April 20, 2024, 10:24 am

Cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975 trực tuyến: Đã vẹn cả đôi đường?

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã chính thức triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho việc cấp phép cho các ca khúc trước 1975 tại địa chỉ dichvucong.bvhttdl.gov.vn.  Cùng với việc công bố địa chỉ trên, Bộ cũng cam kết trong vòng 10 ngày thụ lý hồ sơ , Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ thẩm định hồ sơ, nội dung tác phẩm và cấp giấy phép phổ biến tác phẩm. Trường hợp không cấp giấy phép sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do,  nhằm giảm chi phí đi lại cho đối tượng xin cấp phép, cũng như không làm tăng các chi phí xã hội khác.

Ngay sau khi thông tin nói trên được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và các trang tin điện tử, giới hoạt động nghệ thuật cho rằng, đây thực chất vẫn là việc xin - cho biểu diễn các ca khúc được sáng tác trước 1975, đồng thời quan ngại về độ chính xác trong kiểm soát thông tin qua mạng internet vốn đang tồn tại không ít bất cập hiện nay.

Cấp phép thời 4.0

Trước khi có địa chỉ dichvucong.bvhttdl.gov.vn,  việc cấp phép cho các bài hát sáng tác qua các thời kỳ được đảm nhận bởi Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) thông qua đường điện (nếu ở xa) và gần hơn thì trực tiếp mang hồ sơ đến Cục để xin và chờ được cấp phép. Đây được xem là hai hình thức duy nhất được sử dụng  để cấp phép cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật nói chung và các ca khúc sáng tác trước năm 1975  nói riêng. Tuy nhiên, việc cấp phép đối với ca khúc sáng tác trước 1975, còn được quy định tại Điều 29 Nghị định 79 nêu rõ: Tổ chức, cá nhân nào muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Hồ sơ gồm các thủ tục như: đơn đề nghị cấp phép, bản sao bản nhạc có chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả, bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của tác giả, bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bản ghi âm có nội dung tác phẩm… trở thành những thủ tục gây khó cho các tổ chức, cá nhân xin được cấp phép sử dụng tác phẩm.

Tại nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành, thậm chí trên nghị trường của Quốc hội tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khoá XIV, nội dung cấp phép tác phẩm âm nhạc  sáng tác trước 1975 và những sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam tại nước ngoài đã được bàn thảo rất sôi nổi, không loại trừ cả những ý kiến thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc cấp phép, khi cho rằng đây thực chất là một loại giấy phép con. Và nếu cần quản lý những ca khúc nói trên thì chỉ nên đưa ra một danh sách cấm các bài hát sử dụng, phổ biến là vẹn cả đôi đường. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quản lý chuyên ngành, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch quan ngại sẽ nảy sinh sự tò mò của người nghe về nhưng ca khúc bị cấm, đại loại như vì sao bị cấm, cấm do nội dung tác phẩm hay cấm về nhân thân tác giả - cha đẻ của tác phẩm đó. Và câu chuyện cấp phép ca khúc vì vậy vẫn cứ quẩn quanh  với những thủ tục hành chính và không thể  hạn chế tình trạng xin - cho trong lĩnh vực quản lý văn hóa nghệ thuật.

Nhờ có hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ dichvucong.bvhttdl.gov.vn, tổ chức và cá nhân xin cấp phép có thể đăng ký hoặc đăng nhập (trường hợp đã đăng ký tài khoản trên hệ thống) và gửi đơn, hồ sơ, tài liệu điện tử theo mẫu được niêm yết (có thể tải về từ hệ thống). Thông tin về quá trình giải quyết hồ sơ sẽ được cập nhật trực tiếp trên trang dịch vụ công để Công dân biết. Khi hồ sơ hợp lệ và đầy đủ điều kiện giải quyết, Công dân sẽ nhận được thông báo về thời gian giải quyết hồ sơ.

 

Và bao giờ quản dòng nhạc thị trường?

Áp dụng dịch vụ công trực tuyến  trong cấp phép ca khúc trước 1975 dù được nhà quản lý coi là đã vẹn cả đôi đường, nhưng thực tế vẫn còn không ít băn khoăn cho đối tượng xin cấp phép. Đặc biệt với trình độ còn hạn chế của không ít công chức trong bộ máy hành chính công hiện nay. Sự lo ngại này không phải không có căn cứ, bởi trước đó, ngay tại Cục nghệ thuật biểu diễn một danh sách các tác phẩm sáng tác trước năm 1975 bị cấm biểu diễn được đăng tại trên trang tin điện tử của Cục khiến công chúng và giới nghệ thuật xôn xao như: Thời hoa đỏ, Nối vòng tay lớn. Và để sửa sai cho sự nhầm lẫn nói trên, Cục đã cho rằng đó là do hạn chế của cán bộ khi thao tác trên máy tính.

