm tin vào Đảng và Nhà nước, thực hiện nghiêm túc mọi khuyến cáo của cơ quan chức năng và tiêm bất cứ loại vắc xin nào được WHO cho phép, nhanh chóng tìm mọi biện pháp để bảo vệ bản thân và gia đình mới là hành xử văn hóa nhất, là lựa chọn đúng đắn nhất vào lúc này. Tự bảo vệ bản thân chính là bớt đi cho Tổ quốc một nguy cơ, giảm tải cho các cơ quan chức năng một phần áp lực phải chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và dốc nhân lực, vật lực vào khoanh vùng, truy vết, cách ly. Vắc xin là tuyến phòng ngự đầu tiên trước Covid 19. Tin tưởng rằng, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự chung sức đồng lòng vượt qua gian khó của mỗi chúng ta sẽ tạo thành sức mạnh để chiến thắng đại dịch.

 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Có thể bạn quan tâm