April 26, 2024, 12:49 am

Cấp thiết gỡ bỏ những áp lực cho thầy và trò

 

       Dù Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều điều chỉnh, cố gắng trong đầu tư, song khoảng cách về hoàn cảnh, điều kiện giáo dục giữa các vùng miền của nước ta vẫn còn khá lớn. Ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, các thầy cô giáo đang phải tìm mọi cách vận động, “mời” học sinh tới trường và rồi ba, bốn bậc lớp đành học chung. Ở nhiều vùng nông thôn, các xã, các trường phải dồn chung cho học sinh đủ sĩ số. Trong lúc đó, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn, không ít lớp – nhất là ở bậc tiểu học – có trên 50 học sinh chen chúc khiến cô giáo “phát ngợp”, phải nhờ các cháu kiểm tra, quản lí nhau giúp mình…

        Vậy là mỗi nơi giáo viên, học sinh chịu một kiểu áp lực khác nhau! Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh áp lực nơi không gian thị thành ngột ngạt – ngột ngạt về môi trường sống, về không khí thở và về cả chuyện học hành. Nhiều người đã nói thật đúng rằng thi vào được một trường phổ thông chuyên, một trường thuộc tốp trên của Hà Nội, của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn khó hơn nhiều chuyện trúng tuyển một trường đại học. Thực tế đã “thức tỉnh” nhiều phụ huynh, nhiều học sinh để không cố lao kì được vào một trường đại học. Khi dành 4-5 năm tuổi trẻ, bỏ ra không ít tiền để kiếm được tấm bằng rồi xếp lại cho đẹp, dài cổ chờ việc trong cảnh thất nghiệp (có xin được cũng phải “chạy” không ít tiền) thì đúng là phải tìm cách “phát triển cuộc đời” theo một hướng khác. Không như thế, từ Tiểu học lên THCS, từ THCS thi chuyển cấp lên THPT quả là những bước “gian nan phấn đấu” của cả các em lẫn ông bà, bố mẹ. Tất nhiên đã học thì phải thi, muốn chọn thì phải qua thi. Trường càng có chất lượng cao, càng có tiếng thì thi tuyển càng nghiệt ngã. Vấn đề đáng nói ở đây là điều kiện tuyển, là cách tổ chức thi, nội dung thi. Nêu điều kiện điểm học bạ (có trường yêu cầu tất cả các môn học phải điểm 10) thì phụ huynh sẽ “chạy” học bạ, thì thầy cô cứ tìm cách cho điểm thật cao. Đề thi càng có “màu sắc riêng” của trường mình, càng gần với bài dạy của lò này lò kia thì học sinh càng phải biết “tìm đúng chỗ” mà học.

       Rõ ràng, cấp thiết phải gỡ bỏ áp lực cho học sinh, trước hết ở lối học thêm trên đây. Tôi không phản đối chuyện dạy thêm, học thêm (nó phần nào thể hiện qui luật cung, cầu trong xã hội) nhưng vấn đề là cần xác định đúng tính chất, điều chỉnh đúng mục đích của nó. Chưa gì đã luyện viết, rồi học tiếng Anh để thi vào lớp 1. Bậc Tiểu học hai buổi học ở trường mà tối về các cháu vẫn phải hoàn thành mấy loại bài. Không dạy hết trong chính khóa mà dành không ít phần cơ bản để cho buổi học thêm. Dạy và ra đề thi không hẳn theo yêu cầu phát triển năng lực mà xử lí cụ thể những mẫu, những bài luyện riêng... Những kiểu làm ấy cùng với các chiêu trò tuyên truyền quảng cáo dần dần tạo ra một hiệu ứng kiểu đám đông lan truyền. Kết quả là phụ huynh “tự nguyện”, cố xin cho con cháu mình được học thêm. Mấy năm nay các cấp quản lí của ngành giáo dục ra sức phê phán, tìm cách hạn chế, cấm dạy thêm, học thêm... song tình trạng này ở các thành phố xem chừng không hề giảm, chỉ chuyển đổi về không gian, về qui mô rồi đâu đã lại vào đấy!

        Để giảm tải áp lực trên cho học sinh cần sự chung tay của nhiều tổ chức, nhiều ngành. Chẳng hạn, cần đầu tư quĩ đất, tiền bạc để xây thêm trường học. Ở Hà Nội dăm năm lại đây, hễ chỗ nào còn hở ra ít đất là lập dự án xây nhà chung cư, chủ yếu để cùng nhau kiếm tiền, còn trường học lại chẳng xây dựng, mở rộng được bao nhiêu. Chẳng hạn là chuyện cách thức quản lí trong giáo dục để làm sao kết hợp hài hòa nhu cầu, lợi ích của giáo viên với phụ huynh, với học sinh v.v...