Nhầm lẫn rồi cũng nhanh chóng được  sửa lại cho đúng, nhưng nó cho thấy vẫn còn có những lỗ hổng trong quy trình quản lý, cấp phép ca khúc hiện nay. Và cho dù có đi tắt đón đầu 4.0 thì những lo lắng nói trên vẫn không vì thế mà tạm lắng xuống.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cam kết, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục sẽ thẩm định hồ sơ, nội dung tác phẩm và cấp giấy phép phổ biến tác phẩm. Trường hợp không cấp giấy phép sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Đây dù sao cũng được xem là những động thái tích cực của cơ quan chủ quản. Bởi trước nay, việc cấm là cấm không nêu lý do vẫn tồn tại trong việc cấp phép ca khúc. Nhiều đơn vị chỉ nhận được lệnh cấm mà không biết lý do vì sao không được biểu diễn ca khúc , nên tâm lý bất an, thậm chí ấm ức là điều dễ nhận thấy tại không ít các gamshow ca nhạc hiện nay.

Sử dụng mạng internet để giải quyết dịch vụ công vốn không mới đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế hiện nay, nhưng đối với lĩnh vực văn hoá thì vẫn còn là mới mẻ, và nó cũng cho thấy sự nỗ lực của Bộ chủ quản. Song, vẫn còn không ít băn khoăn khi việc cấp phép chỉ được áp dụng cho ca khúc sáng tác trước 1975 và các ca khúc của các nhạc sĩ Việt Nam tại nước ngoài mà không áp dụng cho ca khúc nhạc trẻ hiện nay. Ngay cả khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: "Các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác". Thì từ đó đến nay, các nghị định liên quan đến vấn đề biểu diễn vẫn còn hiệu lực nên việc cấp phép ca khúc vẫn được áp dụng.  Song, lại bỏ ngỏ với dòng nhạc thị trường với những ca từ được bê nguyên xi ngôn ngữ đời thường đang làm méo mó đời sống âm nhạc hiện nay. Nhưng lại đang được một phần không nhỏ giới trẻ cổ suý và tiếp nhận coi đó là tuyên ngôn nghệ thuật của giới trẻ hiện nay. Có thể kể ra đây những ca khúc Như cái lò. Đây là sản phẩm tiếp theo gây xôn xao thị trường âm nhạc Việt của nhạc sĩ được mệnh danh là hit maker (người tạo hit) Khắc Hưng. Sản phẩm này nhận 19.000 lượt dislike (không thích), cao gần gấp đôi like (thích). Trong khi đó, hầu hết bình luận đều là chê trách, bày tỏ sự thất vọng, thậm chí nặng nề “ném đá” ê-kíp thực hiện. Tiếp đến là O mai chuối ra đời vào tháng 7/2014, Oh My Chuối bị chỉ trích dữ dội, thậm chí, nhiều người đánh giá đây chỉ là sản phẩm rẻ tiền. Đáp lại phản ứng tiêu cực của người xem là thái độ hờ hững của Sĩ Thanh. Cô cho biết đây chỉ là sản phẩm tặng fan nên không quá bận tâm đến lời khen chê.

Nhưng rõ rang, dù tồn tại dưới hình thức nào, thì những ca khúc nói trên vẫn được công diễn một cách công khai trước bàn dân thiên hạ. Và những tác động của nó không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ về thị hiếu âm nhạc của giới trẻ hiện nay.

Quay trở lại với việc cấp phép ca khúc qua dịch vụ công trực tuyến, dẫu biết sẽ giảm sự phiền hà cho người xin cấp phép,  nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết những tồn tại của việc cấp phép cho ca khúc. Bởi không biết ca khúc nào bị cấm để không đưa vào danh sách xin phép. Theo nhạc sĩ Phan Phương, điều kiện căn bản là Cục Nghệ thuật biểu diễn, hay  Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch phải cập nhật đầy đủ công khai danh sách các ca khúc đã được cấp phép, tránh làm khó tác giả, gia đình tác giả, người sở hữu tác phẩm hoặc các đơn vị tổ chức biểu diễn xin cấp phép lại nhiều lần. Và với việc công bố địa chỉ dịch vụ công trực tuyến nói trên Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch vẫn duy trì quy định cấp phép các sáng tác trước năm 1975 ngay trong thời điểm hiện tại. Và quy định này sẽ không có gì thay đổi cho đến cuối năm 2018.

Hẳn sẽ có bất cập trong cấp phép điện tử, nhưng vạn sự khởi đầu nan, chúng ta cùng chờ đợi những thay đổi có lợi cho công chúng yêu nghệ thuật sẽ đến từ những đổi mới mà các cơ quan quản lý tự tin là đã “vẹn cả đổi đường”.

Nguồn Văn nghệ số 47/2018


Có thể bạn quan tâm