       Ở đây, tôi muốn nói rõ thêm cái ý thiên về chuyên môn mà trên đã nêu ra, đó là cách ra đề thi: Ở Việt Nam ta xưa nay thi thế nào thì học thế ấy. Bởi thế, đổi mới nội dung thi, cách thức thi sẽ tác động trở lại một cách trực tiếp cách học. Chúng ta đang vận động đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà với đường hướng chủ đạo là chuyển từ giảng dạy kiến thức sang bồi dưỡng năng lực, rèn luyện kỹ năng…Vậy nội dung, cách thức thi cử, đánh giá đã chuyển như thế chưa ? Có thể khẳng định rằng chưa hoặc nếu có thì cũng chưa thấy mấy ở các kì thi chuyển cấp, thi THPT Quốc gia. Tôi là người phản đối ngay từ đầu phương thức thi “hai trong một” bởi tính chất, mục đích hai kì thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng quá khác nhau. Để đạt tỉ lệ tốt nghiệp cao cho đẹp thành tích thì khó mà đánh giá đúng năng lực (để vào một ngành đại học) qua chỉ/cùng một đề thi. Đó là chưa kể đến các rắc rối, tốn kém khác về tổ chức thi, về cách và kết quả chấm thi.

      Thực tế đã phơi trắng ra những điều trên đây. Quả thật, đọc một số câu trong đề thi mà cảm thấy xấu hổ cho trình độ tú tài của nước nhà (ra đề thật dễ, thật nôm na đến thế để các em kiếm điểm mà vẫn nhiều em bị điểm liệt!). Sắp cầm tấm bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông mà trả lời về thể thơ, về các ngôn từ, hình ảnh nôm na, chẳng có mấy tính hình tượng. Đề thi ra về một sự kiện, một tác phẩm cụ thể nào đó thì hơn thua nhau là ở học có kĩ không, ôn có trúng tủ không chứ không hẳn là năng lực thực. Nhìn xuống, phần lớn đề thi vào các trường chuyên lớp chọn trong các kì chuyển cấp cũng trong tình trạng ấy. Hỏi làm sao học sinh không phải học nhiều, học ôn cho đúng lò đúng chỗ. Giữa kiến thức các em được học ở nhà trường với nội dung, yêu cầu của đề thi cách xa nhau; đề thi ít có khả năng phát hiện, đánh giá chính xác năng lực mà thiên về thuộc kiến thức một kiểu bài, một tác phẩm cụ thể, đó là nguyên nhân buộc các em phải học thêm quá nhiều. Tất nhiên, đề ra như thế nào thì trình độ chấm của giáo viên phải tương ứng. Đó là chuyện chúng tôi sẽ bàn ở một dịp khác.

          Như vậy, để giảm tải áp lực cho học sinh cần nhiều chuyện trong đó có cả ý thức, trình độ của người giáo viên. Đừng vì đồng tiền mà ép buộc học sinh, đồng thời cần cải tiến nội dung giảng dạy, cách thức đánh giá, thi cử để các em khỏi lo nhồi nhét kiến thức mà được thể hiện đúng năng lực.

         Bây giờ xin bàn về áp lực đối với chính thầy cô giáo của chúng ta hiện nay: Không khó để thấy rằng người giáo viên hiện nay đang phải chịu rất nhiều áp lực. Áp lực trong nhà trường, áp lực ngoài xã hội và áp lực ngay giữa gia đình. Trong nhà trường, đó là áp lực về quản lí, về chuyên môn. Hàng tuần, hàng tháng, hàng học kì, thầy cô cứ phải quay giữa bao nhiêu là giấy tờ, sổ sách, phải soạn giáo án mới để kiểm tra (chuyện khá hình thức bởi đã dạy mãi rồi sao không chấp nhận bổ sung, kèm thêm nơi cái đã có). Rồi đây, trước yêu cầu đổi mới, chương trình mới, chắc chắn giáo viên còn vất vả hơn nhiều trong bồi dưỡng chuyên môn, cải tiến phương pháp. Cùng với đó là áp lực về thành tích thi đua. Kết quả học tập của học sinh chỉ là một căn cứ đánh giá người giáo viên chứ đâu phải là thước đo duy nhất. Trong dạy học, lắm khi có thành tích bởi may mắn gặp một thế hệ học sinh khá (lứa này khác lứa kia), may mắn gặp được một lớp tốt, nhiều em tốt. Chẳng hạn như chúng tôi, hướng dẫn một thạc sĩ, một nghiên cứu sinh, gặp được anh chị nào thật sự có năng lực, có cố gắng thì dễ có một luận văn, luận án tốt. Nhược bằng gặp người non về kiến thức, hạn chế về năng lực thì dù người hướng dẫn có đầu tư, có vất vả gấp nhiều lần cũng chỉ được một sản phẩm mức trung bình. Vì thế, không thể chỉ qua kết quả hiện hữu của trò để đánh giá thầy mà cần chú ý nhiều hơn mức độ tiến bộ của đối tượng giáo dục. Tại sao lắm điểm 10, học bạ của đa số học sinh cứ “đỏ chói”? Tại sao trong một lớp phần lớn học sinh đều tổng kết ở mức giỏi? Đó là hệ quả của cách đánh giá giáo viên, biểu hiện của bệnh thành tích nặng nề lâu nay trong giáo dục.

          Mối quan hệ giữa thầy cô giáo với phụ huynh, với học sinh cũng là câu chuyện vừa trong nhà trường vừa ngoài xã hội. Cha mẹ học sinh bây giờ có lắm dạng, lắm quan niệm và hoặc vô tình, hoặc cố ý tạo nên áp lực đối với giáo viên. Có nhiều người “trao gửi hết niềm tin, hi vọng”, “khoán trắng” cho thầy cô khi đã chu tất mọi khoản học phí. Có những người xem con mình là “con trời” không ai được đụng đến và sẵn sàng nóng nảy “đánh lại” giáo viên. Đặt quá nhiều kì vọng vào con em, theo đuổi cái danh hão phải bằng người, hơn người, không ít phụ huynh đã tạo áp lực nặng nề lên chính con em mình. Mặt nữa, chuyện tôn trọng người học, đề cao dân chủ mà xã hội ta đang phát động khiến một số học sinh, nhất là ở các lớp lớn, sẵn sàng “lu loa” trước sự nghiêm khắc của thầy cô, thậm chí sử dụng bạo lực đối với người đang dạy dỗ mình. Tất nhiên, có nơi, có chuyện lỗi trước hết do thầy cô; song quan hệ thầy trò, quan hệ giữa phụ huynh với thầy cô giáo đang bị xói mòn, đi ngược lại truyền thống, đạo lí dân tộc, đi ngược lại tính chất nhân văn trong lĩnh vực này. Nhiều người nói nửa đùa nửa thật rằng giáo viên bây giờ luôn sợ bị đánh khi ra khỏi nhà. Ra đường thì sợ đầu gấu, du côn đánh. Đến trường thì sợ học sinh, phụ huynh đánh. Còn về nhà thầy cô có bị đánh không? Chưa hẳn là “đánh” theo nghĩa thực, nhưng vẫn bị. Đó là cái “đánh” của trách nhiệm gia đình, của cơm áo gạo tiền khi đồng lương thật hạn hẹp. Có người bảo nghề giáo viên bây giờ giàu lắm, dạy thêm mỗi tháng năm bảy chục triệu, quả có thế nhưng rất ít. Đó là chuyện ở vài thành phố lớn, chuyện với một số thầy cô dạy một số môn đông người theo học. Hãy nhìn đời sống của thầy cô giảng dạy ở nhiều môn khác. Hãy nhìn nhà cửa, sinh hoạt của đa số giáo viên ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa. Mức lương, mức sống như thế thì khó mà “vô tư” toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp.

          Chuyện về giáo dục có thể nói rất nhiều. Có nhiều vấn đề hiện nay của giáo dục không thể giải thích, giải quyết trong bản thân phạm vi ngành mà liên quan hầu như tới mọi mặt của xã hội. Trên đây chỉ xin nêu một số thực trạng để mọi người chúng ta cùng suy nghĩ. Hãy tạo ra những áp lực, đòi hỏi cần thiết bởi khi con người ở trong các tình thế, các thử thách thì mới có tinh thần phấn đấu, mới rèn luyện được bản lĩnh, ý chí. Mặt khác, hãy tìm cách gỡ bỏ đi những áp lực không đáng có. Đó là câu chuyện ở trong mọi mặt của giáo dục – từ quản lí, tổ chức đến nội dung dạy học, cách thức đánh giá, thi cử. Và đó là câu chuyện đối với phụ huynh, đối với cả thầy và trò – hai lực lượng chính của mặt trận này…

………………..

(*) PGS, TS, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.


Có thể bạn quan tâm